Người bán hoa bên hồ Thiền Quang

Người phụ nữ ấy có dáng dấp và cách ăn mặc giống với nhiều người lao động từ ngoại thành và các miền quê xa đến đây, nhưng những bông hoa của chị thì khác biệt.

Sáng sáng trên đường tới nơi làm việc, tôi hay gặp chị bên chiếc xe đạp đã tróc sơn đứng ở một góc vỉa hè con phố mạn hồ Thiền Quang. Thúng hoa sau xe chị không nhiều lắm, mỗi thứ một ít theo mùa: loa kèn, bách hợp, hoa cúc, hoa cánh bướm, tầm xuân, violet... Gần Tết chị có thêm mấy cành đào nhỏ. Theo lời chị kể thì đó là hoa được trồng từ khu vườn nhà chị. Những bông hoa luôn có màu sắc khác biệt với hoa cùng loại mua ở chỗ khác. Màu đậm và sáng hơn, dáng vẻ cũng nền nã hơn. Tôi mang hoa của chị về cắm, thấy tươi lâu hơn so với hoa mua ở chỗ khác. Giá chị bán hài hòa, vừa phải, vậy nên chị thường hết hàng sớm. 

Trong những loài hoa chị hay bán, tôi thích nhất là hoa cúc gỗ và hoa cánh bướm. Hoa cúc gỗ nhiều màu sắc, bền bỉ, ân cần, nhìn là thấy ấm áp. Hoa cánh bướm phần nhiều là loại màu vàng, cả hoa cả lá và nụ đều tươi tắn, vươn cao trong cái thùng nhựa, xôn xao như lời chào ngày mới.

Một vài lần mua hoa của chị, tôi được biết nhà cha mẹ chị xưa ở làng Ngọc Hà. Trước khi lấy chồng, bàn tay bàn chân cô thiếu nữ thức khuya dậy sớm chăm sóc cho từng luống hoa, thuộc nết ăn nết ở từng loài hoa. Sau này, khi đô thị phát triển, làng Ngọc Hà mất đi nghề trồng hoa. Chị lấy chồng ở một huyện ngoại thành. Nhớ nghề quay quắt, chị bàn với chồng dành dụm, cộng thêm chút của hồi môn cha mẹ cho, hai vợ chồng mua được mảnh đất vài trăm mét vuông để trồng hoa, thêm ít rau sạch cho gia đình. Vì khu vườn không rộng, nên chị chỉ trồng những loài hoa chị yêu thích. Đa phần là những loài bé nhỏ, vắng bóng ở các tiệc tùng lễ nghi. Chị thường dậy sớm cắt hoa, lọc cọc đạp xe mang hoa vào nội thành, bán cho các khách lẻ. Chị cũng thường ủ phân xanh để bón cho hoa, hạn chế dùng phân và các chất hóa học. Chị bảo, nhà trên phố đã chật chội, mua bông hoa cắm cho tươi tắn tâm hồn mà lại phải hít thêm chất hóa học thì tội lắm em à. 

 ***

Kỳ nghỉ Tết năm ngoái kéo dài do dịch bệnh COVID-19. Đường phố Hà Nội vắng vẻ, sạch sẽ. Phố đẹp hơn, trong trẻo và có phần đượm buồm. Tôi vẫn đi qua con đường quen thuộc để tới nơi làm việc nhưng không nhìn thấy chị. Góc phố thiếu hẳn một cái gì ấm áp, rực rỡ, thân quen. 

Dịch bệnh lắng xuống, hoạt động của thành phố đã ổn định. Những chiếc xe đạp chở hoa lại có mặt trên nhiều vỉa hè góc phố Hà Nội. Đủ sắc màu, đủ âm thanh nhịp sống đời thường. Nhưng góc phố ấy vẫn vắng chị. Một nỗi niềm man mác dâng lên. Tôi nhớ thúng hoa của chị. Thúng hoa không bao giờ chất đầy hoa, mỗi loài hoa chỉ một vài bó được cắt từ sáng sớm, cầm lên tay vẫn còn vương hơi ẩm và những giọt sương đêm.

Nhưng, hình như tôi chỉ hình dung được thúng hoa của chị sau chiếc xe đạp tróc sơn. Quần áo chị mặc, chiếc nón đội đầu, chiếc khăn che mặt cũng thế, phải, cũng nhang nhác như bao người lao động tôi vẫn gặp trên mọi nẻo đường góc phố nội thành. Còn gương mặt thì sao? Chẳng lẽ gương mặt chị cũng giống như bao gương mặt khác? Làm sao có thể. Khi thượng đế nặn ra con người, thứ để phân biệt người này với người khác chính là gương mặt. Tại sao tôi không nhớ một chút gì gương mặt của chị, dù đã nhiều lần nhận những bông hoa từ tay chị, từng được chị kể cho nghe về đặc điểm của từng giống từng loài. 

Nhiều ngày nay, tôi vẫn đi qua con phố ấy, vẫn hướng cái nhìn về phía vỉa hè. Nếu có một chiếc xe đạp tróc sơn cùng thúng hoa ở đằng yên sau, nhất định là chị. Tôi sẽ dừng lại mua hoa, sẽ kín đáo nhìn vào gương mặt ấy, thu giữ những đường nét riêng biệt mà tôi đoán hẳn là dịu dàng lặng lẽ. Chỉ có ở góc phố này, tôi mới nhận ra chị. Còn nếu chị đã đến một góc phố khác, chắc gì tôi đã nhận ra, nếu chỉ dựa vào những bông cúc gỗ. Hẳn chị chưa bao giờ có ý nghĩ, rằng chị và bao người lao động khác đã góp phần làm nên nét yên bình và sâu lắng của thành phố này!   

Nhưng tại sao tôi chẳng thể nhớ chút gì về gương mặt chị? Tại sao, và tại sao?

Tản văn: ANH THƯ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;