Ngày 29-8, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã đến tham dự Hội nghị.
Các đại biểu tham dự Hội nghị
Những thay đổi, phát triển mạnh mẽ của văn học, nghệ thuật Thủ đô
Theo báo cáo của Thành ủy, sau 15 năm, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, nhất là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong việc quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11-2021; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII vào cuộc sống, đã thúc đẩy nền văn học nghệ thuật Thủ đô vươn lên, thực sự có những bước chuyển mình quan trọng.
Khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch nguồn là “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc” với sự đan xen, hòa quện giữa kế thừa truyền thống và sự thích ứng linh hoạt với yếu tố đương đại. Đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô đã khắc phục khó khăn, tâm huyết với nghề, sáng tạo được các tác phẩm có giá trị cả về tư tưởng và nghệ thuật. Các hoạt động văn học nghệ thuật có sự đổi mới trong tổ chức và dàn dựng, chất lượng nghệ thuật được nâng lên đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của người dân Thủ đô. Các phong trào nghệ thuật quần chúng có bước phát triển sâu rộng, chất lượng nghệ thuật nâng lên, thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ, tầng lớp Nhân dân tham gia sáng tác, góp phần định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống, phục vụ các mục tiêu chính trị - xã hội của Thủ đô. Mặt khác, thông qua các hoạt động văn học, nghệ thuật, các nghệ sĩ đã thể hiện được tài năng và nâng cao nhận thức chính trị, năng lực sáng tạo, trách nhiệm công dân của họ đối với những vấn đề của đời sống xã hội. Nhiều văn nghệ sĩ được vinh danh với những giải thưởng cao quý của Trung ương và Thành phố.
Công tác bảo tồn và phát huy di sản văn học nghệ thuật được quan tâm đầu tư. Việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, quy hoạch không gian văn hóa nghệ thuật sáng tạo, khai thác hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa từ thành phố tới cơ sở được triển khai tích cực, từng bước hoàn thiện phù hợp với tổng thể quy hoạch đô thị Hà Nội. Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật được đẩy mạnh. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Chất lượng đào tạo đội ngũ làm công tác văn hóa văn nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành văn hóa nghệ thuật được nâng lên. Công tác triển khai tuyên truyền theo hướng “phủ xanh” thông tin tích cực, cũng như đấu tranh chống quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong tình hình hiện nay, nhất là trên không gian mạng được thể hiện rõ ràng, được gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó lấy “xây” làm cơ bản. Hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa nghệ thuật giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế có nhiều khởi sắc, tạo dấu ấn quan trọng.
Toàn cảnh Hội nghị
Điểm nổi bật tạo nên sự đột phá, bước tiến mới quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật của Thủ đô trong thời gian qua và những năm tiếp theo, đó chính là cùng với việc xác định một Chương trình công tác lớn riêng về phát triển văn hóa, Thành ủy Hà Nội với tầm nhìn rộng mở và quyết tâm chính trị cao đã lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô với định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cùng với việc định vị thương hiệu mới cho Thành phố khi Hà Nội chính thức gia nhập mạng lưới các “Thành phố sáng tạo” của UNESCO trên lĩnh vực “thiết kế sáng tạo” với nền tảng là văn hóa, trong đó các lĩnh vực sáng tạo văn học nghệ thuật đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Có thể khẳng định, công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phố biến Nghị quyết số 23-NQ/TW đóng vai trò tích cực, có nhiều đổi mới, sáng tạo. Đặc biệt, năng lực của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn học, nghệ thuật trên địa bàn thành phố có bước chuyển mạnh lên một tầm cao mới, với sự đổi mới cả về tư duy, nhận thức và hành động theo hướng tích cực và thiết thực bảo tồn và phát huy bản sắc văn hiến Thăng Long – Hà Nội, hướng tới các giá trị nhân văn cao cả, đích thực trong sáng tạo, xây dựng Thủ đô ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo phát triển toàn diện, nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, Thành ủy cũng chỉ ra những tồn tại cần khắc phục như: Việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai Nghị quyết tại một số địa phương, đơn vị còn mang tính thụ động, hình thức, chưa đi vào chiều sâu. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật còn nhiều bất cập. Hạ tầng cơ sở, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển văn học – nghệ thuật trong tình hình mới. Chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa có sở trường trên lĩnh vực văn học nghệ thuật còn thiếu và yếu. Văn hóa đọc chưa đi vào thực chất, chưa thực sự khuyến khích người đọc. Đầu tư cho văn hóa nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô là Trung tâm văn hóa lớn của cả nước…
Tại hội nghị, đại diện các đơn vị đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về: giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật của Thủ đô Hà Nội; phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở; bảo tồn tranh dân gian Hàng Trống: sợi dây kết nối nghệ thuật truyền thống và đương đại; kinh nghiệm phát triển các câu lạc bộ văn học nghệ thuật quần chúng; ứng dụng công nghệ và nghệ thuật phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; giải pháp huy động các nguồn lực trong tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế…
NSND Quốc Chiêm phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tham luận về Vai trò của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội trong nhận diện, định hướng các khuynh hướng vận động và phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu hiện nay, Nghệ sĩ nhân dân Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội nhận định, thực trạng văn học, nghệ thuật khá sôi động, phong phú và đa dạng, nhưng lại khá ngổn ngang, bề bộn và phức tạp, trong đó cả các yếu tố tích cực lẫn tiêu cực, tốt và xấu. Dường như đời sống văn học, nghệ thuật đang thiếu một trật tự, một cây đũa chỉ huy có hiệu lực và quyền uy.
NSND Quốc Chiêm cũng chỉ ra khuynh hướng chính trong sáng tạo văn học, nghệ thuật trên địa bàn Thủ đô vẫn xuyên suốt theo dòng mạch “Chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó với dân tộc”, thể hiện qua các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, sự phát triển của Thành phố và con người người của mảnh đất hơn một nghìn năm văn hiến được thể hiện qua các loại hình Văn học, Sân khấu, Âm nhạc, Văn nghệ Dân gian, Nhiếp ảnh, Điện ảnh, Hội họa... Sự xuất hiện và phát triển của lực lượng sáng tác trẻ với những dấu hiệu, đặc điểm mới trên hầu hết các loại hình nghệ thuật đem đến một sinh khí mới, triển vọng phát triển mới trong văn học, nghệ thuật thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đáng chú ý nhất hiện nay chính là xu hướng thị trường với những tác động ngày càng sâu sắc đến đời sống văn học, nghệ thuật. Mặt tích cực của nó là tạo ra nhiều nguồn lực và động lực mới cho văn học, nghệ thuật phát triển mạnh mẽ hơn, khẳng định giá trị to lớn hơn, thúc đẩy và tạo điều kiện cho quá trình xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, NSND Quốc Chiêm cũng chỉ ra những hạn chế trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô. “Tuy số lượng tác phẩm ngày càng tăng, nhưng chưa có nhiều tác phẩm dám đi thẳng vào hiện thực, còn thiếu vắng các tác phẩm có sức lan tỏa trong xã hội, tác động mạnh tới suy nghĩ, nhận thức của công chúng. Chưa có nhiều nhiều tác phẩm mang tính cách tân, sáng tạo và thể hiện khuynh hướng sáng tác mới; khai thác thái quá khía cạnh giải trí, bạo lực, kinh dị…, hạ thấp tính giáo dục, xa rời bản sắc dân tộc. Hoạt động nghiên cứu, phê bình, lý luận văn học, nghệ thuật chưa làm tốt nhiệm vụ giáo dục thẩm mỹ, định hướng thị hiếu công chúng; chưa đủ sức cổ vũ các sáng tạo có giá trị, né tránh phê phán các biểu hiện sai trái, lệch lạc, thẩm định tác phẩm còn thiếu chính xác”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám phát biểu tham luận tại Hội nghị
Tham luận về vai trò của cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), trên địa bàn huyện Đông Anh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám chia sẻ, hoạt động sáng tác được đẩy mạnh với nhiều hoạt động phong phú như: tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác, trại sáng tác, cuộc thi, triển lãm, các đợt phát động sáng tác theo chủ đề… Qua thực hiện Nghị quyết đã có hàng ngàn tác phẩm VHNT được sáng tác mới; đáng chú ý là các đợt sáng tác phục vụ các sự kiện chính trị lớn như: sáng tác về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; chào mừng Đại hội Đảng các cấp; tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam; việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch huyện Đông Anh, khát vọng vươn lên của Đông Anh... ở tất cả các thể loại Văn học, Sân khấu, Mỹ thuật, Âm nhạc, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian. 15 năm qua đã có trên 40 lượt tác giả, tác phẩm được nhận đầu tư với chất lượng ngày càng cao, tạo nên những thay đổi mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, các Cuộc thi về VHNT được tổ chức thường xuyên như tổ chức cuộc thi Thơ, câu đối Tết, cuộc thi ảnh và triển lãm ảnh nghệ thuật, sáng tác các bài hát về Đông Anh… đã khuyến khích lực lượng văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị về quê hương, con người Đông Anh từ đó Huyện đã trao giải và chọn cử nhiều tác giả, tác phẩm tham dự thi cấp thành phố và nhận được nhiều giải thưởng cao. Ngoài phong trào sáng tác của lực lượng hội viên, thông qua hội VHNT, Huyện tiếp tục chỉ đạo và hỗ trợ các ban, ngành, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh phong trào sáng tác quần chúng thu hút ngày càng đông đảo các lực lượng tham gia, tạo không khí sinh hoạt VHNT lành mạnh, sâu rộng trong nhân dân.
Phó Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Anh Tuấn trình bày tham luận tại Hội nghị
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Bí thư Quận ủy Tây Hồ chia sẻ về các phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở trên địa bàn quận Tây Hồ. Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn quận Tây Hồ về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của văn học nghệ thuật nói chung, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng nói riêng được nâng lên. Các hoạt động phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của địa phương, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân. Một số chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật lớn tạo được ấn tượng tốt trong nhân dân như: Chương trình Nghệ thuật “Những cánh hóa bay”, “Có những con đường”, “Xông trầm khỏi tỏa, Đồng Cổ đền thiêng”, Tây Hồ vang vọng hào khí Việt Nam… Công tác xã hội hóa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh, ngày càng có nhiều tổ chức xã hội và cá nhân tham gia xây dựng và phát triển các hoạt động, phong trào nghệ thuật quần chúng trên địa bàn quận.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Bí thư Quận ủy Tây Hồ cũng chỉ ra một số khó khăn trong hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng tại cơ sở như: nguồn kinh phí eo hẹp; hoạt động văn nghệ quần chúng tại một số địa bàn dân cư còn kém chất lượng, chưa thu hút sự quan tâm của nhân dân; thiếu các hạt nhân văn hóa, văn nghệ; cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu về chuyên môn...
Các đại biểu tham quan triển lãm “Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố”
Tiếp tục thúc đẩy, khẳng định vai trò của nền văn học nghệ thuật Thủ đô
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong ghi nhận nỗ lực, kết quả, thành tích của toàn Thành phố trong phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Thủ đô; biểu dương những tập thể, cá nhân đã đóng góp tích cực trong thành tích chung của Thành phố. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, thành công lớn nhất, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị là sự chuyển biến nhận thức đối với lĩnh vực văn hóa, phát triển con người, trong đó có văn học, nghệ thuật. Các cấp, ngành, địa phương ngày càng nhận thức rõ hơn vai trò của văn hóa trong việc phát triển bền vững, hội nhập và phát triển, nhận thức sâu sắc hơn phát triển văn hóa đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.
“Đặc biệt trong 15 năm vừa qua, chúng ta đã chứng kiến đây là một giai đoạn kinh tế - xã hội của cả đất nước và Thủ đô phát triển rất mạnh mẽ… Do kinh tế - xã hội phát triển, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, do đó việc hội nhập văn hóa để tiếp cận, tiếp thu những văn minh của nhân loại, làm giàu thêm tri thức, vốn văn hóa truyền thống của chúng ta đã được thể hiện rất sinh động trên địa bàn Thủ đô. Và chính vì lẽ đó, năm 2019, chúng ta đã tham gia vào mạng lưới Các Thành phố sáng tạo của UNESCO để khẳng định rằng Thủ đô Hà Nội luôn đồng hành, tiệm cận và song hành với những xu hướng phát triển chung của thế giới, đặc biệt là về vấn đề văn hóa. Trong 15 năm qua, chúng ta chứng kiến sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, nó tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật… với cả mặt tốt và những hạn chế, tác động đến đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là với giới trẻ. Đặc biệt là tác động đến nhu cầu hưởng thụ văn hóa nhất là của giới trẻ đã có những thay đổi rất lớn” – Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu kết luận Hội nghị
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW, xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật Thủ đô nói riêng và văn hóa Thủ đô nói chung trở thành trung tâm, đầu tàu của khu vực đồng bằng sông Hồng, cả nước và hội nhập quốc tế, Phó Bí thư Thành ủy đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể như: củng cố sâu sắc hơn nữa nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về vấn đề phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung để phù hợp với xu thế phát triển hiện nay, phù hợp với quan điểm của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng như các Nghị quyết, Chuyên đề của Thành ủy Hà Nội.
Phó Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, hội nghề nghiệp và văn nghệ sĩ Thủ đô nêu cao trách nhiệm, lòng tự hào và khát vọng xây dựng Thủ đô, sáng tạo và phát triển tác phẩm văn học, nghệ thuật làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Đồng thời, góp phần xây dựng Thủ đô trở thành trung tâm giao lưu, hội nhập quốc tế về văn hóa.
Cùng với đó, các cấp, ngành, cơ quan văn hóa tham mưu cơ chế, chính sách nguồn lực, đầu tư tài chính, để hỗ trợ phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật Hà Nội, trong đó có lĩnh vực mới như là công nghiệp văn hóa, thành lập quỹ hỗ trợ từ nguồn ngân sách hoặc xã hội hóa để tạo điều kiện, đầu tư cho văn nghệ sĩ, nghệ nhân sáng tạo, công bố tác phẩm. Thu hút nguồn lực để thực hiện chương trình, sự kiện văn hóa, văn học, nghệ thuật thường niên mang tính chất quốc gia, tiến tới khu vực và quốc tế tại Hà Nội. Tăng cường công tác giám sát, đánh giá, thi đua, khen thưởng thiết thực đối với việc thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển văn học, nghệ thuật trong thời gian tới…
Thành ủy Hà Nội khen thưởng các tập thể, cá nhân trên địa bàn Thành phố đã có thành tích cao trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X)
Nhân dịp này, Thành uỷ Hà Nội đã trao khen thưởng cho 10 tập thể và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc; UBND Thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 26 tập thể và 21 cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã dự và cắt băng khai mạc triển lãm “Thành tựu văn học nghệ thuật Hà Nội sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16-6-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) trên địa bàn Thành phố”.
THANH DANH - Ảnh: THÚY NGA