Nhận diện và phát huy giá trị Áo dài truyền thống trong bối cảnh hội nhập - Bài 2: Thực trạng may, sử dụng Áo dài trong giai đoạn hiện nay

Trang phục Áo ngũ thân trong không gian hiện đại

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập sâu rộng với thế giới. Thông qua nghệ thuật điện ảnh, sân khấu, nghệ thuật thị giác… đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam đã phong phú và đổi thay từng ngày, đặc biệt lĩnh vực thời trang. Trong giai đoạn đất nước còn chiến tranh và khó khăn thì câu chuyện mặc không phải ưu tiên hàng đầu, mọi người đều mặc giản tiện. Chiếc Áo dài của phụ nữ tuy là trang phục thường dùng trong các buổi lễ trọng nhưng ít người sở hữu cho mình một hoặc vài bộ như hiện nay. Đa số thường đi thuê, đi mượn Áo dài để sự dụng trong các sự vụ và có sao mặc vậy, không có cơ hội lựa chọn. Từ thập niên 1990, đời sống chính trị, kinh tế ở nước ta chuyển mình mạnh mẽ, sự cởi mở trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là nhân tố quan trọng thúc đẩy lĩnh vực thời trang phát triển. Từ giai đoạn này, trang phục Áo dài của phụ nữ được sử dụng thịnh hành trong đời sống. Nhưng buồn thay, hình ảnh nguyên bản của Áo dàiÁo ngũ thân truyền thống lại mờ nhạt, ít ai xới lên câu chuyện về lịch sử ra đời và thịnh hành của trang phục này. 10 năm trở lại đây Áo dài dành cho nam giới bị biến đổi nhiều, loại “áo dài nam cách tân” hoàn toàn khác với Áo ngũ thân truyền thống được sử dụng rất rộng rãi. Đặc biệt, thời gian gần đây khi nhắc tới chuyện đàn ông mặc Áo dài truyền thống là một bộ phận xã hội tỏ thái độ không đồng tình hoặc tẩy chay phản đối.

Tại sao lại có hiện tượng như vậy với bộ trang phục Áo dài nam - Di sản của cha ông? Trong khi đó Áo dài nữ đã tiến xa, thịnh hành và được thế giới biết đến. Bao nhiêu lời lẽ hay đẹp, lãng mạn người ta dành cho Áo dài nữ trong khi đó lại không ít lời lẽ chê bai, cay độc dành cho Áo dài nam, như: nhếch nhác, hèn, phong kiến, cổ hủ, cường hào… Chính vì vậy, trong phạm vi bài viết này chúng tôi sẽ chủ yếu đề cập đến vấn đề may, mặc trang phục Áo dài của đàn ông Việt trong giai đoạn hiện nay.

Trang phục áo dài sân khấu phổ biến trong cuộc sống 

Trên cả nước hiện nay phổ biến kiểu áo dài nam may sẵn, với giá thành rất rẻ. Áo có đặc điểm chung là kết cấu 2 thân, tà dài, ống tay rộng, cổ áo thấp, hoa văn trên áo phổ biến là những hình tròn nổi hoặc chìm. Có loại áo may bằng vải voan, kính mỏng, nhìn xuyên thấu (không phải vải the). Khăn xếp đóng cứng, nhiều vòng, vành to, có loại khăn bọc bằng vải gấm có hình tròn phía trước, đủ loại mầu sắc. Loại áo này thường được may sẵn, bán đại trà, ít ai may đo cẩn thận. Hầu như người mặc cũng không mong đợi gì hơn là mặc cho có, cho xong.

Chúng tôi tìm đến NSND Trần Bảng, theo lời kể của ông, vào cuối thập niên 1950, Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTTDL) thành lập Ban Nghiên cứu Chèo. Ngày đó, để Chèo có sức sống mới, ngoài việc cải biên Chèo, Ban Nghiên cứu Chèo mời các họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương như họa sĩ Nguyễn Sỹ Ngọc, Tạ Thúc Bình và một số họa sĩ khác nữa tham gia thiết kế mỹ thuật trong đó có trang phục cho sân khấu Chèo. Đối với nghệ thuật sân khấu, cùng với sáng tạo khác thì cách làm mới trang phục là một bước đi quan trọng, đúng đắn trong sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Chèo giai đoạn đó.

Một số kiểu áo dài may theo trang phục sân khấu không đúng với cách may, mặc của Áo ngũ thân truyền thống

Để phù hợp với đặc điểm, tính cách nhân vật, trang phục biểu diễn phải được thiết kế sao cho đạt hiệu quả, áo có tà dài hơn, tay rộng, mầu sắc trang phục cũng được biến đổi không giống Áo dài ngũ thân truyền thống. Các nhân vật phản diện như lý trưởng, hương lão, thầy cúng, thầy bói, phú ông, quan tham… đều có trang phục xộc xệch, nhếch nhác, lòe loẹt… Cách thiết kế trang phục kiểu như thế này không chỉ ở sân khấu Chèo mà còn thấy trên sâu khấu Cải Lương, Tuồng, Kịch nói… Vào cuối những năm 1980, người ta thấy trang phục áo dài cho liền anh Quan họ đã bắt đầu thay đổi, hình ảnh của những chiếc Áo dài nam giống với những nhân vật trong truyện tranh lịch sử của họa sĩ Tạ Thúc Bình. Áo the bị lạm dụng rồi phổ biến, khăn quấn đầu mầu đen hoặc mầu đậm đã thay bằng khăn đủ các mầu, thường là khăn đồng mầu với áo.

Trong một thời gian dài Áo dài nam bị gán làm biểu tượng chế độ phong kiến hơn là biểu tượng của văn hóa truyền thống. Đàn ông mặc Áo dài đã dần dần được mặc định là hình ảnh đại diện cho tầng lớp quan lại, địa chủ... đại diện cho những thói hư, tật xấu, cho những gì cũ kỹ, cổ hủ... Trước năm 1945, khi đả phá cái cũ, các họa sĩ chỉ cần vẽ một người đàn ông béo ị mặc Áo dài là mọi người hiểu ngay ra đó là quan lại của thời kỳ phong kiến. Trên sân khấu, trong vở chèo Quan Âm Thị Kính, Nghêu-Sò-Ốc-Hến...; cảnh thu thuế ở đình làng trong phim Làng Vũ Đại ngày ấy… đều xuất hiện nhân vật phản diện, quan lại mặc Áo dài. Những hình ảnh đó gây ấn tượng mạnh cho người xem đến mức họ thuộc và bị ám ảnh trong tâm thức, dần dà khiến cho xã hội có một cách nhìn khác về Áo dài của nam giới. Từ đó, Áo dài của đàn ông Việt bị soi xét qua lăng kính khác mà không được nhìn nhận là sản phẩm tinh hoa. Nếu ai đó có coi trọng, thì đều lấy hình ảnh của trang phục kiểu sân khấu lòe loẹt, xộc xệch, thiếu tinh tế để tôn vinh, ca ngợi.

Một số kiểu "áo cách tân" may, mặc xa rời truyền thống

Trong một thời gian dài, người ta thường nhắc tới Áo dài nữ mà quên Áo dài nam, những tư liệu hình ảnh về Áo dài nam cũng khá ít ỏi. Các kỹ thuật dệt vải, may, cách mặc áo cũng dần bị quên lãng. Áo dài nam chỉ còn được may và sử dụng hời hợt trong các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng ở làng xã hoặc sử dụng trên sân khấu hài. Vì lẽ đó, rất nhiều người đã phản bác khi lấy trang phục Áo dài làm Lễ phục Nhà nước, hoặc họ đòi phải cách tân, thay đổi loại trang phục này thì mới phù hợp với cuộc sống. Chính do sự thiếu hiểu biết, cách suy nghĩ sai lệch về Áo dài nam truyền thống, cho nên không ít người, đặc biệt là những người làm thiết kế thời trang luôn luôn có suy nghĩ phải cách tân Áo dài nam

“Áo dài cách tân" có tiếp thu truyền thống?

Hiện nay đang phổ biến loại loại áo danh nghĩa “áo dài cách tân”. Loại này đa dạng, phong phú, muôn hình vạng trạng, chỉ có đặc điểm chung chỉ có 2 thân, ống tay may rời vai (theo kiểu veston) và hoàn toàn khác xa với Áo ngũ thân, chính vì lẽ đó chúng tôi không coi loại áo này là Áo dài hoặc Áo dài cách tân. Có thể nhận định rằng những trang phục ấy “thoát ly khỏi trang phục truyền thống” nhưng vẫn được mang danh nghĩa cách tân theo kiểu “treo đầu dê bán thịt chó”. 

Đại sứ Saadi Salama (Đại sứ Palestine tại Việt Nam) đã chia sẻ: “Hiện nay trong các sự kiện ngoại giao, các ngày lễ, đàn ông Việt Nam mặc các kiểu khác nhau; còn phụ nữ dù phần nhiều mặc Áo dài nhưng mỗi người lại một kiểu, khiến người nước ngoài như chúng tôi đôi khi bị “lạc hướng” khi nhìn vào các kiểu áo dài”.1 Đây không phải là ý kiến duy nhất, mà còn có khá nhiều ý kiến tương tự.

Hiện nay trên sân khấu, nam nghệ sĩ thường mặc "áo cách tân" giống với trang phục truyền thống của Ấn Độ, Trung Quốc - Ảnh chụp qua VTV

Nhiều nhà thiết kế cho rằng Áo dài khi mặc thường bị nhăn, dúm, thân áo không phẳng, do đó họ đã đưa kỹ thuật may veston để may, do đó vạt áo hẹp, may bó sát người, ráp nối tay (raglan), độn ở vai. Vạt áo thẳng kéo dài (có loại dài như áo Trường sam, Trường bào của Trung Quốc, có loại áo tà dài trên đầu gối như trang phục truyền thống của đàn ông vùng Nam Á). Đường cúc áo cũng đã bị thay đổi, nhiều mẫu thiết kế hàng cúc chạy dài từ ngực xuống, có kiểu áo kéo khóa phía sau lưng, có loại áo cúc bằng vải bện... kiểu dáng không thống nhất. Phần lớn các loại này không còn tiếp thu từ Áo ngũ thân truyền thống, giống với Âu phục.

Những loại áo mới này bộc lộ một số nhược điểm thường may bằng chất vải dày để tiện cho vẽ và thêu, khó vận động, không thông thoáng gây khó chịu khi mặc trong thời gian dài. Trong khi đó đặc điểm của Áo ngũ thân là thoáng, rộng, các chi tiết tay, tà cổ được may gọn, khi mặc phù hợp với đặc điểm khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam. Những đặc điểm nổi trội của Áo ngũ thân khắc phục nhược điểm cơ thể, tạo sự kín đáo khi giao tiếp, chứa đựng những yếu tố đặc trưng, mang bản sắc văn hóa của người Việt không còn thấy trên loại áo “cách tân” này.

Áo “cách tân” dễ may, áo hình ống đơn điệu, kỹ thuật may bằng máy đơn giản. Chính vì vậy, để khỏa lấp những điểm yếu về tạo hình kết cấu dáng áo cũng như kỹ thuật may, người ta đã sử dụng thêu, vẽ, in, đính cườm trên áo nhiều mầu sắc. Hầu hết áo “cách tân” đều in, vẽ hoa văn rồng, phượng, chim hoa, phong cảnh làng quê rực rỡ, to lớn, có áo vẽ nguyên cả hình chim hạc, trống đồng thời Đông Sơn… như tấm áp phích quảng cáo. Xu hướng tô vẽ, rực rỡ, to lớn hoa văn truyền thống xuất phát từ suy nghĩ “hoa văn truyền thống mới thể hiện bản sắc”. Nếu không vẽ, in hoa văn thì người ta cũng sử dụng loại vải có sẵn với mầu sắc rực rỡ. Hình thức như vậy đã làm cho loại trang phục này trở nên nữ tính, khoa trương. Người ta dễ dàng nhìn thấy những chiếc áo vẽ, thêu, in có tạo hình dễ dãi, biến áo trở thành tấm vải vẽ bích họa như trào lưu mới nổi hiện nay ở tủ điện, đường làng, ngõ xóm. Những loại vừa nêu thường rất khó mặc để hòa đồng với mọi người và mặc trong thời gian dài như với Áo ngũ thân

Xu hướng trở về với trang phục truyền thống của giới trẻ 

Có không ít nhận định “giới trẻ hiện nay đang quay lưng với truyền thống”. Chúng tôi thấy rằng, nhận định trên có phần phiến diện, chưa hiểu giới trẻ hiện nay. Trái lại, qua những hoạt động của giới trẻ trong những năm gần đây với âm nhạc, nghệ thuật và đặc biệt trang phục truyền thống, chúng tôi nhận ra giới trẻ đang có xu hướng trở về với truyền thống rất mãnh liệt, hơn thế hệ cha anh chúng. Trong rất nhiều gia đình hiện nay, nhiều bạn trẻ hiểu biết về âm nhạc, trang phục truyền thống hơn cả ông bà, cha mẹ. Không những chỉ tìm hiểu, nhiều bạn trẻ còn tự may, tạo dựng thương hiệu, kinh doanh trang phục Áo ngũ thân và cổ phục khác. Kinh doanh mặt hàng cổ phục hiện nay thuộc về những người trẻ. Những trang phục may đẹp, giữ được truyền thống phần lớn cũng do những người trẻ đảm nhận. Số đông những người sử dụng cổ phục nói chung cũng như Áo ngũ thân nói riêng là những người trẻ thuộc thế hệ sinh năm thập niên 1990, 2000. Đại đa số, những người trẻ có nhu cầu may đúng và mặc đúng với truyền thống hơn là có nhu cầu cách tân. 

Các em học sinh tự tin trong trang phục Áo ngũ thân - Ảnh: Phan Huy Thiệp

Việc tìm về văn hóa truyền thống của người trẻ hiện nay đều xuất phát từ nhu cầu nội tại trong mỗi cá nhân. Nhiều bạn học tập và sinh sống ở nước ngoài, trong quá trình giao lưu với các nền văn hóa khác, các bạn đã ý thức được rằng cần khẳng định bản sắc văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế mà trang phục là nét đặc trưng cơ bản làm cứu cánh để các bạn thể hiện mình. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của trang phục Áo ngũ thân, của cổ phục Việt đã trở thành xu thế lớn đang lan rộng khắp cả nước. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều nhà may đã chuyển đổi may áo dài cách tân, hiện đại sang may Áo ngũ thân. Trong quá trình chuyển đổi này, không ít nhà may đã cho ra đời các sản phẩm may vội, may ẩu, không đúng, sản phẩm đưa ra thị trường bị sai và thiếu thẩm mỹ, không tiếp thu cách may truyền thống. Đây là vấn đề rất cần sự vào cuộc của các nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục... trong việc định hướng cho giới trẻ và người làm nghề.

* * *

Đối với Áo ngũ thân truyền thống có một nguyên tắc cần chú ý: “Mặc đúng trước khi mặc đẹp”. Nhưng hiện nay, người ta không chú ý tới cách mặc đúng mà chỉ quan tâm tới sự tiện dụng khi mặc. Đối với lễ phục truyền thống ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới như Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản, hoặc với Thái Lan, Myanma, Campuchia..., các bộ trang phục của họ đều có cách mặc rất cầu kỳ, phức tạp. Với trang phục Áo ngũ thân của Việt Nam cũng vậy. Sự cầu kỳ, phức tạp khi mặc thể hiện sự chỉn chu, ý thức trang trọng khi xuất hiện trước người khác. Nhưng với cách mặc lễ phục, trang phục dân tộc như hiện nay, người Việt đang có xu hướng tìm đến sự giản tiện, dễ dãi đến mức tuềnh toàng, đơn điệu, bộc lộ khoảng trống về thẩm mỹ và sự tinh tế. 

Tháng 7/2019, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, tại buổi làm việc với Viện Thiết kế và Thủ công Hàn Quốc (Bộ VHTTDL Hàn Quốc), ông Choi Bong Hyun, Viện trưởng chia sẻ với chúng tôi: “Việt Nam giống như Hàn Quốc, trong quá trình phát triển thì thủ công mỹ nghệ là lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, nguy cơ lớn sẽ mất đi những giá trị truyền thống. Áo dài của các bạn đơn giản, dễ mặc hơn Hanbok. Các bạn cần cố gắng giữ nét đẹp truyền thống của Áo dài, nếu bị mất thì rất tiếc, chúng ta sẽ có lỗi với tiền nhân và thế hệ mai sau”.

NGUYỄN ĐỨC BÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;