Nhìn lại 10 năm ngành điện ảnh thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa

     Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 (gọi tắt là Chiến lược văn hóa) được ban hành kèm theo Quyết định số 581/QĐ-TTg ngày 6-5-2009 của Thủ tướng Chính phủ có phần định hướng phát triển điện ảnh Việt Nam, trong đó nêu rõ: “Củng cố và phát triển nền điện ảnh Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc; hiện đại hóa công nghiệp điện ảnh. Phấn đấu nâng cao số lượng và chất lượng phim Việt Nam trên các loại sản phẩm: phim truyện (36 - 40 phim truyện nhựa được sản xuất hằng năm), phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình (mỗi loại sản xuất 2 - 3 phim một tháng), phim truyền hình. Giới thiệu được nhiều tác phẩm điện ảnh Việt Nam với các nước trên thế giới. Quản lý đồng bộ các hoạt động điện ảnh trên cả 3 khâu: sản xuất phim, phát hành phim và phổ biến phim. Tăng cường quản lý phim trên truyền hình và trên mạng internet. Đầu tư phương tiện, trang thiết bị và có chế độ khuyến khích các đội chiếu bóng lưu động đi phục vụ ở khu vực khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo. Đầu tư thiết bị kỹ xảo, kỹ thuật đồng bộ chuyên dụng, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất phim theo công nghệ hiện đại, đạt chuẩn kỹ thuật quốc tế về hình ảnh và âm thanh… Thực hiện cổ phần hóa các hãng phim nhà nước; khuyến khích, tạo điều kiện cho việc thành lập các hãng phim tư nhân, các hiệp hội sản xuất phim, phát hành phim… để hỗ trợ nhau trong các hoạt động sản xuất, phát hành và phổ biến phim. Thực hiện chế độ đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước”.

     Trong 10 năm qua, ngành điện ảnh đã triển khai thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ và mục tiêu trong Chiến lược văn hóa, bên cạnh đó cũng còn những tồn tại, bất cập. Bài viết này sẽ phân tích những thành tựu ngành điện ảnh đạt được, những yếu kém và nguyên nhân trong việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020.

     1. Thành tựu

     Trước hết, phải khẳng định rằng điện ảnh là ngành có hệ thống văn bản pháp luật và dưới luật đầy đủ nhất trong các ngành nghệ thuật. Tiếp theo Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11 ngày 29- 6-2006, có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh số 31/2009/QH12 ngày 18-6 -2009, sau đó là Nghị định số 54/2010/NĐ-CP ngày 21-5-2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện ảnh ngày 29-6-2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh ngày 18-6-2009. Điện ảnh cũng là ngành được quan tâm đặc biệt và dày công xây dựng Chiến lược phát triển điện ảnh Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cụ thể: Quyết định số 2156/QĐ-TTg ngày 11-11-2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 199/QĐ-TTg ngày 25-01- 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch phát triển Điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Đây có thể xem là nỗ lực của Bộ VHTTDL và ngành điện ảnh để tạo một hành lang pháp lý và định hướng phát triển vững chắc cho điện ảnh Việt Nam. Cần nói thêm rằng, điện ảnh cũng được xem là một ngành mũi nhọn trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016.

     Trong 10 năm qua, nhờ có những định hướng rõ ràng nên ngành điện ảnh có những bước phát triển rõ rệt trong các lĩnh vực: sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim, hội nhập, hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt Nam…

     Trong lĩnh vực sản xuất phim, hiện tại có khoảng gần 500 doanh nghiệp Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim, thường gọi là hãng phim. So với con số khoảng 50 hãng phim vào năm 2009 thì số lượng hãng phim tăng đến 10 lần! Tuy nhiên, do gặp nhiều khó khăn về vốn đầu tư sản xuất, nguồn nhân lực, nguồn kịch bản và doanh thu chiếu phim, nên chỉ có khoảng 30-40 doanh nghiệp tham gia thực sự vào sản xuất phim. Dù sao con số tăng trưởng trên cũng cho ta thấy sức hút của điện ảnh, cụ thể là lĩnh vực sản xuất phim đối với xã hội.

     Còn về sự tăng trưởng của phim Việt Nam, theo thống kê của Cục Điện ảnh, từ năm 2009 đến 2014, mỗi năm Việt Nam sản xuất 15-25 phim, chiếm khoảng 15% tổng số phim chiếu rạp; năm 2015 sản xuất phim tăng đột phá lên 42 phim! Như vậy là đến thời điểm năm 2015 ngành điện ảnh đã đạt chỉ tiêu năm 2020 trong Chiến lược văn hóa (phấn đấu đến năm 2020 đạt 36 - 40 phim truyện nhựa được sản xuất hằng năm). Những năm tiếp theo, năm 2016 sản xuất được 41 phim truyện điện ảnh, năm 2017 sản xuất phim chững lại được 38 phim, năm 2018 vẫn 38 phim chiếu rạp. Như vậy, sự tăng trưởng của số phim Việt Nam sản xuất là khá ổn định về số lượng. 

     Chất lượng phim cũng được nâng cao dần, không còn những phim được truyền thông gọi là phim “thảm họa” hay “hài nhàm” như đầu những năm 2010. Điểm sáng là một số bộ phim đặt hàng của nhà nước về đề tài chiến tranh đã đạt chất lượng cao và được trao giải tại Liên hoan phim Việt Nam và giải Cánh diều như Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Những đứa con của làng… Một số bộ phim đạt hàng hay được trao các giải thưởng quốc tế và trong nước như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Cuộc đời của Yến… Đặc biệt, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh trở thành hiện tượng điện ảnh nổi bật vì đây là bộ phim đầu tiên do nhà nước đặt hàng hãng phim tư nhân sản xuất, vừa lập kỷ lục doanh thu tại thời điểm phát hành với 80 tỷ trong một tháng, vừa lập kỷ lục doanh thu phim đặt hàng trong lịch sử điện ảnh Việt Nam! Trong 3 năm từ 2016 đến 2018, 100% các phim Việt Nam ra rạp đều là phim tư nhân. Đáng mừng là nhiều bộ phim Việt Nam hút khách hơn cả những phim Hollywood chiếu cùng thời điểm, gần đây đã có những phim vừa đạt doanh thu cao - liên tục phá kỷ lục phòng vé vừa được đánh giá tốt về chất lượng như Em chưa 18, Chàng vợ của em, Hai Phượng

     Trong lĩnh vực phát hành, phổ biến phim, nhìn lại thập niên 90 của thế kỷ trước và đầu những năm 2000, hệ thống rạp chiếu phim ở Việt Nam hầu như hoang phế, vừa xuống cấp vừa vắng khách, đến mức có người đã viết rằng “đông như chùa Bà Đanh, vắng tanh như rạp chiếu phim”. Còn trong khoảng 10 năm nay, số lượng rạp chiếu phim hiện đại tăng một cách đột phá, khó có ai thể đoán trước được. Hãy xem số liệu thống kê sau của công ty CGV: năm 2009 ở Việt Nam có 87 phòng chiếu phim; năm 2015 có 460 phòng; năm 2016 có 588 phòng; năm 2017 có 757 phòng; năm 2018 có 922 phòng chiếu phim (lưu ý, đây là những phòng chiếu phim nằm trong các cụm rạp hiện đại hoặc đang hoạt động chiếu phim bán vé). Như vậy, sau 10 năm số lượng phòng chiếu phim năm 2018 tăng gấp hơn 10 lần so với năm 2009, còn so với chỉ tiêu 550 phòng chiếu phim vào năm 2020 trong “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” thì số phòng chiếu năm 2018 đã gấp 1,7 lần! Cần nhấn mạnh là trên 90% số rạp chiếu phim là của tư nhân hoặc công ty nước ngoài, chứng tỏ chủ trương xã hội hóa được thực hiện mạnh mẽ trong lĩnh vực phát hành - phổ biến phim.

     Số lượng rạp chiếu phim tăng mạnh là điều kiện để tạo nên thị trường điện ảnh - một trong những thành tựu đáng kể của điện ảnh. Có thể khẳng định rằng điện ảnh là ngành văn hóa nghệ thuật duy nhất đã xây dựng được thị trường thực sự, có sự phát triển mạnh (thậm chí có thể coi là thị trường phát triển “nóng” của điện ảnh thế giới!) và tăng trưởng liên tục trong 10 năm qua! Cụ thể: năm 2009 tổng doanh thu chiếu phim khoảng 302 tỷ đồng thì đến năm 2015 tổng doanh thu là 2.285 tỷ đồng, năm 2016 là 2.839 tỷ đồng, năm 2017 là 3.247 tỷ đồng, năm 2018 là 3.556 tỷ đồng (theo số liệu thống kê của Công ty CGV). Những con số cho thấy trong 10 năm từ 2009 đến cuối năm 2018, doanh thu của thị trường điện ảnh tại Việt Nam tăng 12 lần!

     Như vậy, điện ảnh là ngành thực hiện hiệu quả nhất chủ trương xã hội hóa hoạt động, theo đó, cũng là ngành đặt nền móng vững chắc nhất cho việc xây dựng nền công nghiệp điện ảnh - bộ phận quan trọng trong chiến lược xây dựng nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam!

     Bên cạnh sản xuất và phát hành - phổ biến phim, lĩnh vực hợp tác quốc tế và xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt Nam cũng đạt được một số thành tựu. Trong 10 năm gần đây, theo thống kê của Cục Điện ảnh, điện ảnh Việt Nam đã tham gia 160 Liên hoan phim quốc tế với 350 lượt đầu phim; tổ chức 52 chương trình giới thiệu phim Việt Nam ra nước ngoài, với gần 200 lượt đầu phim; cử 190 đoàn ra nước ngoài dự liên hoan phim, tuần phim, nghiên cứu, học tập, khảo sát, thực tập nâng cao tay nghề với 672 lượt người; đã có hơn 250 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và phim có yếu tố nước ngoài được thực hiện tại Việt Nam. Bộ phim bom tấn của Hollywood Kong - đảo đầu lâu (2017) được thực hiện phần lớn ở Việt Nam đã tạo được sự quan tâm lớn của khán giả nước ngoài đến bối cảnh tuyệt vời của Việt Nam, góp phần quảng bá du lịch hiệu quả.

     Trong mấy năm qua, điện ảnh Việt Nam đã ký được Hiệp định hợp tác các nền điện ảnh Hàn Quốc, Pháp và Ba Lan. Nhiều tuần phim Việt Nam, chương trình đặc biệt về điện ảnh Việt Nam được tổ chức tưng bừng, thu hút sự quan tâm của đồng nghiệp và khán giả ở nhiều nước như Pháp, Italia, CHLB Đức, Tây Ban Nha, CH Séc, Ba Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Mỹ, Canada, Argentina… Đặc biệt, tại Liên hoan phim Cannes năm 2017, lần đầu tiên ngành điện ảnh có gian hàng và tổ chức Đêm Việt Nam tưng bừng để giới thiệu điện ảnh Việt Nam.

     Song song với việc định hướng sáng tác thông qua vinh danh các bộ phim Việt Nam tại Liên hoan phim Việt Nam - một sự kiện điện ảnh tầm quốc gia ngày càng được giới điện ảnh công chúng quan tâm- thương hiệu điện ảnh Việt Nam được khẳng định dần qua Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (gọi tắt là HANIFF) - một sự kiện điện ảnh lớn được tổ chức từ năm 2010, 2 năm một lần, ngày càng quy mô (mở rộng phạm vi các nền điện ảnh đăng ký phim dự thi, tổ chức các hoạt động trại sáng tác, chợ dự án phim, chiếu phim ngoài trời, khán giả bình chọn phim yêu thích…); ngày càng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp (tuyển chọn những tác phẩm đỉnh cao của thế giới tham HANIFF, trình chiếu các chùm phim Việt Nam mới nhất, giới thiệu những bộ tuyển chọn phim Việt Nam; quảng bá bối cảnh quay phim đặc sắc tại Việt Nam thông qua triển lãm hoặc các chuyến thăm quan…). Sau 5 kỳ tổ chức, thương hiệu HANIFF được khẳng định trong khu vực châu Á và thu hút được sự quan tâm của đồng nghiệp điện ảnh thế giới.

     2. Tồn tại, yếu kém và nguyên nhân

     Thực hiện Chiến lược văn hóa, tuy ngành điện ảnh đã đạt được một số thành tựu trong các lĩnh vực, nhưng những bất cập, yếu kém còn tồn tại cũng không ít. Xin được điểm qua những bất cập trong quy định của Luật Điện ảnh và các văn bản dưới luật, của cơ chế chính sách; bất cập trong sản xuất, phát hành - phổ biến phim và hội nhập quốc tế.

     Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1-1-2007 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh có hiệu lực từ 1-10- 2009 đã bộc lộ rất nhiều hạn chế và lạc hậu theo thời gian, một mặt do xã hội phát triển với các cuộc cách mạng công nghệ số, mặt khác nhiều quy định trong Luật Điện ảnh đã bị các luật khác phủ định. Theo đó, trong những năm gần đây, các quy định của Luật Điện ảnh chưa thể hiện đầy đủ và chưa theo kịp tính chất đặc thù của hoạt động điện ảnh (ví dụ quy định về đấu thầu sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước; quy định phải có rạp mới được nhập phim, chưa phân định rõ trách nhiệm quản lý việc phát hành và phổ biến phim trong môi trường số hóa, trên mạng internet, phổ biến phim online và các phương tiện truyền thông...). Luật cũng chưa quy định cơ chế phối hợp giữa ngành điện ảnh với các ngành khác như truyền hình, du lịch, tài chính, thông tin truyền thông nên chưa phát huy được thế mạnh của điện ảnh. Bên cạnh đó, một số chính sách của nhà nước về phát triển điện ảnh chưa được thực thi nghiêm túc, như chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động điện ảnh, chính sách về dành quỹ đất xây dựng rạp chiếu phim trong quá trình quy hoạch đô thị…

     Một tồn tại rất cần giải quyết là Đề án xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (quy định tại Điều 6 Luật Điện ảnh) đã dự thảo để trình Chính phủ hai lần nhưng chưa được thông qua vì đề xuất nguồn thu ổn định để đảm bảo hoạt động của Quỹ là trích % từ doanh thu chiếu phim như quỹ điện ảnh các nước theo thông lệ quốc tế lại không phù hợp với các quy định về tài chính ở Việt Nam.

     Về sản xuất phim, mặc dù đã có những thành tựu nhưng phải khẳng định nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, đội ngũ làm điện ảnh tại các cơ sở điện ảnh của nhà nước thiếu trầm trọng và ngày càng mai một. Việc cổ phần hóa các hãng phim ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động điện ảnh.

     Đối với phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất, do có bất cập trong quy định tại khoản 3 Điều 24 của Luật Điện ảnh và Điều 13 của Nghị định số 54/2010/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Điện ảnh quy định về sản xuất phim đặt hàng phải chọn doanh nghiệp sản xuất phim theo quy định của Luật đấu thầu nên việc bố trí ngân sách sản xuất phim đặt hàng bị ách tắc. Vì vậy, từ năm 2016 đến 2018, trên thị trường điện ảnh cả nước không có một bộ phim nhà nước đặt hàng nào được sản xuất và đưa vào phát hành, phổ biến. 

     Các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi, vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Những thể loại phim dễ thu hút khách nhất là hành động, kinh dị, hài, tình cảm, theo đó, nhiều người cho rằng càng “nguy hiểm”, càng “sốc và sex” thì càng dễ ăn khách. Điều này dẫn tới nhiều bộ phim xa rời cuộc sống, lấy con người và đời sống Việt Nam là cái cớ để chở những câu chuyện giật gân hoặc tình ái ướt át. Không ít phim vi phạm những điều cấm trong Luật Điện ảnh, phải chỉnh sửa mới có thể phát hành; trường hợp cá biệt có phim bị cấm phát hành. Tuy không còn những phim thảm hại kiểu “phim mì ăn liền” cách đây mấy thập kỷ, nhưng phim kém về nghề, thấp về thẩm mỹ không phải là hiếm. Điều này ảnh hưởng đến diện mạo nói chung của điện ảnh Việt Nam và nếu cứ tiếp diễn nhiều phim như vậy sẽ dẫn đến nguy cơ đến một ngày khán giả quay lưng với phim Việt. Mặt trái của xã hội hóa sản xuất phim cũng kéo theo sự lệch chuẩn đánh giá tác phẩm trên báo và các trang mạng, nhất là khi nhà sản xuất và nhà làm phim dùng mọi hình thức để PR phim đến mức lố bịch, hoặc cạnh tranh đến mức tiêu diệt nhau. Đây có thể xem như một “vấn nạn” mà truyền thông thời “xã hội hóa” đóng vai trò dẫn dắt.

     Trong lĩnh vực phát hành phổ biến phim càng dễ chỉ ra những bất cập khi hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim (cụ thể, công ty CJ CGV sở hữu số lượng rạp lớn nhất - đến hơn 40% tổng số rạp - có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỉ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim… khiến các công ty sản xuất - phát hành phim Việt Nam khiếu nại và kiến nghị kéo dài). Theo đó, sản xuất phim - phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí có những nhà sản xuất - phát hành phim kiệt quệ, phá sản.

     Thị trường điện ảnh phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập (chiếm khoảng hơn 70% tổng doanh số), theo đó, nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, thị phần phim Việt mới chiếm gần 30%. Phim nước ngoài chiếm lĩnh phần lớn thị phần chiếu phim tại Việt Nam là một sự bất cập lớn, mà nguyên nhân sâu xa là khi ký kết Hiệp định Thương mại của WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Phim nước ngoài áp đảo phim Việt về tỉ lệ phim ra rạp (40 phim Việt Nam hằng năm phải “đương đầu” với gần 250 phim nhập ngoại!). Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại, nhất là khi khán giả chủ lực của các rạp ở độ tuổi từ 16-25 thì tâm lý chuộng ngoại này cũng ảnh hưởng lớn đến giáo dục và thẩm mỹ của thế hệ trẻ, có thể hiểu là ảnh hưởng đến các giá trị chân thiện mĩ của cả xã hội.

     Hơn nữa, rạp chiếu phim chủ yếu ở các thành phố lớn, nơi các công ty nước ngoài phát triển rạp ồ ạt, thiếu kiểm soát, chi phối hoạt động chiếu phim tại Việt Nam. Khiếu kiện kéo dài giữa các doanh nghiệp Việt Nam trước sự thống lĩnh thị trường của công ty CGV ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường điện ảnh. Hưởng thụ điện ảnh của thành thị và vùng sâu vùng xa, vùng nông thôn còn khoảng cách lớn. Đầu tư của nhà nước cho phổ biến phim và cơ sở vật chất kỹ thuật rất hạn chế, không đồng bộ và chưa phát huy hiệu quả. Hầu hết rạp chiếu phim trong hệ thống phát hành tại các địa phương chưa được thiết bị chiếu phim kỹ thuật số DCP.

     Về hợp tác và hội nhập quốc tế, một trong những rào cản là chúng ta chưa có cơ chế thu hút đầu tư, ưu đãi (incentive), miễn giảm thuế... đối với hoạt động điện ảnh nên khó thu hút các hãng phim nước ngoài vào hợp tác làm phim tại Việt Nam.

     3. Đề xuất giải pháp phát triển điện ảnh

     Để phát huy thế mạnh của điện ảnh trong Chiến lược văn hóa giai đoạn tiếp theo, cần xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam lớn mạnh, mấu chốt là phát triển nội lực điện ảnh dân tộc ở hai khu vực chính là sáng tác - sản xuất và phát hành - phổ biến phim.

     Nhiệm vụ cấp bách hàng đầu là tháo gỡ những bất cập, lạc hậu trong các quy định của pháp luật và cơ chế chính sách đối với điện ảnh, trước hết là khẩn trương xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi, trong đó thể chế hóa đầy đủ, triệt để chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 và pháp luật của Nhà nước, nhằm xây dựng nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam phù hợp với đặc thù của nghệ thuật điện ảnh, đảm bảo tính minh bạch và có tính khả thi cao. Luật Điện ảnh sửa đổi cũng cần phù hợp với những tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất, phát hành và phổ biến phim; đáp ứng xây dựng con người mới phù hợp với yêu cầu thực tế đổi mới của đất nước và phù hợp với các bộ luật, luật có liên quan đang có hiệu lực thi hành trong hệ thống pháp luật của Việt Nam.

     Phát triển nội lực điện ảnh Việt Nam trước hết ở khâu sản xuất phim: cần tăng số lượng và chất lượng phim Việt Nam, xây dựng các tác phẩm mang bản sắc dân tộc, có giá trị tư tưởng, giáo dục, thẩm mỹ, giải trí và đạt hiệu quả xã hội, cùng với đó là phát triển hài hòa các dòng phim chính thống, phim giải trí và phim nghệ thuật.

     Phát triển nội lực điện ảnh Việt Nam cũng liên quan đến việc củng cố thị trường điện ảnh tại Việt Nam, đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh và phát triển bền vững. Tăng thị phần phim Việt, mở rộng thị trường ra nước ngoài với việc xuất khẩu phim Việt, đồng thời hướng tới sự công bằng trong hưởng thụ điện ảnh giữa thành thị và nông thôn, ưu tiên phổ biến phim phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa

     Phát triển nội lực điện ảnh Việt Nam còn được quyết định bởi việc phát triển xây dựng thương hiệu điện ảnh Việt Nam với các tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, phát triển thương hiệu các Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, các sự kiện điện ảnh - các tuần phim Việt Nam ở nước ngoài và mở rộng hợp tác làm phim với nước ngoài.

 

Tác giả: Ngô Phương Lan

Nguồn: Tạp chí VHNT số 420, tháng 6-2019

 

;