Nguyễn Phúc Xuân Lê và tình yêu nhiếp ảnh

Trong cảm nhận của tôi, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Nguyễn Phúc Xuân Lê là một người phụ nữ vui vẻ, cởi mở và tấm lòng nhiệt huyết trong sáng tác. Qua các tác phẩm của chị, tôi được chiêm ngưỡng nhiều hình ảnh đẹp của con người, phong cảnh ở nhiều vùng đất, địa phương của đất nước.

 

NSNA Xuân Lê sinh năm 1955, là một người sẵn có năng khiếu nghệ thuật. Từ khi còn thơ bé chị đã có thiên hướng với nghệ thuật khi theo học nhạc cụ dân tộc, chuyên ngành đàn thập lục tại Học viện Âm nhạc Huế. Sau 11 năm học tập, chị dời mái trường nghệ thuật về đứng trên giảng đường dạy học tại Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghĩa Bình. Sau đó, chị trở về Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế công tác, đây cũng là nơi ba của chị làm Giám đốc với nhiều năm nỗ lực cống hiến. Tại nơi làm việc mới này, chị vừa làm tư liệu, vừa mang đến cho du khách những cảm nhận vui tươi khi được “hóa thân”, khoác trên mình những bộ trang phục vua, chúa. Được tiếp xúc với nhiều người đến từ mọi miền đất nước, đồng thời được ngắm nhìn họ qua các các khung hình, tình yêu nhiếp ảnh đã dấy lên và ngày càng mãnh liệt trong chị. Đến khi được nghỉ hưu, sự yêu thích đó đã “bùng cháy” và thôi thúc chị lên đường thực hiện niềm mơ ước của mình. Cũng từ đó, trên mọi nẻo đường xa xôi, chị không chỉ có những người “cùng chí hướng” mà còn có chiếc máy ảnh luôn là người bạn đồng hành cùng chị. 

Là người con xứ Huế, đồng thời còn là người con gái thuộc dòng dõi hoàng gia, nên tình yêu chị dành cho mảnh đất “mộng mơ” thật sâu đậm. Khi chiêm ngưỡng tác phẩm của nghệ sĩ, người xem có thể cảm nhận được tình yêu chị dành cho mảnh đất này, đó là hình ảnh của Ngọ môn khi vào đêm, cùng với ánh sáng vàng ấm áp, soi bóng xuống dòng sông càng làm tăng thêm vẻ đẹp kiến trúc đặc sắc và tiêu biểu của xứ Huế; hay vẻ đẹp của Cầu Tràng Tiền, không chỉ là một công trình giao thông mà còn là nhân chứng gắn với bao đổi thay lịch sử của vùng đất cổ kính cùng với cây phượng Quốc Dân với những đóa hoa đỏ rực mỗi khi hè về; được xem lại nghi thức lễ lớn và quan trọng trong các triều đại xưa với nghi lễ Thiết triều; vẻ đẹp xưa cũ, nhuốm màu thời gian với nét kiến trúc độc đáo, cảnh quan hữu tình mang nét thôn quê bình dị của Cầu ngói Thanh Toàn

Cầu Tràng Tiền

Không chỉ thuộc “nằm lòng” các địa danh, tập tục, sinh hoạt của người dân xứ Huế, chị còn hiểu biết kỹ từng công đoạn sản xuất của nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Những hình ảnh đó đã được chị “ghi” lại bằng nhiều góc máy, vì thế càng trở nên lung linh và gần gũi lạ thường. Rất nhiều ngành, nghề truyền thống đã được hiện lên trong sáng tác của NSNA Xuân Lê một cách sinh động và đặc sắc như: nghề làm nón bằng lá bàng trong Chằm nón lá bàng; những bông sen với nhiều sắc trở nên sống động qua đôi bàn tay của Nghệ nhân làm hoa sen giấy; nghề Làm hoa giấy Thanh Tiên với nhiều công đoạn, công sức để có những bông hoa rực rỡ phục vụ người dân nhằm dâng lên ông Công, ông Táo ngày 23 tháng Chạp; hay sự miệt mài của người dân Gói bánh Tét vào dịp lễ Tết cổ truyền của dân tộc…Thông qua các tác phẩm, NSNA Xuân Lê mang đến cho người xem những câu chuyện dung dị, đời thường, hết sức gần gũi. Trong mỗi khung hình, không chỉ có bố cục chặt chẽ, màu sắc hài hòa, kỹ thuật nhuần nhuyễn, mà chị đều có sự đầu kỹ lưỡng từ chi tiết, đường nét đến hành động của nhân vật. Điều đó thể hiện sự nghiêm túc trong sáng tác cũng như vốn sống dồi dào và sự hiểu biết sâu rộng của người nghệ sĩ. 

Bên cạnh tình yêu dành cho mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” mang nhiều dấu ấn lịch sử, NSNA Xuân Lê còn yêu thích khám phá nhiều vùng đất ở miền Trung, miền Nam và cả miền Bắc. Đặc biệt, phong cảnh, cuộc sống, bản sắc văn hóa và các bộ trang phục của dân tộc Lô Lô Hoa, Lô Lô Chải, B’ Lao… vùng Hà Giang, Tây Bắc đã cuốn hút chị. Vì thế, có rất nhiều tác phẩm nhiếp ảnh được chị sáng tác tại đây và cũng là mảnh đất mang đến cho chị nhiều kỷ niệm. Vì thế, từ năm 2005 đến nay, năm nào chị trở lại với miền sơn cước này. NSNA Xuân Lê nhớ lại: “Những ngày đầu tiên đến với vùng đất này là năm 2005, lúc đó tôi đi xe mô tô vượt qua mấy ngàn cây số từ Tây Bắc qua Đông Bắc đến địa phương của người dân tộc Cờ Lao. Chặng đường đó tôi gặp khá nhiều khó khăn, xuất phát từ Điện Biên lúc 5h30 sáng, tới Lai Châu là 18h, quá trình di chuyển gặp phải sạt lở đất nên phải chờ đợi dọn đường mới tiếp tục cuộc hành trình. Sau đó, tôi lại quyết định đi SaPa bằng đường đèo, đi xuyên đêm, đến 1h sáng hôm sau mới đến nơi. Đoàn chúng tôi lúc đó vừa đói, vừa mệt, nhưng vì sớm quá nên không tìm được chỗ ăn. Mặc dù chuyến đi đầy gian nan nhưng đã để lại trong tôi nhiều dấu ấn khó quên. Vẻ đẹp của núi non, cánh đồng và sự chân chất, dễ thương của con người nơi đây, đã giúp cho tôi có được tác phẩm ưng ý. Những bức ảnh đó đã giúp tôi giành được nhiều giải thưởng cao trong nước và quốc tế. Với những kỷ niệm đẹp đó, nên hàng năm, tôi đều trở lại với vùng đất xinh đẹp này vào các dịp mùa nước đổ, lúa chín và dịp Xuân về”.

Nghệ nhân làm hoa sen giấy

Là một trong hai nữ nghệ sĩ nhiếp ảnh duy nhất của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tại tỉnh Thừa Thiên Huế, chị vẫn đang lặng lẽ, âm thầm cống hiến với tinh thần đầy nhiệt huyết. Những chuyến đi, về sáng tác đã giúp chị thỏa sức đam mê và có thêm nhiều người bạn cùng chung sở thích đối với môn nghệ thuật ánh sáng. Những ngày đầu năm 2022, với chuyến hành trình đến với Tây Bắc chúc chị có thêm nhiều tác phẩm ưng ý cũng như ngày càng thành công trên con đường chinh phục nghệ thuật nhiếp ảnh. 

NGỌC BÍCH

Ảnh: XUÂN LÊ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;