Vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản thờ Mẫu Tam/Tứ phủ ở tỉnh Nam Định

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ có sức sống bền vững, có sức hút và đi sâu vào đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt. Tính cộng đồng trong nghi lễ chầu văn được thể hiện một cách bền chặt, đó là yếu tố quyết định trong việc duy trì, phát triển di sản.

Xếp chữ trong Hội Hoa Trượng lễ hội Phủ Dầy - Nguồn ảnh: Tư liệu ảnh phục vụ Hồ sơ trình UNESCO của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (lưu trữ) 

Tính cộng đồng thể hiện ở việc: số người tham gia nghi lễ rất đông, hoàn toàn tự nguyện, không phân biệt thành phần xã hội và sẵn sàng tham gia đóng góp công sức, tiền của để xã hội hóa các hoạt động từ tu bổ, tôn tạo cho đến phát huy giá trị của di tích. Bên cạnh đó, tính cộng đồng trong các hoạt động tổ chức lễ hội, diễn xướng lên đồng không chỉ bó hẹp trong cộng đồng dân cư địa phương mà còn thu hút nhân dân trong vùng và khách thập phương. Trong không khí buổi lễ, người tham dự tạm quên đi những ngăn cách xã hội, bon chen đời thường để cùng nhau thực hiện các nghi lễ tín ngưỡng, cùng nhau hướng về một đức tin chung, cùng thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh đối với các vị thần, thánh. Sinh hoạt của tín ngưỡng thờ Mẫu đã giúp mọi người liên kết với nhau, thậm chí vượt ra khỏi giới hạn của tư tưởng định kiến tôn giáo hoặc sự cục bộ địa phương để cùng hướng về một đối tượng thiêng, đồng thời phát khởi mối thiện tâm trong mỗi con người trong các mối quan hệ xã hội. Tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần vào việc giáo dục và hướng con người đến với những giá trị chân - thiện - mỹ. Qua đó, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống “uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ con cháu và mọi người dân. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu có sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân, thành phần xã hội, đặc biệt là các tín đồ, con nhang đệ tử của tín ngưỡng thờ Mẫu và Phật giáo. Điều đó phản ánh sự dung hòa giữa các tín ngưỡng, tôn giáo, đó chính là “sợi dây” gắn kết cộng đồng. Tham dự, hòa mình vào các không gian thực hành tín ngưỡng, mọi người được thưởng thức, vui chơi, trở nên gần gũi, yêu thương và đoàn kết hơn. Và trong quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, thông qua hình thức thực hành trọng tâm là nghi lễ chầu văn, sự tích hợp dấu ấn văn hóa tộc người (từ trang phục, vũ điệu, đạo cụ đến âm nhạc của các dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Tày, Nùng, Mường), một mặt tạo nên sự đa dạng về văn hóa, mặt khác, thực trạng sinh hoạt văn hóa tâm linh đó đã và đang góp phần xây tạo mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc trong điều kiện cộng mệnh, cộng cảm cùng sự nghiệp dựng nước và giữ nước của quốc gia đa dân tộc những trăm năm qua.

Chủ thể của di sản văn hóa trong quá trình tham gia sáng tạo, thực hành, bảo tồn và phát huy sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam/ Tứ phủ của người Việt ở Nam Định bao gồm: cộng đồng và các cá nhân trong những không gian thực hành văn hóa tín ngưỡng nhất định.

Chủ thể là cộng đồng: Khảo sát thực tiễn, có thể nhận thấy chủ thể văn hóa của các di tích gắn với sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là các làng xã (thôn/ xóm, khu dân cư) có sự hiện tồn di sản. Thời gian gần đây, nảy sinh thêm sự hiện diện của các câu lạc bộ hát văn, nhóm hầu đồng, bản hội con nhang đệ tử mà thành viên tham gia lại cư trú từ các địa phương/ địa bàn dân cư khác. Theo thống kê, hiện nay, tại tỉnh Nam Định, chủ thể di sản tín ngưỡng văn hóa thờ Mẫu Tam phủ chính là cộng đồng dân cư của 100 xã/ phường/ thị trấn tại 10 huyện/ thành phố, trong đó có các làng/ xóm/ khu dân cư đã và đang trực tiếp tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Có thể nhận thấy, các thành phần, nghề nghiệp tham gia vào thực hành tín ngưỡng đã mở rộng đến mọi đối tượng xã hội, trong đó các thành phần buôn bán, thương gia đóng vai trò nòng cốt. Đặc biệt, sau khi di sản được UNESCO ghi danh trở lại đây, thế hệ trẻ đã quan tâm sâu rộng hơn đến thực hành loại tín ngưỡng này, tập trung vào các thời điểm chuẩn bị kết thúc năm học, chuẩn bị thi cử và bước vào năm học mới.

Chủ thể là cá nhân: Với chủ thể là cá nhân tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, vẫn chủ yếu tập trung vào 2 hệ thống/ nhóm người trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hành, tổ chức thực hành tín ngưỡng.

Từ sau khi di sản được ghi danh (2016), vai trò của các đồng thày, thủ nhang hoặc đối tượng giữ quyền sở hữu cơ sở vật chất của di tích thực hành tín ngưỡng càng được đặc biệt nâng cao, cả về ý thức và trách nhiệm trong các khâu tổ chức, điều hành những nhóm bản hội, quản lý tiền công đức, điều hành và quản lý trực tiếp các cơ sở thực hành tín ngưỡng. Đồng thời, họ có uy tín trong huy động tiềm lực xã hội hóa phục vụ cho nhiệm vụ tu sửa cơ sở thờ tự, nâng cấp và mở rộng không gian thực hành di sản, trở thành chỗ dựa tích cực cho bộ máy quản lý nhà nước về văn hóa ở địa phương.

Hệ thống/ nhóm chủ thể văn hóa là những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu một cách thường xuyên/ chuyên nghiệp, với các vai trò, chức năng khác nhau (thực hành nghi lễ, hát văn, hầu đồng, sử dụng nhạc cụ cho hát văn…), trở thành lực lượng nòng cốt, duy trì và tạo ra sức sống bền vững cho di sản.

Ảnh Mẫu trên Tam tòa (Hậu cung Phủ Dầy) - Nguồn ảnh: Tư liệu ảnh phục vụ Hồ sơ trình UNESCO của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (lưu trữ) 

Thông qua kiểm kê thực trạng hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở 10 huyện, thành phố của Nam Định vào giữa năm 2019 (và đối chiếu với tư liệu kiểm kê di sản vào các năm 2011, 2013 và 2014), có thể nhận thấy, hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ được diễn ra tập trung nhất tại 2 huyện Vụ Bản và Ý Yên. Trong đó, huyện Vụ Bản với trung tâm là quần thể di tích Phủ Dầy (riêng xã Kim Thái có 20 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu và thường xuyên diễn ra nghi lễ chầu văn) và huyện Ý Yên (với trung tâm là phủ Quảng Cung tại xã Yên Đồng, huyện Ý Yên - tương truyền là nơi thánh Mẫu giáng sinh lần thứ nhất), có 26 di tích liên quan đến thánh Mẫu, như: phủ Nấp, phủ Đồi, chùa Đồi, từ đường họ Phạm…). Do đó, có thể khẳng định Vụ Bản và Ý Yên là hai khu vực hành chính, trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động thực hành nghi lễ hát văn - hầu đồng sôi động nhất của tỉnh Nam Định. Tính đến tháng 6-2019, ở Nam Định có tổng số 485 người trực tiếp tham gia thực hành nghi lễ chầu văn (hát văn - hầu đồng), trong đó, hầu đồng có 246 người, chiếm 52,34%; hát văn/ cung văn có 245 người, chiếm 52,12%; sử dụng nhạc cụ có 162 người, chiếm 34,46%. Số lượng các nghệ nhân và người thực hành này thuộc 3 tổ chức: bản hội (137 người), câu lạc bộ (78 người), tự do (206 người). Cũng tính đến thời điểm năm 2019, toàn tỉnh có 12 hội, bản hội. Nhiều hội, bản hội có số con nhang đệ tử thường trực lên tới 100, thậm chí 200, 300 người. Ngoài ra, bên cạnh các hội, bản hội thì toàn tỉnh có 6 câu lạc bộ (CLB) liên quan đến sinh hoạt hát văn, như: CLB Hát văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Đoàn nghệ thuật dân ca Hương Quê (thị trấn Mỹ Lộc), CLB Văn hóa - Thông tin huyện Ý Yên, CLB Thơ ca huyện Hải Hậu… Ngày 25-4-2012, CLB Hát văn Nam Định (trực thuộc CLB Hát văn Việt Nam) được thành lập, hoạt động cho đến nay, với 120 hội viên, bao gồm các thành phần là những người hát văn dân gian chuyên nghiệp, nhạc công dân gian phục vụ hát văn; các nghệ sĩ hát văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hóa; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích nghệ thuật chầu văn… đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Nam Định. Đặc biệt, tháng 11-2020, Hội Bảo vệ và Phát huy di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tỉnh Nam Định đã được thành lập theo Quyết định số 2107/QĐ-SNV của Sở Nội vụ, chịu sự quản lý nhà nước của Sở VHTTDL với 250 thành viên. Để hoạt động của Hội đem lại hiệu quả thiết thực, các hội viên đã đồng tâm nhất trí hướng tới mục tiêu đẩy mạnh tuyên truyền giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt bằng các hình thức phù hợp; đấu tranh, phê phán những biểu hiện làm sai lệch, xuyên tạc, biến tướng giá trị tốt đẹp của di sản. Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng tổ chức các hoạt động nghiên cứu, hội thảo khoa học, thực hành, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Giữ mối quan hệ gắn bó với cơ quan quản lý văn hóa, chính quyền địa phương. Đẩy mạnh xã hội hóa tạo nguồn lực đảm bảo cho hoạt động hội.

Bên cạnh đó, tham gia vào quá trình thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mà hoạt động tập trung nhất là nghi lễ chầu văn, còn hàng loạt cá nhân thuộc nhóm người làm chủ thể gián tiếp - những ông đồng, bà đồng, con nhang, đệ tử, khách thập phương và đội cung văn của địa phương lân cận đến tham gia nghi lễ. Trên địa bàn phủ Quảng Cung những năm gần đây, còn có sự tham dự của nhiều giáo dân thuộc địa phận Thiên chúa giáo (cùng phạm vi không gian cư trú - cùng làng hoặc lân cận). Sự gắn kết, hòa đồng một cách tự nhiên này góp phần nâng cao đoàn kết cộng đồng và đoàn kết sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng nói chung.

Từ năm 2000 đến nay, đời sống kinh tế, xã hội ngày một phát triển, nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân ngày càng được mở rộng và tạo ra phong trào phục dựng, tu bổ các di tích và không gian sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng và các sinh hoạt tín ngưỡng - tôn giáo khác nói chung. Từ năm 2003-2005, phủ Quảng Cung từ chỗ là khu đất trũng, ẩn chứa một số dấu vết thờ tự trong quá khứ đã được cộng đồng người dân chung tay phục dựng, trở thành nơi có cơ sở vật chất hoành tráng, phục vụ cho sự tiếp nối thực hành sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu của một trong những trung tâm gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở Nam Định.

Nhìn vào thực trạng đời sống văn hóa xã hội cộng đồng, có thể nhận thấy, ý thức bảo tồn và hoạt động duy trì tín ngưỡng tại các làng/ thôn/ khu dân cư chủ yếu thuộc lứa tuổi trung niên trở lên, thể hiện qua hành động đóng góp công sức, vật lực cụ thể. Nếu như trong nửa cuối TK XX, thành phần tham gia sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nói chung chủ yếu là lứa tuổi cao niên, thì từ những năm 90 TK XX đến nay, thành phần tham gia thực hành tín ngưỡng không chỉ dừng ở hội người cao tuổi mà còn mở rộng đến lực lượng thanh niên, trai tráng trong làng/ thôn. Sinh hoạt lễ hội đã được mở rộng ra nhiều lứa tuổi, cả nam lẫn nữ, thành phần tham gia thực hành hội đã mang tính cộng đồng sâu rộng, được sự hưởng ứng của mọi lứa tuổi, nghề nghiệp và vị trí công tác khác nhau. Trong khoảng trên dưới chục năm trở lại đây, một số địa phương đã tổ chức phục dựng sinh hoạt lễ hội trong các kỳ sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu (Phủ Dầy, huyện Vụ Bản và phủ Nấp/ Quảng Cung, huyện Ý Yên). Ở những hình thức và mức độ khác nhau, thực tế đó đã giúp cho các thế hệ nhận thức sâu sắc thêm các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điều này đã có tác động tích cực cho mối quan hệ giáo dục giữa nhà trường và xã hội trong hoàn cảnh đương đại và nâng cao ý thức bảo vệ các di tích lịch sử, văn hóa truyền thống ở địa phương.

Một góc lễ hội Phủ Dầy - Nguồn ảnh: Tư liệu ảnh phục vụ Hồ sơ trình UNESCO của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (lưu trữ)

Những năm gần đây, các địa phương có tổ chức sinh hoạt lễ hội gắn với sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại Vụ Bản và Ý Yên, nơi được coi là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, có thể nhận thấy, đại diện cho cộng đồng dân chúng tại các địa bàn có di tích thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đã thường xuyên cùng chính quyền và các bộ máy quản lý văn hóa các cấp, đặc biệt là cấp xã, trực tiếp gánh vác trách nhiệm tổ chức, điều hành, theo dõi, kiểm tra tất cả mọi khâu của quá trình chuẩn bị nhân tài vật lực, diễn tập và thực hành lễ hội. Điều đó cho thấy rõ những cơ sở tạo ra sự đồng thuận theo chiều hướng tích cực để duy trì lễ hội một cách bền vững và đem lại hiệu ứng tích cực trong quá trình khai thác những giá trị và ý nghĩa của lễ hội phục vụ công cuộc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trong hiện tại và lâu dài.

Nhìn trên phạm vi toàn tỉnh Nam Định, bước đầu, cộng đồng đã kết hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp xã/ phường/ khu dân cư theo phương châm xã hội hóa trong quản lý, bảo tồn và khai thác giá trị di tích, đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí tu bổ, phục hồi, tôn tạo các di tích tùy theo tính cấp thiết của từng di tích, với các mức độ khác nhau, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng trong không gian có di sản văn hóa. Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, có 90% số ý kiến của cộng đồng nhất trí với bước đi ban đầu của chính quyền địa phương trong quá trình khôi phục, bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu hiện nay. Chính vì thế, cho đến năm 2013, sinh hoạt lễ hội và thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại phủ Vân Cát, phủ Tiên Hương và phủ Nấp đã được Nhà nước xét duyệt, đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Với một hình thức sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng đặc thù, gắn với không ít hành vi mang tính hai mặt của đời sống văn hóa, sinh hoạt tín ngưỡng thờ Mẫu đã và đang tích hợp trong đó những “thách thức văn hóa” đa dạng và phức tạp. Chính vì thế, những năm qua, công tác bảo tồn, nghiên cứu và phát huy giá trị của tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ ở Nam Định tuy đã đạt được nhiều bước tiến đáng khích lệ, có tác động định hướng tích cực theo đúng cơ chế, chính sách và quan điểm chỉ đạo về văn hóa của Đảng, Nhà nước, nhưng vẫn còn đặt ra một số vấn đề thực tế, cần được nhìn nhận khách quan và xem xét cụ thể để thúc đẩy sự phát triển của sinh hoạt văn hóa dân gian và đời sống văn hóa xã hội nói chung trong điều kiện lịch sử, xã hội hiện nay.

GS, TS BÙI QUANG THANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;