Nhà văn Pháp Michel Bussi: "Tôi đặc biệt chú trọng tới các nhân vật nữ"

Nhà văn trinh thám Pháp Michel Bussi là một trong những người có tác phẩm bán chạy nhất tại Pháp hiện nay. Tác phẩm của ông nổi bật với các nhân vật nữ mạnh mẽ và những cú twist bất ngờ. Văn phong của Bussi từ tốn, xoáy sâu vào tâm lý nhân vật thay vì chỉ tập trung vào phá án như trinh thám cổ điển. Cuối tháng 10/2022, Michel Bussi đã tới Việt Nam và trực tiếp giao lưu với độc giả tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, Hà Nội.


 

Nhà văn Michel sinh năm 1965, quê ở Louviers, Eure, Pháp. Không chỉ là nhà văn chuyên sáng tác tiểu thuyết trinh thám, ông còn là nhà nghiên cứu chính trị, giảng viên Địa lý tại Đại học Rouen. Ông điều hành Khoa Nghiên cứu hỗn hợp của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp cho đến năm 2016. Bắt đầu sự nghiệp văn chương từ những năm 1990, ông liên tục cho ra đời nhiều tiểu thuyết gây tiếng vang, giành nhiều giải thưởng uy tín như Giải Michel Lebrun dành cho Tiểu thuyết trinh thám hay nhất năm 2011, Giải Gustave Flaubert dành cho Tiểu thuyết hay nhất năm 2011, giải Maison de la Presse và giải Tiểu thuyết hay năm 2012, giải Tiểu thuyết hay viết về đảo năm 2013... Tháng 1/2019, theo bảng xếp hạng GFK của Le Figaro, Bussi là nhà văn Pháp có lượng sách bán ra nhiều thứ hai (gần một triệu bản năm 2018). Tên ông lọt vào bảng xếp hạng từ năm 2014 với vị trí thứ tám, năm 2015 lên vị trí thứ năm, năm 2017 ông giữ vị trí thứ hai. Tiểu thuyết của ông đã được dịch ra hơn 35 thứ tiếng, nhiều bộ được chuyển thể thành phim.

Các tác phẩm của Michel Bussi đã xuất bản tại Việt Nam

 

Cho đến nay, ông có sáu cuốn sách đã được xuất bản tại Việt Nam: Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé, Hoa súng đen, Kho báu bị nguyền rủa, Vết khắc hằn trên cát, Xin đừng buông tay, Mẹ đã sai rồi. Năm 2023, Bussi sẽ xuất bản một cuốn sách ông đang viết. Bộ phim chuyển thể từ tác phẩm của ông cũng sẽ được trình chiếu tại Pháp. Ông cũng đang làm việc để chuyển thể tiểu thuyết sang truyện hoạt hình, truyện tranh.

Trong buổi tọa đàm Trinh thám Pháp và Việt qua góc nhìn của các nhà văn nổi danh nhân dịp Michel Bussi lần đầu tới Việt Nam, hơn 200 độc giả đã tới dự sự kiện và giao lưu với Bussi. Những người hâm mộ đến từ nhiều độ tuổi, từ học sinh, sinh viên cho tới những độc giả có tuổi.

Michel Bussi và nhà văn Việt Nam Di Li cùng trao đổi về nền văn học trinh thám của Pháp, Việt Nam và Âu Mỹ. Di Li sinh năm 1978, là nhà văn và dịch giả. Di Li thành công với thể loại tiểu thuyết trinh thám, trong đó Trại hoa đỏ gây tiếng vang và được đạo diễn Victor Vũ chuyển thể thành phim truyền hình cùng tên phát trên K+. Di Li cho biết viết tiểu thuyết trinh thám là thử thách lớn đối với nhà văn Việt bởi trí tưởng tượng không phải thế mạnh của họ, lại dễ bị đặt lên bàn cân so sánh với các tác giả trên thế giới. Nhận xét về tác phẩm của Michel Bussi, Di Li cho rằng: “Michel Bussi viết truyện trinh thám với những áng văn rất đẹp. Nếu chúng ta bỏ qua những chi tiết liên quan đến án mạng hay vụ án, vẫn sẽ có được một cuốn tiểu thuyết hoàn chỉnh”.

Nhà văn Michel Bussi bật mí, các tác phẩm của ông thường lấy cảm hứng từ những nơi ông ghé thăm, từ đó tìm chất liệu xây dựng nhân vật và cốt truyện. Tiểu thuyết của ông dù có đề tài khác nhau đều mang màu sắc nhân văn, lạc quan. Ông cân bằng nỗi buồn và niềm hy vọng thay vì viết theo hướng đen tối, ma mị hay khai thác nỗi sợ hãi. Khi viết mỗi câu chuyện, Bussi tìm kiếm bản sắc văn hóa, cá nhân, xã hội. Những nhân vật của ông có động cơ phạm tội liên quan tới vết thương lòng và nội tâm.

Theo Bussi, tác giả Pháp thích khai thác các yếu tố kỳ bí, khác tác giả Mỹ. Văn học Pháp hướng tới thơ ca nhiều hơn trong khi văn học Mỹ tập trung vào yếu tố vụ án và mang sắc thái lạnh lùng. Pháp có nhiều nhà văn viết thể loại này khiến nơi đây trở thành một trong những quốc gia có truyện trinh thám bán chạy nhất thế giới.

Buổi giao lưu với nhà văn Michel Bussi

 

Đối với Michel Bussi, điều quan trọng nhất là kích thích sự tò mò của người đọc, khiến họ muốn đồng hành để phá án. Tác phẩm cần mang luồng gió mới sau ngày làm việc và học tập mệt mỏi của mỗi người. Trước đây, truyện trinh thám ngắn do khán giả bằng lòng với cốt truyện đơn giản nhưng hiện nay, độc giả đã quá quen với nội dung cũ. Bussi nói các nhà văn cần đầu tư cốt truyện đặc biệt, sáng tạo và nhiều bất ngờ nếu muốn giữ chân người đọc. Họ phải đặt bản thân vào vị trí của độc giả. Các tác giả nên lồng ghép văn hóa của nơi họ viết trong tác phẩm. Ông nói: “Tôi thường lên kịch bản những cú twist bất ngờ, những cú lật màn tình huống nhanh. Tiểu thuyết nào tôi cũng phải lên kế hoạch hết trước khi viết. Nếu độc giả có đọc sách lần thứ hai, họ sẽ thấy các manh mối rải rác khắp nơi và hiểu rằng mọi thứ đều đã được tính toán từ trước. Những yếu tố trên đòi hỏi người viết phải có óc tưởng tượng, sáng tạo về chủ đề, tìm hiểu và đặt chân tới những vùng đất cũng như nền văn hóa mới. Họ không nên viết khi chỉ xem hay đọc thể loại trinh thám bởi đây là cách “mỳ ăn liền”.

Chia sẻ về cách xây dựng nhân vật, Michel Bussi cho biết: “Nhân vật trong truyện của tôi luôn có những mẫu người thú vị, họ là những con người bình thường nhưng phải đối mặt với những sự kiện bất thường, sự kiện khó tin, ví dụ một người về từ cõi chết. Tôi lấy cảm hứng từ những sự kiện có thể gợi mở ra một cuộc phiêu lưu phi thường. Tôi đặc biệt chú trọng tới các nhân vật nữ, thông thường, tiểu thuyết của tôi xoay quanh các mối quan hệ tình cảm hoặc mối quan hệ giữa mẹ với con, giữa con với mẹ, đan cài trong cuộc hành trình đi tìm bản dạng. Và tôi thấy với các cốt truyện kiểu này, nhân vật nữ thường mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn nam giới. Bản thân tôi cũng muốn khắc họa các nhân vật nữ mạnh mẽ và ấn tượng như vậy. Trong khi đó, nhân vật nam trong tiểu thuyết của tôi thường được khắc họa bộc trực, bản năng hơn, họ có xu hướng bạo lực và quan tâm đến tiền hơn. Tôi luôn xây dựng cốt truyện có bóng dáng của phụ nữ xuyên suốt, tôn vinh những phẩm chất tỉ mỉ, cần cù, kiên nhẫn và họ thường đóng vai trò mấu chốt trong mạch truyện”.

Buổi tọa đàm đồng thời là dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt cuốn sách mới nhất của Michel Bussi - Mã 612: Ai đã giết Hoàng tử bé. Antoine mất tích trong khoảng thời gian Thế chiến thứ Hai. Vài tháng trước khi mất tích, Antoine đã viết Hoàng tử bé. Cuối truyện, Hoàng tử bé chết. Thi thể của Antoine và nhân vật đều không bao giờ được tìm thấy. Nhận thấy giữa tác phẩm và đời thực của nhà văn có nhiều điểm tương đồng, ông nảy ra ý tưởng cho cuốn sách. Michel Bussi lý giải lý do vì sao mình lại chọn hướng tiếp cận này: “Tác phẩm của tôi là một tiểu thuyết trinh thám lấy ý tưởng từ vụ mất tích của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry và cái chết của Hoàng tử bé trong tác phẩm cùng tên. Nhận thấy giữa tác phẩm và đời thực của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry có rất nhiều điểm tương đồng, tôi nảy ra ý tưởng cho cuốn sách. Như mọi người cũng biết, Antoine de Saint-Exupéry mất tích trong khoảng thời điểm diễn ra Thế chiến thứ II. Vài tháng trước khi ông mất tích, ông đã viết Hoàng tử bé. Cuối truyện thì Hoàng tử bé cũng đã chết. Tôi thấy có một sự trùng hợp, đó là trong truyện, người ta cũng không tìm thấy xác của Hoàng tử bé, ngoài đời thật, người ta cũng chưa bao giờ tìm thấy thi thể của Antoine de Saint-Exupéry. Phải chăng, nhà văn đã mượn tác phẩm Hoàng tử bé để dẫn đến lời giải, làm một tài liệu báo trước cho sự ra đi của mình vài tháng sau đó. Đây là hướng điều tra mà tôi đã đi theo trong tác phẩm này”.

Khi được hỏi: “Ông có điều gì muốn gửi gắm tới độc giả Việt Nam không?”, Michel Bussi nói: “Tôi rất hào hứng được khám phá đất nước này. Tôi chưa từng có dịp được đến thăm trực tiếp dù ở Pháp, người ta cũng nói về Việt Nam rất nhiều. Việt Nam cũng có một vị trí đặc biệt trong ý niệm của người Pháp. Tôi được biết là có nhiều tác phẩm của mình đã được dịch sang tiếng Việt. Vậy nên lần này sang Việt Nam, tôi rất muốn gặp gỡ và trao đổi với độc giả nơi đây. Đây cũng là cơ hội để tôi đi thăm thú Việt Nam. Với các tiểu thuyết của mình, tôi hay lấy cảm hứng sáng tác từ những nơi mình đã trực tiếp thăm thú. Tôi sẽ tìm chất liệu xây dựng nhân vật và cốt truyện. Vậy nên trước tiên tôi sẽ đi tham quan, khám phá đất nước này. Có thể sắp tới, Việt Nam sẽ xuất hiện trong tác phẩm của tôi”.

Các độc giả nhiều lứa tuổi háo hức tham dự buổi giao lưu với nhà văn Michel Bussi

 

PHẠM MINH TRANG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 526, tháng 2-2023

;