NSƯT Nguyễn Đức Việt: Mỗi thử thách có vẻ đẹp của nó

Trước khi đến với vai trò đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt được biết tới với tư cách là một nhà quay phim với nhiều thước phim ấn tượng. Anh là người đứng sau những khuôn hình đầy ám ảnh của các bộ phim như Đời cát, Cây bạch đàn vô danh, Vua bãi rác, Nước mắt thời mở cửa... Với những thành công đó, anh cũng đã nhận được nhiều giải thưởng dành cho nhà quay phim xuất sắc trong các kỳ Liên hoan Phim Việt Nam. Trong đó có cú đúp giải thưởng dành cho quay phim xuất sắc nhất trong hai phim Cây bạch đàn vô danh (đạo diễn Nguyễn Thanh Vân) và Nước mắt thời mở cửa (đạo diễn Lưu Trọng Ninh) trong cùng một Liên hoan Phim.

Thành danh từ quay phim rồi chuyển sang làm đạo diễn, điểm dễ nhận thấy ở Nguyễn Đức Việt là anh thích lao vào những mảng đề tài mới, đề tài khó. Khi Hip - Hop chưa được phổ biến như bây giờ, Nguyễn Đức Việt đã tự tìm hiểu nhiều về bộ môn này khi làm phim Vũ điệu đam mê (Giải Cánh diều Bạc, Bông sen Bạc). Chia sẻ về bộ phim gây ấn tượng một thời, đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết: Thực ra, thời điểm tôi bấm máy phim Vũ điệu đam mê, những bạn trẻ yêu nhạc Hip - Hop vẫn bị coi là những kẻ lập dị. Có thể vì quần áo, trang phục của những bạn theo môn nghệ thuật này lúc nào cũng rộng thùng thình, có chút xộc xệch, tóc tai thì rối bời, mũ đội lụp xụp... Bản thân tôi, khi nhận được kịch bản và quyết định làm phim đã đến gặp những bạn trẻ chơi nhạc Hip - Hop, ban đầu cũng thấy hơi ngại. Nhưng khi gặp và chuyện trò cùng họ, mới thực sự thấy rằng, họ là những người trẻ tuổi đam mê âm nhạc đến cùng tận. Có người tự bỏ tiền túi đi học ở Mỹ, trở về, họ tiếp tục dạy không công cho những bạn trẻ yêu thích. Có những hôm chúng tôi quay cảnh ban nhạc Hip - Hop tập dưới mưa từ 7 giờ tối đến 5 giờ sáng hôm sau mới kết thúc. Đúng lúc đóng máy thì diễn viên nam chính do Cường Seven đóng suýt ngất xỉu vì ngấm lạnh. Những tưởng các bạn sẽ nản chí, vậy mà ngày hôm sau lại tập hợp rất đầy đủ để tiếp tục quay. Điều này cũng giúp tôi thêm hứng khởi khi làm phim.

Cảnh trong phim Hồng Hà nữ sĩ

Say mê cái mới, cái lạ, nhiều bộ phim thủa ban đầu của đạo diễn gắn với lớp trẻ, gắn với những hoài bão, khát khao của họ. Một trong những yếu tố hấp dẫn đối với lứa tuổi này chính là âm nhạc, vũ điệu và Nguyễn Đức Việt cũng có nhiều bộ phim gắn với mảng đề tài này như Vũ điệu đam mê, Em muốn làm người nổi tiếng… Khi làm phim Em muốn làm người nổi tiếng nói về đam mê và khát khao của các ca sĩ trẻ, các cô gái vào vai đều đã có sự nổi tiếng nhất định, lại được hỗ trợ bởi âm nhạc nên bộ phim khá thu hút. Cái khó của những bộ phim dạng này là không chỉ chú trọng yếu tố hình thể, khả năng diễn xuất mà trước hết, diễn viên phải biết hát, biết nhảy. Với Hip - Hop - một môn đặc thù mang nhiều nét sáng tạo, đam mê nên khi làm phim đạo diễn đã cố gắng nắm bắt được nhiều khoảnh khắc xuất thần bởi không thể bắt các em nhảy đi nhảy lại nhiều lần trong những cảnh quay. Để nắm bắt trọn vẹn được điều đó, thông thường đoàn làm phim luôn bố trí quay hai máy để có thể bắt trọn nhiều khoảnh khắc. Tuy nhiên, cũng có những cảnh các em tập đi tập lại, cho đến lúc quay thật thì hầu hết đã thấm mệt. Khi lên phim có thể khán giả thấy cảnh đó có vài phút nhưng để được vài phút lên hình có khi phải mất cả một ngày quay, thật sự rất vất vả - đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho biết.

Nói về cơ duyên chuyển từ quay phim sang đạo diễn, Nguyễn Đức Việt phân trần: Chẳng qua tôi muốn thay đổi chính mình, muốn làm mới mình để được trải nghiệm những tình huống khác nhau của điện ảnh. Xét cho cùng, một nhà quay phim trên trường quay, cùng với đạo diễn, đã phải đảm đương nhiệm vụ bao quát rất nhiều thứ, từ bối cảnh, dàn dựng, diễn viên, góc quay... nên nó cũng không xa với nghề đạo diễn là mấy. Chính vì điều đó, khi chuyển qua làm đạo diễn, tôi cũng không mấy bỡ ngỡ. Cho dù chắc chắn rằng tôi không thể bỏ máy quay, song tôi cũng thích được chu du trong giấc mơ đạo diễn của mình, đặc biệt là những bộ phim về giới trẻ...

Phim Những đứa con của làng 

Làm song song cả hai vai trò là quay phim và đạo diễn, đạo diễn Nguyễn Đức Việt bày tỏ: Thực ra, dù ở vị trí quay phim hay đạo diễn thì quan trọng vẫn là sự đam mê hết mình trong từng vai trò. Điều này không thể lẫn lộn được. Không có nghĩa là khi làm đạo diễn tôi bỏ luôn nghề quay phim và ngược lại. Có chăng chỉ là điểm dừng để mình tự làm mới mình thôi. 

Có duyên với các đề tài mới, đề tài về lớp trẻ nhưng với các phim chính luận về chiến tranh, về hậu chiến, Nguyễn Đức Việt cũng chứng minh khả năng bao quát, dàn dựng, sáng tạo mà bộ phim Những đứa con của làng là một minh chứng. Giành giải Bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, giải của Liên hiệp Hội Văn học VHNT… Những đứa con của làng xoay quanh câu chuyện tại một làng nghèo miền Trung 20 năm sau chiến tranh. Do địa hình nằm sát chân núi bao quanh bởi một con sông, con đường duy nhất nối làng với bên ngoài là một câu cầu tre bị đánh sập bởi chiến tranh và hiện vẫn đang được xây xi măng dở dang vì thiếu kinh phí.

Vết thương chiến tranh cùng cái chết của vô số người dân làng oan ức đã khiến trưởng làng, ông Thập không thể tha thứ. Ông cương quyết không cho Đông, con trai xã trưởng ở xa về, được vào làng thắp hương hoặc bốc mộ bố, dù anh vật nài xin đóng tiền xây nốt cầu. Cả làng thà đi đò còn hơn là dùng tiền của con kẻ phản bội để xây cầu.

Phim Biên cương 

Dân làng lầm lũi sống chung với nỗi đau của quá khứ vì họ nghe ông, tin ông. Họ đã tự cô lập mình và nghèo đi, họ không muốn chữa lành vết thương… cho đến khi ông Thập chợt nhận thấy ông phải từ bỏ quá khứ, phải mở lòng để dân làng đỡ khổ. Phim thể hiện góc nhìn bao dung, sự hòa hợp vì một mục tiêu chung đưa đời sống của bà con tốt lên đã mang lại nhiều cung bậc từ khổ đau, mất mát đến tha thứ, bao dung. 

Không chỉ đắt show với phim điện ảnh, đạo diễn Nguyễn Đức Việt còn khá mát tay với phim truyền hình, thậm chí là các phim lẻ, ít tập, kinh phí khiêm tốn. Khi làm bộ phim Biên cương cho đề tài dân tộc miền núi, với mức kinh phí chỉ có 400 triệu đồng đạo diễn chia sẻ anh đã rất cố gắng để phim ở mức xem được. Ngay cả với các diễn viên, anh cũng làm việc trước với họ để nói rõ những khó khăn. Rằng đây là phim của nhà nước, lại về đề tài miền núi nên cát-xê sẽ không tương xứng với công sức bỏ ra nhưng bù lại, các diễn viên sẽ có một bộ phim tốt và tự hào vì đã được tham gia. Khi đọc xong kịch bản, các diễn viên đều hào hứng tham gia bởi nội dung phim chặt chẽ, hấp dẫn, các tuyến nhân vật rõ nét. 

Phim Vũ điệu đam mê

Mới đây nhất, đạo diễn Nguyễn Đức Việt đã làm phim Hồng Hà nữ sĩ (kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát). Phim tái hiện cuộc đời thăng trầm của một nữ sĩ tài hoa, qua đó chuyển tải thông điệp nhân văn về những giá trị đạo đức, những chuẩn mực của người Việt trong bối cảnh xã hội Việt Nam 300 năm trước. Điều này đặc biệt ý nghĩa trong hoàn cảnh xã hội hiện đại với một số giá trị đạo đức đáng báo động thì hình tượng nhân vật với lòng hiếu thảo, đức hy sinh… sẽ mang lại những bài học, suy ngẫm cho thế hệ trẻ. Bối cảnh chính của phim được quay tại các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ như Hưng Yên, Thái Bình, Bắc Ninh và Yên Tử (Quảng Ninh). Bộ phim đã hoàn tất phần quay sau 3 năm chuẩn bị từ chọn bối cảnh, tuyển diễn viên… Dự kiến phim ra mắt khán giả vào cuối năm 2023.

Với Nguyễn Đức Việt, mỗi thử thách có vẻ đẹp của nó và được làm phim, được sống với đam mê là hạnh phúc. Và niềm hạnh phúc đó đã đưa anh đi trọn một vòng nghề khi từng bước trưởng thành từ quay phim - người đứng sau các khuôn hình đến đạo diễn - người nắm trọn một bộ phim.

PHI YẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 544, tháng 8-2023

;