Cánh chim cô đơn nhớ mặt trời

Những năm 90 của thế kỷ trước, Lê Vi là một cái tên khá quen thuộc với khán giả, đặc biệt là khán giả yêu điện ảnh. Rời bỏ “cuộc chơi” nghệ thuật để chuyên tâm cho gia đình ở thành phố Amboise (Pháp), nữ nghệ sĩ của điệu múa Chim công nổi tiếng một thời nay như một “cánh chim cô đơn” nơi đất khách, lúc nào cũng nhớ mặt trời nơi xứ sở nhiệt đới quê nhà. Nhưng dù đi xa, đôi khi Lê Vi vẫn trở lại với khán giả quê hương, trong những chuyến về thăm nhà chớp nhoáng tranh thủ đóng phim.

Với vẻ đẹp mặn mà thuần chất Á Đông, Lê Vi rất hợp với những vai diễn mang nhiều thân phận. Sở trường của chị cũng chính là khai thác vẻ đẹp nội tâm ẩn sâu trong tâm hồn những người phụ nữ. Gần 20 năm theo chồng xa xứ, Lê Vi vẫn luôn thủy chung với mái tóc dài đen nhánh và thường xuất hiện nền nã trong tà áo dài trên trang facebook cá nhân. Những dòng chia sẻ của chị cũng cho thấy vẹn nguyên những tinh tế, dịu dàng của cô gái Hà Thành bên cạnh nét lo toan, vén khéo của một phụ nữ Á Đông cho gia đình nhỏ của mình. Ở vào tuổi “tri thiên mệnh”, chị đã tìm được sự an lạc trong tinh thần với suy nghĩ: “Sống giản đơn, bình dị thì tinh thần thư thái tự nhiên sẽ tìm đến”.  

Năm 1996, tôi gặp Lê Vi khi chị vừa đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc cho vai diễn trong phim Cây bạch đàn vô danh, chị đã trải lòng mình với tâm sự tự đáy lòng - cho những nhân vật mà chị hóa thân. Rằng “không nên nhìn con người một chiều và cũng không nên quá khắt khe với phụ nữ. Người phụ nữ nào cũng có những khát khao, mong muốn tuy rằng không phải ai cũng được toại nguyện. Xưa nay trong phim người ta thường xây dựng những nhân vật phụ nữ một chiều. Bây giờ là lúc phải dựng nên những chân dung phụ nữ như chính họ ngoài đời với những rung động, những khát khao mong muốn rất người. Có những người phụ nữ cam chịu một cuộc sống không như mình mong muốn vì nhiều điều ràng buộc khác. Nhưng cũng có những người dám mơ ước và dám sống như mình muốn”. 

Và chị đã trả lại cho những nhân vật của mình một đời sống nội tâm đúng như họ giữa cuộc đời bằng diễn xuất nội tâm sâu sắc và ánh mắt ám ảnh. Lê Vi có một lối diễn bằng mắt thật bản năng mà chị luôn biết cách sử dụng thật đắc địa cho mỗi tình huống biểu cảm của nhân vật. Dù sinh ra và lớn lên ở thành thị nhưng típ nhân vật gắn liền với tên tuổi Lê Vi chính là những phụ nữ nông thôn mang trên mình dáng dấp thuần Việt. Bất luận hạnh phúc riêng tư rất êm đềm, chị luôn cuốn hút khán giả bởi số phận của những phụ nữ mà nét đa đoan không chỉ ở số phận trắc trở mà còn ở ánh mắt trĩu nặng nỗi niềm.

Đã lâu Lê Vi không trở về nước đóng phim. Sau phim điện ảnh Trăng trên đất khách, chị hầu như chỉ đóng phim truyền hình. Vai diễn gần nhất của chị trên màn ảnh nhỏ cách đây đã 10 năm. Đó là vai Tình trong Hai phía chân trời (đạo diễn Quốc Trọng - Vũ Trường Khoa) - bộ phim truyền hình về người Việt xa xứ ở Đông Âu, những lăn lộn cực nhọc trong cuộc sống mưu sinh, những số phận trắc trở, những cuộc tình trái ngang của họ. Cũng là một người Việt xa xứ, Lê Vi là cái tên được êkíp thực hiện “chấm” ngay tức khắc cho bộ phim về cộng đồng kiều bào. Sau khi đọc kịch bản, chị đã nhanh chóng nhận lời bởi vai diễn nhiều số phận và nỗi nhớ nghề thôi thúc. Chị thu xếp việc nhà, bay sang Cộng hòa Séc, đảm nhận một trong những vai chính, một thân phận éo le chẳng may trôi dạt sang xứ người. 

Ba chị em Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi chụp ảnh cùng bố - nghệ sĩ Trần Tiến

Tình là một người phụ nữ đẹp có số phận đầy bi kịch. Bỏ lại chồng và hai con trai ở quê nhà, cô đưa con gái sang nước ngoài mong kiếm được một khoản tiền rồi quay về đoàn tụ với gia đình. Nhưng rồi những éo le của số phận đã khiến Tình phải chấp nhận ở lại làm vợ một người đàn ông ngoại quốc… Tình được đánh giá là một trong những vai diễn khó, nhiều đất diễn nhưng nội tâm phức tạp. Dù đã lâu không đóng phim nhưng diễn xuất của Lê Vi vẫn được đánh giá là chuyên nghiệp. Trong dáng vóc của một phụ nữ tuổi không còn trẻ nữa, ánh mắt trĩu nặng những ưu tư, Lê Vi hóa thân trọn vẹn vào nhân vật với những dằn vặt, hối tiếc, phân thân giữa bên tình bên nghĩa, chông chênh sống giữa đất khách và quê nhà.

Dẫu cũng xa xứ như Tình nhưng Lê Vi có cuộc sống riêng tư trọn vẹn và đủ đầy. Chị chia sẻ với Tình những đau đáu cho người ở lại, khi Tình luôn nặng lòng về chồng và hai đứa con nơi quê nhà, còn chị, khi dứt áo ra đi theo chồng luôn khóc trong lòng mỗi khi nhớ tới cha mẹ. Chị từng tự trách mình bất hiếu khi bỏ lại cha mẹ già để ra đi, dù khi ấy chị vẫn tự nhủ lòng rằng chỉ là chuyến đi ngắn ngày, rồi chị sẽ trở lại. Nhưng rồi ngày về xa ngái bởi chị không đành bỏ lại một nửa cuộc đời của mình nơi đất khách. Những níu giữ quá khứ bằng cách chỉ làm thẻ tạm trú, không nhập quốc tịch Pháp hay xin nghỉ không lương ở Nhà hát Nhạc nhẹ T.Ư rốt cục chỉ là cách để chị tự an ủi lòng.

Lê Vi là thế, chị luôn diễn bằng bản năng trời phú, bằng một trái tim nhạy cảm và tâm hồn đa đoan. Dù bây giờ chị đang hạnh phúc viên mãn bên chồng và ba con tại thành phố du lịch Amboise nước Pháp nhưng chị vẫn mang trong mình “hồn vía” của một người phụ nữ thuần Việt. Những nhân vật đáng nhớ nhất của chị, từ phim Giải hạn, Cây bạch đàn vô danh đến Miền quê thức tỉnh đều là những người phụ nữ nông thôn mà ẩn dưới vẻ thuần hậu đậm chất Á Đông là một trái tim mạnh mẽ. Những người phụ nữ với rung động, khát khao mong muốn rất đời và dù vẫn gánh vác gia đình, vẫn chịu đựng và hy sinh vì người thân nhưng họ cũng dám trả giá cho hạnh phúc. 

Nếu trên màn ảnh, Lê Vi khắc họa chân dung những phụ nữ dám từ bỏ tất cả để nghe theo trái tim mình thì ngoài đời chị cũng vậy. Chị đã can đảm giã từ khi sự nghiệp đang ở đỉnh cao, dằn lòng chịu cảnh biệt ly dẫu rằng luôn đau đáu mong ước đoàn viên với đại gia đình của mình. Tất cả chỉ bởi vì “Hạnh phúc thực sự của người phụ nữ là được sống vì chồng, vì sự thành đạt của người đàn ông mình yêu”. Nên Lê Vi đã chọn con đường chia tay nghệ thuật, sang Pháp chăm lo cho chồng con, “trả nợ” cho 10 năm hi sinh của chồng. Chị bảo rằng đức hy sinh cho gia đình ấy, chị học được từ mẹ - người mà chị nhất mực yêu thương.

Lê Vi và Xuân Bắc trong Hai phía chân trời

Và cho đến bây giờ, khi đã ở vào độ tuổi đằm sâu, chị biết rằng mình đã làm đúng khi chọn đúng điểm dừng. Sự lựa chọn đó có thể sẽ khiến mọi người nhớ đến mình nhiều hơn bởi trong nghệ thuật, sớm hay muộn thì cũng có lúc phải quyết định dừng lại dù chị đã phải dùng nghị lực rất lớn để có quyết định đó.

Giờ đây chị cảm thấy thanh thản vì “nghĩa vụ làm con không đặt ở đây thì đặt ở nơi khác, có những người cha người mẹ luôn cần có mình” và chị đã chăm sóc cho bố mẹ chồng như là bố mẹ mình. Với Lê Vi bây giờ, hạnh phúc gia đình là tất cả. Chị thỏa mãn với cuộc sống hiện có mà không đòi hỏi những thứ ngoài tầm với. Mà với chị, thì “thứ ngoài tầm tay bây giờ là sống như ở bên đó và làm nghề như ở đây”. Thế nên bất cứ khi nào có thể, chị đều trở lại với màn ảnh như là một cách để nguôi đi nỗi nhớ nghề. 

Bà Lê Mai kể rằng, trong ngôi nhà của Lê Vi ở luôn treo bức ảnh chân dung đại gia đình, gồm ông bà Trần Tiến - Lê Mai, gia đình ba chị em Lê Vân - Lê Khanh - Lê Vi như là ước mơ muôn thuở của người đàn bà xa quê về cuộc đoàn viên của những người ruột thịt. Kể đến đây lần nào bà cũng rơm rớm nước mắt… 

LƯƠNG MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 490, tháng 2-2022

;