Theo chiều dài lịch sử, tín ngưỡng dân gian ra đời phản ánh ước vọng, khao khát về một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc của con người. Mà ở đó, tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc trở thành một nét đẹp văn hóa, là đạo lý truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam: “uống nước nhớ nguồn”. Đức An Dương Vương, nối tiếp sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng, trở thành một biểu tượng văn hóa gắn với tiến trình phát triển của người Việt qua nhiều thế kỷ. Tìm hiểu, nghiên cứu tín ngưỡng thờ An Dương Vương chính là nghiên cứu một sinh hoạt văn hóa dân gian được chuyển hóa từ việc phụng thờ một nhân vật lịch sử trở thành đối tượng thờ cúng của tín ngưỡng dân gian.
Nguồn gốc về An Dương Vương
Trong tâm thức dân gian, An Dương Vương luôn giữ vai trò, vị trí vô cùng quan trọng, gắn với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc. Thông qua di tích phụng thờ và lễ hội tưởng niệm mang tính chất quốc gia, có thể khẳng định, An Dương Vương là một vị vua lớn của Việt Nam trong buổi đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tín ngưỡng thờ An Dương Vương trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống người Việt trong suốt nhiều thế kỷ.
Dựa vào những tài liệu từ thời phong kiến, truyền thuyết về An Dương Vương được ghi chép trong chính sử bắt đầu từ Đại Việt Sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào năm 1479. Bộ chính sử của nhà Lê đã biên soạn về giai đoạn lịch sử của Đại Việt, câu chuyện về An Dương Vương: “Ở ngôi 50 năm. Họ Thục tên húy là Phán, người Ba Thục, đóng đô ở Phong Khê (nay là thành Cổ Loa). Giáp Thìn, năm thứ nhất (257 trước CN) (ngang với Noãn vương - nhà Chu năm thứ 58). Vua đã kiêm tính nước Văn Lang, đổi quốc hiệu làm Âu Lạc” (1).
Truyền thuyết về An Dương Vương còn được biết đến qua cuốn Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh - Kiều Phú, soạn vào năm 1492. Đây là một tập truyện thần thoại cổ, mang nhiều biểu tượng của triết lý và tâm linh Việt Nam. An Dương Vương được gắn với sự tích Truyện Rùa Vàng (2). Trong Dư địa chí do Nguyễn Trãi biên soạn cho biết: “Hùng Vương gọi nước là Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu. Thục Phán gọi nước là Âu Lạc, đóng đô ở Phong Khê” (3).
Về sự tồn tại của vị vua này, Nguyễn Từ Chi cũng viết trong Vua Chủ, góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người (1996): “Người Cổ Loa không tiếc tô điểm cho Vua Chủ, người anh hùng truyền kỳ đã vút qua bầu trời thực sự như một mảnh sao băng cuối cùng trước khi đất nước chìm dưới màn đêm nghìn năm Bắc thuộc” (4). Tác giả Tạ Chí Đại Tường trong cuốn Thần, người và đất Việt viết: “Sự xuất hiện trong chính sử Trung Quốc… một An Dương Vương ghép với nhà Triệu là nhân vật đầu tiên được phác họa có dạng hình của thời sơ sử Việt cổ” (5).
Mỗi nhà nghiên cứu đều đưa ra nhận định khác nhau về An Dương Vương, trong phạm vi bài viết, tác giả không có tham vọng quá sâu bàn về gốc tích hay thời đại chính xác của An Dương Vương. Tuy nhiên, mối liên hệ với Triệu Đà, một nhân vật lịch sử của Trung Quốc khiến ta có thể đặt ông vào nửa sau TK III trước CN. Điều này phần nào dẫn dắt thế hệ sau có cái nhìn nhiều chiều về gốc tích văn hóa người Việt ở một thời đại lịch sử.
Cùng với thời gian, thành tựu của giới nghiên cứu khoa học xã hội trong và ngoài nước đã bóc tách từng lớp huyền ảo trong trí tưởng tượng của dân gian, để cuối cùng đưa những dẫn chứng cụ thể, chứng thực đi đến một nhận thức chung: “Thục Phán An Dương Vương người đứng đầu một cộng đồng Âu Việt từ miền núi Việt Bắc - Tây Bắc theo lưu vực sông Hồng mà tiến xuống châu thổ Chạ Chủ - Cổ Loa” trong Hà Nội như tôi hiểu - Trần Quốc Vượng (2005) (6).
Lịch sử dân tộc đã khẳng định, thời kỳ dựng nước và giữ nước xưa nhất đó chính là thời kỳ Hùng Vương. Người kế nghiệp cho các Vua Hùng chính là Thục Phán An Dương Vương, đổi tên nước Văn Lang thành Âu Lạc. Theo mạch nguồn văn hóa, An Dương Vương chính là người có công lớn trong việc sáp nhập nhà nước Âu Việt và Lạc Việt mở ra nước Âu Lạc.
Không những thế, An Dương Vương còn có công trong việc huy động sức mạnh văn hóa tinh thần và vật chất của người Việt khai hoang vùng đất Cổ Loa hoang sơ, màu mỡ trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của quốc gia. Các thế hệ tiếp nối luôn trân trọng và đánh giá cao vai trò của Thục Phán An Dương Vương trong việc xây thành Cổ Loa. Dấu tích thành Cổ Loa trong nhiều đợt khai quật khảo cổ được các nhà khảo cổ Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Pháp khẳng định, đây là một trong những công trình có tính độc đáo bậc nhất trong thời cổ trung đại của khu vực Đông Nam Á.
Vì lẽ đó, chân dung Thục Phán An Dương Vương đi vào văn hóa dân gian một cách sâu sắc. Tín ngưỡng thờ An Dương Vương trở thành không gian lịch sử văn hóa đặc biệt và thiêng liêng. Nơi kết tụ nhiều thành tựu của thời đại dựng nước, khơi dòng truyền thống văn hóa văn minh Việt cổ, cũng là nơi chắp lại mạch dòng văn hóa của những ngày đầu dựng nước.
Tín ngưỡng thờ An Dương Vương
Trên dải đất hình chữ S, mỗi một địa danh, tên núi, tên sông đều chứa đựng những mảnh linh hồn của nhân dân, được gắn kết bằng những câu chuyện dân gian thực thực hư hư, sự huyền ảo trong truyền thuyết đều trở lên linh thiêng, truyền tải những giá trị nhất định mà con người muốn gửi gắm. Nảy sinh và gắn bó chặt chẽ với lịch sử, truyền thuyết về An Dương Vương ngày càng nhiều chi tiết liên quan tới các địa danh. Mỗi địa danh, là một câu chuyện được chắp nối, gắn kết với nhau khiến những giá trị văn hóa trở nên đậm đặc hơn bao giờ hết. Lần theo truyền thuyết An Dương Vương, chúng ta nhận thấy ngoài vùng Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội - vùng trung tâm, còn có một số địa danh liên quan như: Hòa An (Cao Bằng), Phong Châu (Phú Thọ), Ba Vì (Hà Nội), Sầm Sơn (Thanh Hóa), Diễn Châu (Nghệ An). Đối với các học giả, sự quy tụ của nhiều địa danh liên quan tới nhiều vùng đất khiến họ cảm thấy muốn được khám phá. Họ càng có nhiều cơ sở để tham chiếu, nhưng cũng thật dễ gây nhiễu loạn trong sự phân tích, bóc tách từng mảng màu văn hóa.
Đầu tiên phải nói đến khu di tích thuộc xã Cổ Loa (Hà Nội). Di tích là cả một quần thể các công trình kiến trúc được xây dựng qua nhiều thời kỳ, gồm nhiều loại hình với các chức năng khác nhau: công trình tưởng niệm, công trình mang chức năng tôn giáo, tín ngưỡng như: đình, đền, chùa, am, miếu đến nhà cổ… Bên cạnh đó, còn có sự hiện hữu của một tòa thành đồ sộ - thành Cổ Loa, địa danh được nhắc đến trong hầu hết các truyền thuyết.
Sinh viên tham quan Khu di tích Thành cổ Cổ Loa - Ảnh: Vũ Thị Nhung
Thành Cổ Loa không chỉ đồ sộ về quy mô mà còn độc đáo về kiểu thức với cấu trúc nhiều lớp thành uốn hình trôn ốc. Cổ Loa là địa điểm khảo cổ có giá trị nổi bật, đánh dấu các giai đoạn văn hóa của người Việt: văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn. Tại đây đã phát hiện được nhiều di vật như trống đồng, mũi tên đồng, khuôn đúc đồng, mũi giáo, lưỡi cày, rìu… Đây cũng là tòa thành cổ nhất, to lớn nhất của Việt Nam thời cổ đại. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể, Cổ Loa ngày nay còn bảo lưu nhiều giá trị văn hóa phi vật thể, trong đó nổi bật là lễ hội Cổ Loa. Đây là hội lớn nhất trong năm của huyện Đông Anh với sự tham gia của 8 xã, gồm: Cổ Loa, Văn Thượng, Ngoại Sát, Mạch Tràng, Đài Bi, Cầu Cả, Sằn Giã, Thư Cưu. Ngoài ra, tham gia lễ còn có làng Hà Vĩ, thường gọi là Quậy - một làng gốc ở Cổ Loa, xưa đã phải di dời đến vùng Hà Vĩ (cuối sông), nhường đất để Vua Thục xây thành, được các xã tôn làm anh Cả. Người dân Cổ Loa từ xưa có câu: “Chết thì bỏ con bỏ cháu/ Sống thì không bỏ mồng sáu tháng Giêng”, như một lời khẳng định cho sự tồn tại của tín ngưỡng thờ An Dương Vương. Đền thờ An Dương Vương, am Bà Chúa, đình Ngự Triều di quy, Giếng Ngọc đã minh chứng cho sự tưởng nhớ được sống bằng hơi thở, bằng tâm hồn của dân gian trong tâm thức người Việt.
“Bát xã Loa Thành” trở thành vùng trung tâm văn hóa dân gian vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi lưu giữ hệ thống giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của tín ngưỡng thờ cúng An Dương Vương một cách rõ nét. Ông không đơn thuần là vị anh hùng có công lập nước mà còn là một vị thần Thành hoàng che chở cho đời sống tâm linh của nhân dân, biểu tượng của sự cố kết cộng đồng, cộng cảm, cộng mệnh và được nhân dân kính trọng tôn thờ.
Sự xuất hiện của tín ngưỡng thờ An Dương Vương có từ bao giờ, diễn biến ra sao trong lịch sử thật khó để tìm được một đáp án đầy đủ và thấu đáo. Tuy nhiên những di tích phụng thờ, lễ hội tưởng niệm, truyền thuyết, ngọc phả, thần tích cũng một phần giúp chúng ta có cái nhìn tương đối về vấn đề này.
Trong cuốn Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam (2001), PGS, TS Ngô Đức Thịnh có viết sự thờ phụng An Dương Vương thuộc tín ngưỡng thờ thần: “Đạo thờ thần với việc thờ cúng các Vua, Chúa, các Anh hùng dân tộc, từ Hùng Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng… Đó vốn là các nhân vật lịch sử, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, khi mất đi trở thành thần thánh, được nhân dân lập miếu thờ” (7), một đạo mang sắc thái dân tộc. Thờ thần xuất phát từ niềm tin của con người về một thế giới siêu nhiên, một thế giới hư ảo luôn tồn tại song hành với con người. Họ quan niệm, chết không phải là hết, mà là sự chuyển hóa từ thế giới này sang một thế giới khác tốt đẹp hơn. Các vị thần linh luôn gắn kết với con người thông qua những nghi thức phụng thờ để rồi phù trợ, đáp ứng những mong mỏi của con người trong cuộc sống.
Nhân vật được phụng thờ vốn là các nhân vật gắn với lịch sử, có nhiều công lao đóng góp cho đất nước, sau khi mất trở thành các vị thần linh thiêng, được nhân dân lập đền, miếu phụng thờ. Việc thờ phụng An Dương Vương tại các địa danh thông qua di tích cổ cho thấy, ông đã được tưởng nhớ - tôn thờ từ ngay sau khi mất. Những truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy, Loa Thành, thần Kim Quy, nỏ thần được ghi chép từ rất sớm trong các bộ chính sử, thần tích và tác phẩm văn học dân gian.
Ngoài ra, còn có những câu chuyện dân gian được lưu truyền qua thời gian bằng những câu chuyện truyền miệng do nhân dân vùng Cổ Loa kể lại, nơi dựng lên ngôi đền An Dương Vương uy nghi và lễ hội Cổ Loa náo nhiệt được diễn ra vào mồng 6 tháng Giêng hằng năm. Chỉ tính riêng trên địa bàn Cổ Loa đã có 84 địa danh liên quan tới An Dương Vương xây thành Cổ Loa như: An Dương Vương chọn đất xây thành; An Dương Vương tiếp dân (gò Đống Dân); An Dương Vương dạo chơi (Ngũ Nguyệt Kiều, hồ Liên Trì)… và quan trọng nhất, truyền thuyết dân gian đã khẳng định một cách chắc chắn về dấu ấn vị Vua An Dương Vương trong lòng nhân dân Cổ Loa một cách đầy tự hào.
Ở một địa danh khác, Hòa An (Cao Bằng) có thể trả lời một câu hỏi lớn về gốc tích của Thục Phán An Dương Vương. Trở lại những câu chuyện truyền thuyết của người Tày Chẩu chủa chen vùa (Chín Chúa tranh vua) ở vùng Việt Bắc, được ông Lê Sơn viết thành trường ca, có trên một nghìn câu và được nhà nghiên cứu Lã Văn Lô dịch, giới thiệu trên Tạp chí Văn học (1969). Điều này đã đặt ra nghi vấn, phải chăng Vua Thục chính là ông vua có gốc tích miền núi phía Bắc. Khảo sát một lượt các biểu tượng trong truyền thuyết An Dương Vương, các nhà khoa học đã tìm ra nhiều nét tương đồng với văn hóa Tày cổ. Người Tày, Nùng có truyền thuyết áo lông chim, gợi nhắc đến câu chuyện áo lông ngỗng của công chúa Mỵ Châu. Áo lông ngỗng là phong tục đặc biệt của người Tày cổ, dùng áo lông ngỗng làm chăn, áo. Hay biểu tượng Rùa trong truyền thuyết An Dương Vương cũng có nguồn gốc vật tổ. Người Tày, Thái có tục thờ ông Rùa gắn với câu chuyện Rùa dạy con người làm nhà ở. Từ đó gợi nhắc đến câu chuyện thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành.
Địa danh tiếp theo chính là Phong Châu (Phú Thọ) và Ba Vì (Hà Nội) với những truyền thuyết về việc Vua Hùng nhường ngôi cho An Dương Vương với mong muốn thống nhất Lạc Việt và Âu Việt, thành lập nước Âu Lạc. Để tỏ lòng biết ơn và ghi nhớ, An Dương Vương đã lập cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh với lời thề tiếp bước các Vua Hùng. Truyền thuyết về An Dương Vương được khẳng định trong nhiều thần tích về Hùng Vương đặc biệt trong Ngọc phả đền Hùng với nội dung: “Thục Phán là một bộ chúa, một phụ đạo thuộc dòng dõi Vua Hùng”. Bên cạnh đó, câu chuyện về An Dương Vương còn gắn liền với truyền thuyết về cuộc giao chiến giữa Thục Phán và Sơn Tinh được lưu truyền trong dân gian vùng núi Ba Vì và lưu chép trong thần tích nhiều đình, đền thờ thánh Tản Viên.
Vẫn theo mạch dòng văn hóa, đền thờ An Dương Vương thuộc địa phận làng Bình Hòa, phường Quảng Châu, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa, gắn liền với câu chuyện bi thương của nhà vua trên đường trốn chạy sự truy sát của quân địch, ngài có đánh rơi một chiếc đai vàng ở cánh đồng ngay trước chỗ đền thờ ngày nay, làng Bình Hòa đã lập đền thờ An Dương Vương và công chúa Mỵ Châu.
Trong Hồ sơ địa chí xã Cổ Loa (1995), thuộc Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội có ghi chép: Diễn Châu (Nghệ An) là nơi “Vua cầm sừng văn tê dài bảy tấc nhảy xuống biển đi mất”. Trong suốt cuộc đời của vị vua huyền thoại, điểm kết thúc hay chính là điểm hóa thân của ông được dân gian lưu truyền là Diễn Châu - lúc bấy giờ cũng là điểm tận cùng của đất nước Âu Lạc. Đó có phải là một sự thật lịch sử hay là trí tưởng tượng được nảy sinh giải mã cho câu chuyện văn hóa nơi đây. Phải chăng việc chạy trốn cuộc truy đuổi của quân Triệu Đà là cuộc chạy trốn tới “sơn cùng, thủy tận” của nhà vua tới cuối cùng lãnh địa ông cai quản để thấm thía cho nỗi đau mất nước.
Có lẽ, niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương đã ăn sâu vào tâm khảm người Việt và được dân gian lưu truyền qua thời gian và không gian, được nuôi dưỡng nhờ truyền miệng và sức sáng tạo dồi dào của dân gian. Sự lan tỏa mạnh mẽ còn được hiển hiện qua những phong tục nghi lễ tại nhiều địa danh khác như: Hải Dương, Thái Bình, Bắc Ninh…
Có thể thấy, những câu chuyện về An Dương Vương đã thành một dòng chảy lịch sử, có sự hình thành tồn tại và phát triển, ở đó tích hợp, bồi đắp các lớp văn hóa của thời đại khác nhau nhưng bao trùm vẫn là âm vang về bản hùng ca dựng nước và giữ nước trong thời kỳ đầu của dân tộc.
Kết luận
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, các loại hình tín ngưỡng truyền thống đã chiếm một vị trí quan trọng, để lại dấu ấn không nhỏ trong đời sống xã hội và con người Việt Nam. Nó bảo lưu được các giá trị truyền thống của cha ông, gắn kết, củng cố tính cộng đồng và góp phần thỏa mãn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, nâng cao giá trị đạo đức, lối sống của con người. Trong các loại hình tín ngưỡng, thờ cúng anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước xuất hiện từ rất sớm, phản ánh quá trình dựng nước, giữ nước trong lịch sử, là truyền thống tốt đẹp được người dân gìn giữ cho đến ngày nay.
Tín ngưỡng thờ An Dương Vương là kết quả của sự bảo lưu mang tính bền vững của cộng đồng cư dân. Giá trị tốt đẹp được lưu truyền lan tỏa qua thời gian và không gian, để từ đó bày tỏ lòng biết ơn của hậu thế, vừa thành tâm mong muốn nhận được sự phù trợ của các ngài trong công cuộc bảo vệ đất nước. Thông qua tín ngưỡng này, hậu thế có thể hiểu rõ hơn về công lao to lớn của các vị anh hùng, đồng thời thế hệ sau còn ý thức hơn về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tiếp nối truyền thống tốt đẹp của dân tộc, học tập, rèn luyện để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
___________________
1. Ngô Sĩ Liên, Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa thông tin, 2009, tr.49.
2. Vũ Quỳnh, Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Nxb Văn học, 1990, tr.65-69.
3. Nguyễn Trãi, Ức Trai di tập Dư địa chí, Nxb Văn Sử học, 1960, tr.23.
4. Nguyễn Từ Chi, Vua Chủ, góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người, Nxb Văn hóa dân tộc, 1996, tr.662.
5. Tạ Chí Đại Tường, Thần người và đất Việt, Nxb Văn hóa thông tin, 2006, tr.13-14.
6. Trần Quốc Vượng, Hà Nội như tôi hiểu, Nxb Hà Nội, 2005, tr.35.
7. Ngô Đức Thịnh, Tín ngưỡng và văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2001, tr.32-33.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ sơ địa chí Cổ Loa, Ban quản lý di tích và danh thắng Hà Nội, 1995.
2. Nguyền Hoài Nam, Sự phụng thờAn Dương Vương ở huyện Đông Anh, Đại học Văn hóa Hà Nội, 2009.
3. Nguyễn Quang Ngọc, Vũ Văn Quân, Địa chí Cổ Loa, Nxb Hà Nội, 2007.
4. Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư địa chí, Nxb Văn hóa thông tin, 1959.
5. Lê Mạnh Thát, Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2006.
6. Lịch sử Việt Nam trọn bộ, quangduc.com, 2011.
7. Lang Linh, An Dương Vương trong dòng lịch sử tộc Việt, luocsutocviet.com, 29-12-2020.
Ths VŨ THỊ NHUNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022