Múa trong lễ hội của người Tày tỉnh Tuyên Quang

Múa là một loại hình nghệ thuật, đóng vai trò rất quan trọng trong các nghi lễ và lễ hội của người Tày. Mỗi điệu múa lại chuyển tải và thể hiện một nội dung khác nhau nhưng vẫn mang đậm sắc thái nông nghiệp. Có những điệu múa mang tính phổ biến trong nhiều lễ hội như: múa sư tử, múa tung còn hay những điệu múa được nảy sinh từ ngay chính sinh hoạt lao động hằng ngày như: múa chèo thuyền, múa kiếm gỗ nằm trong hệ thống múa dậm hầu cổ. Nhìn vào cách phô diễn, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự đa dạng và phong phú về tính chất, sắc thái cũng như màu sắc khác nhau của từng điệu múa nhưng tựu chung lại là sự điển hình của cư dân nông nghiệp; qua đó thể hiện ước vọng của mình, làm vơi bớt đi những khó khăn, vất vả trong cuộc sống hằng ngày, tạo động lực thúc đẩy sản xuất, tạo niềm tin tươi sáng vào cuộc sống mới, khơi gợi tình cảm gắn bó với quê hương đất nước.

Đồng bào Tày tỉnh Tuyên Quang vui trong ngày hội Lồng Tồng - Ảnh: Mạnh Cường

1. Múa sư tử

Đây là điệu múa luôn xuất hiện trong các dịp lễ hội mừng xuân, Tết Trung thu, đặc biệt trong lễ hội Lồng tồng (xuống đồng), lễ hội lớn nhất trong năm của cộng đồng người Tày. Múa sư tử luôn là màn múa được dân bản mong đợi nhất bởi nó không chỉ mang đậm màu sắc tín ngưỡng, tạo không khí vui tươi, náo nhiệt của ngày hội mà còn là hình thức rèn luyện sức khỏe và sự dẻo dai cho cơ thể, thể hiện tinh thần thượng võ của thanh niên trai tráng trong và ngoài bản. Múa sư tử là hình thức múa trò gồm các trò: bái lạy, chào nhau, săn sư tử, sư tử đẻ con, nhảy bàn, múa võ, câu cá… được trình diễn ở cả phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, đội múa sư tử luôn đi trước, nhảy múa mô tả cử chỉ, điệu bộ của con vật này và vái lạy các mâm tồng theo nhịp chiêng, trống, thanh la, não bạt, chũm chọe, sau đó đứng chầu dưới chân kệ tồng với những mâm tồng cao vút. Dân gian quan niệm: sư tử dùng hành động này để xua đi những điều xấu hay ma tà, mang lại điều lành cho dân chúng. Ở phần hội, những đội múa sư tử lại thả sức thể hiện tài nghệ vũ thuật khéo léo như: nhảy, vồ, lượn, vờn, lộn… thêm vào đó là đức tính kiên trì, dũng cảm, nhanh nhẹn, tháo vát. Múa sư tử ở phần hội bao giờ cũng được chia làm hai phần: múa sư tử và múa võ.

Ở phần múa sư tử, hay nhất là màn săn sư tử, đây là màn múa thể hiện tinh hoa của người Tày. Võ sĩ ǎn mặc giả thợ sǎn cầm gậy hay mã tấu, bầy khỉ chạy nhảy tung tăng, vờn đuổi, đùa nghịch, cưỡi lên lưng nhau, đánh nhau với sư tử khiến cho điệu múa thêm phần phong phú, pha trò với người xem, tạo không khí tươi vui, náo nhiệt của hội lễ. Tiếng trống thanh la, não bạt... vang lừng thúc giục. Người đội đầu sư tử rất khỏe, nhanh nhẹn diễn những cú vồ mồi, uốn lượn, tránh đòn một cách tài tình, trong tiếng hò reo, cổ vũ sôi nổi. Những người đi sǎn xông tới, bao vây, tấn công sư tử. Âm nhạc càng nổi lên dồn dập, làm điệu múa thêm phần cuồng nhiệt. Cuối cùng, sư tử đành chịu khuất phục và đoàn quân làm động tác trống giong, cờ mở, mang xác sư tử về ǎn mừng thắng lợi.

Tiếp đến là điệu sư tử đẻ con. Một người cầm đầu sư tử con, lồng vào bụng sư tử mẹ. Sư tử cái múa lặc lè, tựa mang nặng đẻ đau, sau đó, sư tử con chào đời, sư tử mẹ âu yếm sǎn sóc, nuôi dưỡng con, rồi hai mẹ con cùng múa thật nhịp nhàng, uyển chuyển.

Phần biểu diễn võ nghệ cũng rất sôi động và hấp dẫn. Từng cặp 2 người đấu võ tay không hoặc múa côn, múa gậy... Những đường gậy vụt vun vút trong không khí, chiếc côn xoay tròn như chong chóng trên tay người sử dụng, làm khán giả ồ lên thích thú. Những tiết mục xiếc, nhào lộn, nhảy bàn, trồng cây chuối, đi hai tay... được các nghệ sĩ phô diễn đẹp mắt. Hồi hộp nhất là môn quá tua pịa (vượt qua cửa dao). Trên chiếc bàn cắm đầy dao gǎm, đinh ba theo hình chiếc cửa, để hở một chỗ vừa lọt thân người, các võ sĩ thu mình gọn như một chiếc thoi, hai tay chắp vào nhau, duỗi ra trước, phi thân nhảy qua cửa dao như cá vượt sóng. Múa võ cũng theo nhịp đệm vui nhộn, của những làn điệu dành riêng cho múa sư tử, gây một không khí hào hứng làm ngày xuân thêm tưng bừng náo nhiệt. Ở hội Lồng Tồng, tục lệ cũ quy định sư tử của hội nào đến trước là sư tử đàn anh, sẽ làm chủ trì buổi biểu diễn. Các sư tử đến sau, trước khi múa phải đeo một miếng vải đỏ vào chân con đến trước, tự nhận mình là đàn em. Nếu có trường hợp tranh ngôi chủ trì, Ban tổ chức buộc phải cho hai sư tử đấu với nhau. Lúc này, chính thày dạy của hai đội đảm đương việc cầm đầu sư tử cái. Hai sư tử vờn nhau, đấu miếng từng tí một, người con nào chạm vào con kia nhiều, có những thế lừa đẹp hơn là người chiến thắng. Nhiều khi cuộc đấu rất gǎng, vì sự được, thua liên quan đến danh dự của đôi bên. Cứ vậy, lần lượt từng sư tử trổ hết tài nghệ trước đông đảo người xem. Trò vui kéo dài đến tối và những chiếc đèn lồng được thắp sáng lung linh, làm đêm hội càng quyến rũ hơn bao giờ hết.

Với tính chất múa mạnh và vũ đạo chuyển đổi dứt khoát, đột ngột, múa sư tử đòi hỏi người múa phải có thể trạng và tinh thần tốt thì màn múa mới lột tả được hết cái đẹp về dáng vẻ, vũ đạo, sự linh hoạt trong phong cách oai vũ, hùng hồn. Tóm lại, với người Tày, múa sư tử là linh hồn, làm nên sức sống của ngày hội, tạo không khí sôi động, lôi cuốn. Vì thế, múa sư tử chuyên chở khát vọng của con người về một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

2. Múa tung còn

Đây là điệu múa mở màn và không bao giờ thiếu trong phần hội của lễ hội Lồng Tồng. Múa tung còn là hoạt động đặc trưng nhất, vui nhất, thu hút nhiều người tham gia nhất của lễ hội, nếu ở lễ hội không có ai tung quả còn ngũ sắc xuyên thủng hồng tâm thì dân bản không vui, vì theo quan niệm của họ, phải có người tung còn trúng vòng tròn, xuyên thủng hồng tâm trước giời chính Ngọ thì năm đó, dân bản làm ăn mới thuận lợi, ông Trời sẽ cho mưa thuận gió hòa để mùa màng tươi tốt, bội thu và ai ném quả còn trúng vòng hồng tâm nhất, đường đi đẹp mắt nhất sẽ là người may mắn nhất trong năm.

Ðể chuẩn bị cho hội tung còn, ở giữa đám ruộng hay bãi đất rộng bằng phẳng nơi chọn làm địa điểm tổ chức lễ hội, người ta dựng một cây mai cao từ 20-30m làm cột. Trên đỉnh cột có treo 3 vòng nhật nguyệt, tượng trưng cho Thiên - Địa - Nhân (trời - đất - người) uốn vòng tròn đường kính 50-60 cm dán giấy hai bên, đề chữ: Nhật - Nguyệt tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời. Quả còn được bà con làm bằng vải, những mảnh vải nhiều màu sắc sặc sỡ được cắt thành hình ô vuông, có cạnh khoảng 18cm, gấp chéo 4 góc, bên trong nhồi bằng hạt bông hay hạt thóc, ngô, đậu biểu thị cho sự cầu mong nảy nở, sinh sôi, hơn nữa quả còn sẽ đủ nặng để có đà bay lên và lao đi nhưng lại không gây đau đớn, trầy xước nếu lỡ rơi vào trán hay vào người ai. Tua còn được cắt và khâu bằng vải vụn, đủ màu sắc, dài độ nửa sải tay sau đó đính vào 4 góc quả còn và đính so le điểm trên dây còn. Tua rua của còn có chức năng giảm sức rơi của nó và giúp mọi người nhận biết hướng nó sẽ rơi và tránh kịp, nếu là người chơi giỏi còn có thể túm được dây còn. Và một điều nữa, vì được nhồi bằng hạt thóc, hạt bông được bọc vải, hơi lỏng không chặt, đủ để nó rơi xuống đất kêu bịch một tiếng nhẹ khiến cho quả còn rơi đâu trúng đấy, nằm đấy không lăn, không nảy, không văng.

Trước khi diễn ra hội tung còn, Pú mo (thày cúng) dâng hai quả còn làm lễ giữa trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Sau phần nghi lễ, thày mo cầm hai quả còn đã được ban phép tung lên cho mọi người tranh cướp. Khai hội tung còn, Pú mo sẽ mời các cụ cao tuổi trong bản tung còn trước thể hiện sự tôn kính, mong muốn các cụ sống lâu cùng con cháu, tiếp đó lần lượt các quả còn khác của từng gia đình và du khách cùng tham gia mới được tung lên.

Tung còn không cần đến sức mạnh của cơ bắp nhưng đòi hỏi sức khỏe và sự khéo léo, nhịp nhàng, uyển chuyển của người thể hiện. Trước khi tung còn lên, ta phả xoay còn bằng cách xoay đơn giản. Trước tiên trọng tâm cơ thể phải vững chắc và thoải mái, tay túm chặt vào đầu các tua của quả còn rồi cả cánh tay xoay xung quanh bả vai nhưng cùng chiều với kim đồng hồ (xoay ra phía sau), tiếp tục xoay đều chừng 5, 7, 10 vòng, đến lúc chuẩn bị hất lên thì rời tay còn mà tung lên. Nếu đúng nhịp, đúng điểm tung, quả còn sẽ bay cao và lao đi. Để quả còn được tung đúng vào hông tâm trên ngọn cây còn thì vị trí đứng và cách lăng tay xoay quanh bả vai rất quan trọng. Nếu biết lấy cột còn làm chuẩn mà căn sao cho khi ta xoay tay, vòng tròn tạo ra từ tay sẽ gần như dùng cột còn làm đường tiếp tuyến, cứ thế, khi căn chuẩn và lựa vòng xoay tay đúng điểm dừng để tung còn lên sẽ là những yếu tố quyết định thành bại. Quả còn ngũ sắc bay qua bay lại, như những đàn chim én chao liệng trên không trung khiến người chơi hào hứng, người xem xuýt xoa thán phục. Ở nhiều hội, trong khi tham gia tung còn, nam đứng một bên, nữ đứng một bên, vừa tung còn, vừa hát sli, hát lượn (đây là hai hình thức đối ca giao duyên nam nữ, thể hiện tục cầu mùa). Thoạt đầu còn tung sang nhau đại trà, sau dần dần đôi nào phải lòng nhau tự khắc tung cho nhau, để rồi khi trở về sau hội tung còn có nhiều cặp trai gái bén duyên rồi nên vợ, thành chồng.

Trước khi khép hội, Pú mo rạch quả còn thiêng xuyên thủng hồng tâm (đã được ban phép) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).

Tung còn là một màn múa đồng thời là trò chơi dân gian khiến cho người trong cuộc hào hứng, người đứng ngoài hò reo, cổ vũ, tạo không khí sôi nổi, hấp dẫn. Hoạt động tung còn không những thu hút nam nữ thanh niên mà nhiều người lớn tuổi cũng rất thích, ẩn chứa ý nghĩa phồn thực, cầu mong giao hòa âm - dương, mùa màng tươi tốt. Múa tung còn vừa mang tính văn hóa, vừa mang tính thể thao, rèn luyện sự tinh tế, khéo léo, tài tình, ước lệ và duyên dáng, nhẹ nhàng khi tung, khi bắt; vừa kết hợp các động tác toàn thân, vừa sảng khoái tinh thần, vừa được giao lưu, tỏ tình, đoàn kết, vui vẻ vừa thực sự làm nên dáng mảnh mai, yêu kiều, nhẹ nhàng đến dịu dàng của người con gái Tày. Nếu ai nấy từng tham dự hội tung còn của người Tày Tuyên Quang chắc hẳn sẽ cảm nhận được nét đẹp văn hóa và giá trị tinh thần mà múa tung còn mang lại được gìn giữ bao đời.

3. Múa dậm hầu

Là các điệu múa nằm trong phần hội của lễ hội Lồng Tồng. Khi phần nghi lễ tế thần, tế trời đất, các thiếu nữ Tày biểu diễn dưới sự dẫn dắt của các nghệ nhân, già làng. Khi tiếng trống, tiếng chiêng thúc từng hồi, các thiếu nữ Tày duyên dáng, uyển chuyển trong bộ trang phục dân tộc truyền thống, tay nâng trầu, hương, hoa, ngón tay kẹp đôi chuông đồng nhỏ rung bên này, vảy bên kia nhịp nhàng theo điệu dậm, chân bước tiến, bước lùi theo tiếng chuông ngân. Sau phần cúng lễ, các chàng trai, cô gái nô nức xuống đồng làm lễ tịch điền cùng cày cấy mùa vụ mới lễ tịch điền kết thúc cũng là lúc bà con dân bản hào hứng tham gia các trò chơi dân gian như đánh quay, chọi gà… Đặc biệt là phần đại dậm thuông với 6 điệu dậm thuông cổ là: dậm chèo thuyền, dậm múa quạt, dậm đàn tính, dậm múa kiếm, dậm nhảy chân sáo và dậm quét sân rồng do bà con dân bản thể hiện. Hoạt động này càng lúc càng đông vui và nhộn nhịp hơn, thu hút đông đảo sự tham gia của dân bản và du khách thập phương, khiến cho không khí vốn rộn ràng, náo nhiệt của ngày hội càng trở nên hấp dẫn.

Dậm chèo thuyền là điệu múa thể hiện sự khéo léo của các thiếu nữa Tày thông qua sức dẻo dai của cánh tay và sự kết hợp nhịp nhàng, uyển chuyển của toàn thân.

Dậm múa quạt là điệu múa mang tính chất nhẹ nhàng, thướt tha thể hiện vẻ đẹp mộc mạc, hồn nhiên mà không kém phần duyên dáng của những thiếu nữ Tày.

Dậm đàn tính là điệu múa mà mỗi người múa cầm một cây đàn tính nâng lên, hạ xuống, hất chéo, hất ngang, uốn lượn quanh người. Động tác khi thì lướt nhẹ nhàng, lúc lại dồn dập, luôn tạo không khí rộn ràng, thể hiện sự linh hoạt, khéo léo của từng tốp múa đặc biệt là của các chàng trai Tày.

Dậm múa kiếm là màn múa với sự tham gia biểu diễn của hàng trăm cặp trai gái trong bản, đội hình chủ yếu trong màn múa này là hàng ngang, hàng dọc, thường thì 2 hàng dọc quay mặt vào nhau tạo thành từng đôi. Mỗi người múa cầm trên tay một đôi kiếm gỗ, động tác rất dứt khoát, nhanh gọn mang tính chất khỏe khoắn.

Dậm nhảy chân sáo và dậm quét sân rồng, riêng hai màn múa này chỉ còn có trong tiềm thức của bà con dân bản, không còn thấy trong các hoạt động của lễ hội nữa. Người già của bản kể rằng đây là hai màn múa thể hiện tinh thần vui tươi, hồn nhiên và mộc mạc của người Tày.

Hằng năm, người Tày tại tỉnh Tuyên Quang tổ chức rất nhiều lễ hội nhưng nổi bật nhất là 3 lễ hội. Thứ nhất là lễ hội Lồng Tồng thường diễn ra vào đầu năm mới để tạ ơn đất, trời, các vị thần linh, thổ địa, thành hoàng trong vùng… đã phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống tốt lành, đồng thời cầu xin một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh, cuộc sống yên vui, an lành và hạnh phúc. Tiếp đến là lễ hội Nàng Hai được tổ chức vào tháng 3 âm lịch diễn ra trong nhiều ngày, theo quy mô bản và xã. Đây là một nét sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo. Theo đúng tên gọi là: “Mời Nàng Hai” (mời Nàng Trăng) xuống hạ giới để giao lưu và chúc phúc cho dân bản có một mùa màng bội thu và chia sẻ với những người không gặp may mắn. Cuối cùng là lễ hội rước đất, rước nước của người Tày diễn ra vào ngày rằm tháng Giêng hằng năm để cầu xin Mẹ Đất, Mẹ Nước phù hộ cho đất luôn màu mỡ, cầu cho nguồn nước không bao giờ cạn, giúp dân bản có cuộc sống no đủ quanh năm.

Mỗi ngày lễ hội trong năm đều có cách thức tổ chức và mang ý nghĩa khác nhau thể hiện rất rõ lối sống mộc mạc, tinh thần lạc quan yêu đời và đặc biệt là niềm say mê nghệ thuật của người Tày tại Tuyên Quang. Thông qua những lời ca, điệu múa của người Tày nơi đây không chỉ thể hiện nhu cầu giao lưu, chia sẻ những tâm tư tình cảm với bà con trong cộng đồng mình mà còn với các dân tộc anh em trên địa bàn lân cận. Đồng thời, họ muốn dâng lên “Cha Trời, Mẹ Đất” những thành quả trong lao động sản xuất, những niềm vui trong cuộc sống và cầu mong các vị thần ban cho họ một năm mới với nhiều điều tươi đẹp.

Ngày nay, đời sống của người dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang đã có nhiều đổi mới, sự du nhập của nhiều nền văn hóa cũng phần nào ảnh hưởng đến việc lưu truyền những giá trị văn hóa cổ truyền cho các thế hệ trẻ. Nhận thức được vấn đề đó, lãnh đạo địa phương cùng với những người giữ chức quyền, có tiếng nói với dân bản đã đưa ra chủ chương nhằm gìn giữ bảo tồn văn hóa của dân tộc Tày thông qua việc duy trì tổ chức các lễ hội dân gian cổ truyền. Đặc biệt chú trọng đến việc gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn các điệu múa trong phần hội, phần mà luôn được bà con trong và ngoài bản trông đợi nhất. Các khâu chuẩn bị và tập luyện diễn ra trước hằng tháng, việc sửa soạn, trang trí quần áo, đạo cụ biểu diễn như: đàn tính, quạt, nón, đầu sư tử, cột còn, quả còn... đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và công phu của những chàng trai, cô gái, nhưng vất vả nhất phải kể đến việc luyện tập các điệu múa cho thế hệ con em. Hiện nay, bà con người Tày tại Tuyên Quang vẫn luôn duy trì ổn định việc truyền dạy những điệu múa dân gian cho thế hệ trẻ và coi đó là một hoạt động phổ biến trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng được diễn ra đều đặn, thường xuyên tại các thôn bản. Ngoài ra, trong cơ chế mở tại địa phương, đã có chính sách mang lại sức sống mới cho các điệu múa dân gian, đó là việc đưa các điệu múa này vào các chương trình, sự kiện văn hóa, các khu du lịch nhằm giữ gìn, lan tỏa tình yêu với nghệ thuật múa nói riêng và quảng bá những giá trị văn hóa tốt đẹp của người Tày nói chung đến với cộng đồng. Từ đó tạo thêm sân chơi cũng như tăng thêm thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho bà con dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang mỗi ngày một văn minh, cải thiện .

Ths HOÀNG THÙY LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 542, tháng 8-2023

;