Đạo diễn Đặng Thái Huyền: “Khao khát nhất của tôi vẫn là dòng phim chiến tranh!”

Những bộ phim về đề tài chiến tranh đã làm nên tên tuổi của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Tuy chị đã nhiều lần rẽ ngang với những đề tài và thể loại phim khác nhưng lần này, với bộ phim có tựa đề rất lãng mạn Hoa hồng giấy - series phim truyền hình được Netflix châu Á mua bản quyền phát sóng từ ngày 24/10, chị đã khiến nhiều người ngạc nhiên và không khỏi kỳ vọng. Ngạc nhiên bởi từ khi được trao trọng trách mới ở Điện ảnh quân đội, chị dường như “kín tiếng” hơn nhưng nay bất ngờ trở lại với một dự án phim cập nhật xu thế xem phim của khán giả. Hoa hồng giấy là một trong những sản phẩm nằm trong chiến lược sản xuất nội dung chất lượng cao của Viettel Media và được Netflix lựa chọn phát sóng trên toàn Đông Nam Á từ ngày 20/12/2022. Đạo diễn Đặng Thái Huyền trò chuyện với Văn hóa Nghệ thuật.

Là một nữ đạo diễn hiếm hoi làm phim về đề tài chiến tranh và hậu chiến, trong bối cảnh hiện nay, chị nghĩ đề tài này liệu có còn thu hút được khán giả, nhất là các khán giả trẻ? Chị nhiều lần bày tỏ mơ ước đưa phim chiến tranh và hậu chiến ra rạp, theo chị để làm được điều này cần phải làm những gì?

Tôi nghĩ là đề tài chiến tranh và hậu chiến chưa bao giờ là cũ và hết nóng. Trên thế giới vẫn dành kinh phí bom tấn để thực hiện các tác phẩm chiến tranh đồ sộ và luôn thu hút khán giả mỗi khi ra mắt. Tôi tới rạp và xem những bộ phim như Cuộc di tản Dunkirk, Cuồng nộ, 1917… thấy phần lớn khán giả trong rạp là những người trẻ. Tất nhiên tôi tin họ không chỉ háo hức để xem cuộc chiến đó diễn ra như thế nào mà là muốn thấy những nhà làm phim tái hiện cuộc chiến đó dưới góc nhìn và hơi thở của thời đại, với độ lùi của thời gian. Tôi luôn mơ ước và vẫn nói đùa chẳng ai đánh thuế giấc mơ là đưa phim chiến tranh ra rạp, bán được vé sòng phẳng chứ không phải làm ra để tuyên truyền mỗi dịp lễ Tết rồi cất đi. Và tất nhiên, với tôi kịch bản luôn là yếu tố tiên quyết. Một kịch bản đủ hay, đủ thuyết phục sẽ khiến các nhà làm phim dốc lòng, dốc sức và các nhà đầu tư dốc túi. 

Làm phim chiến tranh là một công việc khó khăn vất vả quá sức với một phụ nữ, liệu có thế mạnh nào mà nữ đạo diễn có thể hơn một nam đạo diễn khi khai thác đề tài này không? Với chị, áp lực nhất khi làm phim chiến tranh là gì?

Đừng đặt nặng phim chiến tranh sẽ quá sức với phụ nữ. Điều quan trọng nhất ở một đạo diễn là cách tư duy về câu chuyện, về nhân vật mà họ muốn kể, muốn thể hiện trên hình ảnh. Đạo diễn không tác nghiệp độc lập, bên cạnh đạo diễn luôn có cả ekip hùng hậu hỗ trợ. Với tôi quá sức hay áp lực nhất là khi mình thấy sợ, thấy nản ngay khi chưa bắt đầu. Tôi đã từng như thế. Tôi từng suýt buông tay khi nhận nhiệm vụ là đạo diễn phim Người trở về. Tôi đặt ra cho mình quá nhiều câu hỏi: liệu mình có làm được không? liệu có quá sức không? Nếu phim không thành công mình sẽ chịu trách nhiệm thế nào? Đấy, cái việc mình lo sợ, phân vân luôn là điểm yếu của phụ nữ - ít nhất là với tôi. Nhưng cuối cùng tôi đã vượt qua và làm được. Áp lực nhất khi làm phim chiến tranh với tôi thực ra là chính tôi mà thôi. 

Chị làm nhiều thể loại phim đa dạng, từ phim điện ảnh đề tài chiến tranh, hậu chiến, phim kinh dị chiếu rạp đến phim truyền hình, phim truyện video, phim tài liệu… Tất cả đều mang dấu ấn của riêng chị, trong đó “tính nữ” thể hiện rõ ở sự nhạy cảm, tinh tế khi khai thác nội tâm, đem đến nhiều cảm xúc, đặc biệt với nhân vật trung tâm là người phụ nữ. Vậy còn đề tài và nhân vật gì chị khao khát muốn đưa lên màn ảnh không?

Nghe chị hỏi có vẻ như tôi là một đạo diễn tham lam. Tính ra chị còn liệt kê thiếu là phim MV ca nhạc, phim doanh nghiệp. Thời sinh viên là phim đám ma, đám cưới (cười lớn). Tôi lăn lộn đủ mọi thể loại như tôi vẫn nói đùa là yêu nghề và… yêu tiền. Đùa nửa đúng và nửa không đúng. Tôi làm để kiếm tiền nhưng không phải vì tiền mà nhận việc, tôi làm những gì tôi thích vào thời điểm đó. Tôi luôn nghĩ tuổi trẻ nên xông pha, thử nghiệm và làm tất cả những gì mình muốn, sai đâu sửa đó, ngã đâu đứng dậy ở đó. Nhưng đến giờ thì tôi đã đủ mọi trải nghiệm rồi, đúng đã đúng và sai đã sai. Tôi đi chậm lại, làm những kịch bản đủ sức thuyết phục mình và đương nhiên rồi, khao khát nhất của tôi vẫn là dòng phim chiến tranh. Tôi đã có kịch bản cho riêng mình, chỉ chưa gặp được tiếng nói chung với nhà đầu tư thôi. Tôi muốn giữ cái chất của kịch bản, dù có thể nó hơi quá khốc liệt. 

"Tôi và ê kíp đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình,giờ là lắng nghe sự phản hồi của khán giả". 

Trong ảnh: Đạo diễn Đặng Thái Huyền cùng ê kíp trên trường quay phim Hoa hồng giấy

Chị đang mang quân hàm Trung tá và là Phó Giám đốc phụ trách Nghệ thuật của Điện ảnh Quân đội nhân dân, nhân kỷ niệm 78 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, xin gửi tới chị và đồng nghiệp lời chúc mừng. Vừa là nghệ sĩ vừa là chiến sĩ, hẳn bên cạnh niềm tự hào còn là những áp lực không nhỏ khi phải hoàn thành những trọng trách này?

Cảm ơn chị về lời chúc. Chức danh chị vừa đề cập đúng vừa là vinh dự nhưng cũng vừa là áp lực. Nó giải thích phần nào lý do ở trên là tôi đi chậm lại và không còn nhận nhiều dự án như trước nữa. Khi tham gia vào công tác quản lý quỹ thời gian của tôi hạn hẹp hơn. Tôi phải dành tâm huyết cho công việc của cơ quan vì lãnh đạo và anh em đã tin tưởng lựa chọn mình vào vị trí đó, phải dành tâm sức cho việc đào tạo, bồi dưỡng, dìu dắt các bạn làm nghề trẻ. Và tôi nghĩ mọi lựa chọn của tôi đều hợp lý ở một thời điểm nhất đinh. 

Sau phim truyền hình Mãi mãi là bao lâu, một lần nữa chị trở lại với đề tài hôn nhân gia đình. Trong Hoa hồng giấy, hôn nhân với những mặt trái được phơi bày nhưng cách đặt vấn đề cũng như xử lý tình huống trong phim đầy mới mẻ và bất ngờ. Chị muốn gửi gắm điều gì tới khán giả qua bộ phim này? 

Tôi nhận phim Hoa hồng giấy vì thích kịch bản ngay từ khi đọc nó và thật duyên là Viettel Media cũng là một nhà sản xuất phim uy tín của quân đội. Họ mong muốn thực hiện một tác phẩm xây dựng hình ảnh người lính gần gũi, lịch lãm, soái ca… Nó làm tôi bị thu hút và nghĩ mình có thể làm điều gì đó mới mẻ hơn so với những phim mình đã làm. Tôi ngại phát ngôn những thứ kiểu như là thông điệp này, tuyên ngôn kia trong phim lắm. Hãy để khán giả xem và cảm nhận. Nhưng chắc chắn phải là kịch bản đủ hay, đủ thuyết phục mới có thể lôi tôi đi gần nửa năm trời lăn lộn với nó. Và mỗi thời điểm, với những trải nghiệm khác nhau trong cuộc sống, tôi lại có những cách kể khác nhau về câu chuyện phim của mình. 

Xem phim, nhiều khán giả bị thuyết phục bởi cách tiếp cận nhân vật trong phim, đặc biệt là hình ảnh người lính. Người lính trong Hoa hồng giấy không chỉ kỷ luật, chỉn chu, nguyên tắc nhiều khi hơi cứng nhắc như trong hình dung của mọi người mà còn có vẻ ngoài như “soái ca”, văn minh, lịch lãm, biết chơi các loại nhạc cụ, biết nói những điều dịu dàng, ngôn tình. Hình tượng người lính hiện đại, trẻ trung này được lấy nguyên mẫu ngoài đời hay là “người đàn ông trong mơ” của biên kịch và đạo diễn?

Tôi có cơ hội đi làm phim và tiếp xúc nhiều với người lính. Tôi thấy rất nhiều người soái ca, lịch lãm, giỏi giang, tài lẻ…. nhưng họ ngại thể hiện, ngại nói về mình. Nên tôi khẳng định mình không tốn công xây dựng “người đàn ông trong mơ”, tôi xây dựng mẫu người lính tôi đã gặp đâu đó ngoài đời. Họ làm tôi thấy yêu công việc của mình hơn và tin rằng đã tới lúc cần để họ xuất hiện theo đúng cái cách mà khán giả cần phải thấy nhiều hơn trên màn ảnh. 

Người phụ nữ trong phim Hoa hồng giấy cũng khác hẳn trong những phim trước đây chị từng làm: không còn cam chịu, nhẫn nhịn, người phụ nữ bị chồng phản bội đã hành xử thật mạnh mẽ và bản lĩnh. Với nhân vật này, chị muốn gửi gắm điều gì cho khán giả, nhất là những người phụ nữ?

Ở mỗi thời điểm tôi lại có cách yêu thương, chia sẻ khác nhau với nhân vật nữ của mình. Đó là những người phụ nữ luôn nhẫn nhịn, hy sinh tất cả cho người mà họ yêu thương nhưng điều duy nhất họ cần nhận lại từ đối phương là sự tôn trọng và thừa nhận. Nếu không, họ cần phải đứng lên bảo vệ giá trị và sự tự tôn của bản thân. Mình phải yêu thương chính mình trước khi đòi hỏi điều đó từ người khác. 

Nhiều khán giả bị thuyết phục bởi cách tiếp cận nhân vật trong phim Hoa hồng giấy, đặc biệt là hình ảnh người lính

Hiện Hoa hồng giấy vẫn đang tiếp tục phát sóng và đường tình đầy chông gai của Phong Linh đang thu hút sự chú ý của khán giả. Những người làm phim có dõi theo phản ứng của khán giả không và chị có hài lòng với những gì đã làm được trong bộ phim này?

Tôi và ê kíp đã hoàn thành xong nhiệm vụ của mình, giờ là lắng nghe sự phản hồi của khán giả. Nhà sản xuất Viettel Media có thông báo là phim lọt Top phim thịnh hành và Top phim truyền hình được tìm kiếm trên Netflix. Cả ê kíp đều vui. Tất nhiên nói hài lòng thì không hẳn vì trong quá trình làm phim vì yếu tố khách quan, chủ quan mình không thực hiện hết được mọi mong muốn của mình. Nhưng tôi luôn nói rất thật lòng, khi đã nhận làm việc gì tôi luôn đắm đuối, hết lòng và không có gì phải hối hận hết. 

Xin cảm ơn chị và chúc chị luôn hạnh phúc, thành công!

LÊ MINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;