Vạc đồng Cẩm Thủy - bảo vật quốc gia Việt Nam tại Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa

Thanh Hóa - xứ Thanh là vùng đất có bề dày lịch sử, với nhiều nét văn hóa đặc sắc, tiêu biểu, một đại diện cho quá trình phát triển lịch sử văn hóa dân tộc. Trong số hàng vạn cổ vật đại diện cho những thời kỳ lịch sử dựng và giữ nước, Bảo tàng tỉnh Thanh Hóa đã chọn lựa, lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ và được công nhận 3 bảo vật quốc gia, đó là: trống đồng Cẩm Giang, kiếm ngắn Núi Nưa và vạc đồng Cẩm Thủy. Bài viết giới thiệu vạc đồng Cẩm Thủy, với mong muốn thêm một lần quảng bá hình ảnh của hiện vật và Bảo tàng tới đông đảo công chúng.

Một buổi học tập ngoại khóa của học sinh tại Bảo tàng - Ảnh: Bảo tàng Thanh Hóa cung cấp

Bảo vật quốc gia là hiện vật được truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học. Là hiện vật gốc độc bản, một tiêu bản hoàn hảo, độc đáo. Mỗi bảo vật quốc gia là một di sản quý giá, là niềm tự hào của dân tộc.

Bảo vật quốc gia vạc đồng Cẩm Thủy do Ban chỉ huy Quân sự thành phố phát hiện tại ngã ba Đình Hương, phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa và bàn giao lại cho Bảo tàng tỉnh ngày 1-8-2002. Vạc có số ký hiệu BTTH 6019/KL:1025, đúc bằng đồng, kích thước lớn (đường kính mặt: 134,4cm; đường kính đáy: 115cm; chiều cao: 79,8cm). Vạc có hình trụ, miệng hơi loe, thành miệng vát cao, đáy cong lòng chảo. Vạc gắn 6 quai to hình chữ U, trang trí hình vặn thừng. Bên trong thành miệng tạo gờ, trang trí hoa 5 cánh. Trên thành miệng là hoa văn dây lá và hai dòng minh văn chữ Hán đối xứng: “Cẩm Thủy huyện Khâm sai Chính Thống lĩnh Quận công tạo/ Nhâm Thân niên, thập nhất nguyệt, nhị thập bát nhật chú”. Nội dung minh văn khẳng định, Chính Thống lĩnh Khâm sai, tước Quận công huyện Cẩm Thủy cho đúc chiếc vạc này ngày 28-11 năm Nhâm Thân và cũng là người sở hữu chiếc vạc này.

Thành bên ngoài vạc đúc nổi hình hoa 4 cánh, xen kẽ vân mây. Mỗi cụm hoa có từ 9 đến 11 bông, nối nhau thành hàng ngang và 6 dải vẫn được giới hạn bởi 2 đường gờ nổi chạy quanh. Ngăn cách giữa thân, miệng và đáy vạc là các đường gờ nổi hình sống trâu to, nhỏ, tạo thành những ô chữ nhật bên thành ngoài vạc, khiến cho chiếc vạc thêm vững chãi, khỏe khoắn.

Qua hoa văn trang trí, chữ Hán về năm tính theo can chi, có thể suy luận rằng, vạc Cẩm Thủy được đúc vào năm 1752, khoảng giữa TK XVIII, thời Lê Trung Hưng.

Trong Lê Quý kỷ sự (1974): Vạc tượng trưng cho cơ nghiệp thiên tử. Chỉ có vua, chúa mới đúc những chiếc vạc lớn, nhằm thể hiện quyền uy, sự trường tồn và bền vững của vương triều, giống như các chúa: Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Phúc Tần và Vua Minh Mạng đã từng đúc nhiều vạc. Hiện nay, tại cố đô Huế còn lưu giữ và trưng bày 15 chiếc vạc đồng có kích thước lớn, được vẽ trang trí các hoa văn, họa tiết tỉ mỉ, cầu kỳ, là những tác phẩm nghệ thuật thật sự, thể hiện trình độ kỹ thuật đúc và mỹ thuật tuyệt vời, mang giá trị lịch sử cao. Trong đó, 11 chiếc được đúc từ thời các chúa Nguyễn, 4 chiếc khác được đúc vào thời Vua Minh Mạng. Vạc đồng các chúa Nguyễn, vua Nguyễn đúc như một biểu tượng cho sự trường tồn của nhà chúa và vương triều. Vạc là biểu tượng quyền lực của nhà vua, nhưng chiếc vạc đồng lớn ở Bảo tàng Thanh Hóa lại là của Quận công, quan Khâm sai ở huyện Cẩm Thủy. Đó là một hiện tượng khá đặc biệt trong lai lịch của chiếc vạc này.

Vào thời Lê Trung Hưng, các quan lang ở vùng Mường, quan lại của triều đình được cử lên vùng biên viễn trấn giữ, chính quyền Trung ương rất cưng chiều và ưu đãi. Họ được phong chức tước rất lớn, dù chỉ “hữu danh vô thực”, nào tước “Vĩnh Lộc hầu”, nào chức “Cẩm Y vệ”, mà một chủ nhân họ Đinh ở vùng Mường Hòa Bình đã được phong tặng, qua bia mộ của chính ông mách bảo. Họ còn được gả công chúa, mà sử thi Vườn hoa núi cối ở Dũng Phong, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình mô tả, cùng truyền thuyết ở đây truyền lại. Đó là chính sách ràng buộc các tù trưởng địa phương để vùng biên viễn được giữ yên. Chính sách ấy có từ thời Lý, Trần và đến thời Lê Trung Hưng, dường như khá phổ biến. Vị quan Khâm sai quê Cẩm Thủy, sở hữu chiếc vạc lớn nêu trên là Phạm Ngô Cầu, ông là võ tướng của nhà Lê - Trịnh. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (1998) và Lịch triều tạp kỷ (1975), đều viết về ông: “Tháng 8 năm 1776, Trịnh Sâm bổ dụng Phạm Ngô Cầu giữ chức trấn phủ Thuận Hóa... sai Quận công Phạm Ngô Cầu, trấn phủ Sơn Nam, lãnh chức trấn phủ Thuận Hóa thay Bùi Thế Đạt, cho phép Phạm Ngô Cầu được tùy tiện thi hành mọi công việc”. Được Vua Lê - Chúa Trịnh bổ dụng thay mặt triều đình cai quản trấn phủ Sơn Nam, sau đó lại làm trấn phủ Thuận Hóa, mọi quyền hành nắm trong tay “tùy tiện thi hành mọi công việc”, được sự cho phép của triều đình đối với vùng biên viễn. Vạc đồng của quan Khâm sai Cẩm Thủy là quyền uy đại diện, thay mặt cho nhà vua, nhà chúa “quyền sinh, quyền sát” (thực hiện trước, báo về triều đình sau) tại trấn, phủ địa hạt giao cai quản.

Thời Đinh Tiên Hoàng, trong Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt vạc lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vạc dầu, cho hổ ăn”, mọi người đều sợ phục, không ai dám phạm”, đã cho thấy những hình pháp nặng nề, nghiêm khắc, không phải bởi sở thích, mà muốn sử dụng biện pháp mạnh để khuyên răn những kẻ có dã tâm phạm tội nhìn thấy mà khiếp sợ. Cách làm của Đinh Tiên Hoàng, không những hợp lý mà còn đem lại hiệu quả. Trong bối cảnh lịch sử thời bấy giờ, đất nước vừa thành lập, vua vừa lên ngôi, loạn 12 sứ quân vừa dẹp, mầm mống, những tư tưởng phản loạn vẫn còn đâu đó trên khắp đất nước. Với hình phạt nghiêm khắc đó, nhà Đinh đã chủ động dập tắt những mầm mống, manh nha ngay khi phát sinh. Có lẽ các vua, chúa thời sau đều kế tục việc đúc vạc để tỏ rõ quyền uy, khuyên răn để xã tắc được yên ổn, vững bền. Vì vậy, vạc đồng của Quan khâm sai, chính thống lĩnh, quận công người huyện Cẩm Thủy không ngoài mục đích quyền uy như vậy.

Vạc đồng Cẩm Thủy - Ảnh tác giả cung cấp

Vạc đồng Cẩm Thủy trước và sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là bảo vật quốc gia, việc tuyên truyền, phát huy giá trị của di sản văn hóa vô giá này luôn được Bảo tàng Thanh Hóa quan tâm, chú trọng và đã đạt được những kết quả nhất định. Vạc đồng Cẩm Thủy có kích thước quá lớn, diện tích các phòng trưng bày lại hẹp nên không trưng bày chung cùng các hiện vật theo tiến trình lịch sử. Vạc đồng được trưng bày tại phòng trưng bày riêng, với đầy đủ trang thiết bị: đèn chiếu, gương tương phản, bài thuyết minh ngắn gọn, sâu sắc, đan xen với câu chuyện mang tính lịch sử, liên quan đến vạc, gắn với câu chuyện thời đại, để người xem cảm nhận được chiều sâu. Bản trích được giới thiệu trang trọng, cô đọng, xúc tích. Các trang trí hoa văn, họa tiết, chữ Hán được đồ họa phóng to khắc chìm trên kính cường lực nền vàng, chữ đỏ, đã tôn thêm vẻ đẹp uy nghi, trang trọng, của phòng trưng bày. Cùng với các phòng trưng bày khác, phòng trưng bày vạc đồng mỗi năm đã đón, phục vụ gần 30 nghìn lượt khách tham quan, nghiên cứu và học tập.

Ngoài vạc đồng, các bảo vật quốc gia khác tại Bảo tàng Thanh Hóa đang được trưng bày ở những vị trí trang trọng nhất của phòng trưng bày. Đã tạo ra được nhiều sự khác biệt, là điểm nhấn, tôn thêm phần trang trọng cùng các hiện vật khác tại các phòng trưng bày. Bảo tàng đã nghiên cứu giải pháp đổi mới về nội dung, hình thức trưng bày phù hợp với từng bảo vật quốc gia, trong đó, chú trọng tới nội dung thuyết minh, yêu cầu cán bộ thuyết minh phải hiểu biết sâu sắc nội dung, giá trị hiện vật gắn với những câu chuyện lịch sử, gây được sự chú ý, xúc động với người xem. Bên cạnh đó, Bảo tàng còn tổ chức nghiên cứu xây dựng clip về các bảo vật quốc gia để tăng cường tuyên truyền, quảng bá, tạo hiệu ứng thu hút được nhiều hơn nữa sự quan tâm của công chúng đến với Bảo tàng. Trong các cuộc trưng bày chuyên đề, lưu động có thể lồng ghép đưa hình ảnh bảo vật quốc gia, nếu có điều kiện an toàn, có thể giới thiệu những bảo vật này đến gần với công chúng hơn. Đặc biệt, Bảo tàng đang đẩy mạnh nghiên cứu chỉnh lý nội dung, hình thức các phòng trưng bày theo sưu tập văn hóa mang những nét đặc sắc riêng; từng bước cải tạo chỉnh trang diện mạo khu vực khuôn viên trưng bày ngoài trời, đảm bảo cảnh quan, công năng phù hợp hoạt động tuyên truyền; thường xuyên phối hợp với các đơn vị, cơ sở sản xuất thủ công truyền thống để có thể đưa hình ảnh, phiên bản của bảo vật quốc gia làm sản phẩm quà lưu niệm; ứng dụng công nghệ thực tế ảo VR 3D, quét mã QR để xem thông tin hiện vật, xem bằng tương tác 3D và xoay 360 độ; số hóa Bảo vật quốc gia vạc đồng Cẩm Thủy, chuyển dạng thành tín hiệu kỹ thuật số, nhằm giúp người xem trải nghiệm chân thật nhất mà không cần phải đến tận nơi. Tăng cường quảng bá, giới thiệu, bảo vật quốc gia trong chương trình hoạt động của Bảo tàng, đưa bảo vật đến gần công chúng, tổ chức thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang web và mạng xã hội Facebook của Bảo tàng.

Thanh Hóa là một vùng “địa linh nhân kiệt”, có bề dày lịch sử không chỉ hơn 990 năm như danh xưng (đến nay), mà còn xa hơn nữa tới vài chục vạn năm (di chỉ núi Đọ), tạm tính từ thời hồng hoang của lịch sử loài người, đến văn minh Đông Sơn tỏa sáng, thời kỳ độc lập tự chủ đầy hiển hách, tới lịch sử chống Pháp, chống Mỹ hào hùng, ắt hẳn vùng đất này còn tiềm ẩn nhiều di sản văn hóa trong lòng đất, trong Bảo tàng, trong các sưu tập tư nhân và trong các di tích lịch sử - văn hóa. Các bảo vật quốc gia và hàng vạn hiện vật trong Bảo tàng tỉnh chưa phải đã phản ảnh hết giá trị của mảnh đất này.

Để đáp ứng yêu cầu thực tại, ngoài các trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề, các hiện vật, sưu tập hiện vật tiếp tục được số hóa để hiện vật Bảo tàng đến gần hơn với công chúng. Đó trách nhiệm để tăng thêm niềm tự hào của người dân xứ Thanh về lịch sử và văn hóa quê hương.

________________

Tài liệu tham khảo

1. Đại Việt sử ký toàn thư, Bản in nội các quan bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697), Ngô Đức Thọ, Hoàng Văn Lâu dịch, Nxb Văn học, 2017.

2. Văn Lãng, Lịch triều tạp kỷ, Nxb Khoa học xã hội, 1975.

3. Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Nxb Giáo dục, 1998.

4. Nguyễn Thu, Lê Quý kỷ sự, Hoa Bằng dịch, Nxb Khoa học xã hội, 1974.

Ths TRỊNH ĐÌNH DƯƠNG 

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;