Ơ Đu là một trong những dân tộc có số dân ít nhất ở Việt Nam, sinh sống chủ yếu tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhiều năm qua, đồng bào đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần ổn định đời sống kinh tế, xã hội. Tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, đồng bào dân tộc Ơ Đu đã tái hiện lại nghi thức đón tiếng sấm đầu năm.
Đối với người Ơ Đu, tiếng sấm là biểu tượng của sự linh thiêng, báo hiệu một năm mới đến, bắt đầu mùa rẫy mới. Nghi thức đón tiếng sấm đầu năm là tập tục cổ xưa nhất được người Ơ Đu lưu giữ với mong muốn một năm mưa thuận gió hòa để thuận lợi cho việc trồng trọt, săn bắt. Lễ mừng tiếng sấm đầu năm mới là ngày Tết lớn nhất trong năm (vào khoảng tháng 2, 3) nên cả bản tổ chức rất long trọng, các gia đình trong bản đều đóng góp lễ vật và tham gia đầy đủ.
Đồng bào chuẩn bị chu đáo các lễ vật trong ngày lễ
Thầy cúng bắt đầu nghi lễ: “Ơ! Hôm nay là ngày tốt, tháng lành, là ngày có tiếng Sấm đầu tiên - báo hiệu năm mới đến với người dân tộc Ơ Đu. Kính mời thần sấm, các vị thần linh, tổ tiên và những người đã khuất! Dù đang ở đâu, đang trên nương hay ở trong rừng cùng về đây dự lễ, thưởng thức các món ăn chào mừng năm mới và cầu cho một năm mới mùa màng tốt tươi, không có dịch bệnh, ốm đau và đời sống của người Ơ Đu phát triển… Ơ! Xin được kính mới thần sấm, các vị thần linh, tổ tiên và những người đã khuất!”.
Mâm cúng để tạ ơn gồm có những vật phẩm như sau: gà trống thiến luộc, nhọc sóc, nhọc chuột, cá lạp, cá moọc, cơm xôi, bánh chưng, rượu siêu, rượu cần, rượu nếp cẩm… để kính đăng lên thần sấm, các vị thần linh, tổ tiên và những người đã khuất thưởng thức. Theo quan niệm của người Ơ Đu, sau tiếng sấm đầu năm, con vật cất tiếng kêu đầu tiên là con gà, được xem là linh vật thần sấm gửi gắm thông điệp những ngày đầu năm. Những lễ vật được đồng bào đặt trên những chiếc mâm mây, đưa từ nhà của mình ra tập trung tại không gian chung của bản.
Đón tiếng sấm đầu năm là nghi thức mang tính linh thiêng nhất của đồng bào Ơ Đu
Thầy cúng thay mặt bà con đọc lời khấn: “Hôm nay, cũng là dịp mời ông bà, bố mẹ, con cháu nội, ngoại hai bên dòng họ Ơ Đu về đây dự lễ và ăn uống, vui chơi, đón chào xuân mới, sum họp một nhà. Từ nay về sau, mong tổ tiên phù hộ sức khỏe ông bà, bố mẹ, con cháu nội ngoại hai bên dòng họ người Ơ Đu và đàn trâu, bò phát triển, đàn lợn, gà đầy nhà và to béo; người Ơ Đu có cuộc sống ổn định phát triển kinh tế và sống lâu trăm tuổi”.
Nghi lễ buộc chỉ cổ tay làm vía cầu sức khỏe cho các thành viên trong bản
Kết thúc phần lễ, mở ra phần hội với không khí vui tươi, rộn ràng. Dân bản tập trung uống rượu cần, chúc nhau những điều tốt lành và nhảy múa theo những giai điệu truyền thống của người Ơ Đu. Trong những ngày đón tiếng sấm đầu năm Chăm Phtrong, bản người Ơ Đu còn rộn ràng với âm thanh vui tươi của nhạc cụ, trống và những nhạc cụ được làm từ ống nứa. Ngoài ra, còn tổ chức nhiều trò chơi khác: đánh khăng, chọi gà, đi cà kheo…
Đồng bào Ơ đu hòa mình vào không khí lễ hội
Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, hiện nay, người Ơ Đu tỉnh Nghệ An đã phục dựng, duy trì nghi thức đón tiếng sấm đầu năm trong đời sống cộng đồng - một trong số ít lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số còn lưu giữ được những yếu tố đặc sắc, cần được bảo tồn, phát huy. Trước đây, lễ mừng tiếng sấm của người Ơ Đu thường kéo dài từ 5-7 ngày, cho đến khi mọi thủ tục cúng lễ thần sấm trong bản làng hoàn tất thì lễ mới kết thúc. Nhưng hiện nay, đồng bào Ơ Đu chỉ tổ chức trong vòng một ngày.
VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH