Vẻ đẹp của chiếc áo dài
Trong dòng chảy văn hóa, phụ nữ Huế đã định hình được nét duyên của mình và làm đẹp thêm đất trời quê hương xứ sở.
Nét duyên của người phụ nữ Huế
Đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền câu: “Học trò xứ Quảng ra thi. Thấy cô gái Huế chân đi không đành”. Bởi thời nhà Nguyễn, xứ Huế, nhất là vùng Kim Long có nhiều người con gái đẹp.
Lớn lên trong các gia đình danh gia vọng tộc, con gái Kim Long có dáng người mảnh khảnh, mái tóc thề ôm trọn bờ vai, đôi mắt đen to tròn, ánh nhìn day dứt, lại phảng phất nét lạnh lùng. Chính vì vậy, các cô gái Kim Long được làm vợ vua rất nhiều. Chẳng hạn, Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Độ có nhiều cô con gái và cô nào cũng rất xinh đẹp. Trong đó, một cô gả cho vua Đồng Khánh, một cô gả cho vua Thành Thái. Bởi thế dân gian lan truyền câu ca: “Kim Long có gái mỹ miều/ Trẫm thương, trẫm nhớ, trẫm liều, trẫm đi”.
Không chỉ Kim Long mà hầu như địa phương nào ở Huế cũng xuất hiện nhiều cô gái xinh đẹp. Khi còn ở Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng yêu cô gái Ngô Vũ Bích Diễm. Cuộc tình này khiến ông viết nên ca khúc Diễm xưa. Nghe qua bài hát, hình ảnh một chàng trai đang mong chờ người tình đến da diết đã hiện hữu rõ ràng: “Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhỡ mai trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau”; “Mưa vẫn hay mưa cho đời biển động/ Làm sao em biết bia đá không đau/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sau này đã nhớ lại về mối tình này: “Từ ban công nhà tôi nhìn xuống, cái bóng dáng ấy đi đi về về mỗi ngày bốn bận… Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì… Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm”.
Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân, một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho hay: “Anh yêu Diễm mê mệt. Những ngày không thấy Diễm đi qua anh đau khổ vô cùng… Diễm biết Trịnh Công Sơn yêu mình và trái tim cô nhiều khi cũng rung động. Nhưng lúc ấy Diễm không thể vượt qua được sự nghiêm khắc của gia đình”.
Ngô Vũ Dao Ánh là em gái của Ngô Vũ Bích Diễm. Sau khi biết mối tình giữa chị mình với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không thành, cô viết thư an ủi và chia sẻ cùng ông. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết thư trả lời và mối “tình chị duyên em” nảy sinh từ đó. Trong thời gian yêu nhau, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư. Trong đó, có những lời lẽ da diết như: “Anh nhớ Ánh, nhớ Ánh, nhớ Ánh mà không nói được với ai. Như tiếng kêu của một loài kiến nhỏ… Rất mong thư Ánh mỗi ngày mỗi giờ mỗi tháng mỗi năm”. Ông cũng đã viết rất nhiều ca khúc tặng người tình như Mưa hồng, Còn tuổi nào cho em, Ru em từng ngón xuân nồng, Tuổi đá buồn…
Hiện nay, trong nhiều cuộc thi sắc đẹp trong nước, vẻ đẹp mỹ miều, thơ ngây của những cô gái Huế ít khi xuất hiện. Nhưng với làn sóng hội nhập văn hóa vùng miền, những cô gái Huế cũng đã bắt đầu bước vào vũ đài tôn vinh sắc đẹp và kết quả đã khiến cho cả nước kinh ngạc. Đó là vào năm 2010, khi mới 19 tuổi, cô gái xứ Huế Tôn Nữ Na Uy, cháu đời thứ 12, hệ nhất, dòng dõi Nguyễn Kim, sinh viên khoa Tài chính ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế Huế đã đi thi Hoa hậu Việt Nam và lọt ngay vào top 20. Dù không giành được vị trí cao nhất nhưng Tôn Nữ Na Uy đã làm cả nước biết đến vẻ đẹp của con gái Huế e ấp, dịu dàng.
Vào năm 2014, cô sinh viên khoa Du lịch – Đại học Huế Lê Thị Hà Thu đoạt giải Á hậu 1 Hoa hậu Đại dương Việt Nam. Năm 2015, cô đã lọt top 17 chung kết Hoa hậu Liên lục địa 2015 và chiến thắng giải phụ Thí sinh được yêu thích nhất. Năm 2017, cô lọt vào top 16 Hoa hậu Trái đất 2017 với chiến thắng ở các giải phụ như Hoa hậu Ảnh, Chiến binh Trái đất, Trang phục dạo biển đẹp nhất. Đặc biệt, người đẹp gốc Huế đứng thứ 57 trong danh sách 90 người đẹp năm 2017 do chuyên trang sắc đẹp Missosology bình chọn.
Du khách chụp ảnh áo dài bên cung Thành Huế
Phụ nữ Huế hiền ngoan và giỏi việc nhà
Là vùng đất Cố đô, phụ nữ Huế luôn trau dồi những truyền thống tốt đẹp. Chuẩn mực của người phụ nữ Huế thời xưa là là “tứ đức”, tức là gồm đủ “công - dung - ngôn - hạnh”. “Công” là tài năng nữ công gia chánh của người phụ nữ. “Dung” là vẻ đẹp đứng đắn, chuẩn mực. “Ngôn” là lời ăn tiếng nói lịch thiệp, ứng xử thông minh, khéo léo. “Hạnh” là cái nết đáng quý của người phụ nữ như sự hiếu thảo, đức tính thủy chung, lòng thương người.
Ở Huế có tấm gương của An Thường công chúa. An Thường công chúa là con Vua Minh Mạng với bà mỹ nhân Nguyễn Thị Sâm sinh hạ vào mùa hè năm 1817.
Năm An Thường công chúa lên chín tuổi, đúng dịp tiết Vạn Thọ thì thân mẫu bị bệnh, công chúa đành phải theo các hoàng nữ vào hầu cơm. Bấy giờ, có vị đại thần dâng tiến món đuôi dê và nầm dê (nầm dê là món nắm sữa của con dê cái), Vua Minh Mạng liền ban cho các hoàng nữ món này. Công chúa chỉ ngậm mà không nhai nuốt.
Vua Minh Mạng lấy làm lạ, liền hỏi nguyên do thì An Thường công chúa liền đứng dậy thưa: “Thân mẫu của thần đang bị bệnh, không được đội ơn đến dự mà thần thì trộm nghe món này rất bổ nên không nỡ ăn, muốn để phần cho thân mẫu”. Vua Minh Mạng khen, cho riêng một đĩa, sai công chúa mang về cho thân mẫu. Tả hữu đều cảm động và khen ngợi, có người chảy cả nước mắt.
Năm 1840, Vua Minh Mạng không được khỏe, An Thường công chúa đích thân sắc thuốc và nấu cháo để dâng tiến, sớm hôm hầu hạ không mỏi. Vua Minh Mạng mất, công chúa thương xót đến ngất đi. Khi đem vua Minh Mạng đi mai táng, công chúa theo hầu bàn thờ và sau lại chực hầu đền thờ ở lăng, trọn cả ba năm chưa từng cười đùa.
Sau vua Thiệu Trị đem An Thường công chúa gả cho Phan Văn Oánh là con trai thứ tư của Chưởng Nghĩa Hầu Phan Văn Thúy, người ở Thuận Xương, Quảng Trị. Từ ngày vu quy, công chúa chẳng hề tỏ vẻ là con vua, biết kính thờ mẹ chồng, lo việc dạy con và giữ đức khuê môn.
Vào năm 1917, Trường Đồng Khánh (nay là Trường THPT Hai Bà Trưng), ngôi trường nữ đầu tiên của 13 tỉnh Trung Kỳ được xây dựng tại Huế. Những tiểu thư khuê các từ các vùng Đập Đá, Nam Giao, Bến Ngự, Đông Ba, Vĩ Dạ, Kim Long… bước ra khỏi nơi “màn che trướng rủ” và trở thành những nữ sinh duyên dáng.
Trong chương trình học của trường nữ sinh Đồng Khánh có môn nữ công gia chánh do những giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy. Nữ công gia chánh là công việc của người phụ nữ trong gia đình. Công việc trong gia đình chủ yếu là: thêu thùa, may vá, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cách nuôi con, cách quản lý gia đình... Ngoài ra, nữ công gia chánh còn là nét văn hóa ứng xử, tác phong của phụ nữ Huế. Đó là “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Học ăn là học những phép lịch sự trong ăn uống. Học nói là học nói những điều hay, lẽ phải. Học gói là học cách tiết kiệm, giữ gìn, không lãng phí. Học mở là học tính rộng lượng, bao dung, sẵn sàng giúp đỡ người khác.
Phụ nữ Huế duyên dáng hơn với áo dài tím
Phụ nữ Huế thêm duyên dáng với chiếc áo dài tím
Trong bài hát Một thoáng quê hương, nhạc sĩ Thanh Tùng (1948 - 2016) khẳng định: “Đẹp biết bao quê hương cho ta chiếc áo nhiệm màu/ Dù ở đâu Paris, Luân Đôn hay những miền xa/ Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/ Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó em ơi”. Bởi thế, nhắc đến áo dài, người ta nghĩ ngay đến Việt Nam. Nhưng nhắc đến áo dài tím, người ta nghĩ ngay đến Huế.
Những chiếc áo dài tím nổi tiếng cả nước là do đây là đồng phục quy định cúa trường nữ sinh Đồng Khánh. Những chiếc áo dài của nữ sinh Đồng Khánh có cổ vuông ngắn, eo buông, tay dài, tà rộng che kín toàn thân. Màu sắc tím đồng phục của những cô nữ sinh Đồng Khánh lại càng làm cho các cô thêm duyên dáng và mặn mà. Trong bài thơ Vài nét Huế, nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) đã ca ngợi: “Ở đây áo tím riêng màu/ Bài thơ nón mỏng che đầu mỹ nhân”.
Họa sĩ Phạm Đăng Trí (1920-1987), giảng viên Trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, nhận định: “Đối với màu tím, phụ nữ Huế quan niệm đó là một sắc trang nhã. Trông không buồn mà chỉ như mỉm cười... Vì vậy, đàn bà con gái thường mặc màu tím… Và nữ sinh thường chọn màu này để làm đồng phục”.
Nhà văn, dịch giả Bửu Ý (sinh năm 1937) thì nói rõ hơn về nguồn gốc huyền thoại tà áo dài tím xứ Huế: “Nó nguyên lai là màu áo Chăm, rồi hóa thân thành màu chủ đạo trong hệ ngũ sắc dân gian Huế, trước khi cư ngụ vào tà áo nữ sinh, nó cũng là màu thâm sơn hay màu nước sâu sông Hương lúc mặt trời sắp lặn. Màu sắc rõ là huyền thoại!”.
Do đó, phụ nữ Huế thật đặc biệt. Mái tóc thề của tượng trưng cho sự thủy chung. Màu tím cũng thể hiện sự thủy chung. Bởi màu tím là màu cuối cùng và cũng là bước sóng mạnh nhất của cầu vồng (đỏ, cam, vàng, lục, lam, chàm, tím). Bởi vậy, trong trang phục áo dài tím, đức hạnh của phụ nữ Huế càng được tôn vinh thêm. Chiếc áo dài tím đã trở thành biểu tượng của cô gái xứ Huế, có phần nhỉnh hơn so với chiếc áo tứ thân và chiếc áo bà ba của những cô gái hai miền Bắc, Nam.
Màu tím hiện diện khắp nơi ở Huế. Màu tím của hoa bằng lăng và những giàn hoa giấy màu tím tại các tuyến đường, công viên của thành phố Huế khiến du khách cảm thấy dịu êm. Cầu Trường Tiền trong đêm cũng có màu sắc tím là gam màu ánh sáng chủ đạo... Tà áo dài tím do đó trở nên hòa hợp với không gian của Huế. Đúng như nhận xét nhạc sĩ Võ Tá Hân (sinh năm 1948) trong bài hát Rất Huế của ông: “Nét duyên là trời đất giao hòa”.
Áo dài tím do đó là trang phục yêu thích của các nữ hướng dẫn viên du lịch người Huế và nhiều du khách khi đến tham quan Huế. Hồ Mỹ Liên Hanh (sinh năm 1992), một nữ hướng dẫn viên du lịch người Huế, chia sẻ: “Nhiều du khách nhận xét nữ hướng dẫn viên Huế chỉ cần sắm bộ áo dài tím đi làm từ tour này đến tour khác... mà không cần phải suy nghĩ hôm nay mặc gì”.
Từ năm 2019, mô hình “Phụ nữ Huế đồng hành cùng sắc tím” do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Huế tổ chức đã được nhiều chị em phụ nữ địa phương hưởng ứng. “Có cơ hội mặc áo dài tím Huế, tôi rất hãnh diện và tự hào. Khi khoác lên mình áo dài tím Huế là một lần nhắc bản thân tôi phải rèn bản thân để giữ hình ảnh đẹp người phụ nữ Huế trong mắt mọi người”, chị Nguyễn Thị Anh Thư, hội viên phụ nữ phường Thủy Xuân, chia sẻ. Chị Trần Thị Kim Loan, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thừa Thiên Huế đánh giá cao mô hình này và mong rằng nó sẽ lan tỏa rộng rãi đến toàn bộ chị em phụ nữ trong toàn tỉnh. Bên cạnh đó, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” cũng đang được chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng với nhiều hoạt động rộng khắp và phong phú.
Trình diễn áo dài tại hoàng cung Huế
NGUYỄN TOÀN
Nguồn: Tạp chí VHNT số 585, tháng 10-2024