Những yếu tố thúc đẩy sự phát triển dân ca quan họ Bắc Ninh

Dân ca quan họ là sản phẩm văn hóa sáng tạo của người dân xứ Kinh Bắc, đã đạt tới tầm cao trong nền nghệ thuật dân gian truyền thống của dân tộc. Trong những yếu tố tạo nên sự độc đáo của dân ca quan họ, phương thức đối giọng và sáng tác những làn điệu, bài bản mới được coi là hai yếu tố quan trọng, góp phần duy trì và thúc đẩy sự phát triển trên phương diện nghệ thuật.

1. Phương thức đối giọng - nét đặc trưng trong diễn xướng

Trong các loại hình dân ca đối đáp nam nữ nhiều làn điệu, đối giọng là một phương thức diễn xướng mang tính chủ đạo. Đối giọng trong dân ca quan họ còn gọi là đối làn điệu (1), tức là, dùng làn điệu để đối với làn điệu. Cụ thể, phương thức này được quy định như sau: “Khi bên ra vế đối hát trước một bài có giai điệu như thế nào thì bên đáp cũng phải đối lại một bài có giai điệu như thế nhưng khác về lời ca” (2). Ngoài ra, bên cạnh đối giọng còn có đối lời và đối ý. Bởi vậy, trong nghệ thuật quan họ, khi đối cả giọng lẫn lời được gọi là “đối chỉnh”, còn nếu chỉ đối giọng thuần túy (đối giai điệu âm nhạc) thì được gọi là “đối thường” (3). Đối lời, đối ý trong dân ca quan họ cũng có nét độc đáo riêng, đặc biệt, thường tập trung vào ý tứ và sự tinh tế của lời ca. Chẳng hạn, khi bên nữ hát một lời ca nào đó thì bên nam phải sử dụng một lời ca khác để đối lại nhưng phải đảm bảo sự gắn bó về tình, ý, hình tượng trong nội dung của lời ca.

Xét trên phương diện nghệ thuật âm nhạc, trong phương thức diễn xướng hát quan họ, có thể nói, phương thức đối giọng là một lối chơi rất độc đáo của những chủ thể diễn xướng. Lối chơi này đã tập trung vào sự phát triển yếu tố âm nhạc mà hiếm có loại hình dân ca đối đáp nam nữ nào có được. Như đã đề cập, trong diễn xướng hát đối giọng của dân ca quan họ Bắc Ninh, các liền anh, liền chị thường dùng làn điệu để đối với làn điệu. Với phương thức diễn xướng này, đòi hỏi người hát phải có “vốn liếng” âm nhạc dồi dào và phải am hiểu một cách tường tận những yêu cầu của nghệ thuật hát đối giọng. Từ đặc trưng này cho thấy, cùng với những yếu tố khác, phương thức đối giọng trong dân ca quan họ đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ trên phương diện nghệ thuật ca hát. Phương thức đối giọng được sử dụng trong quá trình diễn xướng hát quan họ vừa có tính niêm luật chặt chẽ, thể hiện qua những quy chuẩn, quy định, nguyên tắc ca hát mà truyền thống đã đặt ra, lại vừa mang tính mở, phát triển, từ đó tạo điều kiện cho những chủ thể diễn xướng thể hiện và khẳng định năng lực ca hát của mình.

Trong nghệ thuật hát quan họ truyền thống, phương thức đối giọng được thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt nhất là ở chặng hát đầu, khi các liền anh, liền chị hát những làn điệu thuộc giọng lề lối (4). Xưa kia, trong một canh hát quan họ hay trong những cuộc thi hát quan họ ở hội làng, ở chặng hát đầu, khi hát giọng lề lối, những người hát phải hát đủ các làn điệu đã được đặt ra theo quy định truyền thống. Chẳng hạn, trong hát canh (5), thông thường, người hát sẽ phải hát năm làn điệu bắt buộc như Hừ la; La rằng; Đường bạn; Tình tang; Cái hời, cái ả. Trong những cuộc thi hát, lề luật đối giọng còn được tuân thủ một cách khắt khe và nghiêm ngặt hơn. Theo nhà nghiên cứu Trần Linh Quý: “khi hát thì bên giữ giải có quyền hát trước 5 bài (bất kể là bài gì) và cứ sau mỗi bài, bên giữ giải hát trước thì bên giật giải phải đối lại đúng cách, tức là đối giọng và đối lời. Nếu đối đủ và đúng cách là xong và coi như hòa. Hát xong đủ mười lần như vậy, người quan họ gọi là đủ năm trên, năm dưới” (6). Như vậy, đối giọng được tuân thủ nghiêm ngặt ở chặng lề lối và tiếp sau đó, vào chặng hát giữa - chặng trung tâm của canh hát, khi hai bên nam nữ hát những bài quan họ thuộc hệ thống giọng vặt, phương thức diễn xướng này vẫn được sử dụng nhưng có phần tự do, phóng khoáng và mở rộng hơn. Ở chặng hát này, người hát có thể sử dụng nhiều làn điệu phong phú, đa dạng khác nhau và thỏa sức “tung hoành” trên “diễn trường” đối đáp.

Như vậy, có thể nói, đối giọng đã trở thành một phương thức diễn xướng bắt buộc, mang nét đặc trưng riêng và không thể thiếu trong diễn xướng dân ca quan họ. Phương thức này luôn duy trì và là một động lực thúc đẩy sự phát triển trên phương diện nghệ thuật ca hát.

2. Sáng tác làn điệu, bài bản ngoài quá trình diễn xướng

Thực hành diễn xướng dân ca quan họ, ngoài mục đích phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ca hát dân gian truyền thống của đông đảo quần chúng nhân dân, còn chứa đựng một nét đặc trưng nổi bật, đó là tính thi tài và thể hiện tài năng ca hát của chủ thể diễn xướng. Trên thực tế của những cuộc hát quan họ, những liền anh, liền chị khi hát đối đáp với nhau, ngoài mục đích bày tỏ tâm tư, tình cảm và biểu lộ cảm xúc với bạn hát, họ còn muốn thử tài và thi tài với nhau. Nhưng, thi tài ở đây không phải tranh tài cao, thấp mà mục đích chính là để hiểu rõ hơn về năng lực ca hát của bạn và từ đó, họ càng thêm khiêm nhường, trân trọng tài năng của nhau hơn. Hơn nữa, “tranh tài cao thấp ở đây chỉ là để chơi, nghĩa là chơi quan họ tại “gia” để thể hiện thú vui tao nhã của các liền anh, liền chị” (7). Đây là một trong những đặc điểm nổi bật, rất đáng trân trọng trong văn hóa của người quan họ, đó là tính khiêm nhường, tế nhị và lịch sự.

Phương thức đối giọng hình thành và phát triển trong nghệ thuật hát quan họ có cơ sở từ yếu tố thi tài ca hát và cũng mang ý nghĩa mở rộng số lượng cũng như chất lượng làn điệu, bài bản, chủ đề nội dung, đề tài… Như vậy, hình thức thi tài ca hát, cụ thể ở đây là thi tài trên phương diện nghệ thuật âm nhạc thể hiện qua phương thức đối giọng đã gieo mầm tạo điều kiện và thúc đẩy không ngừng việc sáng tác những làn điệu, bài bản mới. Đây là một yếu tố rất quan trọng, giúp cho việc thúc đẩy sự phát triển không ngừng của nghệ thuật quan họ. Với tài năng nghệ thuật và khả năng sáng tạo vượt trội, trong quá trình thực hành ca hát, những chủ thể diễn xướng dân ca quan họ đã tạo nên rất nhiều làn điệu, bài bản quan họ mới thông qua việc vận dụng, tiếp thu những làn điệu, bài bản dân ca ngoài quan họ, làm giàu thêm cho hệ thống làn điệu, bài bản vốn đã rất phong phú, đa dạng của mình. Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan: “Cùng với luật thi đối giọng, người quan họ rất năng động và tích cực trong việc phát triển hệ bài bản và một trong những phương thức phát triển hệ bài bản là tiếp thu và đồng hóa bài bản, làn điệu của những thể loại khác để làm giàu cho vốn bài bản của mình và giành chiến thắng trong các cuộc thi” (8).

Trong các loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu, việc sáng tác thường được thực hiện ngay tại chỗ (9), tức là, hình thức này thường được thực hiện ngay tại môi trường, không gian diễn xướng. Ở đây, người diễn xướng và người tham dự, thưởng thức thường có mối quan hệ tương tác, gắn kết với nhau, “tung hứng” cho nhau, từ đó thúc đẩy hình thức sáng tác tại chỗ. Xét về bản chất, sáng tác tại chỗ là một phương thức trình diễn nghệ thuật mang tính ngẫu hứng và tự phát. Chẳng hạn, trong khi hát, người hát thường sử dụng những làn điệu, bài bản có sẵn rồi sửa chữa, thêm thắt, bổ sung những yếu tố mới nhằm mục đích thể hiện tài năng ca hát cá nhân hoặc “trình diễn để tự bộc bạch tâm tư mình và kêu gọi mối đồng cảm của bà con” (10). Trên thực tế, trong hầu hết loại hình dân ca đối đáp nam nữ, khi bắt đầu bước vào cuộc hát, hình thức sáng tác tại chỗ thường chưa xuất hiện. Chỉ đến khi cuộc hát đã lên đến giai đoạn cao trào hoặc giai đoạn cuối của cuộc hát, lúc này, do có sự hứng khởi và cảm hứng nghệ thuật, những chủ thể diễn xướng bắt đầu thực hiện việc ngẫu hứng, ứng tác tại chỗ. Họ có thể sáng tạo ra những lời ca mới để phù hợp với bối cảnh thực tại hoặc “vay mượn”, sử dụng làn điệu của một số loại hình dân ca khác rồi đặt lời mới vào để thay đổi không khí và tạo thêm yếu tố mới, tránh sự đơn điệu (11). Ngoài ra, trong nhiều loại hình dân ca đối đáp nam nữ, tùy thuộc vào cảm hứng nghệ thuật ở từng thời điểm, trong mỗi lần hát, những chủ thể diễn xướng lại sáng tạo, thêm thắt những âm luyến láy, tô điểm thêm cho giai điệu hoặc cắt, gọt, thay đổi một số âm điệu trong giai điệu để phù hợp với thanh điệu của lời thơ. Việc sáng tác lời ca tại chỗ cũng rất phong phú, đa dạng. Để tạo ra những lời ca đáp ứng yêu cầu đối/ đáp nhằm phục vụ mục đích đối lời, đối ý, trong các cuộc hát, người hát thường khai thác, vận dụng vốn liếng thơ ca có sẵn của mình, thậm chí họ còn vận dụng từ rất nhiều “nguồn” khác nhau để “biến hóa” và sáng tạo. Có thể thấy, “người ứng tác thường vay mượn trong kho tàng truyền miệng, những đoạn nói có vần điệu, những ca dao, tục ngữ… có thể kết hợp những câu thơ cũ thành những bài thơ mới” (12). Tuy nhiên, để có thể ứng tác, ứng khẩu tại chỗ, tức là sáng tác ngay trong quá trình diễn xướng, thì trước và sau mỗi cuộc hát, những chủ thể diễn xướng đã phải tự trau dồi vốn liếng thơ ca rất nhiều.

Quan họ là dân ca nhiều làn điệu. Sáng tác trong dân ca quan họ có nét đặc trưng và khác biệt với hình thức sáng tác tại chỗ trong những loại hình dân ca đối đáp nam nữ một làn điệu. Hình thức sáng tác trong dân ca quan họ thường có quy mô và chủ đích rõ ràng hơn, không còn mang tính ngẫu hứng, tự phát, mặc dù ở từng hoàn cảnh diễn xướng cụ thể, có thể vẫn xuất hiện tính ngẫu hứng. Sáng tác trong dân ca quan họ thường được thực hiện trước hoặc sau những cuộc hát, tức là sáng tác ngoài quá trình diễn xướng. Theo nghệ nhân ở các làng quan họ, việc sáng tác làn điệu, bài bản được thực hiện thường xuyên trong năm. Công việc này thường do những nghệ nhân quan họ lâu năm, những người cao tuổi có khả năng về văn, thơ, âm nhạc và đặc biệt là có tài “biến hóa” thực hiện. Họ đã sáng tạo ra những giai điệu và lời ca mới mang đậm chất quan họ, đáp ứng và phục vụ cho mục đích đối đáp, thi tài và thưởng thức nghệ thuật của đông đảo quần chúng nhân dân. Thông thường, mỗi năm, mỗi bọn quan họ phải sáng tác được một “bài độc” (13) rồi bí mật luyện tập để đến khi tham gia hội hát, khi cần là họ có thể “tung” ra, tạo yếu tố bất ngờ cho “đối phương”. Việc sáng tác trong dân ca quan họ luôn đòi hỏi ở người sáng tác một trình độ cao điêu luyện và khả năng thẩm mỹ nghệ thuật sâu sắc. Những bài quan họ mới mang dấu ấn sáng tạo riêng, thường là những bài đạt chất lượng cao về nghệ thuật. Bởi vậy, so với những loại hình dân ca đối đáp nam nữ khác, hệ thống làn điệu của dân ca quan họ Bắc Ninh đã vượt trội về sự phong phú, đa dạng, biểu hiện ở việc sử dụng nhiều thủ pháp phát triển giai điệu. Giai điệu của dân ca quan họ không còn là những tổ hợp cao độ đơn giản hoàn toàn dựa vào thanh điệu của lời ca mà “phóng khoáng uốn lượn mềm mại, uyển chuyển nhờ những thủ pháp thay đổi điểm tựa âm vực và cả thủ pháp di chuyển cao độ trong từng nhóm thanh điệu” (14).

3. Kết luận

Yếu tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển không ngừng trên phương diện nghệ thuật của dân ca quan họ Bắc Ninh chính là phương thức đối giọng và sáng tác ngoài quá trình diễn xướng. Phương thức đối giọng trở thành một nguyên tắc diễn xướng bắt buộc, từ đó, tạo điều kiện cho sự phát triển trên phương diện nghệ thuật hát đối đáp của người Việt.

Có thể nói, bất cứ một loại hình dân ca nào muốn tồn tại, phát triển và khẳng định đặc trưng riêng đều phải duy trì những yếu tố sáng tạo trong quá trình lưu truyền và thực hành diễn xướng. Dân ca quan họ cũng không ngoại lệ. Sáng tạo trong diễn xướng dân ca tức là tạo ra những yếu tố mới, những yếu tố này có thể đã có sẵn, được thay đổi, biến hóa hoặc chưa từng có trước đó. Xuất phát từ nhu cầu thi tài ca hát của các chủ thể diễn xướng và nhu cầu thưởng thức của những người tham dự, thưởng thức dân ca quan họ, sáng tác làn điệu, bài bản đã hình thành, phát triển và tạo cho loại hình dân ca này luôn có sự tươi mới, hấp dẫn và cuốn hút. Sáng tác ngoài quá trình diễn xướng cũng thúc đẩy sự phát triển không ngừng trên phương diện nghệ thuật và bổ sung cho hệ thống làn điệu, bài bản ngày càng thêm phong phú, đa dạng. Bởi vậy, cho tới thời điểm hiện tại, số lượng làn điệu trong dân ca quan họ Bắc Ninh vẫn chưa dừng lại.

Phương thức đối giọng và sáng tác ngoài quá trình diễn xướng luôn là một “cặp” song hành, góp phần đưa dân ca quan họ Bắc Ninh lên tới đỉnh cao trong nghệ thuật ca hát dân gian và trở thành một di sản quý báu trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

______________

1. Trong dân ca quan họ chữ giọng mang nhiều nghĩa khác nhau, ở đây giọng được hiểu là làn điệu (giai điệu âm nhạc).

2, 6. Trần Linh Quý, Dân ca quan họ, trong Văn nghệ dân gian Bắc Giang, Hội Văn học Nghệ thuật Bắc Giang, tr.45, 51.

3. Trường Trung cấp Văn hóa nghệ thuật tỉnh Bắc Ninh, Giáo trình lý thuyết dân ca quan họ Bắc Ninh (lưu hành nội bộ), 2011, tr.15.

4. Lề lối hát quan họ, landieuquanhobacninh.blog spot.com, 25-10-2016.

5. Hình thức hát trong hội mùa xuân, thường vào ban đêm. Là lối hát giữa bọn quan họ trong làng với bọn quan họ kết bạn ở làng khác. Mỗi cuộc hát canh thường diễn ra từ tối đến rạng sáng.

7. Canh chơi quan họ là gì?, sites.google.com/site/ nguyentocyenman.

8, 14. Nguyễn Thụy Loan, Dân ca quan họ Bắc Ninh - một di sản độc đáo, Tạp chí Văn hóa dân gian, số 5, 2006, tr.32, 28.

9. Còn gọi là ứng tác.

10. Tô Ngọc Thanh, Sơ lược về âm nhạc dân gian, trong Ghi chép về văn hóa và âm nhạc, Nxb Khoa học xã hội, 2007, tr.640.

11. Nguyễn Đỗ Hiệp, Hát đúm của người Việt ở Bắc Bộ, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2020, tr.70.

12. Nguyễn Văn Huyên (1934), Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam, trong Góp phần nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tập I, Nxb Khoa học xã hội, 1995, tr.133.

13. Bài bản được sáng tác mới và giữ bí mật, sử dụng để đưa ra hát trong các cuộc thi đối đáp quan họ.

PGS, TS NGUYỄN ĐỖ HIỆP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 518, tháng 12-2022

;