Phong tục giã bánh giầy, gói bánh chưng ăn Tết có từ thời nào?

Hội thi gói bánh chưng tại Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ) - Ảnh: Đinh Vũ

Bánh chưng làm bằng gạo nếp, có nhân đậu xanh và thịt hoặc đường, gói bằng lá dong thành hình vuông, luộc kỹ, được làm phổ biến vào dịp Tết Nguyên đán. Có câu đố diễn tả bánh chưng như sau: “Nhà xanh lại đánh đố xanh/ Giữa đỗ trồng hành, thả lợn vào trong”.

Bánh giầy là thứ bánh làm bằng xôi trắng giã thật mịn, nặn thành hình tròn, dẹt, có khi có nhân đậu xanh. Hai chiếc bánh được cặp với nhau, bên ngoài là hai miếng lá chuối xanh, cũng hình tròn, vừa khít với mặt tấm bánh. Đối với bánh không có nhân, người ta ăn kèm với giò (miếng giò để giữa hai tấm bánh). Có câu đố tục giảng thanh về bánh giầy giò như sau: “Thân em vừa trắng vừa tròn/ Sao anh lại nỡ lột quần em ra/ Lột quần anh lại chẳng tha/ Anh lấy miếng thịt, anh tra ngay vào” (1).

Câu tục ngữ sau ghi nhận bánh cuốn Thanh Trì và bánh giầy Quán Gánh là hai đặc sản khó quên: “Bánh cuốn Thanh Trì, bánh dì Quán Gánh” (2).

Không chỉ người Việt, nhiều dân tộc thiểu số cũng giã bánh giầy.

Trong sách Kỹ thuật của người An Nam (in lần đầu năm 1909), Henri Oger viết về cách làm bánh giầy ở ngoại thành Hà Nội như sau: “Trước hết, cơm được nấu chín bằng hơi. Người ta dùng loại gạo đặc biệt gọi là gạo nếp. Cơm nếp được rải lên các tấm đệm trên sàn nhà. Các tấm này được căng và buộc chặt vào bốn cọc cắm sâu vào đất. Người thợ dùng cái chày bằng gỗ cứng hình trụ. Ở phần giữa, người ta khoét lõm sâu để dùng chày bằng hai tay. Cả hai đầu chày đều mang hình chỏm cầu. Để tránh cho bánh khỏi bị hỏng, sau khi làm xong, người ta gói bánh bằng lá chuối, buộc chặt bằng lạt. Thông thường người thợ làm việc theo đôi theo cặp. Họ vừa giã bánh, vừa hát theo nhịp giã. Bánh giầy được làm về đêm để người bán rong có thể giao hàng trong thành phố từ sáng sớm” (3).

Trong sách Văn minh vật chất của người Việt (tái bản lần thứ nhất có sửa chữa năm 2011), Phan Cẩm Thượng viết: “Gần đây trên vô tuyến, người ta cho một cô gái ra biểu diễn giã bánh giầy, tôi thấy hơi buồn cười. Bánh giầy bao giờ cũng phải giã cơm nếp vào cối gỗ với hai người cầm chầy dài giã, vì cơm nếp rất dính, nên một người đâm xuống và giữ khối bánh, thì người kia mới nhấc chầy lên được. Người Nùng Phàn Sình có câu: “Đứa nào mà giã một cối bánh giầy được một mình thì gả con gái cho không”. Người Việt giã bánh giầy trắng, nhưng nhiều sắc tộc dùng vài loại lá mầu và phẩm mầu pha vào bánh giầy, để mâm bánh có sắc đỏ đen trắng xanh vàng. Cặp bánh giầy kẹp giò chả là món quà ưa thích của các bà các cô thành thị” (4).

Truyện bánh chưng (Chưng bính truyện) trong Lĩnh Nam chích quái được Vũ Quỳnh (1453-1516) ghi lại trên cơ sở tài liệu của các tác giả đời Lý, Trần, Lê. Có thể tóm lược bản kể của Vũ Quỳnh như sau:

Sau khi phá tan giặc Ân, Vua Hùng muốn truyền ngôi cho con, bèn họp 22 người con trai và bảo rằng ai có thể làm theo ý nguyện của vua, cuối năm đem của ngon vật lạ đến tiến cúng tiên vương, để làm tròn đạo hiếu thì sẽ được truyền ngôi báu. Trong khi các người con khác đua nhau tìm kiếm các của ngon vật lạ, người con thứ 18 là Lang Liêu do bà mẹ nghèo khó đã mất, xung quanh ít người giúp đỡ, nên khó đáp ứng yêu cầu của vua cha. Bỗng một hôm, Lang Liêu được thần nhân mách bảo rằng, gạo là thứ nuôi dân, chẳng vật nào hơn được. Nếu lấy gạo nếp làm bánh, hoặc giã cho dẻo, nặn thành hình tròn tượng trưng cho trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông tượng trưng cho đất, ở giữa kèm thức ăn ngon, bắt chước cảnh tượng trời đất chứa đựng muôn vật, ngụ ý công lao nuôi nấng to lớn của cha mẹ, thì cha mẹ có thể vui lòng, ngôi cao khả dĩ được truyền. Lang Liêu vui mừng làm theo cách ấy. Đến hẹn, vua họp các con lại, ai nấy đều bày ra đủ các vật phẩm, bánh trái. Vua xem qua khắp lượt, thấy đồ hiến dâng của các con không thiếu vật gì, duy có Lang Liêu làm bánh hình vuông, hình tròn để tiến. Vua bèn hỏi, Lang Liêu đáp y như lời thần nhân bảo. Vua thân nếm bánh, thấy trăm vị đều có, ăn ngon miệng mà không chán. Vua cho Lang Liêu được nhất. Lễ Tết cuối năm, vua bắt các con phải làm bánh chưng như chàng để tiến cúng cha mẹ. Thiên hạ bắt chước, truyền mãi đến ngày nay. Vua bèn truyền ngôi cho Lang Liêu, 21 anh em còn lại được phân đi coi giữ bờ cõi (5).

Gói bánh chưng - phong tục truyền thống lâu đời ngày Tết - Ảnh: Đinh Vũ

Dựa trên bản kể ở Lĩnh Nam chích quái, có thêm bản kể Gốc tích bánh chưng bánh giầy của Nguyễn Đổng Chi xuất bản lần đầu năm 1958, trong sách Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tập 1. Từ đó trở đi, bản kể này liên tục được in, đến năm 2015, được tái bản 9 lần (6). Bản kể của Nguyễn Đổng Chi có ảnh hưởng sâu rộng trong nhà trường và xã hội.

Sách Lịch sử Việt Nam, tập 1, được biên soạn dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, xuất bản năm 1971, viết: “Với kinh nghiệm tích lũy lâu đời những hiểu biết về cỏ cây và chất đất, người dân Lạc, dân Âu - những người Việt cổ nói chung - tuy không rời bỏ việc khai thác những sản phẩm tự nhiên (thịt thú rừng, cá tôm, cua, ốc, bột cây đao, cây búng báng...) song đã tập trung sức vào công việc làm ruộng. Người Việt trồng lúa, trồng khoai, đỗ..., trồng cây ăn quả (chuối, cam, quýt, vải, nhãn, dừa...), trồng rau dưa (cà, cải, dưa hấu...). Với những lương thực, thực phẩm ấy, người Việt đã biết tạo nên những món ăn đậm đà hương vị dân tộc (đồ xôi, làm bánh chưng, bánh giầy, nấu rượu, làm mắm, dùng gia vị (gừng)...). Tiếng chày tay giã gạo của thanh niên nam nữ đã trở thành điệu nhạc quen thuộc trong nông thôn đất Việt” (7).

Trong cuốn sách Thời đại Hùng Vương (nhiều tác giả), in lần thứ hai năm 1976 có sửa chữa và bổ sung, trong phần “Đời sống văn hóa”, không nói một cách vững chắc như trên, PGS Lê Văn Lan thận trọng hơn khi viết: “Căn cứ vào tư liệu truyền thuyết và dân tộc học thì có thể người thời Hùng Vương cũng đã biết cách chế biến một số bánh trái và lương khô như bánh giầy, bánh chưng, bánh bỏng...” (8).

Nếu Lĩnh Nam chích quái ra đời từ thời Hùng Vương thì ta mới có thể nói từ thời Hùng Vương đã thấy người Việt làm bánh giầy và bánh chưng.

Theo GS Trần Quốc Vượng, trong bài viết Triết lý bánh chưng bánh giầy đăng trên báo Người Hà Nội số Tết năm 1985, ông đã chứng minh ngày trước, bánh chưng làm theo kiểu bánh tét với ý nghĩa tượng trưng cặp đôi - linga (chưng)/ yoni (giầy), còn triết lý: “trời tròn đất vuông” là một nét văn hóa muộn màng hội nhập từ Trung Hoa (9).

Còn theo Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên, Nhà xuất bản Đà Nẵng, 2002, giải thích bánh tày và bánh tét như sau: bánh tày: bánh làm bằng gạo nếp, có nhân đậu xanh và thịt mỡ, gói bằng lá dong thành hình trụ nhỏ, luộc chín; bánh tét: bánh làm bằng gạo nếp, có nhân đậu xanh và thịt mỡ, gói bằng lá thành hình trụ tròn và dài, luộc kỹ, làm phổ biến ở một số địa phương vào dịp Tết Nguyên đán.

Năm 1994, trong Tổng luận về nghề thủ công Hà Nội, GS Trần Quốc Vượng viết rằng: “việc người Việt đổi lối gói bánh chưng hình trụ kiểu bánh tét sang việc gói bánh chưng hình vuông để tượng trưng đất mà khi biên tập lại Lĩnh Nam chích quái vào đầu TK XVI, TS Vũ Quỳnh đẩy lên tận thời Lang Liêu Vua Hùng, thực ra là một ảnh hưởng Tầu Quảng Đông mới từ TK XV...” (10).

Bài viết với ý kiến trên được tái bản trong các năm 2000 (ở cuốn sách Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm) và năm 2005 (ở cuốn sách Hà Nội như tôi hiểu).

Sau bài viết của GS Trần Quốc Vượng, nhiều người, trong đó có họa sĩ Phan Cẩm Thượng vẫn viết rằng: “Hai loại bánh cổ xưa nhất gắn với sự tích trời tròn đất vuông là bánh chưng và bánh giầy, đều làm từ gạo nếp, theo truyền thuyết có lẽ xuất hiện từ hơn hai nghìn năm trước” (11).

Căn cứ vào An Nam chí lược, chúng ta có thể thấy từ TK XIV trở về trước, người Việt không gói bánh chưng hình vuông. Tác giả của An Nam chí lược là Lê Tắc, một viên quan nhà Trần đầu hàng nhà Nguyên, viết nên cuốn sách trong thời gian lưu vong nơi đất khách. Điều khả thủ của cuốn sách là “những tài liệu về dân tộc học, về chế độ xã hội, về phép ứng xử của con người (qua những thể thức ngoại giao) và về phong tục ở cơ sở đã có thể cho thấy rõ diện mạo nước Nam từ TK XIV trở về trước” (12). Trong sách này, khi viết về phong tục ngày Tết, Lê Tắc không nhắc đến bánh chưng.

Nếu ở trên, ta thấy GS Trần Quốc Vượng cho rằng Vũ Quỳnh biên soạn Lĩnh Nam chích quái vào đầu TK XVI, thì GS Đinh Gia Khánh lại viết Lĩnh Nam chích quái của họ Vũ “được hoàn thành vào đời Lê (cuối TK XV)” (13). Nếu ta đi vào chi tiết thì thấy sự khác nhau như vậy, còn về đại thể thì cuối TK XV và đầu TK XVI không cách nhau nhiều.

Như vậy, đúng như ý kiến của GS Trần Quốc Vượng, dân ta gói bánh chưng vuông vào dịp Tết là phong tục có từ thời Lê, TK XV.

Trong An Nam chí lược, Lê Tắc chỉ nói đến bánh cuốn (tặng nhau vào ngày Hàn thực), bánh giầy (cúng Phật vào ngày mồng tám tháng tư) (14).

Theo PGS, TS Hoàng Thị Ngọ, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa vốn có nguồn gốc từ một cuốn từ điển Nôm rất cổ có tên là: Chỉ nam phẩm vựng. Bản song ngữ Hán Nôm Chỉ nam phẩm vựng có nhiều khả năng xuất hiện vào khoảng từ cuối TK XII đến cuối TK XIV, không rõ tác giả là ai. Truyền bản Chỉ nam phẩm vựng được dùng làm bản nguồn để giải nghĩa thành Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa có niên đại vào khoảng những năm 1401-1406, đời Hồ Hán Thương. Về sau, cuốn sách này được nhà sư có pháp hiệu là Hương Chân lựa lọc từng chữ, chuyển các “chữ kép” thành “chữ đơn”, chú âm, “đính nên thiên”, làm thành quyển cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu. Bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa này được hoàn thành, khắc in vào năm 1761 (15). Bản này ghi nhận hơn 30 thứ bánh, trong đó có bánh chưng, bánh giầy, bánh tày:

Bánh trái mới lại kể ra

Trước kính tín sau là nhắm hay

Tư bính vành vạnh bánh giầy

Phương bính thuở này hiệu là bánh chưng

Tề bính bánh tày dài lưng

Bì bính bánh đa mỏng mỏng hòa tròn… (16).

Giã bánh giầy trong ngày hội - Ảnh: Đinh Vũ

Tóm lại, ở TK XIV, bánh giầy đã được ghi nhận trong An Nam chí lược. TK XV, cả bánh giầy và bánh chưng có mặt trong Lĩnh Nam chích quái. Đến TK XVIII, bánh giầy, bánh chưng, bánh tày cùng nhiều thứ bánh khác “hội tụ” trong Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa. Mặc dù có sự can thiệp (biên tập/ sửa chữa) của các nhà Nho quan chức, về cơ bản Lĩnh Nam chích quái vẫn là một sưu tập truyện cổ dân gian. Về thời gian diễn ra câu chuyện, truyện dân gian nói chung, truyền thuyết nói riêng có hai xu hướng. Xu hướng thứ nhất là đẩy sự việc ở thời gian sau lên thời xa xưa, như bản kể trong Lĩnh Nam chích quái đẩy phong tục gói bánh chưng ngày Tết ở TK XV lên tận thời các Vua Hùng. (Người dân Chăm cũng vậy, khi nói về sách cổ, họ thường đẩy niên đại lên hàng mấy trăm năm, bởi theo họ, sách càng cổ càng quý (17)). Xu hướng thứ hai là kéo sự việc ở thời gian trước lùi xuống thời gian sau. Trống đồng Đông Sơn (thuộc nền văn hóa cùng tên với niên đại khoảng tám, bảy TK trước Công nguyên đến đầu Công nguyên, thuộc thời đại các vua Hùng) do cư dân Lạc Việt sáng tạo. Người Lạc Việt là tổ tiên của người Đại Việt. Vậy mà trong các truyền thuyết, nghệ nhân đúc đồng lại suy tôn tổ nghề của họ là Dương Không Lộ, là Nguyễn Minh Không, là Phan Quốc Tài, là Nguyễn Công Nghệ, là Nguyễn Văn Đào… Theo lời kể, các vị này đều sống trong thời Đại Việt.

Với cái nhìn toàn cảnh như trên, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy người dân xưa kể rằng, phong tục giã bánh giầy, gói bánh chưng ăn Tết có từ thời Hùng Vương.

________________

1. Trần Đức Ngôn, Câu đố, Tổng tập văn học dân gian người Việt, tập 3, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005, tr.450.

2. Bánh dì tức bánh giầy. Thanh Trì nay là một huyện thuộc Hà Nội; Quán Gánh là khu hàng quán trên quốc lộ 1, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội.

3. Henri Oger, Technique du peuple Annamite, Mechanics and crafts of the Annamites, (Kỹ thuật của người An Nam), quyển 1, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2009, tr.237.

4, 11. Phan Cẩm Thượng, Văn minh vật chất của người Việt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2011, tr.300.

5. Trần Nghĩa (chủ biên), Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, tập 1, Nxb Thế giới, Hà Nội, 1997, tr.173-174.

6. Nhiều tác giả, Nguyễn Đổng Chi học giả - nhà văn, Nxb Trẻ, TP.HCM, 2015, tr.407-408.

7. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Lịch sử Việt Nam, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1971, tr.46.

8. Văn Tân, Nguyễn Linh, Lê Văn Lan, Nguyễn Đổng Chi, Hoàng Hưng, Thời đại Hùng Vương, in lần thứ hai có sửa chữa và bổ sung, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1976, tr.184.

9. Trần Quốc Vượng, Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.329.

10. Trần Quốc Vượng, Nguyễn Vinh Phúc, Lê Văn Lan (chủ biên), Tìm hiểu di sản văn hóa dân gian Hà Nội, Nxb Hà Nội, 1994, tr.68.

12, 15. Lê Tắc, An Nam chí lược, bản dịch của Trần Kinh Hòa và cộng sự, Nxb Thuận HóaTrung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế - Hà Nội, 2001, tr.23, 71.

13. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên, Văn học dân gian, tập 1, Nxb Đại học và Trung học chuyên nghiệp, Hà Nội, 1972, tr.81.

14, 16. Khuyết danh, Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, Hoàng Thị Ngọ khảo cứu, phiên âm, chú giải, Nxb Văn học, Hà Nội, 2016, tr.29, 110.

17. Inrasara, Ariya Cam trường ca Chăm, Nxb Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, TP.HCM, 2006, tr.12.

GS, TS NGUYỄN XUÂN KÍNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;