Họa sĩ Ngô Minh Cầu: Dâng hiến thầm lặng, tận tụy cho nghệ thuật, cho đời

Ngô Minh Cầu thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến, thế hệ học trò họa sĩ Tô Ngọc Vân đào tạo. Trong khi các bạn đồng lứa như Nguyễn Trọng Kiệm, Lưu Công Nhân, Trần Lưu Hậu, Mai Long…ít nhiều đều đã xông xáo tiến vào các khuynh hướng hội họa biểu hiện cá nhân, hội họa mô đéc thì Ngô Mình Cầu vẫn thong dong và trung thành với khuynh hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, tìm cái mới trong đề tài cũ, chất liệu cũ, tư liệu cũ.

Cố họa sĩ Ngô Minh Cầu

Trung thành với dòng tranh hiện thực xã hội chủ nghĩa

Họa sĩ Ngô Minh Cầu sinh năm 1927. Từ một chàng trai người gốc Hà Nội, sinh ra và lớn lên trong một gia đình tiểu tư sản viên chức, năm 1947, ông bắt đầu tham gia kháng chiến chống Pháp ở Hưng Yên (trên địa bàn huyện Kim Động), làm công tác Đoàn, công tác thông tin tuyên truyền, trở thành người cộng sản và sớm có gia đình riêng... Năm 1954, ông giành Giải Ba tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc tổ chức ở Hà Nội. Năm 1957 ông vẽ bức tranh lụa nổi tiếng Về nông thôn sản xuất. Năm 1959 ông giành Huy chương Bạc Triển lãm các họa sĩ trẻ quốc tế ở Vienne (Áo)…

Kể từ khi tốt nghiệp Trường Mỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu, trong suốt gần 30 năm công tác, Ngô Minh Cầu đã trải qua ít nhất 10 vị trí khác nhau. Ông từng tham gia giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam và Trường Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp hoặc tham gia công tác xuất bản về mỹ thuật, hoặc làm báo mỹ thuật... Năm 1982, họa sĩ Ngô Minh Cầu nghỉ hưu và chuyển vào sống tại TP. HCM. Kể từ đây ông bắt đầu chuyên tâm hẳn vào sáng tác, mở ra một thời kỳ mới vô cùng hào hứng và mạnh mẽ, đặc biệt với chất liệu sơn mài, đầy ắp tác phẩm và thành tựu đáng ghi nhận. 

Nói đến Ngô Minh Cầu, mọi người đều nhớ ngay đến bức tranh lụa Về nông thôn sản xuất hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức tranh thể hiện một đôi thanh niên nam nữ thành thị vác bừa, vác cuốc, đội nón quả bứa, khoác áo tơi, đi sau con bò cái có con bê con tung tăng chạy theo mẹ... cùng nhau ra đồng làm việc. Bối cảnh là một xóm làng trù phú, nhà gạch hai tầng, mái ngói đỏ tươi, rơm vàng chất thành đống to trong sân, ngoài ngõ. Tất cả đằm trong một màu sắc nóng ấm, ửng hồng trong một buổi bình minh mới rạng. Trong cuốn sách “Ngô Minh Cầu” vừa ra mắt bạn đọc, tác giả Văn Đức và Quang Phòng tiết lộ, khi còn học Trường Mỹ thuật ở Việt Bắc thời kháng chiến, Ngô Minh Cầu, trong các cuộc bày tranh cho nhân dân địa phương xem, thường được các cụ ông, cụ bà người Mán, Cao Lan khen là vẽ tranh “sạch và rõ”. Với phong cách trong sáng đầy vẻ Việt Nam ấy, ông đã sáng tác bức Về nông thôn sản xuất được xem là điển hình bậc nhất của nghệ thuật tạo hình hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cái “sự đi” ấy trong bức tranh vô cùng hiện thực và lãng mạn. Đó không chỉ là sự đi của một tầng lớp trong xã hội, của một giai cấp, hay của cả một thời đại mà còn là sự đi mãi mãi của con người, để hạnh phúc, giành lấy hạnh phúc.

Ngô Minh Cầu, Về nông thôn sản xuất, lụa, 1957, St: Bảo tàng Mỹ thuật VN

Trong khi các bạn đồng môn Khóa Kháng chiến như Lưu Công Nhân, Trọng Kiệm, Trần Lưu Hậu… đã có ít nhiều khuynh hướng hội họa biểu hiện cá nhân, thì Ngô Minh Cầu vẫn tỏ ra mô phạm-điều có được trong những năm tháng ông đi dạy học. Có nghĩa là, ông vẫn trung thành với lối vẽ hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mà theo tác giả Quang Phòng và Văn Đức, hội họa của ông mang tinh thần lãng mạn, trữ tình, hiện thực hướng tới một tinh thần “Việt Nam trong sáng, lành mạnh”, trên một con đường đầy chông gai, thử thách, mà để vượt tới đích, không bao giờ có mặt những con người thiếu kiên định, thiếu tài năng và ngại gặp rủi ro. Điều đó được thể hiện trong các tác phẩm của Ngô Minh Cầu ở chất cách mạng, chất kháng chiến, chất nhân văn luôn luôn nổi bật, nhất quán, như là cái lõi, cái then sống xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp. “Sự chung
thủy của Ngô Minh Cầu với lý tưởng nghệ thuật vì cách mạng kháng chiến, vì đất nước, vì nhân dân phải nói là hiếm có”, hai tác giả đánh giá.

“Ngô Minh Cầu - Có một cách nhìn phong cách đặc biệt”

Vừa qua, nhân kỷ niệm 90 năm ngày sinh cố họa sĩ, gia đình và các nhà sưu tập đã cùng chung tay tổ chức triển lãm “Ngô Minh Cầu - Cái nhìn phong cách đặc biệt” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Tại đây, người xem được thưởng thức các tác phẩm mang vẻ đẹp xưa cũ về các làng mạc, thôn xóm. Các tác phẩm cho thấy cảm xúc cuộc sống chảy vào từng khuôn vuông của giấy, của sơn, không ồn ào, không ảo mà nó là lòng lành trước cuộc đời. Họa sĩ vẽ nhiều thể loại tranh từ phong cảnh làng quê, bản làng, thiếu nữ cho tới tranh khỏa thân. Đặc biệt, mảng tranh sinh hoạt của ông hầu như tranh nào cũng níu chân người xem. Lúa về làng (1991),(72x122), Phơi chăn (1990), Đập lúa (1990), Mắc go cửi (1983), Bản làng vùng cao (1995), là vài ví dụ về những bức sơn mài đẹp, vượt không gian, thời gian. Ông vẽ tản mạn, từ miền núi Tây Bắc đến đồng quê Bắc Bộ và lân la cả xuống biển. Ngô Minh Cầu vẽ đồng quê thôn bản gần với con người nhất từ tạo hình, đến đề tài và bút pháp thể hiện. Cái thực trong tranh của Ngô Minh Cầu như người ta có thể nắm tay trò chuyện với các nhân vật nếu như họ bước ra khỏi khuôn tranh.

Người xem được trở lại thăm lại cảnh các chị nông dân quây quần đập lúa trong sân chùa làng, cảnh dập dìu gánh gồng ngày mùa vui thôn xóm, cảnh bến đò làng gốm Thổ Hà nhộn nhịp thuyền bè, thăm ngôi làng cổ vùng Bắc Bộ với cây cầu ngói cong cong nối những xóm làng tươi vui, cổng làng Mía ở Sơn Tây cổ kính dẫn vào những đường làng quanh co có các chị các mẹ gánh gồng những gánh nuôi nấng. Lại xem những đàn ông, đàn bà Thái đang bừa tập thể trên cánh đồng đợi những mùa vui; ngắm buổi trưa nhộn nhịp tan đồng của các cô trên đường làng Cam Đà lô xô mái tranh; ngôi chùa Trấn Quốc cổ kính, trầm mặc mà điểm vui vì bóng áo dài xanh, đỏ thanh tân của những cô gái Hà Nội đi lễ chùa, quấn quýt bên sư cô ngồi rửa thúng rau bên cầu ao chùa… hay cảnh phơi chăn, đập lúa, mắc mo cửi, tắm suối nơi bản làng Tây Bắc… 

Phòng tranh “Ngô Minh Cầu - Cái nhìn phong cách đặc biệt” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Những bức tranh như thế làm lòng người tĩnh lại, vui với niềm vui chung của nhân vật. Ở đó, họ được sống một cuộc đời vui vẻ, thanh bần nhưng chất chứa niềm hy vọng về một tương lai tươi sáng. Điều này không dễ dàng có được trong tranh của các họa sĩ đương đại với nhiều quay cuồng thử nghiệm, khám phá, thậm chí là phá cách. Tranh của Ngô Minh Cầu ngọt lành như dòng nước mát, tưới tắm cho tâm hồn mỗi người dịu lại trong nhịp sống hối hả. Vì thế, triển lãm “Ngô Minh Cầu-Cái nhìn phong cách đặc biệt” rất đáng để xem và cùng thưởng thức các tác phẩm của một họa sĩ tài danh và chung thủy với dòng chảy hiện thực xã hội chủ nghĩa. 

Họa sĩ Đỗ Đức đã bày tỏ sự kính nể và xúc động khi đến với phòng tranh của Ngô Minh Cầu. Ông chia sẻ, đây là một phòng tranh của lớp đàn anh đã thành di sản. “Tôi yêu những tác phẩm như thế. Nó chứa đựng tâm thành và truyền cảm tới người xem nhưng cảm xúc yêu thương gắn bó tình người. Nghệ thuật có trăm néo đường đi, không có khuôn mẫu nào nhưng nó đều có chung một mẫu số nhân văn nuôi nấng tâm hồn dân tộc”, ông nói. 

Còn họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN nhận xét, có thể nói rằng, cuộc đời nghệ thuật của họa sĩ Ngô Minh Cầu là sự dâng hiến thầm lặng, tận tụy cho nghệ thuật, ông đã có những đóng góp quan trọng cho ký họa túc đức trong dòng chảy đa dạng của nền mỹ thuật đương đại Việt Nam ngay từ những năm tháng của kháng chiến chống Pháp. Bởi Ngô Minh Cầu cũng chính là một họa sĩ được đào tạo ở khóa kháng chiến do danh họa Tô Ngọc Vân đứng đầu. Và những tên tuổi của khóa kháng chiến ấy cũng là gạch nối từ thế hệ vàng Đông Dương sang khóa kháng chiến chống Pháp, rồi đến chống Mỹ.

“Bởi vậy mà tôi cho rằng, trên từng tác phẩm của họa sĩ Ngô Minh Cầu đều nói lên một tình cảm đặc biệt, cảm xúc nồng nàn khi ghi giữ lại những nét đẹp Việt, những người đàn bà Việt ở đồng bằng sông Hồng hay trên các mạn ngược. Chính điều này giúp chúng ta thấy được nghệ thuật của họa sĩ Ngô Minh Cầu lúc nào cũng trẻ trung, lúc nào cũng cảm giác chúng ta đang đến gần với cuộc sống, đến gần với hiện thực và đến gần với vẻ đẹp của người Việt”, họa sĩ Lương Xuân Đoàn khẳng định. 

Ngô Minh Cầu, Mắc go cửi, sơn mài, 1983. St: Phúc Lâm, Hà Nội

Họa sĩ Ngô Minh Cầu, ở đâu và vào lúc nào, dường như cũng “có một cách nhìn phong cách đặc biệt, không giống ai… lối nhìn giản dị để tạo dựng hình, màu minh bạch, rõ ràng” - như lời đánh giá của Tô Ngọc Vân, điều mà về gần cuối đời chính bản thân người được đánh giá cũng đã phải thừa nhận là “hoàn toàn chính xác”.

THU CÚC

Nguồn: Tạp chí VHNT số 520, tháng 12-2022

;