Múa sạp - Giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống trong không gian phát triển du lịch cộng đồng

Ngày hội Đại xòe - Múa sạp là một nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số Mường Lò - Nghĩa Lộ mà chủ yếu là người Thái ở Tây Bắc. Các loại hình nghệ thuật biểu diễn dân gian nơi đây đã có từ lâu đời và đang ngày càng phát triển, khẳng định vị thế của mình trong không gian du lịch Việt Nam.

Chương trình “Trình diễn múa sạp” trên sân quảng trường Golden Field Trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

1. Giá trị văn hóa và nghệ thuật dân gian độc đáo của múa sạp

Múa sạp (còn gọi là nhảy sạp) là loại hình nghệ thuật dân gian nổi tiếng, là điệu múa đặc trưng của dân tộc thiểu số - một hình thức giải trí, song múa sạp còn mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Múa sạp có nguồn gốc từ các hoạt động lao động sản xuất của người dân tộc Thái. Qua thời gian, nó được nâng lên thành một hình thức nghệ thuật mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, sức sống mãnh liệt và ước vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Ở vùng Tây Bắc, múa sạp được tổ chức vào các dịp lễ hội, nó không chỉ mang đậm bản sắc đời sống sinh hoạt của người Tây Bắc mà còn thể hiện được cốt cách, tâm hồn và tình cảm gắn kết cộng đồng. Trong Đại xòe - Múa sạp, du khách được thưởng thức những âm thanh độc lạ của tiếng thanh tre, thanh trúc, tiếng nhạc nhảy, tiếng chiêng trống rộn ràng. Các chàng trai, cô gái với những bộ trang phục dân tộc truyền thống. Họ kết hợp uyển chuyển cùng nhau, hòa theo tiếng nhạc, tạo nên những vũ điệu nhộn nhịp và nhiều màu sắc, là thông điệp gửi gắm về sự gắn bó, đoàn kết giữa bản làng nói riêng và cộng đồng 54 dân tộc nói chung.

Múa sạp mang nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc, gắn liền với đời sống sinh hoạt và tín ngưỡng của họ, vì vậy ở mỗi điệu múa sạp của mỗi vùng miền đều mang ý nghĩa riêng, thể hiện sự khéo léo, tinh thần đoàn kết và sự trân trọng đối với truyền thống của dân tộc đó. Múa sạp không quy định cụ thể số lượng người tham gia cũng như số lượng người đập sạp bởi càng đông càng vui.

Những động tác nhịp nhàng, uyển chuyển của nghệ thuật múa sạp trong khai mạc Đại xòe - Múa sạp

Khởi nguồn của nghệ thuật múa sạp là bắt nguồn từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày và gắn liền với những công việc của bà con, nên các đạo cụ - chất liệu (cọc tre, quạt tre, quạt vải), trang phục (váy áo nữ đồng phục theo sắc tộc vùng miền, chủ đề lễ hội) đều được người dân tự làm, để khi tham gia múa sạp sẽ phù hợp và thân thuộc với họ. Đây chính là nét độc đáo trong đạo cụ và chất liệu của loại hình nghệ thuật này và con người nơi đây.

Chất liệu: đó là “tre, nứa”, có độ bền cao và tạo ra âm thanh đặc trưng khi va chạm. Là chất liệu được sử dụng nhiều nhất tạo nên “sàn” (còn gọi là sạp) góp phần sôi động trong âm thanh và màu sắc tạo hình của sàn nhảy. Sạp - dụng cụ không thể thiếu trong tổ chức nhảy sạp và được tạo bởi nhiều thành tố.

Hình dáng và kích thước: đa dạng (thường độ dài khoảng 1-1,5m). Cách sắp xếp - tạo hình: trong màn chào diễn là hình chiếc quạt lớn xòe rộng tạo bởi các cây tre/nứa và cũng từ các cây tre/nứa để tạo hình sàn nhảy. Sạp được đặt song song nhau, tạo thành một dàn sạp - người múa sẽ nhảy trên dàn sạp này.

Trang trí: Sạp của người Thái thường có những họa tiết vân tre/trúc tự nhiên hoặc được cắt dán trang trí đơn giản, nhưng tinh xảo, thể hiện sự khéo léo của người làm.

Trang phục: Người tham gia múa sạp thường mặc trang phục truyền thống vùng miền dân tộc. Trang phục không chỉ đẹp mắt mà còn tạo cảm giác thoải mái khi múa.

Phụ kiện: Các phụ kiện đi kèm như khăn piêu, vòng cổ, vòng tay làm tăng thêm vẻ đẹp và sự duyên dáng cho người múa. Đồng thời kết hợp với các thành tố khác để tạo thành không gian biểu diễn như âm nhạc, nhịp điệu, hát…

Âm nhạc: nhạc có vai trò quan trọng trong việc tạo không khí cho buổi biểu diễn nhảy múa trên sạp, đồng thời, cũng là tín hiệu để người múa phối hợp nhịp nhàng. Nhạc cụ thường được sử dụng trong múa sạp Thái là trống, kèn pí lồ, đàn tính...

Nhịp điệu: Nhịp điệu sôi động, vui tươi tạo không khí hào hứng cho buổi diễn. Nhịp điệu múa sạp gồm: nhịp 4/4; nhịp 3/4; nhịp tự do.

Hát: Người múa thường hát những câu hát dân gian, ca ngợi tình yêu quê hương, con người và tùy thuộc và chủ đề lễ hội. Nhạc và hát được kết hợp chung trong cùng một không gian lễ hội để một hoặc nhiều tốp nhảy múa theo cùng một nhịp.

Động tác: các động tác múa sạp phải thật nhịp nhàng, uyển chuyển, kết hợp hài hòa với nhịp trống tạo nên một không khí vui tươi, sôi động. Các động tác thường mô phỏng lại các hoạt động trong cuộc sống hằng ngày như cấy lúa, đánh cá, đan lát... Động tác múa sạp rất phong phú, từ những động tác đơn giản như bước, xoay, đến những động tác phức tạp hơn như nhảy bật, xoay tròn. Từ đó tạo nên không khí vui tươi, sôi động cho buổi diễn; kết nối người múa, giúp các thành viên trong đội múa phối hợp nhịp nhàng, tạo nên sự thống nhất; truyền tải cảm xúc khác nhau như vui mừng, phấn khởi, buồn bã...

Sạp được chia thành 2 loại, sạp chính và sạp con. Sạp chính sẽ được chọn lựa từ những cây tre chắc chắn, dài và lớn. Sạp con được chuẩn bị theo từng cặp, chọn những cây nhỏ hơn. Kích thước của các loại sạp không cố định, tùy thuộc quy mô tổ chức múa sạp (thông thường dài từ 4-5m) và hầu như các đội nhóm đã chuẩn bị sẵn.

Để bắt đầu điệu múa sạp chính, các đoạn tre có độ dài quy định sẽ được để song song cách nhau một khoảng nhất định (phụ thuộc chiều dài của sạp con). Các cặp sạp con sẽ được đặt song song nhau, vuông góc với sạp chính. Hai đầu sạp con sẽ gác vuông góc với sạp chính, mỗi sạp sẽ cách nhau khoảng chừng một gang tay (20cm). Người ngồi hai bên dọc theo sạp chính sẽ cầm sạp con gõ theo nhịp 4/4.

4 nhịp gồm 3 lần gõ sạp con lên sạp chính và 1 lần 2 sạp con gõ vào nhau. Vừa gõ vừa hát, tạo âm thanh vui nhộn và cuốn hút. Các diễn viên múa sẽ múa theo đôi: đôi nam nữ, đôi nam hoặc đôi nữ nối tiếp nhau. Nhảy sạp - múa sạp phải theo nhịp, uyển chuyển để không giẫm lên sạp. Đội gõ sạp phải khéo léo và kết hợp ăn ý với nhau. Các nhịp gõ phải đều, đủ lực, âm thanh được tạo ra từ các lần gõ to và khỏe khoắn.

Không gian biểu diễn: đối với loại hình nghệ thuật múa sạp, không gian để biểu diễn không chỉ ở các sân lớn quảng trường, sân vân động… mà còn có thể diễn ở các sân đình - đình làng, nhà rông hoặc các không gian mở trong làng và tại không gian lễ hội.

Màn chào diễn là hình chiếc quạt lớn xòe rộng tạo bởi các cây tre/nứa

2. Nhận biết sự biến thể chính của nghệ thuật múa sạp trong môi trường phát triển du lịch

Múa sạp được đưa vào chương trình biểu diễn nghệ thuật tại các lễ hội, sự kiện văn hóa, các khu du lịch ngày nay. Múa sạp truyền thống đã có sự biến thể một cách tinh tế và hiện đại từ công nghệ số. Điều này giúp quảng bá hình ảnh múa sạp đến đông đảo du khách, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống rất hiệu quả, được thể hiện rõ trong việc kết hợp các yếu tố nghệ thuật truyền thống và các yếu tố công nghệ.

Nghệ thuật múa sạp đã có sự “biến thể” để phát triển và trở thành loại hình nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Điều đó giúp cho loại hình nghệ thuật này nhanh chóng đáp ứng với sự phát triển đồng bộ, như: đầu tư trang phục, đạo cụ, âm thanh ánh sáng để tạo ra những buổi biểu diễn chất lượng cao. Đồng thời, để phù hợp với việc biểu diễn tại các sự kiện lớn ở mọi không gian và thời gian, như: các sự kiện văn hóa từ Trung ương đến địa phương nhằm thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách, khán giả trong nước và quốc tế. Đặc biệt, múa sạp phục vụ cho khách du lịch theo kế hoạch tour cả ngày hoặc đêm theo nhu cầu và quy định. Việc đưa múa sạp phục vụ du khách vào các chương trình tour tham quan, nghỉ dưỡng homestay, tắm khoáng… sẽ đáp ứng nhu cầu thưởng thức tinh thần của du khách. Du khách sẽ được hòa mình trong các điệu múa sạp truyền thống cùng các động tác uyển chuyển, nhịp nhàng và âm thanh sôi động. Đây là hình thức biểu diễn nghệ thuật truyền thống kết hợp hiện đại, đồng thời cũng là để tạo ra sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ngoài ra, các địa phương đã, đang phát triển các chương trình múa sạp trong lễ hội làng để duy trì bền vững văn hóa du lịch ở làng, bản và giữ gìn bản sắc của cộng đồng dân tộc địa phương; tổ chức biểu diễn ở các trường học, nhằm phát huy và bảo tồn trong môi trường giảng dạy, giúp thế hệ trẻ được tiếp cận và yêu thích loại hình nghệ thuật múa sạp truyền thống này.

Chương trình “Trình diễn múa sạp” năm 2024 vừa qua tại Nghĩa Lộ, Yên Bái mang đến cho mọi người âm hưởng vui nhộn của những giá trị dân gian truyền thống và tinh tế của công nghệ số hiện đại, vừa thấm đẫm bản sắc văn hóa của dân tộc Tây Bắc vừa chứa đựng bên trong đó là tình cảm, cốt cách, tâm hồn của con người dân tộc miền núi. Múa sạp được rất nhiều người thích thú, vừa là hình thức diễn xướng dân gian mang tính giải trí, gắn kết cộng đồng, đồng thời cũng là vũ điệu mang tính tế lễ, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Việc đưa vũ điệu này vào các hoạt động tập thể chính là cách quảng bá, giới thiệu chân thực, sống động về văn hóa của đồng bào các dân tộc, đồng thời gửi gắm thông điệp về tình đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng các dân tộc, làng bản trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ.

Biểu diễn nghệ thuật múa sạp trong sự kiện Đại xòe – Múa sạp tại quảng trường Trung tâm Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái

3. Giải pháp phát huy nghệ thuật múa sạp trong không gian du lịch cộng đồng

Được bắt nguồn từ cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các dân tộc, đến nay múa sạp đã, đang được phát triển mạnh mẽ và trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống pha lẫn hiện đại, và như một món ăn tinh thần không thể thiếu của cộng đồng các dân tộc Tây Bắc nói chung, con người và quê hương Mường Lò, Nghĩa Lộ nói riêng. Tuy vậy, việc đưa múa sạp vào không gian du lịch cũng gặp phải nhiều thách thức. Để bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của nghệ thuật này, cần có những giải pháp phù hợp sau:

Thứ nhất, kết hợp khéo léo các yếu tố hiện đại, không làm mất đi bản sắc truyền thống trong biểu diễn. Thứ hai, đào tạo các nghệ nhân, biên đạo múa để nâng cao chất lượng các tiết mục. Thứ ba, xây dựng cơ sở vật chất, bằng việc đầu tư xây dựng các sân khấu, nhà văn hóa, đầu tư từ trang phục, đạo cụ, âm thanh ánh sáng để phục vụ cho các buổi biểu diễn có tính chuyên nghiệp và ấn tượng. Thứ tư, quảng bá hình ảnh múa sạp bằng việc tổ chức các sự kiện, lễ hội để quảng bá múa sạp đến đông đảo công chúng. Thứ năm, cần có các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, cấp tỉnh và các doanh nghiệp có dự án phát triển du lịch trên địa bàn địa phương để duy trì thường xuyên và phát triển múa sạp. Thứ sáu, cần có các hoạt động tour “trải nghiệm du lịch”, nghĩa là địa phương cần có kế hoạch tổ chức các lớp học múa sạp dành cho du khách, cho phép du khách tham gia các lớp học múa sạp ngắn hạn, tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm trực tiếp và hiểu sâu hơn về nét đẹp của văn hóa dân tộc. Thứ bảy, xem nghệ thuật múa sạp như một sản phẩm du lịch đặc biệt để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm. Phải tạo ra sự mới lạ, hấp dẫn bằng việc sử dụng các kênh truyền thông đa dạng như tạo video múa sạp trên nền cảnh, hình ảnh và con người đặc trưng của chính địa phương mình và tạo ra các sản phẩm lưu niệm liên quan... Đồng thời, đào tạo hướng dẫn viên du lịch có kiến thức về múa sạp để giới thiệu một cách sinh động và hấp dẫn đến du khách.

Tại Lễ hội Đại xòe - Múa sạp, ông Lương Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã Nghĩa Lộ, chia sẻ: “Chương trình là dịp để mọi người cùng nhau thưởng thức những màn trình diễn múa sạp sôi động và là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh văn hóa, con người Nghĩa Lộ đến với du khách gần xa. Đây cũng là sự quyết tâm của thị xã Nghĩa Lộ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, xây dựng Nghĩa Lộ trở thành điểm đến hấp dẫn trên hành trình khám phá miền Tây Yên Bái”.

4. Kết luận

Múa sạp đã trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động du lịch cộng đồng, tạo ra một sự kết nối bền vững giữa khách du lịch và người dân nơi đây. Lễ hội lần này là sự chứng kiến tất cả những điều tốt đẹp và cảm nhận về những giá trị văn hóa đặc trưng của người Mường Lò - Nghĩa Lộ. Qua đó, khẳng định, nghệ thuật múa sạp không chỉ là một nét văn hóa đặc sắc, mà còn là một tiềm năng lớn để phát triển du lịch nơi đây. Với những giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo và những lợi ích kinh tế - xã hội của địa phương Mường Lò, nghệ thuật múa sạp xứng đáng được đầu tư và phát triển nhiều hơn nữa.

Bài, ảnh: MAI HƯƠNG 

;