Đầu tư làm phim trong kỷ nguyên số

Việc sụt giảm doanh thu của hàng loạt bộ phim sau đại dịch đã khiến cho không ít hãng phim, nhà đầu tư lao đao. Việc đổi mới phương thức làm phim qua hình thức kêu gọi đầu tư như một dự án kinh tế đã được một số hãng, dự án phim tính đến.

Phim Silence

Hiện tại đang có một khuynh hướng làm phim mới trên thế giới: Kêu gọi vốn cộng đồng bằng hình thức bán trước NFTs (Non-fungible token, tạm dịch: Mã thông báo không thể thay thế), là một đơn vị dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng công nghệ Blockchain (Sổ cái kỹ thuật số). Khác với những loại tiền mã hóa như Bitcoin, mỗi NFT sẽ không thể hoán đổi cho nhau, mỗi NFT cũng sẽ đại diện cho một tập tin độc nhất vô nhị. Hoặc, đại diện cho một mặt hàng kỹ thuật số độc nhất, chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật (phim, ảnh, tranh vẽ, bản nhạc...).

Thực trạng thường thấy là luôn có nhiều nhà làm phim không đủ tiền làm phim. Vì thế họ phải cần sự hỗ trợ chủ lực của một hãng phim về nguồn kinh phí, để đầu tư sản xuất cho dự án của mình. Với cộng đồng nhà đầu tư NFTs, những người sáng tạo - nhà làm phim - có thể được toàn quyền tự do sáng tác, để được làm bộ phim mà họ mong muốn.

Đồng thời, điều tuyệt vời của NFTs là sẽ từng bước cách mạng hóa phương thức phim điện ảnh tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và phát hành. Mỗi ngày, người dùng - khán giả tiềm năng - có thể trở thành nhà đầu tư phim, đơn giản bằng cách mua và được chia sẻ lợi nhuận phim thông qua các đợt mở bán trước NFTs.

Một trong những người đi tiên phong trong lĩnh vực này, Neils Juul - nhà sản xuất đứng đằng sau các phim Silence (Sự câm lặng), The Irishman (Người đàn ông Ireland) của Martin Scorsese mới đây đã ra mắt công ty sản xuất phim KinoDAO, nhằm tận dụng ưu thế của NFTs để đầu tư cho phim độc lập.

Juul chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng các kịch bản xếp hàng ngoài kia không được làm ở mức 10-20 triệu USD vì các studio hứng thú hơn với “Vũ trụ điện ảnh Marvel” và nhiều franchise khác. Ông nghĩ rằng các “đường ống” phim độc lập đang bị thắt cổ chai, và một số nhà sản xuất không có lựa chọn tài chính khả thi nào khác là phát sóng trên các dịch vụ trực tuyến như Netflix.

Phim A Wing and a Prayer

Trước đó, hồi cuối năm ngoái, Juul tạo nên NFT Studios với mục tiêu tận dụng NFTs để kêu gọi góp vốn cộng đồng cho những phim kinh phí thấp. A Wing and a Prayer (Một đôi cánh và một lời cầu nguyện) - bộ phim đầu tiên của NFT Studios, là một bằng chứng của ý tưởng với ngân sách 10 triệu USD. KinoDAO là công ty con của NFT Studios.

Một ví dụ khác, MovieCoin - một công ty khởi nghiệp tiền số đang tạo ấn tượng bằng cách đầu tư một phần vào bộ phim về boxing - Prizefighter: The Life of Jem Belcher (Cuộc đời của Jem Belcher). Phim là câu chuyện về cuộc đời võ sĩ quyền anh Jem Belcher (1781- 1811), nhà vô địch quyền anh của vương quốc Anh giai đoạn 1800- 1805. Dự án phim này có sự tham gia diễn xuất của ngôi sao Russell Crowe. Amazon Prime sẽ được phân phối phim này tại Mỹ và vương quốc Anh, dưới dạng phim độc quyền.

Trưởng nhóm phát triển của MovieCoin, James Hickey, chia sẻ rằng sự đột phá của NFTs trong quá trình làm phim là “quyền lực có thể được chuyển giao cho nghệ sĩ và sau đó chuyển sang đa kênh trung gian, trong một chuỗi cung ứng”.

Hickey bày tỏ: “Bằng việc mã hóa quá trình tiền kỳ và bán NFTs đại diện cho các quyền tương lai, chúng ta thực sự tin rằng toàn bộ ngành công nghiệp sáng tạo liên quan phim ảnh sẽ thay đổi, hoặc ít nhất cũng dẫn đến việc đưa mọi người đến một thương vụ tốt hơn”.

Công ty này dự định sẽ giúp gọi vốn cho những bộ phim kinh phí thấp, để xem quá trình bán NFTs sẽ có thể ảnh hưởng như thế nào đến quá trình sản xuất phim. Bằng việc chia nhỏ rủi ro với những bộ phim ngân sách thấp hơn, công ty có thể thử nghiệm, trước khi chính thức đầu tư cho những bộ phim kinh phí cao của Hollywood.

Một phim được MovieCoin đầu tư 100% kinh phí bằng cách tiền mở bán NFTs (trên nền tảng Opensea) là phim Oui Cannes của nhà làm phim Mark O’Connor người Ireland. Đạo diễn trẻ này từng gây ấn tượng mạnh với giới phê bình tại Giải thưởng Điện ảnh và Truyền hình Ireland (Irish Film and Television Awards), với phim Cardboard Gangsters (Băng đảng xã hội đen) vào năm 2017, kinh phí sản xuất ước lượng chỉ tầm 400.000 euro. Dự án Oui Cannes đặt mục tiêu trở thành bộ phim đầu tiên được tài trợ hoàn toàn thông qua NFTs và đầu tư từ cộng đồng tiền điện tử thông qua nền tảng của công ty khởi nghiệp. Ngân sách dự kiến tầm 2,5 triệu euro.

Phim Prizefighter: The Life of Jem Belcher

Nhận xét về chiến lược tài trợ cho dự án phim mới của mình, nhà biên kịch kiêm đạo diễn Mark O’Connor cho biết: “Tôi rất quan tâm đến việc tài trợ từ đám đông, nơi công chúng có thể sở hữu cổ phần trong một bộ phim. Nó mang lại sự tự do cho nghệ sĩ, có thể loại bỏ việc bị mắc kẹt tài chính trong quá trình ấp ủ và phát triển một dự án phim trong nhiều năm. Với tiền điện tử, công chúng có thể mua NFTs, đại diện cho cổ phần trong lợi nhuận của một bộ phim và những NFTs này sau đó có thể được giao dịch trên thị trường mở”.

Hồi tháng 4 vừa rồi, Oui Cannes đã tung ra đợt mở bán NFTs đầu tiên trên nền tảng Open Sea. Và theo trang dự án chính thức của Open Sea, mỗi NFT đại diện cho 0,14% chia sẻ lợi nhuận từ bộ phim này. Quan trọng hơn, nhà làm phim Mark O’Connor tin rằng NFTs cũng có thể được xem như một cách phát hành mới, nhất là cho các phim độc lập. Những người mua trước NFTs để đầu tư cho phim kinh phí thấp có thể xem phim, một khi phim được phát hành, song song đó cho phép NFTs đóng vai trò như một cách thức mới để xem phim tại nhà.

Tiềm năng đầy hứa hẹn của cộng đồng NFTs trên thế giới đã và đang thay đổi cách mà nghệ sĩ - nhà làm phim nghĩ về đầu tư phim, trong tương lai gần. Một khi các dự án phim độc lập gọi vốn qua nền tảng NFTs thành công, ngành công nghiệp sáng tạo này thực sự có bước ngoặt mới, với những thay đổi lớn mà nó tạo ra đối với các nhà làm phim toàn cầu. Đây đang được xem là một trong những con đường mới của việc làm phim trên thế giới trong kỷ nguyên công nghệ số.

HỒNG SÂM

Nguồn: Tạp chí VHNT số 517, tháng 11-2022

;