Bây giờ, Nhật Thảo đã để lại ấn tượng cho nhiều thính giả với tư cách là một ca sĩ của dòng nhạc xưa đầy quyến rũ. Nhưng tôi biết đến Nhật Thảo đầu tiên với tư cách là nhà báo ở đài truyền hình Quốc hội. Đấy là cô biên tập viên xinh đẹp hằng ngày xuất hiện trên màn hình ti vi. Trong suốt hơn mười năm làm báo, Nhật Thảo lăn lộn khắp nơi, gặp người này người khác, thực hiện hàng trăm chương trình truyền hình về đề tài văn hóa xã hội. Các chương trình Nhật Thảo thực hiện luôn tạo được ấn tượng với khán giả và được đồng nghiệp trân trọng đánh giá cao.
Thế rồi, một ngày xuân năm trước, khi Abum nhạc Kỳ Diệu của Nhật Thảo ra đời thì tôi đã giật mình. Tôi nào đâu có nghĩ rằng, đằng sau công việc bộn bề Nhật Thảo lại luôn khắc khoải với một giấc mơ bị thời gian làm cho quên lãng. Con người ta, đôi khi để sống được với niềm đam mê của mình, đã phải mất cả một phần đời để thu xếp. Nhật Thảo cũng thế, thời gian đã cuốn cô đi với muôn mặt đời thường, từ sự kiện này đến sự kiện khác. Và rồi trong những khoảng lặng, những khi tự đối diện với chính mình, niềm khát khao âm nhạc lại bùng cháy.
Tôi vẫn nhớ ngày một người bạn thân thời đại học giới thiệu Abum Kỳ Diệu cho tôi. Từ cái máy hát xịn xò đời cổ có gốc Nhật Bản của anh, trong không gian thanh tĩnh, giọng hát tự nhiên, có trường độ, hoài niệm và dư ba, sâu lắng và sang trọng, đầy cảm xúc của Nhật Thảo ám ảnh tôi. Với các ca khúc: Kỳ diệu (Anh Bằng); Biết bao giờ trở lại (Ngô Thụy Miên); Một mai em đi (Trường Sa); Đoản khúc cuối cho em (Hoàng Trọng Thụy); Em còn nhớ hay em đã quên (Trịnh Công Sơn)… Nhật Thảo thực sự đã tạo nên một ấn tượng riêng, phá cách và quyến rũ. Đấy là một giọng hát có nội lực, có thể diễn đạt những cung bậc tinh tế của cảm xúc, uyển chuyển và linh hoạt, đầy sức lôi cuốn.
Sau này, gặp lại Nhật Thảo một sáng chớm thu, cô bảo:
“Hồi ấy, em muốn làm một Album để thỏa mãn đam mê từ thời tuổi trẻ…”
Nhật Thảo lặng nhìn ra khoảng sân rộng, những vạt nắng sớm rải vàng lên những hàng cây rung lá theo làn gió. Từ quán cafe vắng vẻ trong khu đô thị mới ấy, Nhật Thảo nhớ về những ngày thơ mộng khi xưa:
“Anh biết không, phải đến mười mấy năm trời… Đấy, cả một khoảng thời gian dằng dặc ấy, em như bẵng quên âm nhạc. Em bị nghề làm báo cuốn đi với biết bao công việc hằng ngày. Nhiều lúc em muốn dừng lại. Dừng lại để chiêm nghiệm lại quãng đời đã qua và để lắng nghe một niềm yêu mến thẳm sâu với âm nhạc đang bị những công việc bộn bề vùi lấp. Công việc ở đài truyền hình bận rộn, hết sự kiện này lại đến sự kiện khác… Nhưng cuối cùng, em phải quyết tâm dành thời gian cho đam mê của mình. Album Kỳ Diệu ra đời như thế. Cũng chính từ đó, một mãnh lực kỳ lạ đánh thức con người cũ trong em. Một bước ngoặt đã đến với cuộc đời em từ đó…”
Câu chuyện với Nhật Thảo đưa cô trở về với miền ký ức xa tít thuở ấu thơ. Nhật Thảo sinh ra và lớn lên ở thành phố Thanh Hóa. Suốt tám năm từ thời tiểu học đến trung học cơ sở, cô bé Nhật Thảo xinh đẹp hát hay múa giỏi đã trở thành đội viên cốt cán trong đội múa của cung văn hóa thiếu nhi thành phố. Thảo cũng học giỏi văn, làm nhiều thơ. Lớn lên, Nhật Thảo Nhật Thảo vừa mơ ước trở thành nhà báo lại vừa mong làm ca sĩ. Và như một sự sắp đặt huyền bí của cuộc đời, Nhật Thảo thi đỗ và theo học 8 năm tại Học viện Âm nhạc quốc gia khoa thanh nhạc.
Khi ra trường, Nhật Thảo có cơ hội về công tác tại một vài nhà hát tại Hà Nội. Cô đã chuẩn bị cho việc đó. Nhưng rồi một cánh cửa khác bất ngờ mở ra. Nhật Thảo có cơ hội về công tác tại VOVTV và từ đó cô gắn bó với nghề MC, làm biên tập viên truyền hình.
Cuộc sống sẽ mãi trôi đi như thế nếu như Nhật Thảo không tình cờ gặp lại một người bạn cũ - ca sĩ Tuấn Anh. Khi nghe lại giọng ca của Nhật Thảo sau nhiều năm xa cách, ca sĩ Tuấn Anh nhận xét: “Giọng Thảo có đôi nét gần giống với ca sĩ Lệ Thu”. Và anh khuyên cô trở lại với âm nhạc. Theo Tuấn Anh, giọng hát Nhật Thảo có màu hoài niệm, liêu trai, sâu lắng phù hợp với dòng nhạc xưa. Đó sẽ là một giọng hát có sắc màu riêng biệt, tạo ấn tượng. Anh tâm sự: “Tôi yêu những giọng ca gai góc hoài niệm. Thảo được đào tạo bài bản về âm nhạc, dù có một thời gian Thảo rời xa âm nhạc nhưng âm nhạc vẫn luôn tuôn chảy trong tâm hồn Thảo.” Và theo giới thiệu của Tuấn Anh và nghệ sĩ guitar Đạo Nguyễn, Nhật Thảo đã được cất tiếng hát trên sân khấu của phòng trà Trịnh Ca, nơi có những nghệ sĩ đang theo đuổi đam mê với dòng nhạc xưa như ca sĩ Lê Tâm, Bích Ngọc, Minh Đức, Thanh Hương, Diệu Thúy và nghệ sĩ guitar Đạo Nguyễn…
Những thăng trầm của cuộc sống đã cho Nhật Thảo những trải nghiệm phong phú. Vốn sống ấy, sự từng trải ấy giúp cô thấu hiểu và thể hiện được cái hồn của mỗi bài hát. Thường trước mỗi bài hát Nhật Thảo đọc kỹ, tìm hiểu về hoàn cảnh ra đời của nó, lý giải và thấu hiểu cho được những điều sâu kín nào mà người nhạc sĩ khi sáng tác đã gửi gắm trong đó và cô tìm cách thể hiện. Nhật Thảo là người cầu toàn. Cô lao tâm khổ tứ, luyện tập kỹ càng, cho đến khi tìm được cách thể hiện ưng ý nhất đối với bài hát thì cô mới trình diễn trên sân khấu. Có lẽ vậy chăng, hầu như bài hát nào Nhật Thảo thể hiện cũng để lại được ấn tượng trong tâm hồn người nghe.
Mấy năm nay, ngoài công việc làm báo, Nhật Thảo xuất hiện trên nhiều sân khấu ca nhạc thủ đô và trên sóng truyền hình, được phát trên các nền tảng số. Abum Những ngày thơ mộng của Nhật Thảo ra mắt vào cuối năm 2022 được nhiều báo chí chú ý, giới chuyên môn đánh giá cao và khán giả đón nhận.
Nhật Thảo, từ khi trở lại với sân khấu đã có một chọn lựa riêng. Đó là một con đường đi vào một địa hạt rất khó.
Trải qua bao thăng trầm, nền tân nhạc Việt Nam đã phân chia thành nhiều dòng chảy nhỏ với những đặc trưng bút pháp khác nhau. Riêng dòng nhạc lãng mạn trữ đã chảy một vệt dài trong lịch sử với những tình khúc sang trọng, sâu lắng, với những cung bậc tinh tế và ngôn từ trau chuốt. Dòng âm nhạc ấy không rầm rộ, nhưng in hằn trong tâm tư những lớp người có khao khát thưởng thức những nhạc phẩm tinh tế, giàu mĩ cảm. Hầu hết các ca khúc mà Nhật Thảo thể hiện đều nằm trong mạch trữ tình lãng mạn ấy.
Album Những ngày thơ mộng của Nhật Thảo gồm các ca khúc: Kiếp nào có yêu nhau (nhạc Phạm Duy, thơ Minh Đức - Hoài Trinh), Phố chiều (Hoàng Thi Thơ), Thung lũng hồng (Phạm Mạnh Cương), Trong miệt mài em quên (Trư?ng Sa),?ờng Sa), Bão tình (nhạc Hoàng Trọng, lời Duy Viêm), Mộng sầu (Trầm Tử Thiêng), Bước chân dĩ vãng (tác giả Nguyễn Hiền - Lam Đài), Một ngày không có em (nhạc Y Vân, lời Nguyễn Long), Nước mắt mùa thu (Phạm Duy), Những ngày thơ mộng (Hoàng Thi Thơ), Chờ (Lam Phư?ng).ơng). Sự ra đời của Album này đánh dấu một bước ngoặt, đưa Nhật Thảo chính thức trở lại với âm nhạc. Giọng ca Nhật Thảo trải qua sự khổ luyện và niềm cảm hứng sung mãn càng trở nên lôi cuốn người nghe bởi sự tinh tế, uyển chuyển và sâu lắng. Nghe Nhật Thảo hát, khán giả được đắm chìm trong thế giới của âm thanh thuần khiết, gợi thức niềm hoài niệm về cái đẹp xa vắng, huyền hoặc của những cuộc tình hoặc thân phận dường như từng bị vùi lấp trong dấu bụi thời gian. Đến với những ca khúc mà Nhật Thảo được sống lại những ký ức xa xăm, những vẻ đẹp nguyên vẹn, những mộng tưởng trong cuộc đời nhiều biến động.
Sau này có lần tôi lội mưa đến phòng trà Trịnh Ca nghe Nhật Thảo và các đồng nghiệp biểu diễn. Cả một khán phòng lặng phắc. Những ca khúc trữ tình ngân vang mang cả tâm tư của người nghệ sĩ. Chính ở đây, đều đặn mỗi tuần một lần Nhật Thảo đến để hát, để giao lưu cùng thính giả, và để sống với niềm đam mê âm nhạc của mình.
Mỗi lần hát, đối với Nhật Thảo là một lần sống với âm nhạc và cũng là sống lại một phần đời dĩ vãng với những ước mơ thời trẻ. Ngẫm lại, cuộc đời có những điều bất ngờ kỳ diệu như là số phận. Và Thảo nói cô biết ơn cuộc đời, biết ơn những tơ duyên đã dẫn cô đi trên con đường khó khăn, xa thẳm nhưng đầy đắm say, rực rỡ của âm nhạc.
THIÊN SƠN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 547, tháng 9-2023