Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

16 giờ 12 phút ngày 29-11-2022 (giờ địa phương, 22 giờ 12 phút Hà Nội), Kỳ họp thứ 17 tại Thủ đô Rabat, Vương quốc Maroc, Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO đã Quyết định (số 01574) ghi danh nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Gốm Chăm được làm ra nhờ sự khéo léo, uyển chuyển, mềm mại của đôi tay và cơ thể, của sự sáng tạo cá nhân người phụ nữ Chăm. Mỗi sản phẩm gốm Chăm là một tác phẩm nghệ thuật độc bản mang dấu ấn của từng nghệ nhân bởi người thợ không dùng bàn xoay mà di chuyển quanh khối nguyên liệu để tạo hình. Đặc biệt, gốm không tráng men và được nung ở ngoài trời bằng củi và rơm. Nghệ thuật làm gốm của người Chăm gắn liền với nghệ thuật trình diễn dân gian, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội của người Chăm... Nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa làng nghề đầu tiên của Việt Nam được UNESCO ghi danh.

Nghệ nhân Đàng Thị Phan tạo thân gốm - Ảnh: Đinh Văn Hạnh

Người Chăm là dân tộc thiểu số ở Việt Nam, có số dân: 178.948 người (số liệu thống kê tháng 4-2019), sinh sống chủ yếu tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tây Ninh, An Giang, TP.HCM… Trong đó, tỉnh Ninh Thuận là nơi người Chăm tập trung đông nhất, chiếm khoảng 42% tổng số người Chăm tại Việt Nam. Họ là chủ nhân của nhiều di sản văn hóa nổi tiếng còn lưu giữ hàng nghìn năm nay trên vùng đất Nam Trung Bộ như đền tháp, lễ hội dân gian, làng nghề… Di sản Mỹ Sơn (Quảng Nam) đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1999. Năm 2022, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp. Nghề làm gốm của người Chăm hiện còn tại làng Bàu Trúc (Ninh Thuận) và Bình Đức (Bình Thuận) (1) là một trong những nghề truyền thống lâu đời. Có thể nói, gốm Chăm Bàu Trúc, Bình Đức là sự hóa thạch của cách thức làm gốm thời sơ sử, lưu truyền theo dòng chảy qua các nền văn hóa Champa và tồn tại cho đến ngày nay như một nghệ thuật độc đáo, riêng có... Trung tâm nghệ thuật làm gốm của người Chăm là Bàu Trúc - nơi có đền thờ Tổ nghề (thần Po Klaong Can), tập trung nhiều nghệ nhân và thợ gốm giỏi; sản xuất được nhiều mẫu mã và thị trường tiêu thụ rộng…

1. Nghệ thuật làm gốm

Người dân Bàu Trúc và Bình Đức không biết nghề gốm của mình có từ bao giờ. Ở Bàu Trúc có ngôi đền thờ vị quan cận thần của Vua Po Klaong Garai (1151-1205) là Po Klaong Can. Người Chăm cho rằng, chính Po Klaong Can đã giúp dân làng chạy giặc, đưa dân đến cánh đồng Hamu Craok định cư và dạy dân làng làm gốm. Người dân Bàu Trúc coi Po Klaong Can là tổ sư của nghề gốm và lập đền để thờ ông (2).

Ở Bàu Trúc, cánh đồng Hamu Tanu Halan là nơi duy nhất cung cấp nguồn đất sét làm gốm cho làng. Cánh đồng được bao quanh bởi sông Quao đôi bờ cây cối xanh tươi bốn mùa. Chúng tôi cho rằng, đất sét Hamu Tanu Halan cho phép cách thức nung gốm lộ thiên và đặc tính của nó đã làm nên giá trị đặc trưng cho gốm Bàu Trúc. Điều kỳ diệu là đất sét trên cánh đồng Hamu Tanu Halan có khả năng tái sinh, trở lại như ban đầu sau mỗi chu kỳ 2-3 năm đất sét được lấy đi. Cát dưới lòng sông là nguyên liệu chính cho gốm Bàu Trúc, được lắng đọng sau mỗi mùa mưa lũ. Cây cối đôi bờ sông Quao sinh trưởng rất nhanh cùng với rơm, trấu sau mỗi mùa gặt là nhiên liệu rất dồi dào để nung gốm bốn mùa. Hàng nghìn năm qua, nguồn nguyên liệu, nhiên liệu làm gốm Bàu Trúc vẫn duy trì sự “sinh trưởng”, không bao giờ vơi, như một sự bảo đảm duy trì dòng gốm tồn tại và phát triển, có niên đại từ TK XII, XIII qua câu chuyện về tổ nghề Po Klaong Can chỉ là bối cảnh về một địa danh cụ thể của dòng gốm vốn nối tiếp từ thời sơ sử, từ văn hóa Sa Huỳnh tiếp trở về sau…

Trộn đất và nhồi đất - Ảnh: Đinh Văn Hạnh

Ở Bình Đức, nguồn nguyên liệu có xa hơn (cách làng chừng 3km về phía Tây Bắc), nhưng đất sét trên đồi, càng đào sâu càng nhiều, còn cát thì từ khe suối và nhiên liệu từ các đồi cây, rơm, trấu sau mỗi mùa gặt cũng rất dồi dào. Cùng với đất sét, cát là nguyên liệu quan trọng của gốm Chăm. Cát trộn với đất sét là loại cát mịn, hạt nhỏ, ít tạp chất, dễ nóng chảy để kết dính xương gốm khi nung mà không đòi hỏi nhiệt độ quá cao như trong lò kín thời gian dài.

Đất sét được lấy từ độ sâu chừng 0,5-0,7m, đưa về nhà phơi khô, đập nhỏ, rồi ngâm trong nước khoảng nửa ngày (thường là qua đêm), sau đó lấy ra trộn đều với cát theo tỷ lệ 2:1, cũng có khi là 1:1. Tỷ lệ đất - cát không cố định mà chủ yếu phụ thuộc vào khả năng nhận biết của người thợ để pha trộn sao cho phù hợp. Ở Bình Đức, trong đất sét đã có khá nhiều cát nên người thợ dùng kinh nghiệm của mình để xem có cần trộn thêm cát hay không. Người thợ dùng chân, tay đạp, nhồi đất cho đến lúc đạt độ dẻo như ý muốn. Trong quá trình đó, nước ngọt cũng được châm thêm sao cho vừa đủ. Để giữ độ dẻo trong suốt quá trình tạo hình, đất được kết thành khối tròn. Kỹ thuật lấy đất, ngâm, phơi, nhào nặn tưởng như đơn giản nhưng cũng được tích lũy thành kinh nghiệm, tri thức, quyết định sự thành công và chất lượng sản phẩm…

Khởi đầu quá trình tạo dáng, người thợ đặt lên hòn kê khối đất hình quả bí vừa đủ để tạo đáy và một phần hình dáng ban đầu. Người thợ dùng hai tay bóp nặn, đi giật lùi theo khối nguyên liệu. Hình hài sản phẩm hiện lên rất nhanh dưới bàn tay và di chuyển của người thợ. Người ta dùng tay để se những lọn đất tròn, dài (còn gọi là con trạch) nối vòng liên tục vào miệng gốm để tạo độ cao cho thân gốm. Quá trình nối những con trạch, bóp nặn, tạo độ cao, bẻ miệng gốm hay dùng tay, vòng quơ để vuốt, miết thân gốm, hoặc dùng vải cuộn để chà láng thân gốm cũng như tạo hoa văn, đường viền… sự di chuyển giật lùi mềm mại của người thợ đã tạo ấn tượng và cuốn hút người xem. Kỹ thuật chải, chà láng bằng miếng vải thấm nước quấn vào tay, miết láng bằng vỏ sò hoặc dùng những công cụ hết sức thô sơ như cây que, răng lược, vỏ ốc, sò… cùng với nước màu được chiết từ cây, lá trong làng để tạo nên hoa văn trang trí mộc mạc, ấn tượng và sinh động. Hoa văn trang trí trên gốm thường theo ngẫu hứng của người thợ, nhưng thể hiện rất rõ đặc trưng văn hóa Chăm truyền thống…

Chuẩn bị nung gốm - Ảnh: Đinh Văn Hạnh

Quan sát cách thức làm gốm không dùng bàn xoay của người Chăm, các nhà nghiên cứu đã khái quát rằng: Chính sự khéo léo, uyển chuyển, mềm mại của đôi tay và cơ thể của người phụ nữ Chăm đã tạo nên những hình khối, sản phẩm gốm thể hiện rất rõ sự sáng tạo và dấu ấn cá nhân. Có lẽ sự mềm mại, uyển chuyển của một dân tộc có truyền thống dân ca, dân vũ đặc sắc, lâu đời đã kết tinh và để lại thành quả sáng tạo trên loại gốm mà người thợ - nghệ nhân/ nghệ sĩ, đã không cần đến bàn xoay như cách làm phổ biến xưa nay.

Sau khi trang trí hoa văn, gốm được di chuyển tới nơi râm mát, không gió, không bị ánh mặt trời rọi trực tiếp để phơi. Tùy theo thời tiết mà người thợ sẽ phơi bao lâu cho đến khi thân gốm se mặt, có thể dễ dàng chỉnh sửa một lần nữa, bằng cách dùng cật tre cạo mỏng, đều và tiếp tục miết láng thân gốm cho nhẵn bóng (bằng nhân vỏ sò, vải ướt…). Sau đó, gốm được phơi thêm cho đến khi người thợ cảm nhận có thể đem đi nung.

Gốm Chăm được nung ngoài trời, không dùng lò. Nơi nung gốm là khoảng đất trống gần nhà hay một nơi thuận tiện. Trên mặt đất, người ta xếp một lớp củi, đan cài nhau để dễ cháy, rồi úp gốm lên trên đó. Gốm lớn nằm dưới, gốm nhỏ xếp chồng lên trên và củi tiếp tục được chất xen kẽ sao cho cháy đều… Cuối cùng, người ta phủ một lớp rơm, trấu khá dày, che kín gốm, rồi châm lửa nung. Lửa cháy chậm trong vài ba giờ đồng hồ với nhiệt độ ước khoảng 600-7000C. Khi lửa đã tắt, gốm gia dụng thường vẫn được giữ nguyên cho đến lúc nguội. Đối với gốm mỹ nghệ, ngay khi lửa tắt, người ta lấy gốm ra để phun màu (nước được chiết xuất hoặc ngâm từ vỏ, trái cây dong, trái thị, vỏ hạt đào…). Một số sản phẩm gốm mỹ nghệ cao cấp sau khi phun màu còn được nung lần hai để tạo những màu đặc trưng sọc nâu, đen xám, đỏ sẫm… khác biệt với các dòng gốm khác.

Sản phẩm gốm Chăm phong phú và đa dạng, bao gồm gốm gia dụng, đồ cúng lễ và gốm mỹ nghệ là các sản phẩm dùng để trưng bày, trang trí, như: chum, nồi, mâm, bình, chóe… với nhiều kiểu dáng, kích cỡ, nhưng mỗi sản phẩm hoàn toàn làm bằng tay, tròn đều, sắc nét, ấn tượng như một tác phẩm nghệ thuật, mang tính độc bản và thể hiện rõ dấu ấn cá nhân.

2. Gốm Chăm trong đời sống cộng đồng

Gốm Chăm được làm bằng tay, không bàn xoay, không khuôn đúc, không tráng men, không nung lò… Nghệ nhân gốm Bàu Trúc nói rằng gốm được “làm bằng tay xoay bằng mông”! Tìm hiểu các công đoạn làm gốm mới thấy bề dày tích lũy tri thức dân gian, khả năng nhạy bén, sự tài hoa của đôi tay, ý tưởng và sự sắp đặt của người thợ. Hầu như tất cả các công đoạn làm gốm của người Chăm đều bị chi phối bởi thời tiết mưa, nắng, gió… và mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự khéo léo của đôi bàn tay. Điều đó cũng có nghĩa là sự tồn tại của nghề gốm phụ thuộc vào sự tích lũy và trao truyền của cộng đồng.

Bàu Trúc và Bình Đức cũng như những làng Chăm khác đều định cư theo thị tộc mẫu hệ, nhưng trên thực tế, người đàn ông lại là trụ cột trong gia đình. Họ gánh vác những công việc nặng nhọc, lo toan sản xuất và đời sống cho cả gia đình. Chế độ mẫu hệ dường như được nhấn mạnh ở quyền thừa kế tài sản của người phụ nữ hơn là vai trò lao động trong gia đình. Với nghề gốm, người nắm giữ, thực hành và trao truyền nghệ thuật làm gốm của người Chăm chính là phụ nữ. Họ là người đang thực hành và truyền dạy cho con em trong gia đình, dòng họ và cộng đồng, theo hình thức mẹ truyền con nối từ đời này sang đời khác. Việc truyền dạy được thực hiện bằng truyền lời, kể chuyện, cầm tay chỉ việc, thực hành tại chỗ mỗi ngày. Những bài học, câu chuyện về đức lao động cần cù, tình làng nghĩa xóm, trân quý nghề nghiệp và cả đam mê, cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cũng được người mẹ trao truyền cho con gái thế hệ này sang thế hệ khác trong quá trình học và làm gốm. Những bí quyết, kinh nghiệm từ khả năng nhận biết loại đất, cách thức khai thác đất sét, tỷ lệ pha cát, cách nhồi, trộn đất, cách tạo và sử dụng các công cụ làm gốm, cách tạo hoa văn và màu sắc bằng vỏ cây để trang trí gốm đến khả năng nhìn trời đoán định thời tiết, kỹ thuật xếp gốm, giữ lửa cho nhiệt độ đều khi nung gốm… được trao truyền, trải nghiệm cầm tay chỉ việc. Truyền nghề theo hình thức mẹ truyền con nối được người Chăm cho là phương thức truyền dạy hiệu quả, ổn định, là công thức bền bỉ với thời gian… Theo đó, người phụ nữ được đề cao trong gia đình, trong dòng họ.

Mẹ truyền con nối - Ảnh: Đinh Văn Hạnh

So với các làng Chăm khác, phụ nữ Chăm làm gốm không chỉ góp phần đóng góp kinh tế cho gia đình, nâng cao đời sống mà thông qua quá trình đó đã tạo điều kiện giúp phụ nữ tiếp xúc, giao lưu, tương tác. Chính nghề gốm đã tạo môi trường sinh hoạt xã hội, thúc đẩy việc giáo dục nghề nghiệp, ứng xử cho con cái. Vai trò của phụ nữ Chăm trong xã hội hiện đại vì thế được nâng cao.

Nghề gốm còn gắn với thực hành tín ngưỡng tôn thờ, tri ân Tổ nghề là thần Po Klong Can và liên quan trực tiếp phong tục, tập quán xã hội, nghi lễ và nghệ thuật diễn xướng dân gian… Rất nhiều điệu múa, bài ca mang đậm văn hóa nghệ thuật Chăm đã ra đời từ nghề làm gốm. Nghề gốm đã góp phần gìn giữ thuần phong mỹ tục của người Chăm và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa Chăm ở Việt Nam.

Gốm Chăm đã phát triển lâu dài trong lịch sử, là một phần của văn hóa Chăm. Có nhà nghiên cứu cho rằng gốm đất nung là dòng chảy chủ đạo, xuyên suốt lịch sử Champa cùng với điêu khắc đá đã tạo nên những kiệt tác đền tháp khắp dải đất miền Trung (3). Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, thúc đẩy phát triển xã hội, giữ gìn thuần phong mỹ tục của xã hội mẫu hệ và góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa Chăm... Tuy nhiên, những năm gần đây, nghề gốm truyền thống ở Bàu Trúc và Bình Đức gặp nhiều khó khăn, đang đứng trước nguy cơ mai một.

3. Đề xuất giải pháp bảo vệ khẩn cấp

Cũng như những ngành nghề thủ công truyền thống khác, nghề làm gốm gặp không ít khó khăn khi bước vào thời kỳ kinh tế thị trường. Nhiều khó khăn khách quan, bên ngoài và không ít khó khăn chủ quan, nội tại của nghề đã tác động đến sự tồn tại và phát triển. Gốm Chăm được truyền nghề theo phương thức mẹ truyền con nối. Sau này, chính các em là thợ gốm của gia đình và dòng họ. Những kỹ năng, bí quyết của nghề chỉ truyền trong dòng tộc và thường do những người lớn tuổi nắm giữ. Trong điều kiện nghề gốm phát triển khó khăn mà những người lớn tuổi lần lượt qua đời khi chưa kịp truyền dạy hoặc không có người muốn nối nghề thì những tri thức quý báu đó sẽ mất dần hoặc không còn đầy đủ. Thế hệ trẻ ít mặn mà với nghề gốm vì thu nhập thấp (chưa đến 22 triệu đồng/người/năm). Sản phẩm gốm gia dụng khó cạnh tranh với các sản phẩm gốm, sứ khác cũng như đồ dùng bằng nhôm, nhựa. Ngoài ra, những khó khăn do nguồn nguyên liệu, nhiên liệu, địa điểm nung gốm chưa được quy hoạch (nguyên liệu làm gốm khó khai thác do sự thay đổi chính sách quản lý đất đai và tài nguyên; ruộng đất sét, ruộng lúa để lấy rơm và rừng để khai thác củi đều bị thu hẹp do lấy đất làm đường, làm nhà…). Trong khi so với gốm gia dụng truyền thống khó tiêu thụ thì gốm mỹ nghệ, nhất là ở Bàu Trúc, có chiều hướng phát triển tốt hơn. Nhưng cùng với nó là sự đầu tư máy móc, bàn xoay, khuôn đúc, lò nung mới… Thậm chí người ta dùng vốn hỗ trợ làng nghề từ nguồn của nhà nước để xây lò nung gốm với ý định bàn xoay, lò nung sẽ tạo ra nhiều sản phẩm hơn, nhanh hơn. Nếu theo chiều hướng đó, một ngày không xa, gốm Chăm sẽ trở thành gốm công nghiệp và cũng như những sản phẩm gốm khác sẽ có mặt trên khắp đất nước ta. Những nét đẹp truyền thống, đặc sắc nhất của gốm Chăm (mà người ta đã phải gọi nó là nghệ thuật làm gốm) sẽ mất dần, nhường chỗ cho bàn xoay, khuôn đúc, lò nung… như nghề dệt thổ cẩm thủ công đã nhường chỗ cho máy dệt… để rồi tự biến mất!

Thiếu nữ làng gốm Chăm - Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

Nhiều năm qua, nghề gốm của người Chăm được chính quyền, cộng đồng rất quan tâm. Sự quan tâm đó thể hiện ở việc xây dựng hồ sơ công nhận, tôn vinh giá trị di sản văn hóa bằng những danh hiệu công nhận của ngành Văn hóa (cả nghề và nghệ nhân) và sự đầu tư kinh phí mong tạo mọi điều kiện để nghề gốm vượt qua khó khăn, tồn tại và phát triển (chính quyền tổ chức không gian thực hành nghề, tổ chức giao lưu, quảng bá, truyền dạy, khuyến khích cộng đồng sử dụng sản phẩm; từ năm 2005-2019, tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã ban hành 24 văn bản pháp lý hỗ trợ làng nghề, mở 14 lớp truyền dạy nghề cho 407 học viên…). Nhưng gốm Chăm vẫn đứng trước những khó khăn. Kết quả kiểm kê năm 2014, Bàu Trúc có 30,7% số hộ làm gốm, một hợp tác xã, hai công ty, 60 cơ sở sản xuất (trong đó cơ sở lớn chiếm 1/3) và số lượng nghệ nhân còn khả năng truyền dạy từ 8-10 người. Kiểm kê tháng 10-2018, Bàu Trúc chỉ còn 15% số hộ gia đình trong số 731 hộ của làng còn làm gốm; Bình Đức chỉ còn hơn 10% của 355 hộ đang làm gốm; số nghệ nhân, thợ gốm và học nghề tại các làng gốm năm 2019 chỉ còn 455 người, chiếm 8,7% số dân (4). Năm 2020, 2021, nhiều nghệ nhân nổi tiếng của làng gốm Bàu Trúc đã qua đời.

Việc Bộ VHTTDL và UBND tỉnh Ninh Thuận xây dựng hồ sơ trình UNESCO đưa nghệ thuật làm gốm của người Chăm là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp là một quyết định kịp thời. Sự ghi danh này mở ra cơ hội để nghệ thuật làm gốm của người Chăm tiếp tục tồn tại và phát triển. Nhưng niềm tự hào đó cũng gắn liền với trách nhiệm lớn lao với rất nhiều khó khăn phải giải quyết thỏa đáng để vượt qua các mối đe dọa đối với di sản.

Từ phía cộng đồng, chủ thể của di sản từ 5 năm trước đã có những cuộc thảo luận và thống nhất cho rằng, để bảo vệ khẩn cấp được di sản trong những năm tới cần: Tiếp tục tổ chức truyền dạy nghề hằng năm; Quy hoạch, mở rộng nguồn nguyên liệu và bảo tồn cơ bản làng gốm; Củng cố và nâng cao năng lực Ban quản lý làng nghề; Huy động nguồn vốn (từ doanh nghiệp và tư nhân); Tiến hành kiểm kê, xây dựng cơ sở dữ liệu để giới thiệu quảng bá gốm Chăm (xây dựng trang web, xuất bản sách, làm phim di sản); Mở rộng thị trường tiêu thụ gốm Chăm; Phát triển du lịch làng nghề (đẩy mạnh truyền thông, quảng bá để thu hút khách hàng, khách du lịch về làng gốm); Cải thiện đời sống nhân dân; Tổ chức thi sáng tác, thiết kế mẫu mã sản phẩm, tham gia hội chợ, tìm kiếm thị trường tiêu thụ gốm; Xây dựng hoàn chỉnh bộ quy chuẩn chất lượng sản phẩm và đăng ký thương hiệu gốm Chăm; Tổ chức Liên hoan nghệ thuật làm gốm trong dịp lễ hội Katé của người Chăm; Đề nghị nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân; Đề nghị Bộ VHTTDL xếp hạng Đền thờ Po Klaong Can (vị tổ nghề gốm) là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia…

Chúng tôi cũng xin đề xuất thêm một vài công việc để bảo tồn nghề gốm của người Chăm mong được cơ quan có thẩm quyền tham khảo:

Trước hết, cần khẩn trương thành lập câu lạc bộ nghệ nhân gốm Chăm. Câu lạc bộ là nơi hội tụ tự nguyện nghệ nhân trong làng tham gia vì mục tiêu bảo vệ, duy trì và phát triển nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Câu lạc bộ hoạt động theo điều lệ tổ chức và hoạt động. Một trong những mục tiêu quan trọng mang tính khẩn cấp mà tổ chức của nghệ nhân có tiếng nói và bảo vệ tốt đó là duy trì nghệ thuật làm gốm như nó vốn có và hữu ích cho việc phát triển nghề nghiệp của nghệ nhân cũng như truyền nghề cho thế hệ trẻ. Những quy định chặt chẽ của điều lệ sẽ loại trừ dòng gốm công nghiệp, xa lạ với gốm Chăm cũng như hạn chế được những tiêu cực mà hiện tại đang và sẽ thành trở lực bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống.

Thứ hai, sớm quy hoạch làng gốm (Bàu Trúc và Bình Đức), mục tiêu để bảo vệ nguyên vẹn nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm. Thiết lập cảnh quan làng gốm, bao gồm quy hoạch khu nguyên liệu, trồng cây xanh dọc đôi bờ sông Quao, dọc các ngả đường trong làng, vừa tạo cảnh quan, bóng mát, vừa là nguồn nhiên liệu nung gốm. Làng gốm là làng nghề di sản văn hóa, làng văn hóa du lịch.

Thứ ba, trước mắt xây dựng phòng trưng bày, tiến tới hình thành Bảo tàng gốm Chăm. Bảo tàng sẽ là nơi lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, giải trí, khơi gợi sự sáng tạo của nghệ nhân và tôn vinh đóng góp của họ. Bảo tàng cũng là nơi lưu giữ cơ sở dữ liệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như nghệ thuật làm gốm và là địa chỉ du lịch, trải nghiệm… (để tránh hình thành quá nhiều tổ chức cồng kềnh, không hiệu quả).

________________

1. Ngoài ra, khu vực Tây Nguyên còn 5 nơi làm gốm thủ công có nét đồng dạng và ảnh hưởng về nghệ thuật tạo hình, kỹ thuật nung và loại hình sản phẩm của gốm Chăm, đó là: buôn Trấp, huyện Krông Ana (người Ê Đê Bih) và buôn Rơ Chái A, huyện Lắk (người M’nông Gar), Ðắk Lắk; làng Krangọ, huyện Ðơn Dương (người Chu Ru); xã Lộc Tân, huyện Bảo Lâm, Lâm Ðồng (người Mạ); xã Ðắk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, Kon Tum (người Ba Na)…

2. Văn Món, Nghề gốm cổ truyền của người Chăm Bàu Trúc - Ninh Thuận, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.29-30.

Đền thờ Po Klaong Can được dân làng Bàu Trúc trùng tu năm 2014, có diện tích 10mx8m, cửa hướng Đông. Gian chính có bệ thờ Linga-Yoni bằng đá cao 0,5m. Bên trái thờ nữ thần Nai Hali Halang Tabang Mâh (Po Nai) bằng đá cao 0,4m. Hằng năm, đền Po Klaong Can cúng lễ 4 lần (theo lịch Chăm) vào các dịp: lễ mở cửa đền đầu năm (tháng Giêng); lễ cầu đảo (tháng 4); lễ Katé (tháng 7) và lễ cúng nữ thần (tháng 9). Lễ vật chủ yếu là cơm, gà, dê, các món canh, các loại bánh, hoa quả, rượu…

3. Phạm Quốc Quân, Gốm Bàu Trúc trong dòng chảy truyền thống gốm Chăm, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế Bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gồm truyền thống của người Chăm, Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 8 đến 9-12-2018, tr.140.

4. Kết quả kiểm kê khoa học Nghệ thuật làm gốm của người Chăm (tại Bàu Trúc và Bình Đức) do Phân viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tại TP.HCM thực hiện năm 2018 và 2019.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Ninh Thuận, Bảo tồn và phát huy nghệ thuật làm gồm truyền thống của người Chăm, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc tế, Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 8 đến 9-12-2018.

TS ĐINH VĂN HẠNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 524, tháng 2-2023

;