Nâng cao chất lượng nhân lực thư viện cơ sở

Học sinh làm thủ tục mượn sách tại Thư viện Đồng Nai - Ảnh: baodongnai.com.vn

Tính đến tháng 4-2023, nước ta có 10.598 đơn vị hành chính cấp xã (1). Cấp cơ sở này giữ một vị trí hết sức quan trọng, là cấp cuối cùng của 4 cấp hành chính Nhà nước, nơi dân cư tập trung sinh sống và lao động, sản xuất, nơi trực tiếp triển khai mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống. Những năm qua, ngành VHTTDL đã xem việc xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân ở cơ sở, đặc biệt là bà con nông dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Nhiều hoạt động cơ bản và những thiết chế văn hóa chủ yếu đã được tổ chức, trong đó hoạt động sách, báo gắn liền với việc xây dựng các thư viện, tủ sách ở cơ sở luôn được quan tâm và đầu tư phát triển.

Là cấp cuối cùng trong hệ thống thư viện công cộng, thư viện, tủ sách cơ sở chính là nơi gắn bó mật thiết với mỗi người dân. Ở những vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, việc xây dựng được một thư viện hay tủ sách của xã, thôn là vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ đáp ứng được nhu cầu khai thác thông tin của người dân mà còn giúp thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Việc cung cấp thông tin và tri thức ở cơ sở là việc hết sức quan trọng, bởi không phải người dân nào cũng có điều kiện để đến thư viện huyện, thư viện tỉnh để đọc sách, nhất là người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa - những nơi có địa hình hiểm trở, giao thông khó khăn.

Thực trạng thư viện, tủ sách cơ sở và nguồn nhân lực thư viện cơ sở của Việt Nam hiện nay

Tính đến hết năm 2023, cả nước có 1.630 thư viện cấp xã, 17.402 phòng đọc cơ sở, 127 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng và 1.002 thư viện cộng đồng (2).

Những năm qua, hệ thống thư viện và tủ sách cơ sở đã phát huy tác dụng trong việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, thông tin kịp thời những vấn đề và kiến thức kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật, góp phần quan trọng vào việc nâng cao dân trí cho nhân dân, nhất là nhân dân ở những vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Nhờ những kiến thức tiếp thu được từ sách, báo và sự hướng dẫn của đội ngũ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, người dân có thể tự tin phát triển kinh tế ngay trên diện tích đất đai của gia đình hoặc ở địa phương. Đời sống kinh tế được nâng lên đáng kể.

Những phong trào thiết thực được tổ chức hiệu quả ở các địa phương đã góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của đông đảo nhân dân về vai trò của sách, tri thức, ý nghĩa của văn hóa đọc đối với việc nâng cao đời sống con người, phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong thực tế đang tồn tại một số bất cập:

Thứ nhất, số lượng thư viện cơ sở và tủ sách cộng đồng trên cả nước nhiều, nhưng phân bố không đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Thậm chí có những địa phương không có thư viện xã, phường, thị trấn. hay tủ sách cộng đồng. Điều đó cũng có nghĩa rằng, còn một bộ phận dân cư không thể tiếp cận được nguồn tài nguyên thông tin có giá trị, chất lượng.

Thứ hai, ở nhiều địa phương, thư viện cơ sở và tủ sách cộng đồng chưa thực sự phát huy vai trò, tác dụng của nó. Nhiều thư viện cơ sở, tủ sách pháp luật, tủ sách bưu điện - văn hóa xã, tủ sách biên phòng chỉ phục vụ một số lượng bạn đọc rất hạn chế. Nhiều thư viện và tủ sách ở tình trạng đóng cửa không phục vụ do không có người đến đọc. Một số tủ sách chỉ phục vụ một lượng ít bạn đọc như: cán bộ xã, đảng viên, cán bộ hưu trí, học sinh, còn phần lớn người dân ít tiếp cận với tủ sách. Có xã, tủ sách được đặt tại nhà văn hóa hơn 10 năm, nhưng nhiều người chưa biết đến sự có mặt cũng như lợi ích tủ sách mang lại. Người dân cho biết “chỉ đến UBND xã để làm giấy tờ thủ tục, còn để đọc sách hay mượn sách thì mình chưa làm bao giờ. Mình cũng không nghe ai nói đến tủ sách của xã”. Một số cán bộ phụ trách tủ sách xã cho biết: “Thi thoảng có cán bộ xã, học sinh đến đọc hoặc mượn về, còn bà con trong xã thì rất ít, khoảng 3 - 4 tháng mới có một người tìm đến để mượn”. Thậm chí, do không thường xuyên có bạn đọc nên nhiều sách vẫn còn mới nguyên. Ở một số xã, được luân chuyển sách thường xuyên nhưng do không có bạn đọc nên các tập sách vẫn được buộc gọn gàng thành từng bó, chưa được xếp lên kệ (3).

Những bất cập đó là do những nguyên nhân sau:

Địa điểm đặt thư viện, tủ sách chưa dễ tiếp cận, như: các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, trụ sở xã, phường, thị trấn; các điểm bưu điện văn hóa xã; các đồn biên phòng - mang tính chất là nơi làm việc của cán bộ nhà nước, nên người dân thường có tâm lý e dè, ngại, sợ không dám đến. Những nơi có địa hình hiểm trở, mật độ dân cư thưa thớt, giao thông khó khăn như vùng nông thôn, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, việc tiếp cận các thư viện và tủ sách này càng khó khăn hơn.

Số lượng sách, báo, tài liệu cho mỗi thư viện, tủ sách chưa nhiều, chưa phong phú, không được phát triển thường xuyên, dẫn đến ngay cả những người dân yêu thích đọc sách cũng dần trở nên ít đến đọc, do họ không tìm thấy sách mới. Mặt khác, những sách, báo được đầu tư cho các thư viện, tủ sách này dường như chưa tính đến yếu tố đặc thù về địa lý, kinh tế của các địa phương. Do vậy, nhiều sách không phù hợp với nhu cầu của người dân địa phương. Chẳng hạn, xã Tân Sơn (huyện Chợ Mới, Bắc Kạn) là xã nông nghiệp với cây trồng chính là gừng, nhưng ở đây hầu như không có cuốn sách nào liên quan đến loại cây trồng này. “Tôi mong tới đây các chương trình hỗ trợ, cấp trên cấp đầu sách phù hợp thực tế sản xuất và nhu cầu văn hóa dân tộc Dao địa phương. Ví dụ, ở xã phát triển kinh tế chủ yếu là cây gừng, cây trúc, khoai sọ, cây lâm nghiệp… mong cấp trên quan tâm cấp các loại sách phù hợp với đặc thù, đặc trưng phát triển kinh tế địa phương” (4). Người dân mong muốn sách ở những điểm này thường xuyên được đổi mới, bổ sung những sách về chăn nuôi, trồng trọt để giúp họ phát triển kinh tế.

Hoạt động luân chuyển sách ở nhiều nơi chưa được thực hiện thường xuyên, nhất là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa do cán bộ thư viện tuyến trên thiếu, giao thông khó khăn.

Thư viện cơ sở không được cấp kinh phí hoạt động. Các tủ sách cộng đồng chỉ được cung cấp tài liệu ban đầu mà không có kinh phí duy trì nên không thể chủ động bổ sung được tài liệu mới (ngoài tủ sách pháp luật hàng năm được các Sở Tư pháp cấp thêm khoảng 25-30 tài liệu mới). Cơ sở vật chất thiếu và yếu, chưa đầy đủ các điều kiện để phục vụ nhân dân đến đọc tài liệu thường xuyên.

Sự phối hợp giữa các bộ, ngành tham gia xây dựng hệ thống tủ sách cộng đồng trong việc duy trì, phát triển và vận hành tủ sách chưa tốt nên ở nhiều địa phương và theo thời gian, các tủ sách chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Hiện nay, trong tổng số 1.630 thư viện xã trên cả nước, chỉ có 829 thư viện xã có cán bộ phụ trách, đều không phải là cán bộ chuyên trách. Các thư viện cơ sở thường do một cán bộ văn hóa xã hoặc cán bộ đoàn kiêm nhiệm. Tủ sách pháp luật do một cán bộ tư pháp xã phụ trách. Tủ sách bưu điện - văn hóa xã do nhân viên điểm bưu điện - văn hóa xã phụ trách. Do vậy, phần lớn thời gian các cán bộ phải thực thi nhiệm vụ chuyên môn chính của họ, nên các thư viện và tủ sách chỉ mở cửa một vài lần trong tuần. Thứ 7, chủ nhật là thời gian rảnh rỗi của nhiều người dân là công chức, viên chức, công nhân, học sinh, họ có thời gian và nhu cầu đọc sách thì thường các thư viện và tủ sách không phục vụ. Cán bộ phụ trách thư viện cơ sở và tủ sách cộng đồng không được hưởng bất kỳ khoản phụ cấp nào. Đây cũng là một khó khăn cho họ khi cùng lúc phải làm nhiều công việc khác nhau, khiến nhiều cán bộ thư viện không hứng thú với việc phụ trách thư viện, tủ sách. Nhiều thư viện, tủ sách đóng cửa nhiều ngày, hoạt động cầm chừng, lấy lệ, mang tính hình thức. Về chuyên môn, hầu hết cán bộ phụ trách thư viện cơ sở và tủ sách cộng đồng trên cả nước không được đào tạo chính quy về chuyên môn nghiệp vụ thư viện (theo khảo sát của Vụ Thư viện năm 2021). Số cán bộ thư viện cơ sở được tham gia tập huấn ngắn hạn hằng năm không nhiều và được tiến hành không đồng đều ở tất cả các địa phương. Năm 2023 chỉ có 346 cán bộ thư viện cấp xã được đào tạo, tập huấn (5). Việc cán bộ phụ trách thư viện không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ dẫn đến đa số thư viện cơ sở không được quản lý và khai thác tốt. Không những thế, ở nhiều nơi, cán bộ phụ trách thư viện, tủ sách liên tục phải thay đổi do yêu cầu của công việc chính của họ. Hoạt động phục vụ nhân dân cũng vì thế mà trở nên thụ động.

Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thư viện cơ sở

Cán bộ thư viện là yếu tố cơ bản, đảm bảo cho thư viện được vận hành và phát huy vai trò xã hội của nó. Chất lượng của nguồn nhân lực thư viện sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thư viện. Muốn thư viện nói chung, thư viện cơ sở nói riêng hoạt động hiệu quả thì nguồn nhân lực phải đáp ứng được cả yêu cầu về số lượng và chất lượng. Trước mắt, cần thực hiện ngay những giải pháp sau:

Thứ nhất, bố trí cho mỗi thư viện cơ sở ít nhất một cán bộ chuyên trách hoặc hai cán bộ nếu kiêm nhiệm

Nếu là cán bộ kiêm nhiệm thì phải có quy định rõ ràng về thời gian dành cho mỗi công việc và những nhiệm vụ cụ thể mà họ phải thực hiện. Hai cán bộ kiêm nhiệm sẽ thay phiên nhau để đảm bảo thư viện hoạt động liên tục. Để một thư viện, dù bé, có thể hoạt động đều đặn và hiệu quả, những công việc mà người cán bộ thư viện phải làm không hề ít và đơn giản: Tổ chức, sắp xếp kho sách; theo dõi mượn trả; vệ sinh giá sách, tủ sách, bàn ghế phòng đọc, hướng dẫn bạn đọc tìm kiếm, lựa chọn tài liệu; hướng dẫn đọc cho bạn đọc nhỏ tuổi và những người cần hỗ trợ; giới thiệu sách mới cho bạn đọc…Vì thế, nếu chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm như hiện nay, thì thư viện cơ sở không thể đảm bảo việc mở cửa thường xuyên và phục vụ bạn đọc hiệu quả. Hiện nay, mới chỉ có 829 cán bộ thư viện xã (6). Thực tế này giải thích vì sao nhiều thư viện và tủ sách hoạt động kém hiệu quả, thậm chí đóng cửa nhiều ngày không phục vụ.

Thứ hai, có chính sách đãi ngộ cán bộ thư viện cơ sở

Trả lương cho cán bộ chuyên trách hoặc phụ cấp cho cán bộ kiêm nhiệm là việc làm cần thiết. Muốn vậy, cán bộ thư viện cần được sắp xếp vị trí việc làm như các bộ phận khác trong xã. Thực tế tồn tại một nghịch lý là về mặt chủ trương, đường lối, chúng ta rất đề cao vai trò của sách, tri thức, gần đây là văn hóa đọc, và kêu gọi toàn dân đọc sách để nâng cao dân trí, tuy nhiên, vai trò của thư viện và cán bộ thư viện (nhất là ở cấp cơ sở) lại chưa được nhìn nhận đúng mức. Do vậy, ở rất nhiều nơi, thư viện và hoạt động thư viện còn bị xem nhẹ, thiếu đầu tư, cán bộ thư viện cơ sở làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có lương hoặc phụ cấp do các xã không có căn cứ để chi lương hay phụ cấp cho đối tượng cán bộ này. Cán bộ thư viện cơ sở phải được hưởng lương hoặc phụ cấp như các cán bộ khác trong xã. Có như vậy mới đảm bảo quyền lợi cho họ, để họ yên tâm công tác.

Thứ ba, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thư viện cơ sở

Về chuyên môn nghiệp vụ thư viện, cán bộ thư viện xã cần có trình độ từ trung cấp trở lên, cần có kiến thức/ hiểu biết nhất định về những lĩnh vực khác. Trong số các cán bộ thư viện cơ sở hiện có, nhiều người có trình độ đại học, cao đẳng. Đây là một thuận lợi cho họ khi tiến hành các hoạt động của thư viện, đặc biệt là việc hỗ trợ bạn đọc tìm kiếm, lựa chọn tài liệu. Tuy nhiên, do họ chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ nên đa số các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của thư viện chưa được đảm bảo. Trước mắt, các địa phương cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ thư viện xã nhằm trang bị cho họ những kỹ năng nghiệp vụ cơ bản. Về lâu dài, các xã, phường, thị trấn cần có kế hoạch tuyển dụng cán bộ thư viện đã có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hoặc có kế hoạch và chính sách hỗ trợ về thời gian và kinh phí cho cán bộ đang kiêm nhiệm phụ trách thư viện được tham gia các khóa đào tạo chuyên ngành thư viện (chính quy hoặc vừa học, vừa làm). Địa phương có thể phối hợp với các cơ sở đào tạo mở các khóa đào tạo tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ thư viện xã tham gia khóa học.

Tóm lại, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho thư viện cơ sở là việc làm cần được quan tâm, chú trọng để thư viện cơ sở và tủ sách cộng đồng thực sự là cánh tay nối dài của thư viện huyện, phát huy tối đa vai trò của nó trong việc phát triển văn hóa đọc trong nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương. Muốn vậy, trước hết cần có sự thay đổi thực chất và sâu sắc trong nhận thức và quan điểm của lãnh đạo địa phương về vị trí vai trò của thư viện cơ sở. Chỉ khi đó, việc triển khai các chương trình, dự án, đề án về phát triển thư viện cơ sở mới đem lại hiệu quả thiết thực.

_________________

1. Số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện, xã ở Việt Nam, thuvienphapluat.vn.

2, 5, 6. Báo cáo thống kê của Bộ VHTTDL năm 2023.

3. Giang Lam, Tủ sách cơ sở vẫn còn xa bạn đọc, baodantoc.vn, 24-6-2019.

4. Công Luận, Để không lãng phí những tủ sách vùng cao, vov.vn, 20-4-2023.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Trọng Phượng, Nguồn nhân lực của hệ thống thư viện công cộng Việt Nam: mạnh hay yếu?, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 2 (28), 2011, tr.21-24.

PHẠM THỊ THÀNH TÂM - Ths NGUYỄN THỊ NGÀ

Nguồn: Tạp chí VHNT số 572, tháng 6-2024

;