Thực trạng bảo tồn nghề dệt thổ cẩm của người Mường (Thanh Hóa) - những vấn đề đặt ra

Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống lâu đời của phụ nữ các dân tộc thiểu số nói chung, người Mường nói riêng. Cùng với sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp may mặc, nghề dệt vải thổ cẩm đang dần mai một, nhiều phụ nữ dân tộc Mường ở tỉnh Thanh Hóa không còn mặn mà với nghề truyền thống của dân tộc. Bài viết đi sâu vào nhận diện và đánh giá thực trạng nghề dệt thổ cẩm của người Mường ở trong quá khứ và hiện tại; từ đó đề xuất một số giải pháp trong việc bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Mường trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Mô hình sản xuất dệt thổ cẩm Bảo Hằng ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa - Ảnh: tác giả

1. Thực trạng về nghề dệt thổ cẩm của người Mường (Thanh Hóa)

Dân tộc Mường (Thanh Hóa) hiện nay có 364.622 người, chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh (1), sống tập trung ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy… Người Mường là dân tộc có lịch sử định cư lâu đời nhất ở Thanh Hóa. Họ có nhiều nghề thủ công truyền thống lâu đời phục vụ đời sống, trong đó, phát triển nhất và đạt đến trình độ cao là nghề dệt thổ cẩm. Nhờ vào sự phát triển của nghề dệt mà trang phục của người Mường cũng có những đặc trưng riêng biệt và độc đáo, thể hiện chủ yếu trên cạp váy, áo của người phụ nữ. Cũng giống người Thái, các bé gái người Mường ngay từ khi mới lên 9, 10 tuổi, đã được các bà, các mẹ dạy dệt váy, dệt khăn thổ cẩm. Việc dệt thổ cẩm giỏi là tiêu chí đánh giá mức độ đảm đang, khéo léo của người phụ nữ Mường. Theo phong tục của người Mường, con gái khi lấy chồng phải tự tay dệt từ 6-12 món đồ gồm chăn, quần áo, khăn, gối... để tặng cho gia đình nhà chồng. Cũng chính vì thế mà trước đây những cô gái Mường hầu hết ai cũng phải biết đến dệt thổ cẩm rất thuần thục và kỹ nghệ tinh xảo.

Để dệt được những tấm vải thổ cẩm hoàn thiện cần trải qua rất nhiều công đoạn, người phụ nữ Mường tự tay làm tất cả các khâu, từ chuẩn bị nguyên liệu như: trồng bông, trồng dâu nuôi tằm, bật bông, xe sợi, dệt vải, tìm các nguyên liệu từ cây rừng để nhuộm màu cho vải, nhuộm màu chỉ. Màu nhuộm đều là các màu sắc tự nhiên được lấy từ củ, quả, lá cây, vỏ cây để pha thành những sắc màu đa dạng và thêu thùa thành sản phẩm hoàn chỉnh. Những tấm vải đã dệt có thể may thành váy, áo, khăn, gối, đệm, chăn dùng trong gia đình. Sản phẩm thêu truyền thống được làm hết sức tỉ mỉ với những công cụ thô sơ. Các họa tiết chủ yếu là hình ảnh của những loại cây, hoa, động vật, gắn bó với đời sống sinh hoạt thường ngày.

Ngày nay, nghề dệt thổ cẩm phát triển theo nhiều hướng khác nhau và sản phẩm làm ra ngày càng đa dạng và phong phú. Ngoài dệt vải để may trang phục, đồ dùng trong gia đình thì họ cũng đã tạo ra các sản phẩm có tính ứng dụng cao như các loại túi xách, bao đựng điện thoại, túi chống sốc máy tính, hay đơn thuần là những chiếc khăn choàng với họa tiết hoa văn bắt mắt. Bà Phạm Thị Bảo (68 tuổi, chủ nhiệm tổ sản xuất thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng, làng Nhỏi, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc) cho biết: “Năm lên 15-16 tuổi tôi đã được theo mẹ đi nương trồng những gốc dâu và hái nắm lá về cho tằm ăn, được nghe mẹ kể về chuyện con tằm. Tôi đã được mẹ truyền dạy cho những đường chỉ đầu tiên và đến năm 16 tuổi tôi có thể ngồi vào khung cửi, dệt thuần thục những hoa văn truyền thống của người Mường” (2).

Hiện nay, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nghề dệt của đồng bào đã có nhiều biến đổi trong các nguyên liệu dệt, cơ cấu sản phẩm dệt so với truyền thống. Trước hết, đó là việc thực hiện chính sách giao đất giao rừng của nhà nước, đồng bào dân tộc cam kết không phát nương, làm rẫy trồng bông trên địa phận rừng được quản lý. Do đó, các nương bông không được trồng nữa và hệ quả tất yếu là nghề dệt vải đi vào ngõ cụt bởi không còn nguồn nguyên liệu tự thân. Thêm vào đó, xã hội phát triển, các sản phẩm may mặc công nghiệp được bán nhiều trên thị trường, sợi bông tự nhiên và màu nhuộm sợi như trong truyền thống giờ chủ yếu đã được thay thế bằng sợi vải công nghiệp với đủ loại màu sắc, thuốc nhuộm công nghiệp bán sẵn trên thị trường dễ dệt hơn, giá cả lại hợp lý, không tốn nhiều thời gian, công sức.

Nghề dệt thổ cẩm đang dần bị mai một, một số còn duy trì, các sản phẩm thổ cẩm tuy vẫn hiện diện trong sinh hoạt văn hóa Mường, nhưng số người biết nghề dệt chủ yếu là người ở độ tuổi trung niên và cao tuổi. Theo tư liệu điền dã thực tế chúng tôi thu thập được, nghề dệt thổ cẩm chỉ còn tồn tại ở các bản làng người Mường tụ cư đông đúc ở các huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước, Lang Chánh, nhưng duy chỉ có 2 bản có mô hình dệt thổ cẩm với tổ sản xuất có trên dưới 20 lao động. Đó là tổ sản xuất thổ cẩm Chiềng Khạt, xã Đồng Lương (huyện Lang Chánh) còn một tổ sản xuất nghề dệt thổ cẩm với gần 20 nghệ nhân tuổi từ 46-60 tuổi. Ngoài ra, cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm dân tộc Mường Bảo Hằng (huyện Ngọc Lặc) có 40 phụ nữ với việc làm thường xuyên, thu nhập từ 4-4,5 triệu đồng/ tháng. Năm 2020, tuy ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng doanh thu của cơ sở vẫn đạt 1,2 tỷ đồng, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng. Tại cơ sở sản xuất hàng thổ cẩm Bảo Hằng còn dệt thêm những sản phẩm mang tính ứng dụng cao như túi thổ cẩm, khăn, mặt gối, vỏ chăn, mặt địu, túi xách… Sản phẩm dệt thổ cẩm của cơ sở Bảo Hằng và Chiềng Khạt đã được đem đi tham gia trưng bày, giới thiệu tại nhiều hội chợ, triển lãm, được người dân và du khách trong và ngoài tỉnh biết đến.

2. Một số vấn đề đặt ra

Nghề dệt thổ cẩm của người Mường trải qua rất nhiều thăng trầm, cũng như nhiều ngành nghề thủ công khác, hiện nay đứng trước nguy cơ bị mai một, nhiều làng nghề truyền thống đã biến mất cùng với thời gian. Một trong những nguyên nhân là do việc mặc trang phục truyền thống trong cộng đồng Mường có xu hướng giảm dần. Đối với nam giới, thanh thiếu niên và trẻ nhỏ hiện nay không còn sử dụng trang phục truyền thống. Số người trung tuổi và người già ít mặc trang phục trong ngày thường, chỉ mặc trong dịp lễ, Tết, đám cưới hoặc các sự kiện trọng đại. Số người biết nghề dệt, may trang phục truyền thống còn rất ít; thế hệ trẻ có nhiều người không biết thao tác mặc đúng bộ trang phục của dân tộc mình (3).

Hiện trạng may mặc trang phục truyền thống: Hiện nay, tỷ lệ người Mường tự may trang phục truyền thống để mặc giảm dần, chủ yếu mua sẵn, may theo công nghiệp. Các làng nghề may, thêu dệt thổ cẩm, may trang phục truyền thống cũng không duy trì mà chỉ còn vài già làng, nghệ nhân tự may và duy trì mặc trang phục hằng ngày.

Hoạt động trao truyền, giới thiệu trang phục truyền thống: Hiện nay, việc hướng dẫn may, mặc trang phục truyền thống của người Mường ít được tổ chức trong cộng đồng. Việc mặc trang phục truyền thống dân tộc Mường ngày càng giảm, nguy cơ mai một ngày càng cao. Thực tế đó ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu của may mặc trang phục dệt thổ cẩm truyền thống và đầu ra cho sản phẩm. Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là một trong các điều kiện sống còn của việc phát triển nghề, làng nghề. Tuy nhiên, theo nghiên cứu, khảo sát chúng tôi thấy có một số vấn đề đặt ra về sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, như sau:

Một là, trong những năm gần đây, kinh tế, xã hội Việt Nam liên tục phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức như bệnh dịch, lạm phát, chiến lược “thắt lưng, buộc bụng” của người tiêu dùng, việc lựa chọn các mặt hàng được người tiêu dùng tính toán kỹ lưỡng. Do đó, các mặt hàng thủ công truyền thống lượng tiêu thụ trong nước giảm rõ rệt; thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Hai là, một trong những hạn chế mang tính cố hữu là mẫu mã và chất lượng của nhiều sản phẩm còn hạn chế; hầu hết các sản phẩm chưa có thương hiệu riêng, tính thẩm mỹ chưa cao, sức cạnh tranh kém, một số hộ mải chạy theo mục tiêu lợi nhuận mà chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm.

Ba là, một số cơ sở sản xuất đang lúng túng trong khâu tìm đầu ra cho sản phẩm do chưa có ý thức chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, việc thiếu kiến thức quản trị sản xuất cũng là cản trở không nhỏ cho việc phát triển sản xuất.

Bốn là, nguồn vốn để đầu tư sản xuất còn rất eo hẹp đặc biệt là hộ gia đình. Họ khó tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi. Mặc dù chủ trương chính sách của Nhà nước đã đề cao vai trò, vị trí quan trọng của việc phát triển nghề, làng nghề để góp phần xóa đói, giảm nghèo.

Năm là, các sản phẩm trên địa bàn các huyện miền núi ngày càng ít được sử dụng từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, còn nhiều sản phẩm phải mua từ các tỉnh như nhuộm màu công nghiệp, chỉ thêu...

Sáu là, sự tồn tại và phát triển nghề, làng nghề đã và đang giải quyết một phần không nhỏ lao động phổ thông tại các địa phương. Tuy nhiên, lao động có tay nghề cao, lao động lành nghề, nghệ nhân ngày càng giảm, phần lớn là lao động phụ...

Trong lực lượng lao động làng nghề hiện nay đông đảo làm theo mùa vụ, không có tay nghề cao và chưa được đào tạo bài bản. Do vậy, xu hướng duy trì và phát triển nghề là rất khó khăn. Nhiều nghệ nhân có trình độ cao của làng nghề hiện nay đã cao tuổi, sức khỏe không còn đảm bảo để duy trì nghề.

Phong phú các sản phẩm dệt thổ cẩm Mường - Ảnh: tác giả

Hơn nữa, trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế, xã hội phát triển, các sản phẩm của nghề dệt thủ công chưa đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của người sử dụng, nguồn nhân lực, kỹ năng nghề nghiệp, thiếu sự đam mê, nhiệt huyết của những người trẻ, họ không còn mặn mà với nghề truyền thống.

Đứng trước quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, trước sức mạnh của công nghệ hiện đại, các xu hướng hiện đại hóa đang có mặt trong từng ngõ ngách của cuộc sống đã và đang làm ảnh hưởng tới nguồn nhân lực nghề thủ công tại các địa phương. Nhiều người không mấy mặn mà với nghề dệt thủ công truyền thống do thu nhập thấp nên họ có xu hướng dịch chuyển ra các đô thị để tìm kiếm việc làm có thu nhập cao hơn.

Để duy trì và phát triển nghề dệt thủ công ở các tộc người thiểu số nói chung và Mường nói riêng còn nhiều bất cập khác nữa như những vấn đề về vùng nguyên liệu, nghiên cứu thị trường, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm… cũng đang là những thách thức ở các làng người Mường đang có nghề dệt thổ cẩm truyền thống hiện nay.

3. Cơ chế chính sách của chính quyền địa phương

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, chính quyền địa phương đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và giải pháp nhằm phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, cần kể đến các Nghị định quan trọng như Nghị định 66/2006/NĐ-CP; Nghị định 52/2018/NĐ-CP về phát triển ngành nghề nông thôn; Nghị định 98/2010/NĐ-CP với chủ trương duy trì, phục hồi và phát triển nghề thủ công truyền thống... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án Chương trình phát triển mỗi làng một nghề giai đoạn 2006-2015, gắn với triển khai Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Theo đó, mỗi làng sẽ tự chọn và quyết định hình thành, phát triển một nghề với nhiều hộ và doanh nghiệp tham gia; mỗi xã quyết định phát triển ít nhất một làng nghề có sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Trên cơ sở đó, năm 2015, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định 4620/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề truyền thống vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020. Trong đó, có bảo tồn nghề dệt thổ cẩm ở các huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước, Lang Chánh, Như Xuân, Thường Xuân, Cẩm Thủy; hỗ trợ 7 làng nghề dệt thổ cẩm gồm: làng nghề dệt thổ cẩm bản Chai, bản Cang, xã Mường Chanh; làng nghề dệt thổ cẩm bản Sáng, bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát); làng nghề dệt thổ cẩm bản Ban, xã Hồi Xuân (Quan Hóa); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước); làng nghề dệt thổ cẩm thôn Muốt, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy). Hiện nay các huyện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện Kế hoạch bảo tồn di sản văn hóa giai đoạn 2020-2025, trong đó có khôi phục và phát triển nghề dệt may, thêu truyền thống các dân tộc thiểu số huyện Ngọc Lặc, Thạch Thành, Cẩm Thủy, Bá Thước...

UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch 130/KH-UBND tỉnh Thanh Hóa ngày 7-6-2019 Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2019-2030. Từ năm 2020 đến nay, hằng năm các huyện có tập trung đồng bào Mường sinh sống cũng chủ động mở lớp truyền nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ dân tộc Mường trên địa bàn huyện.

4. Một vài kiến nghị

Mặc dù đạt được những kết quả bước đầu trong công tác bảo tồn, phát triển trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số, tuy nhiên để nghề dệt thổ cẩm bảo tồn và phát triển bền vững cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cụ thể như:

Tỉnh cần có những chính sách, chương trình, đề án, dự án cụ thể để bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn trong đó có nghề dệt thổ cẩm của người Mường.

Cần tập trung hỗ trợ đầu tư về kinh phí ở những địa phương đã có sẵn các điều kiện để phát triển và bảo tồn khẩn cấp những vùng có nguy cơ mai một. Ưu tiên cho hộ gia đình, cơ sở thêu, dệt thổ cẩm truyền thống tại địa phương được tham gia các chương trình giao lưu, xúc tiến đầu tư, hội chợ, quảng bá sản phẩm để từng bước tiếp cận các thị trường trong và ngoài tỉnh, từ đó mở rộng cơ sở, thu hút thêm lao động và những người có tay nghề, đồng thời truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp cận, học hỏi để nâng cao tay nghề, làm ra nhiều sản phẩm đẹp và có chất lượng, góp phần khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống.

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thường xuyên, liên tục về ý nghĩa, tính biểu trưng của trang phục truyền thống làm cho đồng bào các dân tộc thiểu số hiểu, tự hào và trân trọng những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.

Bên khung cửi ngày xuân - Ảnh: tác giả

Để duy trì và phát triển nghề truyền thống dệt thổ cẩm, cần tập trung phát triển nghề dệt gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường và gắn với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Tiếp tục công tác tuyên truyền, từng bước nâng cao ý thức tự giác, tích cực tham gia bảo tồn, lưu giữ những nét hoa văn và những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống độc đáo trong chính các cộng đồng có nghề.

Để có thể thu hút được lực lượng lao động trẻ tham gia vào hoạt động bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống, phải đảm bảo cho họ có được thu nhập đều đặn, có việc làm ổn định; cần có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực trong đó vai trò đào tạo, chuyển giao kinh nghiệm, tri thức từ những nghệ nhân cao tuổi cho các thế hệ trẻ là rất quan trọng. Nâng cao trách nhiệm của người cao tuổi - những người nắm giữ các tri thức của nghề, phát huy tốt vai trò, những đóng góp, tâm huyết của người cao tuổi trong khôi phục và truyền nghề dệt thổ cẩm cho thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, kèm cặp tại nơi sản xuất cho những người tay nghề chưa thạo. Thường xuyên mở các khóa bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, nâng cao tay nghề, khả năng sáng tạo và nhận thức của người lao động theo hình thức tập huấn ngắn ngày cho những người có nhu cầu học nghề nhằm phát triển mạnh mẽ nghề dệt thổ cẩm.

Cần đa dạng hóa sản phẩm, trong đó chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của địa phương, quan trọng hơn nữa là các sản phẩm đáp ứng được thị hiếu của người sử dụng. Cần đưa các thiết kế hiện đại vào các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, cách điệu, phù hợp với xu hướng thời trang của giới trẻ. Từ đó, thu hút được thị hiếu của giới trẻ vào các sản phẩm dệt thổ cẩm mang tính sáng tạo và hiện đại.

Các sản phẩm cũng cần được quảng bá rộng rãi, thông qua các đại lý, các quầy trưng bày, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến việc đưa các sản phẩm từ thổ cẩm vào các trung tâm thương mại. Tăng cường tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh để giới thiệu các sản phẩm từ nghề dệt thổ cẩm; đẩy mạnh thương mại điện tử, quảng bá online các sản phẩm dệt thổ cẩm thủ công truyền thống qua nhiều nguồn khác nhau ngoài phương pháp quảng bá truyền thống như quảng cáo Google Ads, quảng cáo thương hiệu trên các trang mạng xã hội Facebook, TikTok, Instagram, quảng cáo email Marketing... nhằm giới thiệu quảng bá sản phẩm từ dệt thổ cẩm của người Mường.

Ngoài việc khôi phục lại nghề, trong tương lai, dệt thổ cẩm sẽ trở thành một trong những nghề phát triển đi kèm du lịch tại địa phương, đây cũng là cách để quảng bá sản phẩm truyền thống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

____________________

1. Quốc Bảo, Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, bdt.thanhhoa.gov.vn.

2. Biên bản phỏng vấn sâu đề án: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030.

3. Kết quả khảo sát, đánh giá có kế thừa số liệu từ kết quả điều tra, kiểm kê, bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền núi Thanh Hóa của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, thực hiện tháng 3 và tháng 4 năm 2022.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Đình Tam, UBND huyện Thạch Thành, Thực trạng và biện pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của người Mường ở Thạch Thành, tại Hội thảo: Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của các dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tr.356-364, ngày 1-7-2022 tại UBND tỉnh Thanh Hóa.

2. Bùi Văn Vượng, Làng nghề thủ công truyền thống ở Việt Nam, tiến trình lịch sử và định hướng phát triển, Hà Nội, 1996.

3. Trần Quốc Vượng, Đỗ Thị Hảo (chủ biên), Nghề thủ công truyền thống Việt Nam và các vị tổ nghề, Nxb Khoa học xã hội, 2005.

4. Kết quả điều tra, kiểm kê, bảo tồn trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số ở miền núi Thanh Hóa của Sở VHTTDL tỉnh Thanh Hóa, thực hiện năm 2020.

5. UBND tỉnh Thanh Hóa, Kế hoạch số 130/ KH- UBND triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2019 - 2030.

6. Báo cáo kết quả Đề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, kết quả của nhóm thực hiện đề án, thực hiện năm 2022.

Ths LƯƠNG THANH THỦY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;