Nghi thức thờ cúng trong tín ngưỡng dân gian được thể hiện trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương

Phật giáo Trúc Lâm đã ghi dấu ấn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam bởi ngay từ khi xuất hiện, người sáng lập đã đặt mục tiêu Việt hóa các yếu lý của Thiền tông từ nhiều nơi khác đến. Thiền phái Trúc Lâm không chỉ là những tư tưởng cao siêu để con người bi quan tìm đến, không làm phức tạp đời sống nội tâm của con người mà đã đoàn kết dân tộc, chống lại giặc ngoại xâm trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông. Phật giáo Trúc Lâm cũng đã có đóng góp to lớn cho văn hóa Việt về tín ngưỡng, tôn giáo, thơ ca, kiến trúc, in ấn, hội họa…

Vào khoảng giữa TK XIV, tầng lớp quý tộc nhà Trần đã mất dần uy quyền khiến xã hội bất ổn định: số người đi tu tăng cao nhưng số thực tu lại ít, đa phần lợi dụng danh nghĩa Phật giáo để hưởng lợi, từ đó gây ra không ít hệ lụy đáng tiếc; tầng lớp quan lại được tuyển chọn theo khoa cử Nho học đã ngày một có vị thế vững chắc trong bộ máy chính quyền phong kiến; sự bài xích Phật giáo, đặc biệt là đả kích vào mặt trái của Phật giáo ngày càng tăng. Đại diện trong giới Nho giáo công kích Phật giáo công khai như: Mạc Đĩnh Chi, Trương Hán Siêu...

Thời nhà Trần chủ ý dùng đức trị thay pháp trị, điều này có thể thấy rõ trong các sự kiện lịch sử và bối cảnh xã hội lúc đó. Sau các cuộc kháng chiến chống Nguyên - Mông và kiến quốc, việc vỗ về dân chúng dựa vào tư tưởng từ bi hỷ xả của Phật giáo, kết hợp với tín ngưỡng truyền thống bản địa đã tạo ra một phương cách trị vì của các vị vua đời Trần là nương theo dân tục, xây dựng một xã hội hòa bình.

Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương (寶鼎行持秘㫖全章) là văn bản sử dụng chữ Hán và chữ Nôm, ghi chép nội dung các nghi lễ trong đạo Phật, các bài văn, các đạo bùa dùng trong lúc làm đàn chay, giải oan, phá ngục... Câu chuyện về Mục Kiền Liên và bài văn Nôm đã nói về cách cúng Phật. Đây chính là tài liệu ghi lại việc ứng dụng các khoa nghi trong nghi thức cúng Phật. Cuốn sách là kim chỉ nam trong việc tu tập và thực hành nghi lễ của Thiền phái Trúc Lâm được Huyền Quang Tôn giả tiếp thu tinh hoa, kế thừa tôn chỉ định bản. Sau đó, nó được nhiều tác giả đời sau lưu truyền, sửa chữa, in ấn. Đến thời nhà Nguyễn, văn bản này được nhiều chùa, nhà sư tổ chức khắc in và truyền bá.

1. Mục đích xây dựng các khoa nghi trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương

Trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương, các khoa nghi được thực hành giúp bản thân và gia quyến giải quyết được về mặt tâm lý khi gia tiên nhà mình được thoát ngục. Các khoa nghi nhắn nhủ: Luật trời vốn rất công bằng, nếu gây tội thì oan gia trái chủ có quyền đòi nợ, nếu chết bị đày vào ngục, oan gia trái chủ được phép hành con cháu người đó, đó là quy luật nhân quả không ai có thể can thiệp được. Nhờ uy lực của Phật pháp mà tụng kinh hồi hướng cho vong linh nhà mình và các oan gia trái chủ, hồi hướng cho vong siêu thoát. Đây là cách làm thuận thiên ý, không mang tính áp đặt như một số thày pháp thường lợi dụng mà đẩy cao tính mê của mỗi con người. Thuyết nhân quả của Phật giáo Trúc Lâm cũng phần nào hạn chế được con người làm điều ác.

Tinh thần nhập thế và tính nhân văn trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương mà đỉnh cao là sự xoa dịu tinh thần, làm vơi bớt nỗi đau khổ của con người nơi trần thế. Lằn ranh giới mong manh một bên đạt tới đỉnh cao của sự tự tại, cứu giúp tâm hồn con người khỏi sự mê muội trong đau khổ, bất hạnh. Chấp nhận mọi biến cố cuộc đời và một bên là sự u mê, lạc trong cõi tăm tối của mê tín dị đoan. Hai ranh giới một là đỉnh cao của sự đốn ngộ, một là vực sâu của u tối nhưng ngăn cách mong manh. Chính vì thế, các hoạt động thực hành nghi lễ nếu hiểu thấu đáo tới ngọn nguồn sẽ giúp cho con người hướng tới chân, thiện, mỹ song nếu chỉ vị kỷ, tham lam, chờ đợi van xin lấy của người khác làm của mình thì dễ đưa con người tới bến bờ mê tối.

2. Ý nghĩa các khóa lễ Tam phủ trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương

Bằng sự sáng tạo và am tường về nhân tâm, nhà sư Huyền Quang lập ra phương tiện bằng các bài văn cúng giải kết, mở ngục để phá địa ngục, giải oan trong tâm, làm điều răn cõi tục đầy oan khiên đau khổ ngu si, mở ra lối rộng để cho tất cả mọi người được có cơ hội thoát chìm đắm trầm luân… Các khoa nghi trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương đều hướng tới: giải oan cắt kết làm cho đứt đoạn những điều oan ức của những người đã chết và cắt giải oan gia trái chủ do người chết (vì khi còn sống hoặc trong tiền kiếp họ gây thù chuốc oán). Như vậy, giải oan cắt kết là việc lập đàn trai giải oan, cầu siêu tịnh độ, giải trừ oan khổ cho tất cả các vong linh nhiều đời được siêu thoát, để con cháu nơi trần thế được an lạc, thái bình. Đây chính là hình thức để giải phóng tâm hồn, giải phóng nhân tâm, hy vọng vào ngày tươi sáng. Điều này có ý nghĩa nhân văn, giúp bỏ điều ác, hướng đến điều thiện. Như vậy, thực hành nghi lễ tôn giáo này của Thiền phái Trúc Lâm là nhà sư Huyền Quang mong muốn mang đến cho con người sự an lạc, thảnh thơi trong tâm hồn của con người.

Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương còn ghi chép về niêm luật hành trì, cách làm đàn lễ cúng bái với sự kết hợp nhuần nhuyễn của Phật giáo và Đạo giáo. Nghi lễ này được các thày tu, các thày cúng thực hiện và hiện nay vẫn còn tồn tại. Nội dung trong sách ghi lại các bài chú, các cách hành đàn, hành trì, các mật chú, phát hỏa, cách làm phan, bày đàn trong nghi lễ đạo Phật. Tôn chỉ mục đích của các khóa lễ này chính là làm cho con người thoát khỏi sự sợ hãi, hướng tới điều thiện.

Huyền Quang Tôn giả phải sống trong cảnh nghèo khó và bị coi thường suốt những năm tháng của tuổi trẻ. Khi ông đỗ đạt Trạng nguyên rồi ra làm quan đã chứng kiến biết bao điều thị phi trong chốn quan trường. Không chịu nổi cảnh tranh giành danh lợi, năm 51 tuổi ông xin từ quan, tìm đến Thiền môn. Điều này được thể hiện trong bài phú Nôm của ông lúc mới lên chùa Hoa Yên: Buông niềm trần tục/ Náu tới Vân Yên/ Chim thụy dõi tiếng ca chim thụy/ Gió tiên đưa đòi bước thần tiên/ Bầu đủng đỉnh giang hòa thế giới/ Giày thong thả dạo khắp sơn xuyên…/ Niết được tính ta nên Bụt thật/ Ngại chi non nước cảnh đường xa (Vịnh Vân Yên tự phú - Nguyễn Lang dịch).

Tâm trạng của ông được bộc lộ qua những câu thơ, mong muốn được sống hồn nhiên, hòa mình cùng thiên nhiên, tạo hóa của đất trời. Đây là niềm tin của một con người muốn thay đổi số phận, nhưng cũng gặp không ít gian nan.

3. Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương chuẩn hóa nghi thức thờ cúng dân gian qua hệ thống khoa nghi

Chuẩn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu

Các nhà nghiên cứu cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Phật giáo, Đạo giáo. Mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với Phật giáo và Đạo giáo thể hiện rất rõ qua quan niệm về vũ trụ luận, cách sắp đặt thờ tự, thực hành nghi lễ chầu văn, đặc biệt là nghi lễ rước Mẫu lên chùa thỉnh kinh… vào dịp lễ hội.

Từ xa xưa, đa số tín đồ Phật tử cũng đồng thời là tín đồ đạo Mẫu. Cho nên hầu hết các chùa ở miền Bắc đều có một điện Mẫu bên cạnh thờ Phật. Các chùa nhỏ không làm được điện thờ Mẫu riêng thì cố thu xếp để có một ban thờ Mẫu. Người ta thường nói: “bên cha cũng kính, bên mẹ cũng vái”. Nhiều người không thực hành nghi lễ hầu Thánh nhưng cũng vẫn tôn trọng “kính nhi viễn chi”. Không đả phá nghi lễ này vì nó có nguồn gốc từ tín ngưỡng dân gian. Theo ông Nguyễn Văn Thư - Giám đốc Bảo tàng Nam Định, quá trình tồn tại và phát triển, tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu đã dung hòa với các tôn giáo, tín ngưỡng khác để chắt lọc những giá trị tinh túy. Tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo, biến hóa linh thiêng của Đạo giáo, trinh hiếu của Nho giáo và các tín ngưỡng bản địa khác thể hiện sự đa dạng văn hóa, phù hợp với truyền thống đạo lý, thuần phong mỹ tục của người Việt, nhằm hướng con người đến chân, thiện, mỹ. Do đó, Thánh mẫu Liễu Hạnh được nhân dân tôn vinh là Tiên, là Phật, là Thánh, là Thiên Bản lục kỳ chi đệ nhất (là thứ nhất trong 6 sự việc ly kỳ ở đất Thiên Bản), là một trong tứ bất tử, là mẫu nghi thiên hạ…

Đạo Phật được đưa vào Việt Nam rất sớm nhờ những thương gia Ấn Độ vượt biển tới các nước Đông Nam Á, đi theo gió mùa Tây Nam và về theo gió mùa Đông Bắc. Để chuyến đi được an toàn, buôn may bán đắt, họ mời các nhà sư thay Phật đi cùng, tụng niệm, cầu nguyện cho họ và Phật giáo được lan tỏa nhờ con đường này. Thời kỳ nhà Mạc có nền kinh tế hàng hóa, buôn bán phát triển đã xuất hiện một tầng lớp thương nhân để thành một bộ: sĩ, nông, công, thương. Họ theo Phật giáo và chọn tín ngưỡng Quán Âm Nam Hải, tầm thanh cứu khổ, cứu nạn, giúp họ buôn bán hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Nhưng họ chính gốc là những nông dân, phần lớn là phụ nữ, sống trong nền văn minh lúa nước mong muốn sinh sôi nảy nở mà xuất hiện nữ hóa thần linh. Nữ thần hóa trong nền văn hóa Việt, như hiện tượng Man Nương và Tứ Pháp.

Chuẩn hóa tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ

Đến nay, căn cứ kiến trúc tôn giáo chùa chiền, văn bia ghi chép về quá trình trùng tu, thư tịch ghi chép về tín ngưỡng Tam tứ phủ, chúng ta có thể dần loại suy khả năng dung hòa hai tín ngưỡng như hiện nay vẫn thấy trong các chùa chiền. Ban thờ Mẫu có gian giá thờ tự riêng trong các chùa. Ở miền Bắc, gần như chùa nào cũng có ban thờ Mẫu. Nhiều ý kiến cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có thể ví như một cái cây lớn, phủ bóng lên hầu như toàn bộ các sinh hoạt tâm linh nói riêng cũng như có những ảnh hưởng nhất định đến đời sống sinh hoạt của địa phương. Những ảnh hưởng này cho tới nay nói chung là tích cực, nhưng cũng không tránh khỏi một số biểu hiện tiêu cực. Đơn cử như việc xây dựng sửa chữa các di tích tôn giáo tín ngưỡng theo xu thế phục vụ thị hiếu của thị trường, đền chùa nào cũng lập thêm phủ thờ Mẫu, những nơi thờ các vị thần của địa phương cũng được mẫu hóa, vì thế, bên cạnh sự phát triển của tín ngưỡng thờ Mẫu, cũng cần nâng cao ý thức giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa khác của địa phương…

Hiện nay, tại tỉnh Nam Định, các phủ thờ vẫn đang tồn tại sự cạnh tranh lẫn nhau, thí dụ như mâu thuẫn giữa phủ Vân Cát và phủ Thiên Hương, phủ Vân Cát và đền thờ Lý Bôn… Thủ nhang đền Lý Bôn cho rằng vua Lý Bôn là to nhất vì ông Lý Bôn còn sắc phong cho thánh Mẫu; thủ nhang phủ Thiên Hương cho rằng đây mới là phủ chính; thủ nhang phủ Vân Cát cho rằng phủ Vân Cát là tưởng niệm nơi thánh Mẫu sinh ra, phủ Thiên Hương là nơi tưởng niệm Mẫu hóa, chứ không có chính hay phụ. Việc cạnh tranh này một phần do nhận thức của từng thủ nhang, một phần là do các di tích muốn nâng cao vị thế của di tích, khẳng định vị trí của di tích.

Chuẩn hóa tín ngưỡng khởi thủy của tín ngưỡng lên đồng, hầu bóng

Hiện nay, chưa có tài liệu nào xác định hiện tượng lên đồng có từ khi nào. Tài liệu sớm nhất là Thiền uyển tập anh phản ánh thoáng qua về sự đối đáp giữa hai vị tăng trong một lần đến nhà dân xem đồng cốt, từ thời Lý Thần Tông (1116-1138). Ngài Khánh Hỷ trụ trì chùa Chúc Thánh (mất năm 1142) hỏi thày mình là Bản Tịch rằng: “Thế nào là ý chỉ cùa Tổ Sư? Sao thày lại nghe theo dân gian làm những chuyện đồng cốt mê hoặc?”. Bản Tịch đáp: “Lời nói ấy đâu phải là không do đồng cốt giáng thần” (1). Rất tiếc với tư liệu này không cho biết rõ ràng đồng cốt thời Lý này là đồng gì? Là lên đồng hay “đồng thiếp”, hoặc “đồng nổi”. Qua đó ta thấy hé lộ tục đồng cốt có từ rất sớm và các vị tăng đã nêu quan điểm của mình. Theo Đại Việt sử ký toàn thư viết về quá trình nghĩa quân Lê Lợi vây thành Đông Quan (nay là Hà Nội) đã xuống chiếu dụ hàng các binh sĩ trong thành và ra lệnh: “Cấm những kẻ xưng là đồng cốt, tà đạo, mượn tiếng ma quỷ, thần thánh gieo rắc hoang mang, bịa đặt mê hoặc lòng người” (2).

Sách Đại Việt thông sử ghi: “Ngày 19-3 năm Đinh Mùi niên hiệu Tuyên Đức thứ 2-1427 thành Thị Cầu đầu hàng, Vua (Lê Lợi) ra lệnh… Cấm những người đồng cốt không được hành nghề tà đạo, giả xưng làm ma, quỷ thần, đem những lời phù phiếm mê hoặc lòng người” (3). Với những tư liệu lịch sử này, qua Ngô Sỹ Liên và Lê Quý Đôn, ta thấy thành Đông Quan thời đó đã có việc lên đồng nhưng bị lệnh cấm của vua Lê Lợi, vì hệ thống chính trị mang tư tưởng Nho giáo nên hành xử như vậy. Sau này Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự viết: “Ngày 20 quan văn thư sửa sang hành lý lên đường… buổi chiều đến nghỉ ở trạm xã Kim Khê, quan văn thư làm lễ, vào yết trong miếu của xã ấy, bày ra một tiệc hát và mời tôi cùng dự. Bấy giờ Thánh Mẫu đang nhập vào cô đồng, cô ta đang ngồi lắc lư và đang nói…” (4). Ngày này, ta thấy việc lên đồng đã công khai tổ chức và mời cả bạn bè tới dự không bị cấm đoán.

Văn bản Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương thuộc tư liệu văn hiến Phật giáo lưu giữ nhiều chất liệu ứng dụng của Phật giáo thời Lý - Trần và mang đậm tính dân gian. Tư tưởng của tác phẩm giúp các nhà tu hành tu tập, tĩnh tâm trước dòng đời vạn biến và xoa dịu nỗi đau tinh thần của con người khi mất đi người thân; hướng con người sống thiện, biết sợ bởi luật nhân quả. Đây là cuốn thư tịch cẩm nang cho mọi hành trì, thực hành nghi lễ của thiền phái về sau. Các khoa nghi trong tác phẩm vẫn được sử dụng triệt để hoặc một phần trong thực hành tín ngưỡng tôn giáo hiện nay. Mục đích của chúng là giúp con người tìm thấy sự bình yên trong đời sống tinh thần, vượt qua nỗi sợ hãi trong tâm thức và hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn, nhân văn hơn. Các biểu hiện như nghi lễ thưởng trà, thưởng thi phú mang tinh thần truyền đạt giáo lý Phật giáo, song, đồng thời cũng hướng con người đến điều thiện, vượt qua được những nỗi sợ hãi trong tiềm thức sẽ đạt tới cảnh giới tao nhã như trong cảnh niết bàn trần gian.

4. Kết luận

Phật giáo thời Trần đã góp phần làm phong phú đời sống tinh thần cho quân dân người Việt ngay từ khi hình thành. Thiền phái Trúc Lâm đã hướng tới tôn chỉ: đạo gắn với đời, đồng hành cùng dân tộc phát triển. Các khoa nghi trong Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương đã chuẩn hóa các nghi lễ trong dân gian: Tín ngưỡng thờ Mẫu, thờ Tam phủ, Tứ phủ và khởi thủy cho tín ngưỡng lên đồng, hầu bóng. Với mục đích là hướng con người đến giáo lý và tham gia vào các hoạt động thực hành nghi lễ tôn giáo, khiến cho đời sống, tinh thần của con người hướng tới chân, thiện, mỹ, Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương là một minh chứng cho những tôn chỉ và tạo ra màu sắc riêng cho Phật giáo Việt Nam. Phật giáo thời Trần với tư tưởng là: “nhập thế” đã gắn liền với đời sống sinh hoạt sản xuất và giá trị tinh thần của người dân Việt. Đây chính là thư tịch tiêu biểu cho tinh thần “nhập thế”, bám sát cuộc sống từ đạo tới đời của Phật giáo Trúc Lâm thời Lý - Trần. Với ý nghĩa như vậy, Bảo đỉnh hành trì bí chỉ toàn chương đã được lưu truyền rộng rãi, trường tồn cùng thời gian.

___________________

1. Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga dịch, Thiền uyển tập anh, Nxb Văn học, Hà Nội, 1993, tr.215.

2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr.267.

3. Lê Quý Đôn (bản dịch), Đại Việt thông sử, Nxb Văn hóa - Thông tin, 1978, tr.70.

4. Lê Hữu Trác (bản dịch), Thượng kinh ký sự, Nxb Văn học, 1971, tr.86.

Tài liệu tham khảo

1. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001.

2. Nguyễn Đăng Thục, Thiền học Trần Thái Tông, Viện Đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn, 1971.

Ths NGUYỄN DANH LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;