“Triển khai Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành VHTTDL đến năm 2030”

Sáng ngày 29-8-2023, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan, tổ chức Hội nghị - Hội thảo khoa học “Triển khai Kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đến năm 2030” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng chủ trì Hội nghị - Hội thảo khoa học

Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới, là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, đạt bứt phá về năng xuất, chất lượng, là nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hoạt động KHCN&ĐMST thực sự trở thành động lực, góp phần quan trọng trong việc phát triển toàn diện ngành VHTTDL gắn với nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện phát huy sự sáng tạo, nâng cao năng suất lao động dựa vào hoạt động ứng dụng công nghệ; nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ văn hóa, thể thao và du lịch; gia tăng số lượng, chất lượng và hiệu quả khai thác tài sản trí tuệ; gắn nghiên cứu, ứng dụng và phát triển KHCN&ĐMST với đào tạo phát triển nguồn nhân lực nhằm phục vụ các mục tiêu chung của Chiến lược quốc gia về phát triển KHCN&ĐMST đến năm 2030 và các chiến lược, kế hoạch phát triển của ngành VHTTDL.

Hội nghị - Hội thảo với 23 tham luận tập trung trao đổi một số nội dung chính sau: Quán triệt, thống nhất quan điểm phát triển KHCN&ĐMST ngành VHTTDL đến năm 2030 gắn với nhiệm vụ trọng tâm của ngành VHTTDL; Hoạt động nghiên cứu khoa học trong việc xây dựng cơ chế chính sách và giải quyết các vấn đề phức tạp của nhiệm vụ quản lý nhà nước và phát triển sự nghiệp ngành, lĩnh vực của Bộ. Dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương và Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thế Hùng, Hội thảo đã lắng nghe các đại biểu trình bày tham luận và cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến.

Bà Phan Thái Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch số, du lịch thông minh

Bà Phan Thái Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) chia sẻ về việc ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch số, du lịch thông minh. Phát triển du lịch số, du lịch thông minh góp phần thúc đẩy chuyển đổi số của ngành VHTTDL, đóng góp vào tiến trình xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Xây dựng và phát triển các nền tảng số cùng với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch và nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch Việt Nam; tạo môi trường kết nối liên thông hệ thống thông tin quản lý du lịch từ Trung ương đến cơ sở. Xây dựng các sản phẩm ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 góp phần nâng cao trải nghiệm của khách du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch.

Phát triển du lịch số, du lịch thông minh đòi hỏi hình thành môi trường số kết nối các chủ thể liên quan một cách đồng bộ, toàn diện. Đồng thời, tính toán đến các giải pháp bảo đảm định hướng phát triển bền vững, hài hòa giữa lợi ích kinh tế, văn hóa và bảo vệ môi trường. Cần tập trung vào các nhóm giải pháp về công nghệ như: Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch; Ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 vào phát triển sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch. Áp dụng công nghệ mới hỗ trợ quản lý vận hành hoạt động quản lý, kinh doanh du lịch; Đẩy mạnh phát triển nền tảng số phục vụ giao dịch, thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch…

TS Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra một số định hướng xây dựng và áp dụng thực hiện tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh du lịch

TS Đỗ Thị Thanh Hoa - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đưa ra một số định hướng xây dựng và áp dụng thực hiện tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch: Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; Mở rộng quy mô, mạng lưới hệ thống tư vấn và xây dựng tiêu chuẩn quốc gia trong ngành du lịch; Tăng cường truyền thông, phổ biến và áp dụng tiêu chuẩn quốc gia đối với các doanh nghiệp du lịch và toàn xã hội; Nâng cao nhận thức của xã hội đối với các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch để người tiêu dùng - khách du lịch lựa chọn đúng đắn đối với các dịch vụ du lịch đạt chất lượng, từ đó nhu cầu đối với áp dụng tiêu chuẩn quốc gia của doanh nghiệp du lịch sẽ tăng lên; Đề xuất bố trí nguồn lực hỗ trợ công tác tuyên truyền, phổ biến các tiêu chuẩn quốc gia trong ngành Du lịch; Công bố rộng rãi các tiêu chuẩn quốc gia trong lĩnh vực du lịch, đưa các thông tin về tiêu chuẩn vào trong các chương trình quảng bá du lịch Việt Nam; Cần có cơ chế khuyến khích hoặc vinh danh để khuyến khích doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn; Đề xuất Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch hỗ trợ hoạt động áp dụng các tiêu chuẩn mới trong hai năm đầu tiên sau công bố để khuyến khích các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Du lịch áp dụng; Đề xuất Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức trao giải thưởng hằng năm, vinh danh các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành Du lịch đã áp dụng tiêu chuẩn.

PGS, TS Bùi Ngọc - Trưởng phòng Đào tạo và quản lý khoa học (Viện Khoa học Thể dục thể thao) với tham luận Ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong lĩnh vực khoa học thể dục thể thao

PGS, TS Bùi Ngọc - Trưởng phòng Đào tạo và quản lý khoa học (Viện Khoa học Thể dục thể thao) đưa ra các dẫn chứng cụ thể về ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong lĩnh vực khoa học thể dục thể thao.

Trong lĩnh vực Thể dục Thể thao, dữ liệu lớn đã được chứng mình là một nguồn tài nguyên lớn đem lại lợi thế cho các vận động viên và huấn luyện viên trong xác định thông tin và đưa ra những kết luận chuẩn xác để tối ưu hóa việc luyện tập và chiến thuật hợp lý. Thông qua việc sử dụng các công cụ phân tích dữ liệu lớn và thiết lập hệ thống hỗ trợ ra quyết định toàn diện, kết nối liền mạch và phối hợp tối ưu hóa đạt được trong quá trình ra quyết định và quản lý. Khi công nghệ tiếp tục thay đổi và phạm vi ứng dụng tiếp tục mở rộng, triển vọng ứng dụng của dữ liệu lớn trong ngành thể thao sẽ rộng lớn và tươi sáng hơn.

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phát biểu tham luận tại Hội nghị

PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam là đơn vị đi đầu của cả nước về công tác ứng dụng công nghệ số trong xây dựng ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 1998 đến nay, Viện đã lưu trữ hàng trăm nghìn tài liệu ảnh, phim, báo cáo nghiên cứu sưu tầm di sản văn hóa phi vật thể của 54 dân tộc ở Việt Nam. Gần đây Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã hợp tác với Trung tâm di sản văn hóa phi vật thể châu Á - Thái Bình Dương (ICHCAP) chia sẻ, quảng bá dữ liệu di sản văn hóa phi vật thể đến công chúng quốc tế. Viện đã và đang xây dựng hoàn thiện hệ thống Trang thông tin điện tử, phần mềm quản lý dữ liệu khoa học, đào tạo để phục vụ công tác quản lý và nghiên cứu, đào tạo của Viện đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Trong những năm gần đây, Viện đã đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo. Chủ động đổi mới xây dựng trở thành một địa chỉ kết nối với mạng lưới không gian sáng tạo văn hóa của Hà Nội và cả nước.

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã nêu những nét nổi bật về ứng dụng công nghệ trong hoạt động bảo tàng hiện nay. Đồng thời, chia sẻ thực trạng ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia như xây dựng bảo tàng ảo 3D, clip giới thiệu trưng bày chuyên đề, hệ thống thuyết minh tự động (audio guide), tour tham quan trực tuyến (online tour) hay chương trình “Giờ học Lịch sử online”. Việc ứng dụng công nghệ số tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã cung cấp cho công chúng/khách tham quan phương thức tiếp cận mới, thuận lợi, đa dạng, phù hợp với kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, góp phần từng bước hiện đại hóa các hoạt động bảo tàng. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia nói riêng và tại các bảo tàng, di tích trong cả nước nói chung đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Những khó khăn, thách thức là công nghệ số ngày càng phát triển, trong khi nền tảng lưu trữ cơ sở dữ liệu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật (mạng Internet), kinh phí đầu tư, chuẩn bị nội dung, tài liệu hóa, nguồn nhân lực xây dựng và vận hành… ở bảo tàng còn hạn chế. Đặc biệt, với sự phát triển càng mạnh thì công nghệ càng nhanh bị lạc hậu, việc cập nhật ứng dụng công nghệ hiện đại cần đầu tư rất nhiều công sức, trí tuệ và kinh phí lớn. Vì vậy, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cũng cần được tính toán kỹ lưỡng từ khâu lựa chọn hiện vật, (hiện vật cấp thiết, có giá trị cao); lựa chọn, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ phù hợp.

Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương kết luận và chỉ đạo các đơn vị công việc sắp tới

Kết thúc Hội nghị - Hội thảo, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đưa ra kết luận và chỉ đạo các đơn vị. Hoạt động KHCN&ĐMST có mỗi quan hệ cơ hữu với nhau. Các cơ quan đơn vị cần nghiên cứu các vấn đề của đơn vị, phục vụ công tác tham mưu. Bên cạnh đó, cần có sự nghiên cứu vận dụng liên ngành để tạo sự gắn kết trong quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ đạt hiệu quả cao. Theo Thứ trưởng, có một số vấn đề trọng tâm cần phải đề xuất trong thời gian tới như: lĩnh vực Văn hóa cần nghiên cứu về công nghiệp văn hóa, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; lĩnh vực Thể thao, tập trung vấn đề áp dụng khoa học công nghệ để thể thao đạt thành tích cao, ứng dụng công nghệ bigdata vào các môn thể thao có lợi thế; lĩnh vực Du lịch tập trung vào vấn đề chuyển đổi số, hướng tới làm mới sản phẩm du lịch.

LIÊN HƯƠNG - Ảnh: TUẤN MINH

;