Nhìn lại quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 từ vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (Ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 06-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ) là chiến lược được xây dựng nhằm thể chế các quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Một vấn đề quan trọng nổi lên hàng đầu trong chiến lược phát triển văn hóa (gọi tắt chung là Chiến lược văn hóa) là vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa. Nhìn lại 10 năm thực hiện chiến lược này, chúng ta có thể rút ra những bài học kinh nghiệm hữu ích để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong thời gian tới.

 

     1. Những thuận lợi và khó khăn để thực hiện chiến lược

     Quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước

     Chiến lược phát triển văn hóa đã trải qua 10 năm với hai kỳ Đại hội XI (2011-2015) và Đại hội XII (2016-2020) của Đảng. Trong 10 năm này, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới đất nước đã vượt qua được những khó khăn do diễn biến phức tạp về kinh tế, chính trị, xã hội của thế giới đưa lại, tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa và hội nhập quốc tế. Đại hội XI của Đảng đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011) và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Đại hội XII của Đảng (2016) đã nhìn lại 30 năm điều hành đổi mới đất nước và khẳng định: “Ba mươi năm đổi mới là giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, đánh dấu sự trưởng hành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” (1).

     Đồng thời, Đại hội XII của Đảng cũng đã nhấn mạnh: “Nhìn tổng thể, qua 30 năm đổi mới, đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn” (2). Đại hội XII của Đảng đã đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước 5 năm 2010-2017. Về phương hướng, nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, Đại hội XII tiếp tục khẳng định những nội dung cơ bản của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời nhấn mạnh: “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện phải trở thành mục tiêu của chiến lược phát triển. Đúc kết và xây dựng hệ giá trị văn hóa và hệ giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc, khẳng định, tôn vinh cái đúng, cái tốt đẹp, tích cực cao thượng; nhân rộng các giá trị cao đẹp, nhân văn” (3). Đồng thời, Đại hội XII cũng nêu rõ: “Đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái ác, thấp hèn, lạc hậu, chống các quan điểm hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng xấu đến xây dựng nền văn hóa, làm tha hóa con người. Có giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội, khắc phục những mặt hạn chế của con người Việt Nam” (4).

     Về lĩnh vực xây dựng môi trường văn hóa và đời sống văn hóa, Văn kiện Đại hội XII đã nêu: “Xây dựng môi trường văn hóa phù hợp với bối cảnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan đơn vị, doanh nghiệp, khu công nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống” (5).

     Điều đặc biệt quan trọng để xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa là Đại hội XII đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có kết quả sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” (6). Để triển khai nhiệm vụ này, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư và lần thứ bảy của Đảng đã ban hành các nghị quyết có ý nghĩa đột phá nhằm tạo nên một sự chuyển biến căn bản trong công tác xây dựng Đảng, đặc biệt tập trung vào chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống và tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ và công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và người đứng đầu các đơn vị.

     Đường lối, quan điểm chỉ đạo cùng với việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực này đã tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống lành mạnh trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vào vấn đề này.

     Trong thời gian 10 năm vừa qua, đặc biệt từ năm 2016 trở lại đây, Nhà nước đã tập trung vào việc đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội. Bên cạnh việc thể chế hóa vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh thành các văn bản có tính chất pháp quy để tổ chức thực hiện. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước (theo Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007); phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025” (3-10-2018). Ban hành Quyết định phê duyệt đề án Văn hóa công vụ (27-12-2018). Hàng loạt các Bộ và cơ quan ngang bộ đã xây dựng và tổ chức thực hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức... Các quy tắc ứng xử này được xây dựng trên cơ sở khẳng định các giá trị pháp lý và chuẩn mực văn hóa, đạo đức trong hệ thống hành chính nhà nước, góp phần lành mạnh hóa đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, làm gương cho xã hội noi theo.

     Cùng với đó là sự tham gia tích cực, chủ động của các đoàn thể chính trị - xã hội, Liên hiệp các Hội VHNT, cơ quan truyền thông đại chúng và nhân dân vào thực hiện những quan điểm và giải pháp để xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống xây dựng đời sống văn hóa có ý nghĩa quyết định hiệu quả của nhiệm vụ này.

     Những thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, đối ngoại trong 10 năm qua, đặc biệt trong giai đoạn từ 2016 trở lại đây đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới. Mặc dù kinh tế thế giới suy thoái, bối cảnh chính trị thế giới diễn biến phức tạp, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung xảy ra, nhưng kinh tế Việt Nam năm 2018 vẫn tăng trưởng hơn 7%, là nước tăng cao nhất trong 10 năm trở đây. Cuộc chiến đấu chống tham nhũng diễn ra quyết liệt, Nhà nước đã đưa ra xét xử hàng loạt các vụ án lớn, liên quan đến nhiều cơ quan, doanh nghiệp và cán bộ cao cấp không những không làm cho xã hội rối loạn, hoang mang mà ngược lại, đã củng cố niềm tin vững chắc vào quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước trong cuộc đấu tranh này. Trật tự và an toàn xã hội được giữ vững, an ninh và quốc phòng được củng cố. Công tác đối ngoại đã đạt được những thành tựu to lớn, góp phần củng cố thế và lực của Việt Nam trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam đã ký kết, tham gia 11 FTA khu vực và song phương trong đó có 6 FTA trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP, đang đàm phán để ký và phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do EV - EV (VEFTA). Việt Nam liên tiếp tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế quan trọng như tổ chức Hội nghị cấp cao APEC năm 2017, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên 2019, chuẩn bị vận động ứng xử và đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, chuẩn bị thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020.

     Các hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế, đảm bảo an sinh xã hội đã có nhiều thành tựu đáng kể, góp phần vào ổn định chính trị, xã hội, phát huy các nguồn lực vật chất, tinh thần để xây dựng, phát triển đất nước và tham gia tích cực vào xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh trong xã hội.

     Vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, và xây dựng đời sống văn hóa cũng gặp phải không ít những khó khăn. Những yếu kém trong quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt là giai đoạn từ 2005 - 2015 đã tác động tiêu cực đến vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội. Bốn nguy cơ mà Đại hội giữa nhiệm kỳ khóa VII nêu ra là nguy cơ chệch hướng, nguy cơ tụt hậu về kinh tế - xã hội, nguy cơ tham nhũng, nguy cơ diễn biến hòa bình không những không được giải quyết mà còn diễn biến phức tạp, nhất là tệ nạn tham nhũng và diễn biến hòa bình. Những tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội xuất hiện tràn lan trong xã hội, nhất là tham nhũng về kinh tế, kể cả tham nhũng lớntham nhũng vặt, tham nhũng ở cấp trung ương và cấp cơ sở, những tệ nạn xã hội như cờ bạc, buôn bán ma túy, mại dâm, cho vay nặng lãi, mê tín dị đoan, băng nhóm tội phạm có tổ chức trên mạng xã hội... đã và đang gây bức xúc trong nhân dân. Đây là những nhân tố gây cản trở tới vấn đề thực hiện chiến lược văn hóa nói chung, về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa nói riêng.

     Sự tác động tiêu cực từ mặt trái của quá trình phát triển kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và sự du nhập tràn lan, xô bồ của sản phẩm phản văn hóa thông qua xuất nhập khẩu, thông qua công nghệ thông tin và truyền thông đưa lại. Trong 10 năm thực hiện Chiến lược văn hóa vừa qua, Việt Nam đã tập trung vào quá trình đẩy mạnh giao lưu và hợp tác quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, đẩy mạnh hội nhập cả về kinh tế, văn hóa với khu vực và thế giới. Đồng thời, Việt Nam cũng đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, kết nối internet toàn cầu. Hoạt động thương mại và phát triển công nghệ thông tin, một mặt tác động tích cực đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần đa dạng của nhân dân. Mặt khác, nó cũng để lại những tác động tiêu cực đối với việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa. Đó là sự nhiễu loạn về thông tin, về giá trị và chuẩn mực đạo đức, thẩm mỹ tràn lan trên các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội, vật phẩm phản văn hóa trên thị trường. Mặt khác, các thế lực thù địch cũng lợi dụng các phương tiện này để tuyên truyền chống phá đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, lợi dụng các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo để kích động mâu thuẫn xã hội, phá hoại môi trường hòa bình, thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình, trên đất nước ta.

     2. Những thành tựu và hạn chế trong việc thực hiện chiến lược phát triển văn hóa về lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa trong 10 năm qua

     Đứng trước những thuận lợi và khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa được nêu ở trên, lĩnh vực xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa đã đạt được một số thành tựu cơ bản sau:

     Thứ nhất, nhận thức của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như của người dân về vai trò, ý nghĩa của việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa đã được nâng lên. Thông qua việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII và Chiến lược phát triển văn hóa, các tổ chức Đảng và chính quyền địa phương các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của xã hội trong việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa. Mục tiêu đầu tiên đặt ra trong Chiến lược là: “Hướng mọi hoạt động văn hóa vào xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo; tuân thủ pháp luật; có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái khoan dung, trọng tình nghĩa, lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội, làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; gắn kết mối quan hệ giữa văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa với vấn đề hình thành nhân cách”.

     Trọng tâm của giai đoạn từ 2009-2015 là hướng mọi hoạt động văn hóa vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.

     Trọng tâm của giai đoạn sau năm 2015 là tập trung đẩy mạnh và nâng cao chất lượng xây dựng con người Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh nước ta trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hóa.

     Trên cơ sở nhận thức này, Bộ VHTTDL đã xây dựng cơ chế phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, Ủy ban Toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về việc thực hiện các nhiệm vụ này. Đặc biệt, cuộc vận động thi đua yêu nước, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh” đã lan tỏa ý thức trách nhiệm của xã hội về xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Cách tiếp cận về vấn đề xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở đây là tiếp cận tổng thể, liên/đa ngành, chú ý tới các biện pháp hành chính, biện pháp giáo dục, biện pháp tự nguyện trong tham gia vào quá trình này. Đối tượng tác động trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên, các cơ quan Đảng, Nhà nước, đoàn thể, từ đó lan tỏa ra ngoài xã hội.

     Các phương tiện truyền thông đại chúng như báo chí, xuất bản, các cơ quan phát thanh và truyền hình từ Trung ương đến địa phương… đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, nhiệm vụ cụ thể của việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, biểu dương những tấm gương điển hình tiên tiến, đấu tranh phê phán những hiện tượng tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội. Việc nâng cao nhận thức về vai trò của việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống xã hội đã góp phần thay đổi thái độ và hành vi của xã hội trong cuộc đấu tranh phòng, chống tiêu cực xã hội, tệ nạn xã hội, củng cố quyết tâm của cộng đồng trong xây dựng đời sống văn hóa tốt đẹp của xã hội.

(Còn nữa)

_____________

     1, 2, 3, 4, 5, 6. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2016, tr.16, 127, 128, 217.

 

Tác giả: Phạm Duy Đức

Nguồn: Tạp chí VHNT số 419, tháng 5-2019

 

;