Dạy lý thuyết âm nhạc cho học sinh ngành Xiếc

Lý thuyết âm nhạc là môn học không thể thiếu trong chương trình đào tạo khối nghệ thuật nói chung. Với học sinh ngành Xiếc cũng vậy, lý thuyết âm nhạc có vai trò quan trọng, giúp các em nhận biết được những vấn đề cơ bản nhất về âm nhạc, cao hơn đó là cảm nhận được cái hay, cái đẹp do tác phẩm âm nhạc mang lại thông qua các thành tố: giai điệu, tiết tấu, lời ca… Cảm thụ âm nhạc sẽ giúp các em thể hiện được những động tác, tiết mục xiếc có cảm xúc hơn.

Theo Wikipedia tiếng Việt: “Xiếc (bắt nguồn từ tiếng Pháp - cirque), còn gọi là tạp kỹ, là nghệ thuật biểu diễn các động tác (leo trèo, nhảy, nhào lộn, uốn dẻo...) một cách đặc biệt tài tình, khéo léo của người, thú. Thông thường, để tăng phần hấp dẫn cho chương trình, xiếc được biểu diễn kết hợp với ảo thuật” (1). Đấy là quan niệm trước kia về bộ môn nghệ thuật xiếc. Ngày ngay đã xuất hiện quan niệm khác: Xiếc là bộ môn nghệ thuật biểu diễn các động tác một cách khéo léo, tài tình của người diễn, nghĩa là những trò chơi, ảo thuật, trò diễn của thú thuộc về tạp kỹ. Với quan niệm như vậy, ngày 17-4-2009, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ký Quyết định số 1468/QĐ- BVHTTDL về việc đổi tên Trường Trung học Xiếc Việt Nam thành Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam.

Quan niệm trước kia, hay hiện nay về bộ môn nghệ thuật xiếc, thực ra vẫn chưa biểu hiện hết được nội hàm của nó. Bởi, trong chương trình biểu diễn, dù lớn hay nhỏ, không phải chỉ có những động tác khéo léo của người nghệ sĩ để biểu đạt một nội dung nào đó, mà còn có nhiều thành tố khác như sân khấu, ánh sáng, âm nhạc… thậm chí còn có sự hòa đồng của khán giả. Với xiếc hiện đại, âm nhạc không phải là yếu tố phụ trợ mà là một thành tố không thể thiếu trong các tiết mục, vở diễn, chương trình biểu diễn xiếc. Chính vì nhận thức đúng về vai trò của âm nhạc trong nghệ thuật xiếc, nên năm 2022, Trường Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ thực hiện đề tài cấp Bộ: Âm nhạc trong biểu diễn xiếc - nghiệm thu tháng 2-2023 (2). Trong thời gian tới, đề tài này sẽ được chuyển thành giáo trình để đưa vào dạy học cho học sinh trung cấp. Mục đích của đề tài không đơn thuần cung cấp kiến thức âm nhạc cơ bản cho học sinh, mà thông qua đó sẽ gợi mở cách thức cảm thụ âm nhạc để học sinh có thể tự sáng tạo, biểu đạt được những động tác thông qua bài học trên lớp.

Dạy lý thuyết âm nhạc để cảm thụ âm nhạc là một tư duy cấp tiến, phù hợp với xu hướng dạy học phát triển năng lực hiện nay. Điều này cho thấy hai cấp độ trong tư duy và thực hành dạy học: thứ nhất, lý thuyết âm nhạc và dạy học lý thuyết âm nhạc vẫn được coi là nền tảng, giữ vai trò chủ chốt; thứ hai, từ kiến thức đã và đang được tiếp nhận, giáo viên sẽ khơi gợi tạo điều kiện cho học sinh nâng tầm nhận thức để các em bước vào miền cảm xúc thẩm mỹ nhân văn.

Một công việc (cụ thể là dạy học lý thuyết âm nhạc) đạt được hai mục đích, về phương diện lý thuyết, nó không mâu thuẫn, thậm chí là hoàn toàn hợp lý, nhưng thực tế diễn ra lại khác, luôn gặp muôn vàn khó khăn. Trường hợp này, xin dẫn lại lời của đại thi hào Johann Wolfgang von Goethe: “Mọi lý thuyết đều là màu xám/ Chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cây đời mãi xanh, đó là một thực thể khách quan và mang tính khách quan, còn lý thuyết luôn mang tính chủ quan. Tuy nhiên, để thu hẹp khoảng trống giữa lý thuyết và thực tiễn, người thực hiện công việc - giáo viên dạy lý thuyết âm nhạc - phải nhìn nhận cho đúng thực trạng đang diễn ra trong môi trường dạy học. Ở đây có ba trong nhiều vấn đề cần quan tâm:

 Thứ nhất, đó là đối tượng học sinh. Đa phần học sinh chuyên ngành Xiếc ở độ tuổi từ 11 - 15, các em đều có diện mạo dễ nhìn, hình thể đẹp và có các tố chất về nghệ thuật. Tuy nhiên, vừa phải học chuyên môn, vừa phải học chương trình phổ thông, đó là một trong những áp lực mà các em phải đối mặt. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố tác động như: sống xa nhà, điều kiện sinh hoạt hằng ngày, ảnh hưởng các vấn đề từ ngoài xã hội, tâm lý lứa tuổi… đã làm cho các em bị phân tâm nhiều trong quá trình học tập. Mặt khác, do nhận thức về các môn học chưa được đúng đắn, thậm chí là lệch lạc, nên một số học sinh coi các môn chuyên ngành là chính, các môn học khác là phụ, điều đó ảnh hưởng nhiều đến khả năng và tư chất của người nghệ sĩ sau này.

Thứ hai, là nhận thức của giáo viên. Như trên đã đề cập, dạy học lý thuyết âm nhạc ngoài việc cung cấp kiến thức, thì mục đích thứ hai hướng tới là giúp học sinh cảm thụ được những cái hay, cái đẹp mà tác phẩm âm nhạc mang lại. Chưa cần bàn tới những vấn đề sâu xa, mà điều đầu tiên giáo viên trực tiếp giảng dạy phải hiểu được cảm thụ âm nhạc. Để giúp học sinh vừa nắm được kiến thức âm nhạc, vừa hiểu và biết cách cảm thụ âm nhạc, đây là điều rất khó khăn đối với giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, khó mấy cũng phải tìm cách vượt qua và muốn đạt được mục đích đó, giáo viên nên chú ý đến mấy khía cạnh liên quan tới vấn đề này.

Cần phải hiểu cảm thụ âm nhạc là hoạt động thuộc về quá trình nhận thức - nói rõ hơn là quá trình nhận thức thẩm mỹ của con người và chỉ ở con người mới có. Tuy nhiên, thực tế đã xảy ra trường hợp, khi tiếng kẻng vang lên ở đầu xóm vào mỗi buổi sáng, người ta thường thấy những chú chó chạy đến và rú lên liên hồi; hoặc có chủ trang trại thường cho bò nghe nhạc vào mỗi buổi tối, thì thấy chúng thường lim dim, đung đưa và cho sản lượng sữa nhiều… Nếu nhìn nhận như vậy để đi đến kết luận là động vật cũng biết thưởng thức, cảm thụ âm nhạc thì e rằng có phần chủ quan. Bởi, con người thuộc loại động vật cao cấp, tuy như các động vật khác đều: “chịu sự chi phối bởi quy luật vạn vất hấp dẫn, bởi các quy luật quán tính, quy luật dẫn nhiệt, bảo toàn và chuyển hóa năng lượng” (3), nhưng lại có sự khác biệt đáng kể. Với động vật, khi tiếng động/ âm nhạc tác động vào thính giác thì ngay lập tức, chúng có những phản xạ mang tính bản năng và di truyền để thích nghi, bảo vệ nòi giống. Cũng âm thanh đó, con người sẽ tiếp nhận chủ động và được bộ não phân tích thông qua quá trình cảm - thụ. Như vậy, vấn đề ở đây là: tránh đánh đồng hoạt động cảm thụ âm nhạc của con người với sự phản xạ/ phản ứng về âm thanh của con vật; tránh đánh đồng giữa hiện tượng và bản chất, giữa hoạt động của con người với hoạt động của các vật thể sống khác.

Từ những dẫn giải như trên, có thể khẳng định: Hoạt động cảm thụ âm nhạc là hoạt động riêng có của con người; hoạt động cảm thụ nằm trong mối quan hệ thẩm mỹ, mà cụ thể nó thuộc lĩnh vực chiêm nghiệm và thưởng ngoạn. Hoạt động này gồm hai công đoạn: cảm (trực quan sinh động) và thụ (tư duy trừu tượng). Hiểu cách khác, cảm là cảm quan, nhận thức ban đầu, thụ là hưởng thụ cái hay, cái đẹp mà tác phâm âm nhạc đưa lại. Tuy nhiên, nhìn vào logic của quá trình cảm thụ, đó không phải là cái ngẫu nhiên, mà nó có mối liên hệ qua lại khăng khít: không cảm tất yếu sẽ không có thụ và ngược lại. Như vậy, khởi nguồn của quá trình này là gì? Có lẽ vẫn phải viện dẫn lại một lần nữa câu nói của các tiền nhân trong dân gian: “Có bột mới gột nên hồ” để hy vọng sự lý giải này có tính phù hợp.

“Bột” ở đây chính là kiến thức âm nhạc, không có kiến thức âm nhạc thì sao có thể hiểu được những vấn đề sơ đẳng nhất có trong tác phẩm, chứ chưa bàn tới việc nắm bắt được cái hay, cái đẹp mà tác phẩm âm nhạc mang lại, điều này có khác chi như người đi biển không có hải bàn, người đi rừng thiếu la bàn vậy. Đến đây, tôi chợt nhớ ra câu thành ngữ “Đàn gảy tai trâu” - thành ngữ này xuất phát từ Trung Quốc - tất nhiên, tôi không có ý ví người thưởng thức âm nhạc như trâu, mà chỉ lấy cớ viện dẫn câu chuyện để hướng vào vấn đề cảm thụ âm nhạc. Chuyện kể lại rằng:

Thời Chiến Quốc, có một âm nhạc gia nổi tiếng tên là Công Minh Nghi. Ông có thể diễn tấu thất huyền cầm một cách điêu luyện và ông cũng đồng thời là nhạc sĩ. Một ngày đẹp trời, Công Minh Nghi đến vùng ngoại ô chơi đàn. Khi thấy một con trâu đang gặm cỏ, tức hứng, ông cầm đàn đến cạnh và diễn tấu khúc nhạc Thanh giác chi tao; trâu dường như không nghe thấy, vẫn tiếp tục gặm cỏ. Công Minh Nghi cho rằng, có thể khúc nhạc này không hợp vì quá tao nhã, nên chuyển sang chơi một bài khác, nhưng kết quả: trâu vẫn ung dung gặm cỏ. Cuối cùng ông dùng đàn tạo ra âm thanh của ruồi muỗi và tiếng nghé kêu, lúc đó trâu dừng gặm cỏ, lắng nghe, ve vẩy đôi tai như để xua đuổi muỗi đi.

Hãy loại bỏ những yếu tố bất hợp lý (chơi đàn cho trâu nghe), thì ở thẳm sâu của câu chuyện là tính hợp lý, khiến chúng ta cần suy nghĩ, đó là: muốn thưởng thức âm nhạc (theo đúng nghĩa) phải là người có tri thức âm nhạc, hoặc ít nhất là sự chú ý và có lòng say mê, yêu thích âm nhạc. Tất nhiên, tri thức âm nhạc, không phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống, mà phải qua một quá trình tích tụ kiến thức thông qua việc học tập ở trên lớp hoặc do bản thân mỗi con người tự tìm hiểu qua sách vở, hay học từ thực tiễn cuộc sống. Hoạt động này mang tính trí tuệ, đặc trưng và chỉ ở con người mới có. Học để biết, biết để hiểu, hiểu để cảm thụ một tác phẩm âm nhạc, đó là một quá trình đồng thời cũng là một chu trình có tính logic giữa các công đoạn với nhau. Không học sẽ không biết, không biết thì không thể hiểu và không hiểu chắc chắn sẽ không thể cảm thụ được âm nhạc, đó là điều đương nhiên.

Khi tác phẩm âm nhạc vang lên, bộ não của người thưởng thức đồng thời được kích hoạt. Nhiều vấn đề kiến thức về âm nhạc được tái hiện lại một cách ngẫu nhiên và hòa vào để nhận biết những vấn đề trong tác phẩm âm nhạc. Do đây là hoạt động thuộc về hệ thần kinh của con người, nên không thể chỉ ra rạch ròi: kiến thức nào xuất hiện trước, kiến thức nào xuất hiện sau trong quá trình thức. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy rằng, người nào được trang bị kiến thức âm nhạc, tất yếu sẽ có khả năng cảm thụ âm hơn những người không được trang bị kiến thức âm nhạc.

Thứ ba, từ khi đất nước ta bước vào thời kỳ đổi mới đến nay, nhiều tư duy, quan điểm thuộc các lĩnh vực đã được thay đổi đáng kể. Riêng với dạy học, xưa giáo viên là trung tâm, thì ngày nay lấy học sinh là trung tâm, giáo viên chỉ là người tổ chức thực hiện, nhằm khơi gợi tính tự chủ, tư duy, phát huy năng lực của người học. Quan điểm như vậy, là phù hợp với sự phát triển chung của các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, không phải cái gì mới cũng là tiên tiến, ưu việt, thực tế cho thấy, phương thức dạy học truyền thống, nhất là dạy học các bộ môn nghệ thuật, cũng có những ưu điểm riêng. Tục ngữ có câu: “Liệu cơm gắp mắm, liệu bò đo chuồng”, trong trường hợp này vẫn còn nguyên giá trị. Không thể quay mặt với cái truyền thống để hoàn toàn chạy theo cái mới, hoặc ngược lại, nếu không biết đối tượng học là ai.

Từ cách nhìn nhận như trên có thể thấy, dạy học lý thuyết âm nhạc cho học sinh ngành Xiếc, để đạt được hiệu quả về chất lượng, đỏi hỏi giáo viên vẫn phải kết hợp giữa cách phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học mới. Đó là dạy cho các em nắm chắc được một số nội dung cơ bản nhất (nốt nhạc, cao độ, trường độ, giai điệu, sắc thái…), đồng thời với quá trình đó là sự kết hợp định hướng về việc cảm thụ âm nhạc thông qua bài tập thực hành và khuyến khích học sinh thể hiện các động tác biểu cảm cụ thể thông qua việc cảm thụ đó. Chẳng hạn, khi học về nhịp 2/4, phải cho học sinh nhận diện được nó, sau đó lấy một tác phẩm có hình thức, cấu trúc đơn giản để minh chứng và khơi gợi dẫn dắt các em vào miền cảm xúc.

Trên phương diện lý thuyết thì như vậy, nhưng thực tế, khi thực hiện giảng dạy lại chẳng đơn giản chút nào. Muốn truyền đạt tốt các nội dung về lý thuyết âm nhạc cơ bản, thông qua đó giúp học sinh có thể cảm thụ được âm nhạc để vận dụng vào các động tác, tiết mục xiếc, ngoài vấn đề về tư tưởng, quan điểm dạy học, giáo viên cần nắm bắt và đánh giá đúng đặc điểm, khả năng của học sinh. Bên cạnh đó, giáo viên cần chủ động và phải hiểu/ biết rõ nội dung truyền đạt là gì, mục đích ra sao, liều lượng cách thức truyền đạt như thế nào cho hợp lý…

______________

1. Xiếc, vi.wikipedia.org.

2. Ngô Lê Thắng (chủ nhiệm đề tài), Âm nhạc trong biểu diễn xiếc (trình độ trung cấp), Đề tài cấp Bộ VHTTDL, 2022.

3. Đỗ Huy, Mỹ học - Khoa học về các quan hệ thẩm mỹ, Nxb Khoa học xã hội, 2001, tr.48.

NGUYỄN DƯƠNG ANH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 539, tháng 7-2023

;