Ngôi làng “nơi đầu sóng gió” 60 năm đồng hành cùng đất nước

Trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 420 năm hình thành tỉnh Quảng Bình, 75 năm Quảng Bình quật khởi và 35 năm tái lập tỉnh, có một nội dung được giới truyền thông và đông đảo nhân dân rất quan tâm. Đó là việc tổ chức Đêm nhạc kỷ niệm 60 năm ra đời ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân. Đây là một sự kiện có ý nghĩa to lớn, đáp ứng tình cảm yêu mến, tri ân nhạc sĩ Hoàng Vân của Đảng, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Bình nói chung, ngôi làng “nơi đầu sóng gió” nói riêng.

Xã Cảnh Dương sau ngày đất nước thống nhất - Ảnh T.L

 

Sau ngày 5/8/1964, cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc nước ta của đế quốc Mỹ ngày càng gia tăng cả về cục diện lẫn mức độ. Trong một lần đi thực tế vùng tuyến lửa, chứng kiến không khí khẩn trương, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ và xây dựng quê hương của quân dân Quảng Bình, nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác ca khúc để đời Quảng Bình quê ta ơi. Có lẽ trong chúng ta, không ai là không biết đến cụm ca từ đầu tiên, ông đã đưa vào ca khúc: “Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta nhiều ngói mới… Nếu ai hỏi vì sao, quê hương chúng ta đồng lúa tốt…”. Rõ ràng, để ấp ủ khúc thức cho giai điệu và ca từ của bài hát này, ông đã hóa thân thành người con của quê hương Quảng Bình và tìm hiểu khá kỹ lưỡng những tên đất, tên làng cần nói tới. Nhạc sĩ đã dành khá nhiều thời gian, về những địa danh có nhiều thành tích trong kháng chiến chống Pháp và xây dựng Hợp tác xã để tìm hiểu chi tiết. Trong quá trình đó, để hoàn thành lời 3 của ca khúc, ông đã về huyện Quảng Trạch. Sau khi được Thường trực Huyện ủy giới thiệu về xã Cảnh Dương, một xã vùng biển, có truyền thống đánh giặc giữ làng và nhiều thành tích trong kháng chiến, ông đã quan sát quanh làng, gặp gỡ nhiều đội viên du kích và các mẹ chiến sĩ. Chiều cùng ngày, nhạc sĩ trở về Đồng Hới và ca từ “Có ai về Cảnh Dương, quê tôi đứng nơi đầu sóng gió, truyền thống đánh giặc giữ làng mãi mãi còn đây”, lập tức được ông đưa lên khuông nhạc đã ký âm.

Chiến tranh leo thang của đế quốc Mỹ ngày càng khốc liệt, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền xã, người dân Cảnh Dương bắt tay vào cuộc chiến đấu mới. Hàng ngàn trai gái Cảnh Dương lên đường nhập ngũ vào các lực lượng quân đội, hỏa tuyến, thanh niên xung phong, ba sẵn sàng… Cảnh Dương cũng đã làm được cái việc không dễ dàng, đưa gần trăm hộ đi xây dựng vùng kinh tế mới theo Nghị quyết của BCH Đảng bộ huyện, nay là thôn 19 tháng 5 thuộc xã Quảng Đông.

Thực hiện nhiệm vụ thời chiến, xã chuyển toàn bộ cơ sở sản xuất và xã viên; trường học và giáo viên, học sinh đi sơ tán để đảm bảo an toàn lực lượng. Vừa sản xuất vừa chiến đấu, xã củng cố lại HTX ngư nghiệp để ổn định sản xuất, thành lập 2 trung đội dân quân thường trực, sẵn sàng chiến đấu với máy bay, tàu chiến Mỹ. Đơn vị đã bắn rơi 2 máy bay địch, trong đó có một chiếc F.4H, do Tiểu đội 12,7 ly, dân quân gái Cảnh Dương bắn rơi đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/1968, được Bác Hồ gửi thư khen; nữ dân quân Trương Thị Gấm được ra Hà Nội, báo công với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Dân quân xã còn phối hợp các đơn vị, bắn rơi 2 máy bay, bắn chìm 2 tàu chiến của chúng. Từ chỗ thuần tuý một làng biển, Cảnh Dương trở thành một mục tiêu quân sự, bao nhiêu bom đạn còn lại trên máy bay, tàu chiến, chúng đều trút xuống Cảnh Dương. Đến năm 1973, cả xã Cảnh Dương không còn ngôi nhà nào nguyên vẹn.

Quân dân Cảnh Dương đã dũng cảm đi đầu trong các chiến dịch, như tổ chức đoàn VT5, gồm 72 cảm tử và 12 con thuyền chở vũ khí vào Nam tháng 1/1968; tham gia chiến dịch Vận tải Hồng Kỳ - Đảo La năm 1972 kéo dài gần 8 tháng. Với vai trò là chỗ dựa tin cậy của tỉnh, Cảnh Dương xem công tác này là nhiệm vụ chính trị hàng đầu và đã hoàn thành một cách xuất sắc. Ngoài ra, trên mặt trận đảm bảo giao thông, từ bến phà Roòn và các cầu trên Quốc lộ 1A, như cầu Càng, cầu Hồ, cầu Tú Loan… mỗi lần cầu đường bị chúng oanh tạc,  người dân Cảnh Dương cùng các làng xã lân cận, không tiếc gì nhà cửa, tất cả vì miền Nam thân yêu, vì Trị Thiên ruột thịt, không thể để tắc đường, làm chậm trễ những chuyến hàng ra tiền tuyến. Sau chiến tranh, Cảnh Dương chịu tổn thẩt nặng nề nhưng cũng là nơi có quyết tâm cao nhất, hàn gắn vết thương chiến tranh sớm nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Đường về xã Cảnh Dương hôm nay - Ảnh tác giả

 

Giờ đây, người dân Cảnh Dương chuyển đổi nhanh trong cơ chế mới, tiếp thu nhanh khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ý chí không chấp nhận đói nghèo, lạc hậu, vươn lên làm giàu chính đáng. Tinh thần đó đã giúp Cảnh Dương thích ứng nhanh trong thời kỳ mới. Từ chỗ là “Làng chiến đấu kiểu mẫu” trong kháng chiến chống Pháp, ngày 2/9/1976, xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1998, Cảnh Dương trở thành Làng Văn hóa cấp tỉnh. Năm 2014, được công nhận xã đạt chuẩn Nông thôn mới. Năm 2018, xã được UBND tỉnh chọn triển khai Dự án Làng Văn hóa Du lịch Cảnh Dương. Năm 2020, Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 27 ra Nghị quyết, xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.

Có thể nói,  suốt 60 năm qua, chính ngôi làng “nơi đầu sóng gió”, theo cách nói của nhạc sĩ Hoàng Vân đã đồng hành một cách đầy trách nhiệm cùng đất nước, trong mọi thời kỳ của cách mạng. Trong những ngày này, ta mới thấy hết ý nghĩa của ca khúc; đặc biệt, có một chi tiết rất quan trọng. Cụm ca từ “Quảng Bình quê ta ơi, muôn người như một gửi về Trị Thiên tấm lòng sắt son, hẹn ngày chiến thắng ta sẽ về trong một nhà”, được tác giả cho điệp khúc trong cả ba lời I, II và III. Chính điều này đã làm tăng thêm sức mạnh tinh thần, tạo cho quân dân Quảng Bình nói chung, Quảng Trạch và Cảnh Dương nói riêng, vừa có niềm tin vào ngày toàn thắng, vừa có quyết tâm to lớn để đương đầu với gian khổ, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Có một chi tiết làm ta thêm xúc động, sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp - người con ưu tú của quê hương Quảng Bình rất yêu ca khúc Quảng Bình quê ta ơi. Đặc biệt, trong 1.559 ngày điều trị tại Bệnh viện Quân y 108, Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất muốn được nghe ca khúc này. Và mỗi lần nghe Quảng Bình quê ta ơi là mỗi lần khoé mắt Đại tướng lại rưng rưng lệ…

Kỷ niệm 60 năm ca khúc Quảng Bình quê ta ơi của nhạc sĩ Hoàng Vân. 60 năm qua, bài hát đã trở thành niềm tự hào cho mỗi người con Quảng Bình, cũng như người con Quảng Trạch, Cảnh Dương. Một điều rất hiển nhiên, dù sống nơi đâu, trong nước hay ở nước ngoài, khi được nghe qua làn sóng, qua truyền hình, hoặc tự ta cất lên lời hát ấy…, trong tâm khảm mỗi người đều rộn lên những cảm xúc đặc biệt. Lẽ thường, năm tháng có thể khoác lên vạn vật chiếc áo thời gian, song với Quảng Bình quê ta ơi, ta có thể coi đó là một bài ca không có tuổi, bởi tất cả ca từ, giai điệu vẫn trẻ trung giữa lòng Quảng Bình yêu thương. Đặc biệt, các thế hệ tiêu biểu của mọi thời kỳ, những chiến sĩ canh biển, giữ trời, những bàn tay phơi muối, đẵn gỗ… và mỗi tên đất, tên làng được nhắc đến trong bài hát ấy, vẫn không ngừng phát huy truyền thống trong các cuộc kháng chiến, làm cho huyện nhà, tỉnh nhà ngày càng cất cánh trên hành trình phát triển quê hương giàu đẹp, văn minh

 

NGUYỄN TIẾN NÊN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 582, tháng 9-2024

;