Tiếp cận thực tế và đi thực tế trong sáng tác kịch bản sân khấu

Tiếp cận thực tế để sáng tác là điều kiện cần cho việc sáng tạo của bất kỳ bộ môn văn học nghệ thuật nào. Chính vì thế, tổ chức đi thực tế một trong những cách để tạo điều kiện cho các văn nghệ sĩ- trong đó có các nhà biên kịch - có vốn sống, tích lũy kinh nghiệm để có những tác phẩm mới. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều tác giả, đây là điều kiện cần, nhưng chưa đủ.

Vở nhạc kịch Rồi tôi sẽ lớn (Nhà hát Tuổi trẻ)

Khái niệm thời kỳ đầu của văn nghệ cách mạng Việt Nam, tiếp cận thực tế nhất định là phải đi thực tế, “ba cùng” với vùng đất và con người tại địa phương mình định đưa vào tác phẩm. Nhưng hiện nay, chúng ta cần thay đổi nhận thức về tiếp cận thực tế bởi khái niệm này đã có ý nghĩa rộng hơn nhiều. "Tiếp cận thực tế" ở thời đại 4.0 này cần được mở rộng biên độ, không nhất thiết là phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, sờ tận tay… bởi nếu quá phụ thuộc vào cái gọi là thực tế như vậy, rất có khả năng cho ra những tác phẩm “minh họa cuộc sống”, nếu tác giả không “cao tay nghề” thì có thể bị bó hẹp khả năng tưởng tượng và năng lực sáng tạo. Ở thời đại công nghệ phát triển, việc tiếp thu kiến thức về đời sống qua sách vở và các kênh thông tin cũng phải được coi là một cách tiếp cận thực tế rất phổ biến. Đó là chưa tính tới, nhiều bậc kỳ tài ở Việt Nam từng sáng tác những tác phẩm về những địa danh cụ thể mà chưa hề đặt chân tới đó như nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết được ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó - tác phẩm thuộc hàng đi cùng năm tháng - khi mà ông chưa hề tới địa danh này; hay nhà thơ Tố Hữu viết bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên nổi tiếng khi cũng chỉ nghe mô tả về Điện Biên, chứ chưa đi thực tế nơi này… Cũng có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng về những thế giới không hề tồn tại, chỉ có trong tưởng tượng của nhà văn như bộ tác phẩm Harry Poter, những bộ truyện khoa học viễn tưởng hoặc những tác phẩm về lịch sử thì sao có thể đi thực tế theo cách hiểu cũ được. Con người vẫn luôn yêu thích những ý tưởng vượt ngoài không gian, thời gian sống vật chất và đó cũng là một trong những điểm mạnh nổi bật của văn học, nghệ thuật khi giúp con người có những trải nghiệm vượt không gian, thời gian vật lý của xã hội đương thời. Nói vậy, không phải là phủ nhận vai trò của đi thực tế, chỉ để chứng minh rằng, đi thực tế là điều kiện cần mà chưa đủ vì tài năng đích thực của người viết mới khiến những kiến thức thực tế trở thành tác phẩm hay. 

Nhưng thay đổi đến đâu thì cũng phải thừa nhận, những quan sát, những kinh nghiệm và hiểu biết từ thực tế cuộc sống rất hữu ích. Người cầm bút - đặc biệt là những nhà biên kịch không thể bay trên các tầng mây, sống giữa tháp ngà, hoặc nói dân dã là sáng tác từ phòng lạnh, theo kiểu salon… mà rất cần những kiến thức, những xung đột mang tính chất bản chất nhất từ thực tế để có hiểu biết về cuộc đời thực, cảm nhận và thấm đẫm từng suy nghĩ của mình, và những kiến thức thực tiễn, đó là căn cứ, là cơ sở để bồi bổ thêm sự tự tin cho sáng tạo kịch bản. Nhà viết kịch cần rất nhiều những trải nghiệm từ cuộc sống thực tế, cùng những kiến thức, thông tin từ sách vở, từ các kênh truyền thông thì những kiến thức, sự hiểu biết đó sẽ đem tới sự tự tin cần thiết - điều khiến cho tác phẩm có tính chân thật, có cơ sở để tác giả mạnh dạn sáng tạo.

Vai trò của việc đi thực tiễn là quan trọng, là rất cần thiết. Vậy nhưng làm cách nào để mang lại hiệu quả cao nhất cho các cuộc đi thâm nhập thực tiễn này? Đây là câu hỏi không dễ trả lời của các cấp quản lý. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng các chi hội thành viên đều mong muốn tổ chức cho các nhà viết kịch đi thực tế có hiệu quả cao, sau mỗi cuộc đi khảo sát có tác phẩm chất lượng. Tuy nhiên, từ mong muốn tới thực tiễn có nhiều khác biệt. Dù sao thì những cuộc đi có tính chất hội hè, chớp nhoáng, không đúng điều kiện “ba cùng” khi chỉ tới địa phương trong một vài ngày, không gặp được những nhân vật cần thiết, không đủ điều kiện thời gian để tiếp cận những thay đổi có tính cơ bản của cuộc sống, thiếu vắng những thực tiễn cần thiết… thì thật khó để tác giả có thể viết ra những tác phẩm thật hay. Các trại sáng tác - một trong những phương thức để giúp nhà biên kịch đi thực tiễn - đã và đang được mở ra để hỗ trợ những cây bút chuyên viết cho sân khấu. Tuy nhiên, những tác phẩm từ trại sáng tác có được các đơn vị dàn dựng hay không lại là điều rất khó dự đoán. Ngay ở trại sáng tác kịch bản sân khấu năm 2022 vừa qua do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức, dù thu nhận được nhiều kết quả tốt về đề tài đa dạng, nhiều cách viết mới, nhưng đánh giá về chất lượng của các kịch bản, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Trưởng Ban sáng tác, NSND Giang Mạnh Hà thẳng thắn chỉ ra những vấn đề như: kịch bản lần này còn thiếu tính dự báo, thiếu vắng những vấn đề gai góc nhất xã hội đang đặt ra, vì vậy còn thiếu sức sống, hơi thở của thời đại. Các tác giả chưa mạnh dạn, dấn thân để viết lên những trăn trở, khát vọng và mong mỏi của con người trong xã hội hôm nay… Có nhiều tác giả viết cứ na ná nhau, nội dung nhàn nhạt, thiếu kịch tính, thiếu nhân vật điển hình… Nhiều tác giả kỳ cựu lại chọn đề tài an toàn, không có nhiều kịch bản mang hơi thở cuộc sống.

Đi thực tiễn nhưng những tác phẩm được chưng cất từ thực tiễn chưa ngấm nên vẫn thiếu vắng hơi thở cuộc sống. Ai cũng biết, người viết kịch nói riêng, người viết văn nói chung, ngoài năng khiếu rất cần vốn sống mà muốn có vốn sống phong phú, chỉ có cách lăn lộn với đời sống, nhạy cảm phát hiện những vấn đề nổi cộm, có tính bản chất của hiện thực thì mới sáng tạo tốt được. Lăn lộn từ thực tiễn, thai nghén tác phẩm, tìm tòi chủ đề tư tưởng, biến những kiến thức cuộc sống thành những nhân vật, những cảnh đời đầy chất hiện thực, mang tính tiêu biểu… quá trình này đòi hỏi sự vận động tự thân rất lớn của người viết và làm nên tính riêng, cá tính, phong cách của từng nhà viết kịch.

Vở Vang bóng một thời (Sân khấu Lệ Ngọc)

Vậy làm cách nào để hỗ trợ các nhà biên kịch tiếp cận thực tiễn, nhất là trong quá trình biến động rất nhanh chóng của hiện thực? Kinh tế phát triển nhanh chóng khiến từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi cũng như miền ngược đã thay đổi rất nhiều. Điều kiện sống, thu nhập của người dân được cải thiện. Tuy nhiên mặt trái cũng rất dễ nhận thấy khi quan hệ xã hội giữa con người với con người có phần xấu đi, rơi rụng khá nhiều nét đẹp của thuần phong mỹ tục truyền thống. Kinh tế thị trường khiến sự phân biệt giàu nghèo, phân chia đẳng cấp ngày càng rõ nét, vật chất được coi trọng... tạo nên tâm lý cạnh tranh để có mức hưởng thụ ngày càng cao. Công cuộc phòng chống tham nhũng đã được Đảng và Nhà nước thực hiện quyết liệt. Nhưng nhìn chung các tác giả có vẻ vẫn còn e dè và chưa sẵn sàng phản ánh trong các tác phẩm. Những vấn đề đó phải thông qua những thân phận, những số phận con người để vào tác phẩm. Mà những điều này đều cần sự nhạy cảm và những cách tiếp cận thực tế. Rõ ràng, các chuyến đi thực tế, các trại sáng tác chính là không gian, môi trường cần thiết giúp các nhà biên kịch có cảm xúc, có kiến thức thực tiễn, như ý kiến của nhà văn, nhà viết kịch Bích Ngân: Mọi chuyến đi đều mở rộng biên độ cuộc sống, mở rộng tầm nhìn, sự hiểu biết. 

Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cần tăng cường, thường xuyên phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương, các tác giả tổ chức đi thực tế cơ sở để bám sát đời sống thực tiễn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để sáng tác. Quan trọng hơn, cần đầu tư sâu cho mỗi đề tài, mỗi cá nhân tác giả. Không chỉ là tiền bạc, mà còn là sự giới thiệu, mối quan hệ có tính chất chính thức để các tác giả có thể thâm nhập những thực tiễn cần thiết cho tác phẩm. Những công việc đó rất khó khăn và đòi hỏi thời gian, sự tiếp cận lắng nghe của người đầu tư, của Hội chủ quản. Hơn nữa, nếu các tác giả có nhu cầu về sự cập nhật kiến thức qua những kịch bản mới của thế giới, cũng cần có những bản dịch… Đó cũng là một trong những kênh tiếp cận thông tin đáng tin cậy.

CAO NGỌC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 511, tháng 9-2022

;