Xuân về trẩy hội với cộng đồng các dân tộc Hà Giang

Xuân đã về mang theo màu áo mới trên khắp bản làng quê hương Hà Giang. Trên những nẻo đường đồi quanh co, bao bọc lấy bản làng nơi lưng chừng núi, bên những tường rào đá, những mái ngói âm dương rêu phủ, hoa đào, hoa lê, hoa mận đua nhau khoe sắc, tiếng gà gáy, tiếng mõ trâu quen thuộc nhưng nay bỗng rộn ràng khi cất cùng ở một không gian, một địa điểm, những bộ váy áo lung linh sắc màu, xúng xính trong các lễ hội làm bừng sáng cả đất trời Hà Giang.

 

Đã từ lâu rồi, Hà Giang được mọi người biết đến là nơi quần cư của 19 dân tộc, trong đó có những dân tộc ít người chỉ ở Hà Giang mới có hoặc có nhiều hơn các tỉnh khác như: Pà Thẻn, Lô Lô, La Chí, Pu Péo, Phù Lá... Mỗi dân tộc ở Hà Giang đều có bản sắc văn hóa độc đáo và đến nay, vẫn còn được lưu giữ, bảo tồn; đã, đang tạo thành bức tranh văn hóa đa sắc màu hấp dẫn và quyến rũ. Các tộc người ở Hà Giang dù có lịch sử cư trú từ lâu đời hay di cư đến sau đều coi kinh tế nông nghiệp, trồng trọt là nguồn sống chính. Để thích nghi với địa hình cư trú đồi núi, khí hậu nhiệt đới gió mùa, để sinh tồn các tộc người ở Hà Giang đã cần cù, nhẫn nại vượt qua khó khăn phát nương làm rẫy, trồng các loại cây lương thực tự cung, tự cấp cho cuộc sống. Trong lao động cộng đồng, các dân tộc đã sáng tạo tạo nên những thửa ruộng bậc thang, những vườn cây ăn trái và những nương ngô xanh ngắt trên triền núi đá… Quá trình thích nghi với nền nông nghiệp chống chịu đó, cộng đồng các dân tộc ở Hà Giang đã sáng tạo ra nhiều giá trị văn hóa tinh thần độc đáo, tiêu biểu là các lễ hội truyền thống. Hà Giang đã và đang duy trì tổ chức gần 80 lễ hội, trong đó quy mô cấp tỉnh có 5 lễ hội; cấp huyện, thành phố có 15 lễ hội; cấp xã có 58 lễ hội. Các lễ hội chủ yếu gắn với hoạt động tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số nên thời gian không kéo dài, không phức tạp và chủ yếu tổ chức vào mùa xuân, tiêu biểu như lễ cúng tổ tiên, lễ hội Lồng tông của người Tày, Giấy; lễ hội Gầu Tào của người Mông, lễ cúng thần rừng của người Pu Péo; lễ hội múa trống của dân tộc Giấy, lễ hội Quỹa Hiéng của người Dao… Cứ mỗi độ Xuân về, trên khắp các bản làng ở Hà Giang lại nô nức tiếng cười vui, tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng tính tẩu, tiếng trống hòa cùng điệu múa lời ca tự tình của những chàng trai, cô gái đã làm ấm cả không gian cao nguyên, xóa nhòa khoảng cách giữa đất và trời, chỉ để lại khúc tự tình trên cao nguyên đá.

Đến với xã Tát Ngà, huyện Mèo Vạc những ngày đầu Xuân, khắp bản làng người Giấy rộn ràng tổ chức lễ mừng năm mới hay còn gọi là Lễ hội múa trống. Theo quan niệm của người Giấy thì ông và bà vừa chính là tổ tiên, là người sinh ra dân tộc Giấy đồng thời cũng là những người che chở, bảo vệ cho con cháu người Giấy. Cũng bởi thế lễ hội chỉ đơn thuần là một dịp để đồng bào gửi gắm những ước mong, đồng thời mời tổ tiên về chung vui với con cháu. Để chuẩn bị cho lễ hội, ngay từ những ngày cuối năm cũ, trưởng thôn đã tập hợp dân làng và thầy cúng để bàn việc chuẩn bị cho lễ mừng năm mới. Các lễ vật phải chuẩn bị thường là những gì gia đình tự làm ra được như thịt gà, bánh chưng, thịt treo, rượu, hương… Bắt đầu vào sáng sớm ngày mồng 1 Tết, thầy cúng mặc trang phục chỉnh tề cùng một số thanh niên khỏe mạnh, chưa vợ mang một mâm lễ cùng  vàng hương đến cúng tại miếu Bà xin cho dân làng được hạ trống xuống để tổ chức lễ hội. Người Giấy quan niệm rằng thần trống chính là vị thần đưa tin, những lời cầu mong, ước nguyện của họ muốn đến được với tổ tiên phải nhờ vào thần trống. Cũng bởi thế mà suốt mùa lễ hội, tiếng trống vang lên không ngớt. Sau khi làm lễ tại miếu Bà, thầy cúng dẫn theo đoàn khiêng lễ vật và trống thần đi qua từng nhà trong thôn chúc mừng năm mới. Qua mỗi nhà, lại gõ một hồi trống cầu mong cho gia đình những điều tốt đẹp. Trống thần đi tới đâu, đoàn rước dài thêm, đông thêm, vui thêm. Không khí của lễ hội náo nhiệt cho tới chiều muộn, các gia đình mới trở về nhà mình. Sang ngày mồng 2 Tết, hầu hết dân làng lại tụ tập về trước miếu Ông. Họ lại cùng nhau múa hát và chơi những trò chơi dân gian như đánh Yến, tung Còn. Cứ như vậy, hội xuân kéo dài đến hết ngày 30 tháng Giêng. Suốt mùa lễ hội, tiếng trống vang lên không dứt, mọi người lần lượt thay nhau đánh trống. Lễ hội kết thúc, thầy cúng cùng các chàng trai trong thôn lại khiêng trống từ miếu Ông về cất giữ tại miếu Bà, chờ mùa lễ hội năm sau.

Khác với dân tộc Giấy, dân tộc Dao Đỏ xã Hồ Thầu, huyện Hoàng Su Phì vào ngày đầu xuân tổ chức lễ hội Quỹa Hiéng (Lễ hội qua năm). Lễ hội được tổ chức tại nhà các trưởng họ trong thôn bản của xã Hồ Thầu. Phần nghi lễ của lễ hội được tiến hành vào ngày cuối cùng của năm cũ tại gian giữa của gia đình trưởng họ với 3 đàn lễ gọi là: Bứa Hiéng, Siáng chà phin, Shám háng. Sau khi kết thúc phần nghi lễ, thầy cúng cùng những người tham gia lễ hội tổ chức các hoạt động giao lưu ẩm thực, múa bắt ba ba (Piáo tổ) và trò nhảy lửa (Shim tẩu), trò giữ gậy (Shính tờ chùi), trò bói lồng gà (Shinhs laos hai), trò thi tài sử dụng nhạc cụ và hát đối đáp... Thông qua các nghi lễ trong lễ hội, đồng bào gửi gắm những ước muốn cho bản làng ấm no, gia đình hạnh phúc, con người mạnh khỏe, đồng thời xua đuổi tà ma của năm cũ, cầu chúc cho mùa màng năm sau tốt tươi.

Một lễ hội độc đáo của người Mông ở Hà Giang cũng được tổ chức vào những ngày đầu xuân mới, đó là lễ hội Gầu tào (txang taox). Lễ hội được tổ chức  hằng năm từ ngày mồng 3 Tết đến ngày 14 Tết tại các thôn bản, các xã, thị trấn, các huyện trong tỉnh. Địa điểm được chọn thường là những bãi đất bằng phẳng trên các ngọn đồi, núi thấp và là nơi linh thiêng của vùng. Đây là lễ hội cổ truyền có từ lâu đời, gắn liền với tín ngưỡng thờ vạn vật hữu linh của đồng bào đân tộc Mông. Lễ hội nhằm mục đích cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ độ trì cho gia chủ, con cái khỏe mạnh, con trai nối dõi tông đường để chăm sóc tổ tiên dòng họ; cầu phúc, cầu lộc cho dân làng, mở hội tạ ơn trời đất, núi sông đã ban cho tài lộc, con cái học hành, công tác thành đạt và mùa màng bội thu, ngô lúa đầy sàn, gia súc, gia cầm đầy chuồng. Đây cũng là dịp để người người gặp gỡ tâm tình, vui chơi thoải mái và thi đấu tài năng như: Thi hát đối các làn điệu dân ca giao duyên hay các điệu múa khèn từng làm siêu lòng biết bao cô  gái... để sẵn sàng bước vào một năm mới làm ăn gặp nhiều may mắn hơn trong cuộc sống, công tác và lao động sản xuất.

Là dân tộc cư trú ở vùng thấp, có kinh nghiệm trong canh tác lúa nước, người Tày ở Hà Giang chọn lễ hội Xuống đồng hay còn gọi là lễ hội Lồng tông để tổ chức vào dịp đầu xuân mới. Lễ hội được tổ chức thường niên vào ngày mồng 4 hoặc mồng 6 Tết Nguyên đán. Tham gia lễ hội có thầy cúng và tất cả mọi thành viên từ già đến trẻ trong thôn bản. Mỗi gia đình chuẩn bị một mâm cỗ cúng là các sản phẩm gia đình đã làm được trong năm vừa qua, các mâm cúng được xếp thành hàng dài, sau đó thầy cúng tiến hành cúng. Thầy cúng cám ơn thần Lúa, thần Ngọc hoàng, thần Núi, thần Nước, thần Thổ công đã phù hộ cho dân làng năm qua và tiếp tục cầu thần cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Sau lễ cúng khoảng một giờ đồng hồ, dân làng tập trung tổ chức các trò chơi dân gian như: đẩy gậy, kéo co, tung còn, đánh quay và cùng nhau thưởng thức các món ăn do các hộ gia đình tự chế biến dâng cúng để vui mừng Xuân mới.

Đến với Hà Giang mỗi độ xuân về, lòng người thư thái bởi sắc hoa, rộn ràng, say đắm bởi những lễ hội truyền thống của các dân tộc, để hòa mình vào văn hóa cộng đồng, thưởng thức hương vị ẩm thực độc đáo, chung tay với đồng bào hát vang bài ca đoàn kết xây dựng quê hương. Một mùa xuân mới đã về, tin tưởng rằng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, cố gắng quyết tâm của cộng đồng các dân tộc, Hà Giang sẽ vững bước trên con đường mới với nhiều thành công mới. 

 

 

NGUYỄN HOÀI

Nguồn: Tạp chí VHNT số 486, tháng 1-2022

 

;