Phát huy giá trị văn hóa lễ hội truyền thống ở Cao Bằng

Cao Bằng là tỉnh nằm ở phía Đông Bắc Việt Nam, với phong cảnh núi non hùng vĩ, gắn liền với nhiều di tích lịch sử như hang Pác Pó, thác Bản Giốc, suối Lê Nin, động Ngườm Ngao… Bên cạnh đó, Cao Bằng còn nổi tiếng với nhiều lễ hội truyền thống (LHTT) như lễ hội Lồng tồng, lễ hội đền Vua Lê, lễ hội thác Bản Giốc, lễ hội đền Kỳ Sầm… Đến với Cao Bằng, khách du lịch được trải nghiệm và hòa mình vào không khí lễ hội rất đặc sắc. Tuy nhiên, hiện nay, môi trường văn hóa trong các LHTT ở Cao Bằng cũng cần được các ban, ngành quan tâm, tìm hiểu thực trạng và đưa ra những giải pháp cụ thể để hoạt động lễ hội đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân và khách tham quan.

 

Lễ hội Tranh đầu pháo - Cao Bằng - Ảnh: Tổng cục Du lịch

1. Một số LHTT ở Cao Bằng

LHTT ở Cao Bằng là một trong những loại hình di sản độc đáo, mang đậm nét văn hóa của các dân tộc đang sinh sống nơi đây. Các LHTT thể hiện rất rõ đời sống văn hóa tâm linh của người dân, những quan điểm về nhân sinh và sinh hoạt văn hóa thường ngày. Lễ hội thường diễn ra vào mùa xuân, được xem là mùa của sự sinh sôi, nảy nở, mùa đầu tiên của một năm mới. Đây là thời điểm được cho là khí hậu đẹp nhất trong năm, thuận lợi cho các hoạt động sinh hoạt cộng đồng. Cao Bằng là nơi có nhiều dân tộc cùng sinh sống nên lễ hội cũng mang những màu sắc khác nhau. Tuy nhiên, điểm chung của các lễ hội vẫn là mang đậm tính nhân văn sâu sắc, cầu phúc, cầu lộc, cầu mùa và cầu một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội Lồng tồng

Lễ hội Lồng tồng còn gọi là lễ hội xuống đồng. Đây là lễ hội của người Tày - Nùng (Cao Bằng), thường diễn ra từ ngày mồng 2 đến 30 tháng Giêng hằng năm. Lễ hội được tổ chức với mong ước Thần Nông (một vị thần chuyên cai quản ruộng đồng) phù hộ cho con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mùa màng tươi tốt quanh năm. Lễ hội thường được chia thành phần lễ và phần hội. Trong phần lễ, các bô lão cùng tráng đinh sẽ rước Thần Nông và Thành Hoàng từ đình ra ruộng. Các gia đình sẽ bày biện các mâm cỗ thịnh soạn, bao gồm những món như: xôi nếp, thịt lợn, rượu trắng, chè lam, bánh dày, bánh khảo... dâng lên cúng thần. Sau khi cúng xong, mọi người cùng nhau phá cỗ (1).

Sau phần lễ sẽ diễn ra phần hội, đây là phần mà mọi người tham gia đều mong chờ. Nó không chỉ thu hút dân làng, mà khách du lịch cũng mong được trải nghiệm không khí lễ hội với nhiều trò chơi dân gian thú vị như: cướp còn, ném còn, kéo co, đánh quay, đánh đu và bịt mắt bắt dê... Bên cạnh đó, khi đến với lễ hội Lồng tồng, du khách còn hòa vào không khí của các hoạt động như múa lân, múa sư tử, múa giáo, múa võ và những điệu múa chỉ có của dân tộc Tày - Nùng, đó là múa xòe chiêng, múa then hay hát sli, hát lượn (hình thức đối ca giao duyên giữa nam và nữ).

Lễ hội Tranh đầu pháo

Lễ hội Tranh đầu pháo (thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa) là LHTT có từ lâu đời, gắn với các yếu tố tâm linh của ngôi miếu cổ linh thiêng Bách Linh, một công trình kiến trúc gắn với lễ hội từ xa xưa và đi sâu vào tiềm thức của người dân nơi đây. Lễ hội Tranh đầu pháo gồm phần lễ diễn ra ngày 30 tháng Giêng, còn phần hội diễn ra từ ngày mồng 1 đến mồng 2-2 âm lịch hằng năm.

Trong lễ hội Tranh đầu pháo, có nhiều nghi thức độc đáo như: khai quang mở mắt rồng, lễ khao quân, lễ tế thần, lễ rước thần… với ý nghĩa mở đầu cho mọi hoạt động của một năm mới, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Lễ hội cũng là dịp để người dân tưởng nhớ các vị thần linh, anh hùng có công với đất nước. Trong lễ hội Tranh đầu pháo thường có các hoạt động như các điệu múa rồng, múa lân. Đầu pháo là một vòng sắt có quấn các tua ngũ sắc đặt lên chòi cao, sau khi đốt pháo, đầu pháo rơi xuống, các đội cướp pháo ở các làng bản đã đăng ký vào tranh pháo, ai cướp được đến tế thần và nhận phần thưởng. Ngày nay, lễ hội đã bỏ tục đốt pháo. Người dân địa phương quan niệm, trong ngày hội, ai bắt được vòng lộc pháo thì cả năm sẽ gặp may mắn, phát tài, phát lộc (2).

Lễ hội Tranh đầu pháo được Bộ VHTTDL đưa vào danh muïc tại Quyết định số 2745/QĐ-BVHTTDL ngày 30-9-2020.

Lễ hội thác Bản Giốc

Lễ hội thác Bản Giốc thu hút rất nhiều khách tham quan mỗi năm, bởi lẽ thác Bản Giốc là một thắng cảnh đẹp nổi tiếng ở Cao Bằng. Lễ hội được diễn ra từ ngày mồng 5 đến 7 tháng 10 hằng năm, tại chính chân thác Bản Giốc.

Lễ hội thác Bản Giốc giúp du khách vừa có thể trải nghiệm không khí nhộn nhịp mùa lễ hội, vừa có thể ngắm nhìn dòng thác chảy cuồn cuộn, hùng vĩ. Lễ hội được chia ra làm hai phần chính. Du khách có thể tham gia phần lễ tại chùa Phật Tích Trúc Lâm Bản Giốc cùng các hoạt động như: rước nước thiêng, cầu lễ quốc thái dân an. Phần hội với nhiều chương trình hấp dẫn như: lễ hội ánh sáng, lễ hội rước nước, liên hoan dân ca và đặc biệt là các trò chơi dân gian, hoạt động thể thao hấp dẫn như: kéo co, bóc hạt dẻ, nhảy bao bố, chèo thuyền… Ngoài các hoạt động vui chơi, lễ hội còn trưng bày các sản vật của địa phương để du khách có cơ hội được thưởng thức và mua về làm quà. Lễ hội thác Bản Giốc là lễ hội được rất nhiều khách du lịch quan tâm và tham dự (3).

Lễ hội đền Kỳ Sầm

Đền Kỳ Sầm ở Cao Bằng thờ Khâu Sầm Đại vương Nùng Trí Cao, ông là một nhân vật lịch sử anh hùng người Tày, có công lao rất lớn trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Ông là người có tài thao lược, dùng binh giỏi, tự xưng mình là Nhân Huệ Hoàng đế, một thời đánh tan quân Tống xâm lược, Nùng Trí Cao được nhân dân tôn sùng, kính trọng và được triều đình phong tước hàm.

Lễ hội đền Kỳ Sầm được tổ chức vào ngày 10 tháng Giêng hằng năm với sự tham gia của người dân địa phương và khách thập phương qua nhiều trò chơi dân gian như: tung còn, đấu vật, múa sư tử, đá bóng… Lễ hội cũng là dịp để người dân đến thắp hương tưởng nhớ tới vị anh hùng có công với nước, đồng thời vãn cảnh đền và xin lộc đầu năm, ước mong một năm no đủ, hạnh phúc.

Lễ hội Nàng Hai (lễ hội mời Mẹ Trăng)

Đây là một tín ngưỡng độc đáo của người Tày. Lễ hội Nàng Hai được tổ chức để rước Mẹ Trăng với mong ước Mẹ ban phước lành cho dân chúng. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày 30 tháng Giêng đến ngày 22 tháng 3 (âm lịch). Theo quan niệm của người Tày, trên mặt trăng có Mẹ Trăng và 12 nàng tiên là những người trông coi mùa màng và giúp đỡ người dân trồng trọt, cấy hái. Lễ hội có 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiễn Hai. Khi diễn ra lễ hội, người được lựa chọn làm Mẹ Trăng phải là người phụ nữ trung niên, có cuộc sống sung túc và hạnh phúc. Ngoài ra, những cô gái xinh xắn trong làng sẽ được chọn để làm những nàng tiên (khoảng 12-18 cô gái).

Lễ hội được diễn ra dưới lều trăng do dân làng dựng lên. Trong lễ rước Mẹ Trăng, hai thanh niên trai tráng trong bản được lựa chọn sẽ đi đầu để mở đường cho Mẹ Trăng và các nàng tiên lên trời. Sau lễ đón Mẹ Trăng xuống, những đêm tiếp theo sẽ làm lễ cúng Mẹ Trăng. Cuối cùng, người dân làm lễ đưa Mẹ Trăng về trời. Phần lễ này diễn ra trong một ngày duy nhất tại lều trăng thứ hai đặt ngay tại cổng. Mẹ Trăng cùng các nàng tiên phải làm lễ chia tay và hát những điệu hát lượn chia tay quen thuộc, cầu thần trông coi đầu bản và cuối bản mở cửa cho Mẹ Trăng và các nàng tiên được bay về trời (4).

Lễ hội Nàng Hai là lễ hội dân gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thể hiện tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt, có giá trị về văn hóa, lịch sử sâu sắc. Du khách nếu đến tham gia lễ hội Nàng Hai sẽ được lắng nghe những lời hát thiết tha cất lên từ chính những người dân với hy vọng mùa màng được bội thu. Ngoài ra còn được thưởng thức nhiều món đặc sản thơm ngon của Cao Bằng như thịt gác bếp, lạp xưởng, xôi trám...

Lễ hội Nàng Hai (xã Tiên Thành, huyện Phục Hòa) được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 2459/QĐ-BVHTTDL ngày 20-6-2017.

2. Một số giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa LHTT ở Cao Bằng

Những mặt tích cực và hạn chế trong các LHTT ở Cao Bằng

LHTT là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian, là sản phẩm tinh thần của cộng đồng, phản ánh sự “ứng xử” của con người đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. LHTT chứa đựng sức mạnh cộng đồng, do đó, môi trường văn hóa của lễ hội sẽ gắn liền với môi trường văn hóa của cộng đồng. Nó được quyết định bởi các hoạt động, hành vi, ứng xử của cộng đồng với nhau và với môi trường, cảnh quan tự nhiên gắn với lễ hội. LHTT sẽ giữ được giá trị nguyên bản khi môi trường văn hóa nuôi dưỡng nó còn giữ được các yếu tố truyền thống. LHTT chính là sản phẩm tinh thần, chứa đựng những giá trị kết tinh của lịch sử, do đó, còn chứa đựng cả môi trường văn hóa của lịch sử với sự kế thừa, gìn giữ và phát huy những giá trị vốn có.

Tiếng đàn Tính bên thác Bản Giốc - Ảnh: Hoàng Quảng Uyên

Các LHTT tiêu biểu ở Cao Bằng, nhìn chung đã phát huy được giá trị tốt đẹp đối với đời sống tinh thần của cộng đồng và gìn giữ được những nét đẹp văn hóa truyền thống của lễ hội. Thông qua các LHTT, những giá trị văn hóa độc đáo của Cao Bằng đã được quảng bá tới đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế. Đồng thời, việc tổ chức thành công các LHTT cũng góp phần khơi dậy tình đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc, tự hào bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tiềm năng mỗi cá nhân để góp phần xây dựng đất nước.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức các LHTT ở Cao Bằng vẫn còn một số tồn tại. Tại các lễ hội vẫn còn hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy làm cho không khí trang nghiêm của phần lễ giảm đi tính thiêng. Một số bộ phận khách đi lễ hội vẫn còn ứng xử chưa văn minh như: ăn mặc chưa chuẩn mực, xả rác bừa bãi, để tiền và lễ cúng không đúng quy định của Ban tổ chức. Các hoạt động, trò chơi ở phần hội chưa thật sự mang tính tiêu biểu, truyền thống như vốn có. Một số lễ hội còn mang nặng tính thương mại hóa nên không chọn lựa đúng các trò chơi dân gian mang tính đặc trưng. Thậm chí, có những trò chơi đã bị biến tướng, làm ảnh hưởng đến nét đẹp của LHTT.

Một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trong LHTT ở Cao Bằng

Để giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của lễ hội, cần có những chính sách và giải pháp phù hợp.

Thứ nhất, cần tăng cường sự chỉ đạo sát sao từ Sở VHTTDL tỉnh Cao Bằng. Xác định công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc là một trong những nhiệm vụ quan trọng thời kỳ hội nhập, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TƯ 5 khóa VIII của Đảng về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản săc văn hóa dân tộc và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở VHTTDL Cao Bằng đã xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của Cao Bằng. Trong đó có nội dung: Khôi phục và nâng cao các giá trị lễ hội đặc sắc. Đây là nội dung quan trọng, bởi lẽ phát triển và khôi phục LHTT có ý nghĩa quan trọng với phát triển du lịch của địa phương. Thông qua các LHTT để gắn kết tình đoàn kết, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và truyền bá nét văn hóa đẹp đến bạn bè quốc tế (5).

Thứ hai, để tổ chức các LHTT hiệu quả, cần có sự liên kết giữa các ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước và Ban tổ chức lễ hội. Quán triệt nội dung của lễ hội phải mang giá trị nguyên bản, tức là mang giá trị cổ truyền. Không du nhập các trò chơi hiện đại vào không gian lễ hội làm mất đi tính truyền thống. Không đưa các trò chơi nặng tính thương mại hóa vào sân hội, gây phản cảm cho khách tham gia. Cần dẹp bỏ các trò chơi như bắn súng hơi, đá gà ăn tiền, các trò chơi có thưởng tiền, các hình thức mê tín như xem bói toán, xem tướng. Các nhà quản lý và Ban tổ chức lễ hội phải tôn trọng giá trị văn hóa cốt lõi của lễ hội. Cần phân biệt đâu là giá trị văn hóa dân gian, đâu là trò mê tín dị đoan để có thể cấp phép cho các trò chơi được hoạt động trong lễ hội. Cơ quan chức năng cần phân công các nhà nghiên cứu có tri thức về văn hóa lễ hội, những người có chuyên môn làm việc với Ban tổ chức, tìm ra đâu là giá trị đặc trưng của lễ hội ở địa phương mình. Ðồng thời, để bảo đảm giá trị nhân văn sâu sắc và yếu tố tâm linh của lễ hội, Ban tổ chức nên tuân thủ nghiêm ngặt về thời gian, địa điểm, nghi thức hành lễ, đạo cụ, trang phục và đặc biệt là nội dung lễ hội. Khi phục dựng lễ hội, cần phải xác định các giá trị gốc và những biểu hiện đặc trưng của lễ hội để đảm bảo tính nguyên bản.

Thứ ba, cần xây dựng nếp sống văn hóa trong lễ hội. Nâng cao vai trò lãnh đạo của chính quyền địa phương trong việc tổ chức và hướng dẫn du khách tham gia lễ hội. Cần xử lý những hành vi phản cảm ảnh hưởng đến hoạt động của lễ hội như các trò chơi biến tướng, lừa đảo, nâng giá bán các dịch vụ và hàng hóa, bán các sản vật giả mạo…; nhắc nhở khách về vấn đề trang phục khi tham gia phần lễ. Tăng cường tuyên truyền du khách thực hiện nếp sống văn minh như đặt lễ, hóa vàng đúng chỗ quy định. Những địa điểm quanh khu vực lễ hội cần có thêm một số dịch vụ giải trí lành mạnh cho khách tham quan. Cơ sở hạ tầng, đường sá, các công trình phụ trợ phải được nâng cấp để phục vụ khách dự hội một cách thuận tiện nhất.

Thứ tư, là các giải pháp về xúc tiến, quảng bá lễ hội. Để đảm bảo phát huy tính hiệu quả, chính quyền địa phương cũng cần làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu về lễ hội thông qua nhiều kênh thông tin khác nhau như: báo, tạp chí, các trang web về du lịch, trang web địa phương, công ty du lịch, khách sạn, nhà hàng… Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần nắm được thông tin cần thiết về lễ hội tại các địa phương như thời gian, địa điểm, nội dung và ý nghĩa lễ hội để xây dựng chương trình du lịch, lên kế hoạch tổ chức và quảng bá phù hợp nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.

Cao Bằng là điểm du lịch hấp dẫn với du khách không chỉ vì cảnh quan đẹp, nhiều sản vật, mà còn là vùng đất có nhiều LHTT mang đậm yếu tố bản địa. Để LHTT ở Cao Bằng vừa phát huy được giá trị trong việc gìn giữ nét đẹp truyền thống, vừa góp phần vào sự phát triển du lịch của tỉnh, cần sự chung tay của các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, đặc biệt là sự góp sức của cộng đồng các tộc người ở địa phương.

_____________________

1, 3. Du lịch Cao Bằng qua 5 lễ hội đặc sắc nhất, kynghidongduong.vn.

2. T.Toàn, Lễ hội Tranh đầu pháo ở Cao Bằng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, congluan.vn, 5-3-2022.

4. Hải Huyền, Lễ hội Nàng Hai - tín ngưỡng đặc sắc của người Tày ở Cao Bằng, vovworld.vn, 10-2-2015.

5. HN, Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống khơi dậy sức mạnh tiềm ẩn bên trong mỗi người dân, khcncaobang.gov.vn, 7-9-2021.

Tài liệu tham khảo

1. Dương Thị Hồng Nhung, Khai thác nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua các lễ hội truyền thống Việt Nam để phát triển du lịch, dangcongsan.vn, 22-11-2021.

2. Nguyễn Chí Bền, Lễ hội cổ truyền của người Việt, cấu trúc và thành tố, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.

TS NÔNG ANH NGA - Ths PHAN THỊ BÍCH THẢO

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;