Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người

Tối 3-11, Bộ VHTTDL phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I và Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023 chủ đề “Sắc màu văn hóa - Hội tụ và lan tỏa”. Chương trình có sự tham gia biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên và đồng bào đến từ 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 đã để lại nhiều ấn tượng khó quên cho du khách trong và ngoài nước.

Các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Lai Châu tham dự Lễ khai mạc Ngày hội

Dự Lễ khai mạc về phía đại biểu trung ương có các đồng chí: Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I, Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu năm 2023...

Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Giàng Páo Mỷ; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vũ Mạnh Hà; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Lương; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tống Thanh Hải - Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội.

Quang cảnh Lễ khai mạc Ngày hội

Tới dự còn có: ông Vương Nghệ Lâm - Phó Huyện trưởng Chính quyền nhân dân huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc; các doanh nghiệp 3 tỉnh Bắc Lào, Châu Hồng Hà (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc); đại diện các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo UBND, Sở VHTTDL các tỉnh cùng đông đảo nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng 11 tỉnh tham gia ngày hội; các đồng chí trong Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban trọng tài điều hành các hoạt động của Ngày hội…

Tham dự ngày hội gồm 14 dân tộc có số dân dưới 10.000 người (Si La, Lự, Cống, Bố Y, Ngái, Chứt, B’râu, Rơ Măm, Ơ Đu, Mảng, Lô Lô, Pà Thẻn, Cơ Lao, Pu Péo) của 11 tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An, Quảng Bình và Kon Tum.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy - Trưởng Ban Chỉ đạo Ngày hội phát biểu tại lễ khai mạc

Phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội, Thứ trưởng Bộ VHHTDL Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: “Văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người là di sản quý giá, đó không chỉ là tài sản của riêng một vùng đất hay con người địa phương, mà còn là tài sản vô cùng quý giá của quốc gia, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt Nam. Các giá trị văn hóa truyền thống đã và đang được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị cùng với 14 dân tộc rất ít người xây dựng, củng cố, đó là những giá trị tiến bộ, nhân văn được kết hợp giữa truyền thống với hiện đại và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần hướng tới một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển hài hòa trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống giàu bản sắc của đồng bào các dân tộc rất ít người là nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước".

“Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Lai Châu, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”, thông qua các hoạt động của Ngày hội, tạo ra một không gian văn hóa đặc biệt ý nghĩa, để các chủ thể văn hóa, các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên các dân tộc rất ít người có cơ hội, điều kiện được gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần quan trọng trong việc xây dựng văn hóa, con người Việt Nam, tạo động lực thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước” - Thứ trưởng bày tỏ.

Cuối cùng, Thứ trưởng Bộ VHTTDL xúc động chia sẻ: “Mỗi chúng ta đều đã và đang cảm nhận được niềm vui lấp lánh trong ánh mắt của các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên 14 dân tộc đến từ Tây Nguyên xa xôi, Miền Trung ruột thịt, từ miền núi cao Đông Bắc, Tây Bắc hội tụ về đây tham gia ngày hội. Với tinh thần giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm cùng nhau giữ gìn, tôn vinh, trao truyền và lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, không chỉ trong khuôn khổ các hoạt động của ngày hội, mà quan trọng hơn là lan tỏa tinh thần này trong cuộc sống lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày tại cộng đồng, để văn hóa truyền thống các dân tộc nói chung, các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng mãi mãi trường tồn”.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Lê Văn Lương phát biểu tại Lễ khai mạc Ngày hội

Đồng chí Lê Văn Lương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu bày tỏ sự phấn khởi, vinh dự và tự hào được chọn là nơi đăng cai tổ chức ngày hội và nhấn mạnh: "Chúng tôi ý thức sâu sắc đây là cơ hội quý báu hơn bao giờ hết để chúng ta được chứng kiến các đoàn về tham dự ngày hội trình diễn những nét đặc trưng, bản sắc văn hóa độc đáo và đặc sắc nhất; cùng trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, học hỏi, nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tôn vinh, phát huy những giá trị cốt lõi về văn hóa truyền thống tốt đẹp của 14 dân tộc có số dân dưới 10 nghìn người đến từ 11 tỉnh trong cả nước; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đồng bào các dân tộc trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc nhất về tình cảm, trách nhiệm và sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành trung ương. Sự chia sẻ, đồng hành, phối hợp của các địa phương, các doanh nhân, doanh nghiệp để tỉnh có điều kiện thuận lợi, phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới".

Các đồng chí Lãnh đạo Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Lai Châu tặng cờ lưu niệm, hoa cho các đoàn tham gia ngày hội

Tại lễ khai mạc, nhân dân và du khách được hòa mình vào Chương trình nghệ thuật đặc sắc gồm 3 chương: Khát vọng vươn lên cùng đại ngàn; Lung linh sắc màu đại ngàn; Lai Châu kỳ vĩ vui ngày hội. Đây là chương trình nghệ thuật được tuyển chọn các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc độc đáo mang đậm bản sắc các dân tộc và một số ca khúc nổi tiếng của các tỉnh có đồng bào dân tộc ít người sinh sống. Qua đó, nhằm giới thiệu quảng bá văn hóa, tín ngưỡng, những quan niệm, những đổi thay đi lên của cuộc sống, những giá trị tinh hoa trong nghệ thuật âm nhạc, nghệ thuật trình diễn dân gian; các sản phẩm tinh túy về nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ…

Các tiết mục đặc sắc tại Lễ khai mạc Ngày hội

Đến với ngày hội, người dân và du khách  được đắm mình trong không khí sôi động, tham gia trải nghiệm nhiều hoạt động văn hóa, thể thao giàu bản sắc: Liên hoan văn nghệ quần chúng; trình diễn trang phục dân tộc truyền thống; trình diễn nghề thủ công truyền thống; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống; trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, chế biến và giới thiệu nghệ thuật ẩm thực; hoạt động thể thao và các trò chơi dân gian dân tộc như kéo co, bắn nỏ và đẩy gậy; hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và chương trình gặp mặt tôn vinh, biểu dương các nghệ nhân tiêu biểu, người có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn và trao truyền văn hóa truyền thống của 14 dân tộc tham gia ngày hội.

Màn ra mắt của các đoàn tham gia ngày hội

Sau lễ khai mạc, các đại biểu và nhân dân cùng chung tay trong vòng xòe đại đoàn kết.

Trước giờ khai mạc, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cùng các đại biểu đã đến tham quan các gian trưng bày, thăm hỏi đồng bào tại Không gian văn hóa các dân tộc tham dự Ngày hội.

NGÔ HUYỀN, VÂN ANH - Ảnh: TUẤN MINH

 

;