Tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa: Trách nhiệm, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo

Chiều 28-8, Hội nghị tuyên dương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 đã được Bộ VHTTDL trang trọng tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội). Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 78 năm Ngày thành lập ngành Văn hóa (28/8/1945 – 28/8/2023) và hướng đến kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh 2-9. Ủy viên Bộ chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến dự và phát biểu tại Hội nghị.

 

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị

Dự Hội nghị còn có: nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Trung ương Hội khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình Đoàn Minh Huấn; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội ở Trung ương; đại diện lãnh đạo tỉnh ủy/thành ủy, UBND các tỉnh, thành; đại diện lãnh đạo Sở VHTTDL; Sở VHTT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc.

Tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành VHTTDL ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy nêu rõ, Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023 là dịp để đánh giá phong trào thi đua của ngành VHTTDL thời gian qua; đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đồng thời cũng là dịp để biểu dương, khen thưởng, tôn vinh những gương điển hình tiêu biểu của ngành trong hoạt động tham mưu, quản lý, tổ chức, thực hiện các hoạt động văn hóa trên toàn quốc.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy phát biểu mở đầu Hội nghị

Theo Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua", trong những năm qua, Bộ VHTTDL luôn chỉ đạo đẩy mạnh công tác thi đua, khen thưởng, coi thi đua là biện pháp quan trọng, là động lực, đòn bẩy để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Nhận thức sâu sắc nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành với phương châm "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ tổ quốc" và "Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến"; đầu năm 2022, tổ chức Hội nghị phát động, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ công tác theo chủ đề "Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác cán bộ"; năm 2023 với chủ đề "Chủ động, sáng tạo, linh hoạt, quyết liệt, hiệu quả", qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới sáng tạo của toàn ngành VHTTDL quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức.

Các đại biểu thực hiện nghi thức chào cờ

Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến lần này là dịp để chúng ta ghi nhận những nỗ lực của ngành VHTTDL, khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, động lực mới, đột phá mới từ văn hóa, đóng góp cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Đây cũng là dịp để biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước được lựa chọn từ các đơn vị, địa phương; tiếp tục làm cho phong trào thi đua của ngành VHTTDL ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, thực sự là động lực thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác trong thời gian tới.

Ghi nhận thành tích của toàn ngành VHTTDL đạt được trong thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đọc Thư chúc mừng Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị các đại biểu đã được xem phim phóng sự tài liệu “Phong trào thi đua của  ngành VHTTDL và 78 gương điển hình tiên tiến”.  

Các điển hình tiên tiến chia sẻ những kinh nghiệm, nỗ lực vượt khó tại Hội nghị

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng - tỉnh Thái Nguyên - chia sẻ: "Tôi đến với hát Then như một cơ duyên, làn điệu của đàn Tính, hát Then, đã gắn với đời sống dân tộc, nó đã thấm sâu vào mỗi người dân chúng tôi".  Nghệ nhân Bích Hồng đã dạy hơn 700 học sinh là những người yêu thích đàn Tính, hát Then. Người nhỏ nhất là lớp 3, người cao tuổi nhất là 86 tuổi...

Ông Phan Thuyết Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, người đi đầu trong vận động người dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Ông Trình cho biết: "Việc hướng dẫn người dân không rải vàng mã trong đám tang ở địa phương nhằm quán triệt sâu sắc các Nghị quyết của Đảng.

Kinh nghiệm của địa phương là sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, tổ dân phố vào công cuộc thực hiện nếp sống văn minh. Chúng tôi đã tận dụng uy tín và sự tham gia của người lớn tuổi, có uy tín trong cộng đồng ở địa phương nhằm tác động đến từng thôn, từng nhà, sâu sát vận động đến từng người dân, từng nhà bỏ tập tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Địa phương đã triển khai từ năm 2010 cho đến nay, những năm đầu gặp nhiều khó khăn, vì hủ tục lạc hậu đã đi sâu vào tiềm thức... Nhưng nhờ có sự quan tâm và cả hệ thống chính trị địa phương vào cuộc, vừa vận động, vừa giám sát, người dân đã dần bỏ hủ tục. Từ 2015 đến nay, 100% hộ dân xã Hòa Tân Đông mỗi khi có đám tang đã thực hiện không rải vàng mã ra đường trong đám tang, từ đó lan tỏa đến các xã phường và cả địa phương làm theo".

Nghệ nhân nhân dân Hoàng Thị Bích Hồng - tỉnh Thái Nguyên chia sẻ tình yêu với nghệ thuật hát Then

Ông Phan Thuyết Trình - Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Đông, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên thành công trong vận động người dân địa phương thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang

Bà Trần Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong thời đại công nghệ số, làm thế nào để thu hút bạn đọc thì trước hết thư viện phải đạt được không gian bên trong và bên ngoài xanh - sạch -đẹp. Trong thư viện, tài nguyên thông tin phải đáp ứng được nhu cầu của mọi đối tượng bạn đọc. Đặc biệt, cần phải chú trọng công tác phục vụ bạn đọc, hỗ trợ cung cấp tài nguyên thông tin cho bạn đọc với các tiêu chí nhanh, chính xác và thuận tiện. Dù là thư viện truyền thống thì trong thư viện vẫn phải trang bị các thiết bị hiện đại, thông minh để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của bạn đọc.

Điều mà Thư viện tỉnh Đồng Tháp thực hiện trong thời gian qua, đó là thư viện không chỉ là nơi giữ sách mà còn là điểm hẹn giao lưu văn hóa của tất cả mọi người. Thư viện đã tổ chức các hoạt động, sinh hoạt chuyên đề, hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn kỹ năng sống… để thông qua đó gia đình, bạn bè có thể đến giao lưu nhiều hơn nữa.

Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp cũng cho biết, để lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng, Thư viện đã chủ động phục vụ cơ sở thông qua các chuyến xe lưu động. Khi chúng tôi đi đến phục vụ vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và thấy được người dân nơi đó rất yêu sách, nên sau mỗi chuyến xe chúng tôi đều tặng lại tủ sách khuyến học để địa phương phục vụ cộng đồng, để thực hiện được việc này, Thư viện tỉnh Đồng Tháp cũng đã thu hút thêm nguồn lực xã hội. Đến nay, Thư viện tỉnh đã phối hợp, vận động và trao tặng hơn 300 tủ sách khuyến học tại địa phương và sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả trong thời gian tới.

Bà Trần Thị Mỹ Trinh - Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp  chia sẻ kinh nghiệm về văn hóa đọc tại Thư viện tỉnh

Diễn viên múa Phạm Thu Hằng nỗ lực, vượt qua khó khăn, thành công trở thành solist múa

Diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam) là tấm gương về sự nỗ lực tìm tòi, sáng tạo vươn lên để cống hiến tỏa sáng và có thể chinh phục các tác phẩm múa có chiều sâu, nội dung chất lượng.

Kể lại kỷ niệm thời thơ ấu và "sức mạnh vô hình" trở thành diễn viên múa, nghệ sĩ Phạm Thu Hằng chia sẻ, vượt qua những khó khăn, với sự nỗ lực, không ngừng học hỏi, sau khi hoàn thành việc học tập tại trường, tình yêu với Múa ngày càng lớn dần, chị đã quyết định học múa chuyên nghiệp và trở thành học viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Ra trường chị được mời về Nhà hát Quốc gia với đặc thù là múa dân gian, dân tộc. Nhưng tình yêu với múa ba lê của chị vẫn âm ỉ cháy bên trong, nên sau 4 năm công tác chị trở lại với múa ba lê và trở về làm việc tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Đến nay chị làm việc tại Nhà hát đã được 7 năm, rất nhiều vở diễn với những vị trí khác nhau, với sự nỗ lực, tập luyện không ngừng, Nhà hát đã giao cho các vai chính, và hiện tại là diễn viên múa solist của nhà hát.

"Tôi có một quan niệm đơn giản đó là cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim nhanh nhất. Tôi luôn nhắc nhở bản thân mình phải chăm chỉ và có trách nhiệm với công việc, luôn luôn đặt cái tâm lên hàng đầu thì nghề sẽ không phụ mình. Múa bản chất là khổ luyện, có những ngày tôi đau đớn, 10 đầu ngón chân chảy máu, thậm chí bật cả móng chân nhưng vẫn phải tiếp tục đứng lên, xỏ chân vào giày, nghĩ về những tháng ngày mình đã khổ luyện trên sàn, đổ mồ hôi và nước mắt để đổi lại những phút giây thăng hoa trên sân khấu và được đứng tại đây ngày hôm nay", diễn viên Thu Hằng chia sẻ.

Ngay sau phần giao lưu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo bộ, ban, ngành đã trao biểu trưng và Bằng khen cho các điển hình tiên tiến của ngành VHTTDL.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Bộ VHTTDL, ban ngành đã trao biểu trưng và Bằng khen cho các điển hình tiên tiến của ngành VHTTDL.

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng tới dự Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa năm 2023, tôn vinh 78 điển hình tiên tiến, những con người luôn có ý thức trách nhiệm, nhiệt huyết trong công việc, “những chiến sĩ” có đóng góp tích cực, rất đáng ghi nhận trên “mặt trận văn hóa” và sự phát triển chung của đất nước. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa năm 2023 càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức vào đúng dịp đất nước long trọng kỷ niệm cách mạng Tháng Tám lịch sử của dân tộc, Quốc khánh 2-9 của đất nước, vinh dự được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi thư chúc mừng và giao nhiệm vụ cho ngành Văn hóa. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng gửi tới toàn ngành lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Thủ tướng nêu rõ, nói đến văn hóa là nói đến con người. Văn hóa được hình thành và phát triển trong các mối quan hệ tương tác giữa con người với tự nhiên, giữa con người với con người, giữa con người với xã hội. 

Thủ tướng nhấn mạnh: Văn hóa là những gì tinh túy, tinh hoa, cốt lõi nhất của dân tộc, của xã hội, của mỗi người. Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa là bản sắc dân tộc, văn hóa còn là dân tộc còn. Văn hóa là nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh, động lực đột phá cho sự phát triển. Văn hóa có bản sắc dân tộc sâu sắc. Văn hóa phát triển dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ và thực tiễn. Văn hóa phải được thụ hưởng, tạo động lực, truyền cảm hứng bởi mọi người dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Văn hóa Việt Nam được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, từ thực tiễn cuộc sống, phong tục, tập quán đặc sắc, phong phú và đa dạng của 54 dân tộc anh em, hòa quyện thành nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam; tạo nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc.

Thủ tướng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người anh hùng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới: Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện "Độc lập, Tự cường và Tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".

Đảng và Nhà nước ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp đổi mới; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn đặc biệt quan tâm, ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách, dành nhiều nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, bảo tồn văn hóa dân tộc, phát triển văn học nghệ thuật và nhiều lĩnh vực văn hóa khác.

Thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, những năm qua, ngành VHTTDL đã nỗ lực lớn, quyết tâm cao, quyết liệt triển khai các nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào những kết quả của đất nước.

Nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa ngày càng toàn diện, bao trùm và sâu sắc hơn trên các lĩnh vực, các loại hình, trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt, tổ chức thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (do đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì) và các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam.

Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao, du lịch tiếp tục được hoàn thiện. Từ năm 2021 đến nay, liên quan đến lĩnh vực văn hóa, Quốc hội đã thông qua 3 luật; Chính phủ đã ban hành 9 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 10 quyết định, 2 chỉ thị.

Các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng yêu cầu mới, nhiều mặt của xã hội, phát huy vai trò trong việc bồi dưỡng tâm hồn, định hướng phát triển nhân cách con người Việt Nam, nhất là trong giới trẻ, về giá trị Chân - Thiện - Mỹ, về lòng nhân ái, tình yêu quê hương, khát vọng xây dựng phát triển đất nước. Các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở không ngừng được đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Các giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và phát triển. Gần đây nhất, nghệ thuật Xòe Thái và nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh, nâng tổng số di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh lên 32. Hoạt động giao lưu, hợp tác và hội nhập quốc tế có bước phát triển mới.

Văn hóa góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh với cái xấu, cái ác, lấy cái thiện, cái đẹp dẹp cái xấu, lấy cái tích cực đẩy lùi tiêu cực; truyền cảm hứng, cổ vũ, lan tỏa các giá trị cao đẹp của dân tộc, của con người trong xã hội.

Thể thao tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao tinh thần, thể lực của dân tộc, của mỗi người dân; thể thao thành tích cao thiết lập nhiều dấu ấn quan trọng như: tổ chức thành công SEA Games 31, đội tuyển bóng đá nữ tham gia vòng world cup 2023...

Du lịch phục hồi nhanh sau đại dịch COVID-19 và phát triển gắn với văn hóa, bản sắc, con người Việt Nam.

Nhiều tấm gương sáng xuất hiện trong phong trào thi đua yêu nước, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng môi trường văn hóa cơ sở, đô thị văn minh, sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Nhiều giá trị văn hóa được gìn giữ, phát triển gắn với du lịch, dịch vụ, tạo giá trị khác biệt, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng. Điều đó đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa nói riêng, xây dựng và phát triển đất nước nói chung.

Thủ tướng nhấn mạnh, những kết quả đạt được nêu trên là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng lòng, hưởng ứng, tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp; sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương; đặc biệt là sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, thiết thực, hiệu quả của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn ngành VHTTDL, của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và các lực lượng tham gia trên mặt trận văn hóa, góp phần tạo dấu ấn quan trọng trong thời gian qua, góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và bảo vệ đất nước.

Thủ tướng vui mừng, xúc động được gặp gỡ 78 gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa, đại diện cho hàng triệu tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc đến từ mọi miền Tổ quốc thân yêu.

“Các gương điển hình tiên tiến dù ở độ tuổi nào, đơn vị nào, ngành nghệ nào cũng đều tỏa sáng tinh thần yêu nước, trách nhiệm, nhiệt huyết, năng động, sáng tạo, tiêu biểu cho ý chí, nghị lực khát vọng vươn lên cống hiến vì sự nghiệp phát triển văn hóa, vì cộng đồng xã hội và vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, vì nhân dân hạnh phúc ấm no” – Thủ tướng nhấn mạnh.

Chương trình nghệ thuật chào mừng Hội nghị

Đó là những người làm công tác quản lý văn hóa các cấp như các đồng chí Hoàng Mạnh Tiến (Lâm Đồng); Lê Văn Sơn (Nam Định); Trần Thị Thu Thúy (Cần Thơ); Trần Thị Mỹ Trinh (Đồng Tháp); Phan Thuyết Trình (Phú Yên)…

Đó là những nghệ nhân có nhiều đóng góp trong quá trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc như NNND Hoàng Thị Bích Hồng, người gần 60 năm gắn bó, tâm huyết với điệu tính câu Then; NNƯT Nguyễn Đáng, người trao truyền nghệ thuật bài chòi xứ Quảng.

Đó là những người hoạt động trong những lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao có những đóng góp lớn cho cộng đồng, xã hội, là tấm gương về sự nỗ lực, tìm tòi, sáng tạo, hy sinh, vươn lên để cống hiến, tỏa sáng như HLV trưởng Mai Đức Chung, diễn viên múa Phạm Thu Hằng (Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam)…

Và còn rất nhiều tấm gương sáng khác đang ngày đêm miệt mài nghiên cứu, sáng tác, luyện tập, đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng của mình cho ngành VHTTDL nói riêng, cho sự phát triển của đất nước nói chung. 

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng trân trọng những cống hiến, đóng góp của đội ngũ những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc; nhiệt liệt chúc mừng 78 điển hình tiên tiến được tuyên dương và ghi nhận, biểu dương những nỗ lực và kết quả đạt được của toàn ngành VHTTDL thời gian qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới biến động nhanh, khó lường, phức tạp, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với trí tuệ nhân tạo, tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, mang lại những cơ hội, vận hội mới nhưng cũng không ít thử thách đối với công tác bảo tồn, phát triển văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Những biểu hiện phi văn hóa, phản văn hóa đang diễn biến hết sức phức tạp. Sự tác động của quá trình toàn cầu hoá, cạnh tranh quốc tế và cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng quyết liệt, phức tạp hơn; việc bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức mới khó khăn hơn.

Việc gắn kết, khai thác văn hóa gắn với phát triển du lịch, gia tăng giá trị kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân đã có bước phát triển nhưng còn chưa khai thác hết tiềm năng và còn thiếu cách làm mang tính đột phá, bền vững.

“Chúng ta vui mừng, ghi nhận biết bao tấm gương cao đẹp, cống hiến cho cộng đồng, xã hội với khát vọng đóng góp xây dựng đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. Nhưng chúng ta còn nhiều trăn trở, băn khoăn trước những hành vi “phản văn hóa”, đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục, với giá trị Chân - Thiện - Mỹ đang tác động tiêu cực đến xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đặt nền tảng tư tưởng - lý luận cho xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đại chúng, khoa học, cách mạng và hội nhập quốc tế.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định nhiệm vụ: “Phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế”; 

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11- 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Theo Thủ tướng, để vừa phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chúng ta cần chung sức, đồng lòng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ: Quán triệt và triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; phải xây dựng những chương trình, kế hoạch, đề ra nhiệm vụ cụ thể, lộ trình rõ ràng, đúng người, đúng việc, đúng với phương hướng của Đảng.

Tiếp tục đổi mới cách thức tiếp cận và tư duy quản lý từ “làm văn hóa” sang “quản lý nhà nước về văn hóa”, tập trung triển khai các nhiệm vụ được giao trên tinh thần chủ động, tích cực, kịp thời, nghiêm túc, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo.

Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa phù hợp với bối cảnh, tình hình và điều kiện thực tế ở Việt Nam. Tăng cường huy động, phát huy tối đa hiệu quả các nguồn lực nhà nước và xã hội để phát triển toàn diện văn hóa, để văn hóa, con người thực sự là sức mạnh nội sinh của dân tộc chúng ta.

Khẩn trương hoàn thiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh với trọng tâm là bảo tồn, phát huy và nhân lên giá trị văn hóa, truyền thống quý báu của dân tộc chúng ta.

Tạo điều kiện thuận lợi, khơi dậy mạnh mẽ sức sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ nhằm tạo ra những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị cao, phản ánh đầy đủ, sinh động, hấp dẫn những nét đẹp truyền thống, bản sắc của dân tộc và thực tiễn quá trình đổi mới của đất nước chúng ta. Bảo tồn bền vững, phát huy hiệu quả những di sản văn hóa của dân tộc, gắn kết và làm động lực phát triển kinh tế, xã hội, thể thao, du lịch, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng, và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. 

Phát triển mạnh mẽ hơn nữa thể thao quần chúng để vừa nâng cao sức khỏe toàn dân, vừa làm tiền đề phát triển thể thao thành tích cao. Tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo có trọng tâm, trọng điểm những tài năng thể thao; đẩy mạnh hợp tác công - tư trong các lĩnh vực, trong đó có thể thao thành tích cao. 

Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa phục hồi và phát triển du lịch theo hướng hiện đại, bền vững và hiệu quả với nhiều sản phẩm đa dạng, hấp dẫn, tạo giá trị khác biệt, cạnh tranh lành mạnh dựa trên tiềm năng, thế mạnh của đất nước, con người Việt Nam.

Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm, năng lực sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức trong ngành của chúng ta. Kịp thời phát hiện, biểu dương, tôn vinh, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích, các gương điển hình tiên tiến, đặc biệt là các cá nhân trực tiếp làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 

Bác Hồ kính yêu từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, các cán bộ ngành VHTTDL cần tích cực rèn luyện, trau dồi đạo đức, phẩm chất chính trị, nâng cao chuyên môn, hăng hái thi đua, trở thành tấm gương sáng, có sức ảnh hưởng, có sự lan toả và truyền cảm hứng đối với cộng đồng, xã hội. 

Đối với những đại biểu là gương điển hình tiên tiến ngày hôm nay, Thủ tướng chia sẻ, ông cảm nhận được sự đam mê, trách nhiệm, khát vọng cống hiến đối với cộng đồng và xã hội, và cả ý chí, nỗ lực không mệt mỏi của các anh chị, các bạn trong sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch. 

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, những điển hình tiên tiến sẽ phát huy tinh thần trách nhiệm của mình, tiếp tục là nguồn cảm hứng, là động lực, lan tỏa mạnh mẽ những “câu chuyện người thực, việc thực”, “người tốt, việc tốt”; để sau Hội nghị sẽ có thêm ngày càng nhiều tấm gương tốt, nhiều cách làm hay, góp phần vào thực hiện các nhiệm vụ của ngành Văn hóa nói riêng, vì sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung.

“Các anh chị là những bông hoa đẹp trong rừng hoa đẹp của lĩnh vực văn hóa của chúng ta. Hương sắc của những hành động đẹp đó sẽ lan tỏa trong cộng đồng để điểm tô thêm nét đẹp của văn hóa, truyền thống, tinh thần và khát vọng Việt Nam, của dân tộc chúng ta. Một Việt Nam đậm đà bản sắc văn hóa, hùng cường và thịnh vượng, nhân dân hạnh phúc và ấm no…”.

Toàn ngành Văn hóa sẽ tiếp tục cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước

Trân trọng cảm ơn những phát biểu tâm huyết của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến và cụ thể hoá 9 nhiệm vụ mà Thủ tướng giao trong quá trình triển khai, thực hiện phong trào thi đua yêu nước của toàn ngành trong thời gian tới.

78 gương mặt điển hình đại diện cho 78 năm Ngày truyền thống của Ngành Văn hóa.  Đó là những bông hoa đẹp được tuyển chọn suy tôn từ cơ sở. Trong dịp này, 78 gương điển hình cùng toàn ngành đã báo công trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tiếp tục thực hiện nguyện ước của Bác Hồ: “Thi đua thì phải yêu nước, yêu nước thì phải thi đua” để  xây dựng ngành ngày càng phát triển, đáp ứng sự mong đợi của Đảng và Nhà nước.

“78 gương mặt nêu trên, đại diện cho hàng triệu điển hình khác trên mọi miền đất nước trong lĩnh vực văn hóa chưa có mặt tại Hội nghị.  Nhưng chúng tôi trân trọng những đóng góp lặng thầm của những điển hình ở các cơ sở mà chưa có điều kiện ghi danh hôm nay” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, Bộ VHTTDL  cũng như toàn ngành sẽ cụ thể hóa phong trào thi đua yêu nước mà phát biểu chỉ đạo của  Thủ tướng ngày hôm nay đã căn dặn. Làm sâu sắc hơn nữa những chỉ bảo ân cần quý báu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bức thư gửi cho Ngành nhân dịp này.

“Toàn ngành sẽ cố gắng hết sức để thực hiện bằng được các mục tiêu, nhiệm vụ mà  Nghị quyết đã đề ra tại Hội nghị Đảng toàn quốc lần thứ XIII  về Lĩnh vực văn hoá. Quá trình thực hiện đó, chúng tôi cũng thấy rằng, phía trước còn nhiều khó khăn và gian khó, công tác xây dựng, chấn hưng nền văn hoá là nhiệm vụ chiến lược mà Đảng đề ra. Việc phát triển văn hoá phải đặt trên sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, phát huy vai trò nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng” – Bộ trưởng nêu rõ.

Bộ trưởng cũng mong muốn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ địa phương tiếp tục quan tâm sâu sắc để Ngành văn hoá hoàn thành những nhiệm vụ đã đề ra.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chụp ảnh lưu niệm với các nghệ sĩ 

NGỌC BÍCH, NGÔ HUYỀN - Ảnh: TUẤN MINH

;