Nhà viết kịch Minh Nguyệt: Cả tấm lòng gửi gắm vào tác phẩm

Nhà viết kịch Minh Nguyệt sinh năm 1970, ở Quỳnh Đôi - Quỳnh Lưu - Nghệ An, hiện công tác tại Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bắt đầu viết kịch bản sân khấu từ năm 2017, trong khoảng 4 năm, chị đã có nhiều vở kịch được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng trên các sân khấu lớn, được chuyển thể sang chèo, cải lương, kịch hát dân ca, được đánh giá cao ở các kỳ liên hoan sân khấu gần đây. Đặc biệt tại Liên hoan kịch nói Toàn quốc năm 2021, chị có tới bốn kịch bản được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng…

 

Thưa nhà viết kịch Minh Nguyệt. Tình bạn và công lý, Cuộc chiến COVID, Áo khoác da người, Vụ án am Bụt mọc, Trái tim thành phố, Vầng sáng, Mong manh vùng sáng tối là những vở diễn được các đơn vị nghệ thuật dàn dựng từ kịch bản của chị trong hai năm trở lại đây. Đặc biệt, năm 2020, kịch bản Vụ án am Bụt mọc có tới 3 đơn vị nghệ thuật cùng dàn dựng dưới dạng kịch nói, chèo và kịch hát dân ca. Là người sáng tác, chị cảm thấy hài lòng với kịch bản sân khấu nào của mình nhất? 

Trước khi viết một kịch bản tôi thường tư duy về cốt truyện khá lâu và trăn trở, đau đáu trước những điều mình muốn chuyển tải. Cùng với đó là việc nghiên cứu, tìm hiểu tư liệu ngoài đời và trên sách vở, báo chí. Một vở kịch có thể suy nghĩ đến 3-4 tháng hoặc nửa năm, sau đó tôi tìm ra được hướng giải quyết rồi mới đặt bút viết, bằng cả trái tim và tấm lòng của mình gửi gắm vào tác phẩm. Vì thế nếu nói là mình hài lòng với kịch bản nào nhất thì thật khó. Nhưng kịch bản ấy có được các đoàn nghệ thuật lựa chọn dàn dựng hay không thì còn tùy vào sự may mắn nữa. Điều quan trọng nhất là khi một vở kịch khép lại thì cảm xúc trân trọng, biết ơn giữa tác giả, đạo diễn, tập thể nhà hát sẽ làm nên nét đẹp văn hóa của các nghệ sĩ.

Ở các bản dựng (dưới hình thức kịch nói hay chèo cải lương, kịch hát dân ca), chị có điều gì không thoải mái khi kịch bản của chị có những thay đổi, được đạo diễn sáng tạo thêm hay cắt bỏ bớt, hoặc vở diễn không lột tả hết được chiều sâu kịch bản? 

Nhìn chung, các vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của tôi đều có sự cộng hưởng sáng tạo giữa tác giả và đạo diễn. Có những lớp diễn tôi thật sự khâm phục, tâm đắc với sáng tạo của đạo diễn, cũng có những lớp diễn cảm thấy nuối tiếc. Người viết bao giờ cũng muốn bảo lưu những gì mình viết ra, đó là lẽ thường. Nhưng về cơ bản là tôi hài lòng, vì các vở diễn đã truyền tải được những vấn đề nóng của cuộc sống, hiệu ứng khán giả tốt, qua đó thấy được sự tâm huyết làm nghề của các đoàn nghệ thuật. Qua đây, tôi cũng được xin gửi lời tri ân tới tất cả các động nghiệp đã dàn dựng những kịch bản tâm huyết của mình.

Nhân vật chính trong kịch bản của chị đều là nhân vật chính diện, có quyền và khả năng cầm cân nảy mực, điều chỉnh và giải quyết các mâu thuẫn. Còn các mẫu hình nhân vật phản diện, nhân vật đa nhân cách tôi chưa thấy có trong kịch bản của chị. Tại sao vậy?

Tôi rất muốn xây dựng nhân vật chính là nhân vật phản diện. Nhưng hình như điều này có những khó khăn, tế nhị và chưa được các nhà hát dễ dàng đón nhận. Thường họ vẫn thích các nhân vật chính diện hơn. Tôi nghĩ trong tương lai gần tôi sẽ viết một vở kịch mà nhân vật chính là nhân vật phản diện. Cả mẫu hình nhân vật đa nhân cách nữa. Trong cuộc sống mọi vấn đề đều có thể xảy ra. Quan trọng là chúng ta khai thác như thế nào. Mỗi người chúng ta khi sinh ra trong cuộc đời đã là nhân vật chính của chính mình rồi. Chẳng có khó khăn nào ngăn cản mình viết về những điều đó. Chỉ có điều là mình sẽ cố gắng tìm hiểu sâu hơn, tiếp xúc nhiều hơn, tư liệu nhiều hơn và có thực tế nhiều hơn. 

Chỉ trong vòng 4 năm mà đã chị gặt hái được rất nhiều thành công. Chị có cảm nghĩ thế nào với những thành quả mình có được?

Thực sự tôi đã rất cố gắng và trách nhiệm. Điều mà tôi cảm thấy hạnh phúc là khi được chứng kiến những vai diễn hết mình của diễn viên trên sân khấu, khóc cười, khổ đau, hạnh phúc cùng với nhân vật mà mình gửi gắm. Khi được xem những lớp kịch tâm đắc, trong lòng tôi dậy lên niềm biết ơn chân thành tới đạo diễn, diễn viên và toàn thể các nghệ sĩ tham gia vào vở diễn, đặc biệt là lãnh đạo các nhà hát đã tạo điều kiện cho vở diễn được ra mắt, biết ơn khán giả đã đón nhận, ủng hộ. Tôi cũng giữ trong ký ức cả niềm vui, nụ cười và những giọt nước mắt hạnh phúc của diễn viên khi nhận được các giải thưởng trong các cuộc liên hoan sân khấu.

Nhà viết kịch Minh Nguyệt (thứ 2 từ phải qua) cùng các đồng nghiệp

Khi nói đến các tác giả nữ, thường người ta hay nghĩ đến các tác phẩm về tình yêu, về hạnh phúc gia đình, lứa đôi. Còn chị cứ trăn trở cứ đau đáu với những vấn đề thế sự. Xin chị cho biết những nguyên nhân nào hình thành nên những cảm hứng ấy ở chị? 

Thực ra những điều trăn trở qua trang viết của tôi cũng xuất phát từ công việc tôi đang làm. Đó là chính sách đối với người có công. Rất nhiều lần tôi đi viếng các nghĩa trang liệt sĩ. Từ Bắc vào Nam, những nghĩa trang lớn như nghĩa trang Vị Xuyên, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9, nghĩa trang Việt Lào... Trước ngôi mộ các liệt sĩ tôi cảm thấy rất xúc động. Và đặc biệt tham dự nhiều cuộc đón hài cốt liệt sĩ. Có những đợt đón về bốn, năm chục hài cốt không có tên, chưa xác định được tên. Những lần ấy tôi đều khóc - khóc cho những người mẹ, khóc cho những người lính không trở về. Những đợt đón thương binh nặng, khi bước vào hội trường Bộ Quốc phòng, mấy chục con người không ai còn lành lặn thân thể. Xuất phát từ những điều ấy thúc giục tôi phải sống xứng đáng hơn với tổ tiên với cha anh mình, sống xứng đáng hơn với vị trí của mình. Tôi nghĩ bên cạnh việc làm tốt chuyên môn, tâm huyết với chuyên môn thì mình cầm bút viết, viết nên những điều tốt đẹp, viết nên những điều đáng phê phán. Và cùng với hàng triệu người dân yêu nước khác, chúng ta sẽ cùng xây dựng một xã hội tốt đẹp cho thế hệ con cháu.

Kịch bản là xương sống của vở diễn. Thực tế cho thấy rằng, ngành sân khấu đang thiếu tác giả kịch bản, đặc biệt là các tác giả quan tâm đến đề tài đương đại. Chị nghĩ sao về vấn đề này?

Nếu sân khấu chỉ nói về những chuyện riêng tư của con người, bỏ rơi sứ mệnh của mình là phản ánh hiện thực lớn của đất nước, nói lên tiếng nói của nhân dân trước những vấn đề xã hội, vừa có tính giáo dục vừa có tính dự báo… thì khán giả sẽ không còn mặn mà nữa, và lúc ấy sân khấu sẽ khó bảo vệ được nền tảng văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nhân cách người Việt - một vũ khí rất sắc bén trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà cha ông ta đã sử dụng rất hiệu quả. Để cổ vũ sáng tác kịch bản nói chung và kịch bản mang hơi thở đương đại thì rất cần có sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý văn hóa đến các nhà hát về việc sử dụng các kịch bản được sáng tác trong những năm gần đây. Từ đó, sẽ xuất hiện nhiều vở diễn mới, thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới của loại hình nghệ thuật sân khấu, nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng, của nhân dân đối với mặt trận văn hóa trong thời đại mới. 

Xin cảm ơn nhà viết kịch Minh Nguyệt về cuộc trò chuyện này.

NAM PHƯƠNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;