Nhân Tết, nói chuyện can chi

 

Quý Mão 2023 - Tranh của Lê Huy Văn

Năm 2023 ứng với năm Quý Mão theo cách tính năm âm lịch. Cách tính này dựa trên hệ đếm cổ truyền (dùng phổ biến ở Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam), để tính giờ, ngày, tháng, năm. Về cách tính theo âm lịch, dân gian ta thường nói là cách tính theo lịch can chi.

Can chi 干支 chỉ thiên canđịa chi (nói gộp và tạo nên một danh từ - mang giá trị định danh một khái niệm).

Thiên can 天干 (lấy theo “thập can”) là tên gọi chung mười ký hiệu chữ Hán, xếp theo thứ tự: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý.

Địa chi 地支 (lấy theo “thập nhị chi”) là tên gọi chung mười hai ký hiệu chữ Hán xếp theo thứ tự: Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

Tất nhiên, việc ghép can và chi (để thành năm can chi) phải tuân thủ một quy tắc. Quy tắc ấy như sau: can chẵn đi với chi chẵn, can lẻ đi với chi lẻ. Vì cơ số của can và chi khác nhau - 10 so với 12 - nên khi ghép xong 10 đơn vị can chi thì “dư” ra 2 chi, thế là ta có năm can chi không giống nhau từ đơn vị thứ 11. Ghép như thế ta sẽ có chu kỳ lặp lại là 60 (còn gọi là một “lục thập hoa giáp”, lục thập: 60, hoa giáp: một chu kỳ hoa nở). Hoa giáp chính là chu kỳ vận hành của các con giáp, nói cách khác là vòng tuần hoàn của các con giáp bắt đầu từ Giáp Tý đến cuối cùng là Quý Hợi, kết thúc một vòng tuần hoàn (rồi lại tiếp tục quay trở lại Giáp Tý bắt đầu một chu kỳ tuần hoàn mới). Sau đây là tên theo can chi các năm âm lịch lần lượt trong một vòng “lục thập hoa giáp”: Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỉ Tỵ, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu. Giáp Tuất, Ất Hợi, Bính Tý, Đinh Sửu, Mậu Dần, Kỷ Mão, Canh Thìn, Tân Tỵ, Nhâm Ngọ, Quý Mùi. Giáp Thân, Ất Dậu, Bính Tuất, Đinh Hợi, Mậu Tý, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Nhâm Thìn, Quý Tỵ. Giáp Ngọ, Ất Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Mậu Tuất, Kỷ Hợi, Canh Tý, Tân Sửu, Nhâm Dần, Quý Mão. Giáp Thìn, Ất Tỵ, Bính Ngọ, Đinh Mùi, Mậu Thân, Kỷ Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi, Nhâm Tý, Quý Sửu. Giáp Dần, Ất Mão, Bính Thìn, Đinh Tỵ, Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, Canh Tân, Tân Dậu, Nhâm Tuất, Quý Hợi.

Sau chu kỳ 60 năm này, tên gọi của mọi ngày, mọi tháng, mọi năm tiếp theo được lặp lại nguyên xi trước đó. Khoa học chưa phát hiện thấy chu kỳ này có liên quan đến một chu kỳ nào của tự nhiên (như chu kỳ của các tiết khí trong năm, tiết khí chính là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của trái đất xung quanh mặt trời, mỗi điểm cách nhau 15°). Lịch can chi được sử dụng trong “Tý Ngọ lưu trú” - một môn thời sinh học của Đông y cổ truyền. Hệ đếm can chi (ở Việt Nam) ngoài việc dùng đặt tên năm âm lịch, vẫn còn được một số người sử dụng theo các tín điều hay tín ngưỡng dân gian (chẳng hạn như xem phong thủy, xem chiêm tinh, tướng, số...).

Giáp là ký hiệu thứ nhất trong thiên can, trước Ất. Giáp dùng tổ hợp trước một trong các địa chi Tý, Dần, Thìn, Ngọ, Thân, Tuất để tạo ra các tên gọi năm, tháng, ngày: Giáp Tý, Giáp Dần, Giáp Thìn, Giáp Ngọ, Giáp Thân, Giáp Tuất.

Cũng cần phân biệt “giáp” đứng đầu “thiên can” với một “giáp” khác (viết là , có nghĩa “quanh hết một vòng”) trong Can Giáp - can thứ nhất trong 10 thiên can. Cũng là âm “giáp” nhưng không giống nhau (như ta nói “Nó tuổi Giáp Ngọ” khác với “Nó hơn tôi một giáp”). Đó là hiện tượng “khác tự, đồng âm, khác nghĩa” mà ta rất hay gặp trong tiếng Hán.

PGS, TS PHẠM VĂN TÌNH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 521, tháng 1-2023

;