Nghệ thuật hình khối trên trang phục truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Hình khối trong nghệ thuật tạo hình là ngôn ngữ biểu hiện ý tưởng, nội dung tác phẩm. Đối với trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, tổ chức hình khối để ứng phó với môi trường, tạo dáng thể hiện quan niệm thẩm mỹ, là “biểu tượng” riêng không thể lẫn với các tộc người khác. Dưới góc nhìn lý luận và lịch sử mỹ thuật, bài viết lấy nguyên lý tạo hình làm cơ sở phân tích để làm rõ những đặc điểm, tính minh triết trong nghệ thuật hình khối trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Qua đó, nhận thức, phát huy và bảo tồn những giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc trong đời sống đương đại.

1. Khái niệm nghệ thuật hình khối

Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê viết: Hình khối, “Đường và mặt bao quanh một vật, tạo nên hình dạng một vật thể nào đó” (1). Trong nghệ thuật tạo hình, hình khối là ngôn ngữ thể hiện ý tưởng, nội dung của tác phẩm, biểu hiện tình cảm, thẩm mỹ của tác giả.

Hình khối trong lịch sử nghệ thuật tạo hình thể hiện phong phú tùy từng giai đoạn lịch sử, vùng miền, có lúc hình khối thể hiện cái nhìn thấy như hiện thực, có lúc lại thể hiện cái nội tại bên trong, siêu hình, ước lệ, tượng trưng. Có thời kỳ người ta coi trọng những hình khối mềm mại, cân bằng đối xứng, thời kỳ khác hình khối khỏe khoắn, góc cạnh lại xem trọng hơn. Tuy vậy, những tính chất được con người gán cho những hình khối cơ bản thì xem ra trùng hợp và thống nhất như: khối tròn cho cảm giác mềm mại, chuyển động hay khối vuông thì ổn định vững chãi…

Đối với thiết kế trang phục, hình khối tạo nên là rỗng, vừa đủ để ôm gọn lấy cơ thể con người, cả trong vận động cũng như khi nghỉ ngơi. Điều không giống với các loại hình nghệ thuật khác là nghệ thuật hình khối trong trang phục tạo phom dáng, trên cơ sở vẻ đẹp vốn có của hình khối cơ thể, hạn chế những khiếm khuyết và làm đẹp theo quan niệm của mỗi giai đoạn lịch sử hay mỗi dân tộc.

2. Trang phục truyền thống nữ của dân tộc Pà Thẻn

Tổng thể trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, cấu tạo các phần: áo là loại áo dài kiểu tứ thân, mở giữa, không cổ, khi mặc vắt chéo hai thân trước chồng lên nhau tạo thành hình chữ V trước ngực, khi mặc phần hở chữ V sẽ là sự kết hợp với cổ áo sơmi bên trong; váy là loại váy mở (quấn), cạp váy bằng vải màu đen, viền cạp trắng được nối dài thành dải dây để buộc chặt khi mặc. Váy dài đến cổ chân, phần từ cạp đến hông được xếp nếp; khăn, có các loại như khăn đội đầu, khăn vấn tóc, khăn quàng, khăn cài thắt lưng. Khăn đội đầu quấn nhiều lớp quanh đầu tạo thành vành dày khoảng 10cm; khăn vấn tóc có tác dụng bọc tóc; khăn quàng, hình vuông có cạnh 80-100cm, có tua dài 5cm quanh viền; khăn cài thắt lưng; yếm có hai loại: yếm bạc và yếm dài. Yếm bạc đeo sau gáy, yếm dài đeo trước ngực; thắt lưng, gồm 2 loại: loại dây trơn và loại có 8 tua. Kết hợp với trang sức như: khuyên tai, vòng cổ, vòng tay, nhẫn. Phụ kiện đi kèm là túi đựng đồ và túi khoác vai.

Trang phục phụ nữ Pà Thẻn - Ảnh: Tuấn Minh

Trang phục truyền thống của phụ nữ Pà Thẻn đã được các nhà nghiên cứu nhận định là một trong những trang phục truyền thống dân tộc có tính sáng tạo, độc đáo và giá trị thẩm mỹ cao. Ngoài chức năng bảo vệ cơ thể về mặt sinh học thì còn có các chức năng về xã hội, thẩm mỹ rõ rệt. Nhận định trên đã đặt ra một vấn đề cần được làm rõ dưới góc nhìn nghệ thuật tạo hình. Các yếu tố tạo hình được thể hiện như thế nào, có đặc điểm gì để mang lại hiệu quả thị giác? Đây là vấn đề mới chưa được nghiên cứu, trong nghiên cứu này tác giả vận dụng những kiến thức về nguyên lý nghệ thuật tạo hình để đi phân tích, làm rõ những đặc điểm nghệ thuật hình khối, phần quan trọng đã tạo nên sự độc đáo trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

3. Đặc điểm hình khối trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn

Kết cấu hình khối được chắp ghép từ các mảnh vải có đặc điểm hình là hình chữ nhật, hình vuông để tạo hình khối trang phục. Từ đó mà trang phục có độ rộng vừa phải, không ôm sát hay quá rộng. Kết cấu từ những mảng vải có hình vuông, chữ nhật đơn giản, không có đường lượn, tuy vậy lớp vải trong, ngoài, có chỗ chỉ là một lớp kết hợp với tổ chức các mảng trang trí hai lớp thì lại tỏ ra khá phức tạp.

Hình cơ bản vuông và chữ nhật nhắc đi nhắc lại, cả trong cấu trúc cũng như những mảng vải chắp trang trí có thể liệt kê trên trang phục. Với những thay đổi ngắn, dài, trơn hoặc có hoa văn khác nhau được phân bố theo một trật tự. Đây là một đặc điểm, thủ pháp rất riêng, độc đáo, dễ nhận thấy trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. Nguyên lý thị giác chỉ ra rằng, các hình thể tương đồng nhau dễ nhìn thấy nhất là tương đồng về hình dạng. Các đặc tính tương đồng khác như: kích cỡ, màu sắc thường là yếu tố được cảm nhận sau.

Bố cục chung hình khối của trang phục khai thác sự cân đối, đối xứng ở cấu trúc cơ thể con người qua trục dọc. Trang phục có điểm trung tâm, là một hình vuông nhỏ khoảng 2 x 2cm ở vị trí sau ngang vai, các mảng hình đối xứng hai bên bằng nhau qua trục. Những mảng hình chính, phụ không quá tập trung, tạo cảm giác một hình thức bố cục cởi mở, có nét hiện đại. Các mảng hình phẳng có đặc điểm vuông hoặc chữ nhật, với tỷ lệ lớn, nhỏ khác nhau làm tăng hiệu quả trang trí.

Trang phục được hình thành bởi sắp xếp các thành phần: áo, váy, khăn, yếm… tuân thủ những quy luật cân đối và cả sự nhất quán xuyên suốt trong thời gian tạo nên trang phục ở mỗi người phụ nữ. Cũng như cách thay đổi thắt lưng, khăn, kèm phụ kiện trang trí trong các sinh hoạt khác nhau của tộc người mà không mất đi tổng thể bố cục chung của trang phục.

Dạng thức hình khối trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có cách tổ chức kết cấu chặt chẽ, có những quy ước, nguyên tắc nhất định về hình dạng, kích thước, tỷ lệ, vị trí từng chi tiết. Việc phân bố tỷ lệ và sắp xếp chiều hướng các mảng hình có dụng ý rõ ràng. Xử lý bề mặt, đậm nhạt mảng hình… cho hiệu quả thị giác lạ mắt và cảm xúc với người xem đã tạo nên một tác phẩm nghệ thuật dân gian không kém phần trí tuệ và hiện đại. Những đặc điểm riêng này là nguồn cảm hứng trong nghệ thuật nói chung và trong thiết kế trang phục hiện đại nói riêng.

Chỗ ghép những mảnh vải trên trang phục xuất hiện hai vị trí có mảng hình miếng vải là tam giác. Một là vị trí dưới tay áo, cạnh đáy có độ rộng ở phần giáp với thân áo và góc nhọn giáp ở phần cổ tay. Đây là mảng tam giác tạo hình khối và cho cho tay áo cử động dễ dàng. Vị trí thứ hai, là thân trước của áo phần gấu áo có đường cắt xéo lên đến eo. Đây là đường chéo tạo dáng duy nhất không liên quan tới cử động của trang phục. Có thể là đường chéo nhắc lại, tạo sự cân bằng với hai thân áo trước khi mặc lên người tạo hình chữ V trước ngực.

Tác giả Võ Mai Phương trong bài Trang phục của phụ nữ Pà Thẻn trong đời sống xã hội tộc người cho rằng: “kỹ thuật cắt may của người Pà Thẻn còn có những hạn chế bởi nhiều yếu tố tương đối tĩnh như chất liệu vải, kiểu dáng trang phục, mảng màu” (2), song, có một lý do khác là vì, trang phục được tạo nên từ những mảnh vải vá do bị cháy trong những truyền thuyết về trang phục và việc sử dụng, tổ chức các mảng hình khối là những hình vuông, chữ nhật để tạo hình trang phục lại tỏ ra lạ mắt, hợp với câu chuyện của tộc người. Bên cạnh đó, ý kiến của Nguyễn Khắc Tụng trong bài Trang phục phụ nữ Pà Thẻn cho rằng: “Cách cắt may và trang trí của người Pà Thẻn hầu như không giống một kiểu áo nào của các dân tộc khác ở miền Bắc nước ta” (3). Phải chăng, sự không giống này có căn nguyên từ những mảnh vải vá trong câu chuyện tộc người.

Thông thường, các mảng hình khi đưa vào trang phục có những đường cong, lượn để tạo ra khối trùng khớp với các hình khối của cơ thể con người. Chính đường cong cho cảm giác về sự co thắt, dãn nở, thể hiện sự che chở, bao bọc, ôm ấp, an toàn. Nhằm tạo nên hiệu quả thẩm mỹ cho bộ trang phục giúp người mặc hoàn thiện hơn và rất cần cho việc biến tấu hình khối ở những vị trí khác nhau trên trang phục cho mềm mại hay cứng cáp theo quan niệm cái đẹp và trên cơ sở đặc điểm cơ thể con người. Tuy nhiên, trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn lại được tạo nên từ hầu hết là những mảng hình chữ nhật, hoàn toàn không thấy xuất hiện những đường lượn, cong và hình tròn. Hình như có xu hướng đi ngược, sự phân bố tổ chức có phần lấn át cấu trúc cơ thể con người.

Câu chuyện về coọng nước và việc kiêng không mang vào nhà những đồ vật hình tròn của người Pà Thẻn, trong nghiên cứu Người Pà Thẻn huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang của tác giả Hoàng Văn Kiên (4), liệu có liên quan gì đến những mảng hình vuông, chữ nhật trên áo. Theo tác giả, ngay cả khung dệt có hình tròn cũng phải ngồi dệt ngoài sân chứ không được mang vào nhà.

Việc lựa chọn hình vuông, chữ nhật làm mảng hình chính tạo nên diện mạo bộ trang phục thể hiện quan điểm thẩm mỹ của người Pà Thẻn rất khác. Với những mảng hình chữ nhật này nó có xu hướng phá vỡ quan niệm thẩm mỹ trang phục thông thường như tạo hình theo cách tôn lên những đường cong của cơ thể người phụ nữ, sử dụng những thủ pháp tạo hình để làm cho mắt nhìn có cảm giác người mặc eo thon, hông nở. Thậm chí tạo dáng bằng cách mặc áo nâng ngực, độn mông như thời kỳ Trung cổ để tôn lên sự uyển chuyển, mềm mại, gợi cảm của người phụ nữ.

Áo của bà Pù Thị Ca - dân tộc Pà Thẻn trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - Ảnh: Phương Việt

Hình khối cơ bản là hình khối lập phương, khối cầu và khối chóp. Nếu trải các hình không gian đó trên mặt phẳng ta có được các mảng kết cấu có hình dạng khác nhau và khi giáp các mảng hình kết cấu ta lại có được hình khối. Tư duy, phân tích từ các hình khối cơ bản như vậy đối với trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, việc kết cấu từ những mảng hình vuông, chữ nhật sẽ cho hình khối tổng thể có những đặc điểm tương tự như hình khối lập phương. Và tổng thể trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có sự kết hợp các yếu tố trang trí, trang sức, phụ kiện lại hiện lên như một bức tranh hiện đại có sự tương phản rõ nét giữa các yếu tố tạo hình.

Với những đặc điểm chủ đạo trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là những mảng hình chữ nhật có xu hướng tạo hình khỏe khoắn, thoáng đạt, hiện đại. Cách sắp xếp hình mảng độc lập, xa rời nét mềm mại, căng tròn với những đường cong của người phụ nữ. Nó gần gũi với hình khối của những đô thị hiện đại với những khối nhà, ô cửa dày đặc hình chữ nhật của chúng ta đang sống hiện nay. Tâm lý học hình khối cho rằng, hình vuông, hình chữ nhật xuất hiện rất nhiều trong đời sống và gần như ngày nào chúng ta cũng trông thấy chúng, vì vậy, sự xuất hiện các mảng hình hay các khe hở giữa các mảng hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn mang đặc điểm tổ chức các cạnh song song hoặc theo phương đứng, ngang, hoàn toàn không có xu hướng xiên cũng là điều có thể.

Trong nguyên lý tạo hình chỉ ra các mảng hình giống nhau về hình dạng nhưng chiều hướng khác nhau cũng tạo ra sự cảm thụ tương phản và có nhiều cấp độ xiên khác nhau; các hình thể có nhiều chiều hướng khác nhau, sẽ tạo ra sự rối loạn nhất định. Vì vậy, các mảng hình trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn triệt tiêu đường hướng xiên, hướng chiều sâu không gian, cho hiệu quả trật tự ổn định. Người Pà Thẻn thay đổi mức độ lớn nhỏ của hình mảng và khoảng cách giữa các mảng một cách hiệu quả đã tạo sự tương tác, liên kết giữa các mảng hình. Bởi khoảng cách giữa các mảng hình nhỏ hơn kích thước của chúng thì cường độ lực thị giác có tác dụng, nếu khoảng cách càng gần, cường độ lực thị giác càng mạnh.

Phương pháp tạo hình khối này định dạng hình khối trang phục bằng những mảng hình vuông chữ nhật trên toàn trang phục, theo lối trang trí nhiều hơn là làm căng khối của trang phục. Khác hoàn toàn với cách người Mông tạo độ căng của khối bằng những đường, mảng cấu trúc, trang trí chạy dài liên tục xung quanh váy hoặc áo. Hay người Dao đỏ sử dụng toàn bộ trang phục như một mảng nền xanh đen của chàm để thêu hoa văn màu sắc rực rỡ thành mảng hình tập trung ở vị trí viền cổ áo, sau lưng.

4. Hiệu quả thị giác, nét tương đồng với hình khối nghệ thuật hiện đại

Không nằm ở hình khối căng tròn, ngay cả hình khối lập phương cũng được giảm tải bằng những thủ pháp tạo hình đặt các mảnh vải hình chữ nhật vuông song song cùng phương hướng để hạn chế những đường đi vào chiều sâu của không gian ba chiều. Như vậy, với những thủ pháp cho hiệu quả thị giác là yếu tố trang trí, mảng phẳng hơn là đầy đặn căng tràn gợi cảm. Yếu tố trang trí trên trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn không quá tinh xảo như cách làm của một số dân tộc khác. Yếu tố trang trí có xu hướng hòa trộn với các yếu tố hình mảng và khối yếu ớt của trang phục để tạo nên một tổng thể tạo hình tự do phóng khoáng có sự đơn giản, hiện đại.

Các nhà nghiên cứu ở những khía cạnh khác của trang phục đều có nhận xét: trang phục có đặc điểm tộc người đậm nét khác phong cách các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ, hay cùng khu vực. Những sáng tạo trong tạo hình khối trang phục đã góp phần quan trọng mang lại hiệu quả thị giác rất riêng và khác này.

Vượt ra ngoài thiết kế trang phục, nghệ thuật hình khối trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn có những nét tương đồng với nghệ thuật Tân tạo hình. Thiết kế trang phục của mình theo hướng là những hình cơ bản là hình vuông, chữ nhật. Rebecca Arnold quan niệm: Thời trang không chỉ đơn thuần là quần áo, cũng không phải chỉ là một bộ sưu tập những hình ảnh. Hơn thế, nó là một hình thức sống động của văn hóa thị giác và văn hóa vật chất vốn có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Nó định hình cơ thể của chúng ta và định hình cả cách chúng ta nhìn cơ thể người khác. Nó có thể tạo điều kiện tự do sáng tạo trong việc biểu đạt những khả năng khác nhau của nhận dạng, hoặc xác định cái gì được xem là đẹp và đáng chấp nhận. Thậm chí, nó nhào nặn hình ảnh trong việc kiến tạo bản sắc (5).

Kết luận

Nghệ thuật hình khối trang phục nữ truyền thống của dân tộc Pà Thẻn, một trong những hoạt động sáng tạo quan trọng, nhằm thỏa mãn những nhu cầu vật chất và tinh thần của con người. Sự thấu đáo trong cái nhìn, thái độ ứng xử, quan niệm thẩm mỹ đã được thể hiện qua những thủ pháp hình khối, tạo nên một hình khối trang phục khác, lạ có tính biểu tượng tộc người. Hình khối trang phục đó chứa đựng quan niệm, là thế giới quan, những truyền thuyết trong dân gian, truyền tải giá trị văn hóa của tộc người Pà Thẻn Việt Nam.

___________________

1. Hoàng Phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng, 2003.

2. Võ Mai Phương, Trang phục của phụ nữ Pà Thẻn trong đời sống xã hội tộc người, trong Khôi phục và phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của phụ nữ dân tộc Pà Thẻn ở huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang, Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á - Việt Nam, 2002, tr.16-22.

3. Nguyễn Khắc Tụng, Trang phục phụ nữ Pà Thẻn, Tạp chí Dân tộc học, 1974, số 1, tr.71-81.

4. Hoàng Văn Kiên - Vũ Diệu Trung (chủ biên), Người Pà Thẻn huyện Quang Bình tỉnh Hà Giang, Nxb Lao động, Hà Nội, 2014, tr.41-44.

5. Rebecca Arnold, Dẫn luận về thời trang, Hải Ngọc (dịch), Nxb Hồng Đức, 2017, tr.19.

Tài liệu tham khảo

1. TS Võ Tấn Phước (hiệu đính), Mỹ thuật trang phục, Nxb Lao động - Xã hội, 2006.

2. Ngô Đức Thịnh, Tạo hình và trang trí dân gian trên trang phục các dân tộc nước ta, Tạp chí Văn hóa dân gian, 1986, số 3, tr.51-57.

3. Đoàn Thị Tình, Tính dân tộc trong trang phục sân khấu, Nxb Sân khấu, 2016.

NGUYỄN PHƯƠNG VIỆT

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;