Tối ngày 1-11-2023, tại rạp Lotte Cinema (Lotte Mall West Lake Hà Nội - 683 Lạc Long Quân, Tây Hồ), đoàn làm phim “Người vợ cuối cùng” đã ra mắt khán giả Hà Nội sau buổi chiếu ra mắt ở TP.HCM vào tối hôm trước. Hiện tại, theo Box Office Việt Nam, sau những suất chiếu sớm, bộ phim đã lọt vào Top đầu trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé tại Việt Nam.
Cảnh phim "Người vợ cuối cùng"
Bộ phim nhận được nhiều kỳ vọng trong đường đua phim Việt nửa cuối năm
Trong sự kiện công chiếu tại Hà Nội, dàn diễn viên chính của phim Người vợ cuối cùng gồm Kaity Nguyễn, Thuận Nguyễn, Đinh Ngọc Diệp, NSƯT Kim Oanh, NSƯT Quang Thắng, Quốc Huy, Anh Dũng và đạo diễn Victor Vũ đều diện những trang phục đậm màu sắc dân gian. Buổi ra mắt phim cũng quy tụ đông đảo những nghệ sĩ, khách mời, báo chí và khán giả Hà Nội.
Trong buổi họp báo công chiếu, Victor Vũ đã chia sẻ thông điệp về tình yêu và khát khao tự do trong Người vợ cuối cùng, đồng thời hy vọng bộ phim sẽ góp phần quảng bá và giúp khán giả yêu mến hơn những nét đẹp văn hóa Việt Nam truyền thống. Sau hơn 10 năm mới trở lại với thể loại phim cổ trang, đạo diễn Victor Vũ cho biết Người vợ cuối cùng có nhiều sự khác biệt với bộ phim Thiên mệnh anh hùng được sản xuất vào năm 2012. Anh chia sẻ: “Thiên mệnh anh hùng nghiêng về yếu tố cổ trang võ thuật và lịch sử. Còn với Người vợ cuối cùng, yếu tố cổ trang là bản sắc dân tộc, văn hóa Việt. Với Victor, một bộ phim cổ trang sẽ cho mình cơ hội khai thác những nét đẹp văn hóa, hình ảnh Việt Nam một cách trực tiếp hơn”.
Trở thành tâm điểm của buổi ra mắt phim, Kaity Nguyễn hạnh phúc khi chia sẻ về vai nữ chính của mình: “Đây là bộ phim mang lại cho Kaity rất nhiều cảm xúc khi được trải nghiệm và sống ở miền Bắc trong vòng hơn 1 tháng. Từ trước đến giờ, Kaity chưa có một vai diễn nào được trải nghiệm văn hóa truyền thống, nên khi được mặc những chiếc áo dài, được “sống” ở TK XIX, Kaity rất biết ơn cơ hội này. Và Kaity ngày càng tự hào khi được nói mình là người Việt Nam”.
Lấy bối cảnh thời đại nhà Nguyễn tại một ngôi làng vùng Bắc Bộ, Người vợ cuối cùng kể câu chuyện tình yêu đầy trắc trở giữa Linh và Nhân. Hai nhân vật chính của bộ phim đều xuất thân từ gia đình nông dân nghèo và phải đối mặt với những bước ngoặt đầy khổ đau trong cuộc sống. Để cứu cha mẹ, Linh buộc phải gả làm vợ lẽ của quan huyện Đức Trọng, bỏ lỡ tình yêu đẹp với Nhân. Những tưởng sung sướng khi về làm dâu nhà quan, Linh lại phải tiếp tục gánh chịu vô vàn tủi nhục. Cô bị cả gia đình quan xem như cái “máy đẻ”, mang danh mợ Ba nhưng phải làm lụng việc nhà quần quật, dùng cơm mâm dưới không khác gì người ăn, kẻ ở. Sự ra đời của con gái Đông Nhi cũng không khiến cuộc sống của Linh khá hơn trong một môi trường trọng nam, khinh nữ. Cuộc sống quạnh quẽ, tủi nhục như cái xác không hồn của Linh thay đổi khi cô gặp lại Nhân sau 7 năm xa cách. Tình yêu giữa họ lần nữa bùng cháy, đẩy đưa đến những quyết định và sự lựa chọn liều lĩnh có thể đe dọa đến tính mạng của cả hai. Bộ phim được cải biên từ tiểu thuyết trinh thám - tâm linh Hồ oán hận của nhà văn Hồng Thái (bố vợ của đạo diễn) và nhà văn cũng là cố vấn đặc biệt của phim, Người vợ cuối cùng lược bớt phần trinh thám và tâm linh, nhấn mạnh câu chuyện tình yêu lãng mạn suốt gần nửa thời lượng phim và chỉ “phả” vào màu sắc trinh thám ở hồi thứ ba cùng với sự xuất hiện của thầy Kiên xuống phá án theo lệnh của quan án sát.
Đoàn làm phim rạng rỡ ra mắt khán giả
Phong cảnh hữu tình của hồ Ba Bể làm nên những khung hình đắt giá, nơi cảnh sắc thiên nhiên khoáng đạt đối lập với những phận đời bị giam cầm và trói buộc liên miên trong cái nghèo, trong những lễ nghi, hủ tục hà khắc của xã hội phong kiến. Đất trời mênh mông nhưng họ chẳng dám bỏ chạy hay tìm ra con đường sáng để vượt thoát. Câu chuyện người phụ nữ thấp cổ bé họng vượt rào lễ giáo phong kiến trong phim Người vợ cuối cùng đã khiến khán giả đồng cảm cùng nhân vật. Cách đạo diễn Victor Vũ giải quyết cái kết của Người vợ cuối cùng cũng cho thấy tâm thế an toàn của anh khi thực hiện bộ phim này.
Đây mới là bộ phim thứ 6 của nữ diễn viên Kaity Nguyễn nhưng là bộ phim cho thấy bước đột phá trong diễn xuất của cô. Dù ngoại hình có phần hiện đại nhưng diễn xuất đầy biểu cảm với những giây phút thăng hoa đã mang đến một nhân vật đầy sức sống, sinh động và thuyết phục. Trong từng ánh mắt, cử chỉ, cô cho khán giả thấy hình ảnh một người phụ nữ đầy thân phận, hết mình khi yêu, hết lòng khi làm mẹ, hiếu nghĩa lúc làm con nhưng cũng rất “lỳ đòn” khi… làm người vợ cuối của quan. Thật bất ngờ khi ở độ tuổi của Kaity, cô có thể diễn rất tình cảm và chân thành những phân đoạn của một người mẹ đầy tình mẫu tử nhưng bất lực không thể bảo vệ con mình. Kaity Nguyễn đã thể hiện xuất sắc chất nữ tính trong bộ phim này.
Thuận Nguyễn có ngoại hình có thể nói là “sáng bừng màn ảnh”, tuy vẻ cao lớn đẹp trai của anh có phần chênh lệch với xuất thân của nhân vật vốn chỉ là chàng bán cua nghèo. Nhưng nét đẹp ngoại hình của Thuận Nguyễn cùng với cách diễn chân thành, nhạy cảm và lăn xả, Thuận Nguyễn đã mang đến một nhân vật lấy được cảm thông của khán giả. Vào vai một cặp tình nhân trẻ yêu nhau say đắm, Thuận Nguyễn và Kaity Nguyễn đã có những “phản ứng hóa học” tốt, đặc biệt rất đẹp đôi khi lên hình. Cả hai diễn phối hợp nhịp nhàng, biết nâng đỡ bạn diễn.
Ê-kíp làm phim được khán giả và đồng nghiệp Hà Nội chào đón nồng nhiệt
Đầu tư công phu để làm phim cổ trang
Có thể nói, Người vợ cuối cùng là một trong những bộ phim cổ trang được đầu tư công phu về mặt bối cảnh và trang phục. Victor Vũ tâm niệm, dù bối cảnh phim chỉ diễn ra trong một ngôi làng nhỏ giả tưởng, việc tái hiện trường quay tiệm cận nhất với hình ảnh miền Bắc vào TK XIX sẽ giúp diễn viên thực sự sống trong bộ phim và cảm nhận được nhân vật của mình. Anh cho biết, bề dày văn hóa độc đáo của Việt Nam chính là nguồn cảm hứng và động lực cho anh và ê-kíp. Để làm được điều này, đạo diễn Victor Vũ và ê-kíp đã tham khảo rất nhiều nguồn tài liệu, trong đó có Kỹ thuật của người An Nam (Technique du peuple Annamite). Từ cây trâm cài, chiếc nhẫn, nếp áo của các nhân vật chính đến kiểu tóc, dáng đi, hành động của hơn 200 diễn viên quần chúng đều được chăm chút tỉ mỉ. Thậm chí những dụng cụ nấu bếp, đoàn phim cũng cố gắng vẽ tay trên từng cái chén, bình, đĩa... để mô phỏng hoa văn gốm sứ thời Nguyễn.
Phim được đầu tư công phu và chỉn chu về mặt bối cảnh và trang phục
Bên cạnh đó, đạo diễn Victor Vũ cùng ê-kíp thiết kế mỹ thuật của anh cũng cho thấy rõ sự dụng công trong việc thiết lập không gian văn hóa của người Việt xưa, trong từng nếp áo, khung nhà, mâm cỗ… Ê-kíp đã đầu tư nghiên cứu, đối chiếu để xây dựng nên bối cảnh có độ chân thực và sát với thực tế nhất từ tư liệu cũ.
Hiện tại, sau thời gian giữ “ngôi vương” phòng vé, Đất rừng phương Nam đã thu được 129 tỷ 635 triệu đồng và xuống vị trí thứ hai, nhường chỗ cho Người vợ cuối cùng hiện đã mở bán vé cho những suất chiếu đặc biệt từ 18 giờ ngày 1 và 2-11, trước khi chính thức khởi chiếu từ ngày 3-11-2023. Sau suất chiếu sớm, Người vợ cuối cùng đã đứng vào top đầu trên bảng xếp hạng doanh thu phòng vé. Cụ thể, theo đơn vị quan sát phòng vé độc lập Box Office Vietnam, tính đến sáng ngày 3-11, phim thu về hơn 9 tỷ 831 triệu đồng.
NGÔ HỒNG VÂN