Nghi lễ nói chung bao gồm nhiều nghi thức được tổ chức với nhiều đồ tế lễ, nhiều lễ vật… đều mang một ý nghĩa quan trọng trong quan niệm của mỗi dân tộc, trong đó tính biểu trưng thể hiện rất rõ. Trong nhiều nghi lễ của người Chăm có những nghi thức liên quan đến trò chơi dân gian, trong đó đã trở thành những biểu tượng rất đáng quan tâm, điển hình như:
Dai buei (đánh đu)
Trong nghi Rija praong (lễ múa lớn) của tộc họ thờ atau tathik (dòng biển), tổ chức trong nhiều đêm, trong đó người ta phải dựng cột đu bên trong nhà lễ và Muk rija (bà bóng) sẽ thực hiện nghi thức đánh đu trong tiếng nhạc lễ.
Tamia juak apuei (múa đạp lửa)
Trong rija nâgar (lễ múa mừng đầu năm) của làng, thường tổ chức vào tháng một Chăm lịch (khoảng tháng tư dương lịch) tại đầu làng, trong đó có nghi thức múa đạp lửa. Ka-ing (thày bóng) mặc lễ phục màu đỏ, tay cầm roi múa say sưa theo tiếng nhạc lễ, lúc khoan thai, lúc hùng hồn thúc giục. Đến lúc thăng hoa, thày bóng cầm roi múa quất xung quanh thật mạnh rồi lên đồng nhảy cả hai chân trần vào đống lửa đang cháy trước nhà lễ, vừa nhảy múa, vừa đạp lửa cho đến khi dập tắt đống lửa trong tiếng vỗ tay của dân làng cùng tiếng hoan hô rất đặc trưng gheh lo Po ley (Hay lắm ngài ơi!). Lời khen ngợi đó, càng làm cho thày bóng thêm dũng khí, tạo sự hưng phấn, khiến cho đôi chân trần của ông đạp dập tắt đống lửa. Múa đạp lửa trong nghi lễ thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của cộng đồng dân làng, đôi chân trần nhảy múa đạp tắt ngọn lửa mang ý nghĩa xua tan đi cái nắng nóng, cái xấu xa và cầu mong thần linh phù hộ độ trì cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
3. Papar kalang (Thả diều)
Tộc họ Yang-in (thần Yang-in) của người Chăm, hằng năm vào tháng một Chăm lịch họ tổ chức cúng thả diều để dâng lễ cho thần Yang-in ở ngoài cách đồng làng, chủ lễ chức sắc Kadhar (thày kéo đàn kanyi) và Payau (bà bóng cộng đồng). Ông Kadhar dâng lễ vật gồm có chuối, trứng, rượu, trầu cau, thịt dê, xôi, chè, bánh trái... Các chức sắc rót rượu khấn trình lễ, sau đó ông Kadhar vừa kéo đàn Kanyi vừa hát bài thánh ca, ca ngợi công trạng của vị thần Yang-in. Bà bóng nâng cánh diều từ trong rạp ra ngoài rồi thả cho con diều bay lên uốn lượn trên không trung. Con diều có gắn sáo khi bay lên cao gặp gió mạnh phát ra âm thanh vi vu. Các con cháu cùng nhau khấn vái, cầu mong thần linh ban nhiều điều an lành trong cuộc sống, khi kết thúc cuộc lễ con điều được thu về đưa đi cất giữ cẩn thận tại điểm thờ của tộc họ.
4. Mâ-in tam mâkhaik (trò đánh trỏng)
Trong nghi lễ thrua của một số tộc họ người Chăm, ngoài cúng tế dâng lễ vật cho thần linh, họ còn tổ chức trò đánh trỏng ngay trong nhà lễ. Người thực hiện là chức sắc Rija (bà bóng tộc họ) với bộ trang phục vải thổ cẩm trắng nằm ngửa mặt, tay cầm tam mâkhaik trong nghi lễ gọi là gai don (cây trỏng). Để thực hiện trò này, chức sắc Kadhar kéo đàn Kanyi hát dâng lễ, khi dứt lời bà bóng làm động tác đánh bay cây trỏng ra ngoài. Khi đó có hai người nam là con cháu của tộc họ ngồi xếp bằng trước cửa nhà lễ, cầm ở hai đầu và giăng chiếc khăn thổ cẩm màu trắng làm nhiệm vụ hứng lấy cây trỏng, hai người này cũng phải chuẩn bị tinh thần, tập trung cao độ để hứng lấy cây trỏng, không cho cây trỏng rớt xuống đất hay bay ra ngoài. Các cháu tham dự lễ cùng nhau khấn vái và cầu mong thần linh ban nhiều sức khỏe và bình an.
5. Tamia buh kayau (múa phồn thực)
Đến nay, trong các nghi lễ đầu năm của người Chăm có một số làng còn thực hiện nghi thức múa phồn thực trong nghi lễ như: làng Bỉnh Nghĩa và một số tộc họ ở làng Phước Nhơn, làng Lương Tri. Theo quan niệm của người Chăm, trong cuộc sống phải có đực có cái, cho nên điệu múa phồn thực cần phải có đủ cả nam và nữ. Trước khi vào cuộc, người múa nam đến ngồi trước mặt chức sắc Kadhar để khấn nguyện, sau đó được đãi rượu trước khi ra sân múa. Trò múa phồn thực được thực hiện trước Kajang (nhà lễ), người múa nam cởi trần thân trên, tay cầm đoạn gỗ đẽo hình Linga bọc cẩn thận trong chiếc khăn đỏ. Người múa nữ uyển chuyển hòa vào từng nhịp tiến, lùi với người múa nam, bằng những động tác tính giao thể hiện ước vọng mọi vật sinh sôi nẩy nở, mùa màng tươi tốt, cuốc sống được âm no và hạnh phúc.
Phồn thực là một trong những tín ngưỡng của tộc người Chăm, hình thành từ lâu đời, bởi đó là suy niệm vốn dĩ của người dân nông nghiệp. Qua tín ngưỡng phồn thực, con người cầu mong cho cuộc sống sung túc, no đủ và hạnh phúc, múa phồn thực của người Chăm thể hiện sự khát vọng hạnh phúc, dân an vật thịnh thể hiện qua động tác tính giao.
6. Tamia adai anâk (trò ru con)
Lễ Puis - Payak (thết đãi) là một nghi lễ đặc biệt của một số tộc họ người Chăm tổ chức bảy năm một lần với sự tham gia của chức sắc Kadhar (thày kéo đàn kanyi) và Pajau (bà bóng cộng đồng), mục đích để thết đãi lễ vật cho thần linh và cầu mong sự phù hộ độ trì bình an, ấm no và hạnh phúc. Trong nghi lễ này, ngoài việc cúng kính cho thần còn diễn ra trò ru con, trước tiên một người phụ nữ của tộc họ dùng chiếc khăn thổ cẩm trắng buộc ngang vai. Chức sắc Kadhar vừa kéo đàn kanyi vừa hát về nội dung giai điệu ru con, cùng lúc bà bóng lấy ít cơm, thịt gà, cá lốc nướng, bánh tét, bánh bột hấp, chuối, trầu cau bỏ vào túi đeo của người phụ nữ. Các chức sắc lấy chiếc khăn trắng buộc hai đầu làm chiếc võng, người phụ nữ ngồi duỗi thẳng chân trên vai đeo túi chứa thực phẩm tay đưa võng để ru con ngủ theo tiếng nhạc lễ, những người tham dự còn làm tiếng khóc của trẻ để tạo nên hoạt cảnh giống đời thực hơn.
7. Tamia kaik apuei (múa cắn lửa)
Nghi lễ Puis - Payak (thết đãi) của một số tộc họ người Chăm thực hiện bảy năm một lần hoặc ít hơn. Ngoài việc dâng lễ vật thiết đãi thần linh còn có tục múa cắn lửa ngay trong Kajang (nhà lễ). Trước tiên, bà bóng lấy ba cây nến làm bằng sáp ong, dài chừng 1m đưa xông qua làn khói trầm hương đang cháy trong chén lửa để thánh tẩy. Chức sắc Kadhar vừa kéo đàn Kanyi, vừa hát dâng lễ, bà bóng cầm cây nến vừa múa vừa đo theo cách đo đạc truyền thống (chiều dài một cánh tay, một gang tay và một nắm tay) để kiển tra kích thước của cây nến phải đúng theo số đo trên bà bóng mới đồng ý. Xong, bà bóng rắc nước vào miệng, thắp sáng ba ngọn nến sau đó bắt chụm vào nhau tạo cho ngọi cháy to hơn. Bà bóng lên đồng đưa ngọn nến đang cháy vào miệng ngậm làm tắt ngọn lửa, bà đặt cây nến xuống và tiếp tục múa cho đến khi kết thúc bài hát của chức Kadhar (thày kéo đàn kanyi), các con cháu trong tộc họ cùng nhau khấn vái cầu mong thần linh ban nhiều điều phúc lành.
Thay lời kết
Trò chơi dân gian Chăm là một sản phẩm trí tuệ, sáng tạo văn hóa và còn là một hình thức phản ánh phong tục, tập quán làng xã, nó là thành tố văn hóa dân gian có từ xa xưa và tồn tại cho đến ngày nay. Qua trò chơi dân gian, có thể thấy được sự thông minh và sáng tạo của người Chăm, đặc biệt là trẻ em đã sáng tạo ra nhiều loại hình trò chơi, cách chơi đầy thú vị và hấp dẫn cho chúng ta thấy rõ hơn về đặc điểm sinh hoạt vui chơi, giải trí phong phú và đa dạng và giúp cho người chơi trải nghiệm, rèn luyện kỹ năng khác nhau, nếu ai đã từng tham gia thì sẽ thấy rõ sức cuốn hút của các trò chơi và ngay trong mỗi trò chơi thì tính bất trắc, khôn lường của nó cũng đã đủ lôi kéo người chơi và người xem đi từ thú vị này đến thú vị khác.
Để bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian Chăm Ninh Thuận, thiết nghĩ cần có các giải pháp như sau: Tổ chức nghiên cứu chuyên sâu có hệ thống để làm rõ thêm về các thể loại trò chơi dân gian; Tái diễn lại những trò chơi đã bị mai một, mất hẳn, sưu tầm dụng cụ chơi, bài hát, bài vè, đồng dao đi kèm với trò chơi dân gian; Tổ chức cho các trẻ được tiếp cận, vui chơi trong các dịp lễ hội bởi đây là một phần của bản sắc văn hóa tộc người, góp phần giáo dục cho các thiếu niên, nhi đồng vì các em là đối tượng rất nhạy cảm trong sự hình thành nhân cách ở buổi ban đầu; Phổ biến trò chơi dân gian vào môi trường học đường, tổ chức những chuyên đề giới thiệu, phổ biến các trò chơi dân gian, hình thành bài giảng nhất định, từ đó truyền đạt, hướng dẫn, tổ chức cho học sinh chơi. Điều này không chỉ giúp cho học sinh có được không gian, thời gian vui chơi lành mạnh, bổ ích mà còn góp phần thực hiện hiệu quả trong phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực.
Tài liệu tham khảo
1. Inrasara, Thả diều ở xứ nắng, Nxb Kim Đồng, 2013.
2. Thái Phong Minh, Cao Tự Phong (dịch), Lịch sử trò chơi dân gian, Nxb Tổng hợp TP.HCM, 2004.
3. Inrasara, Ca dao tục ngữ thành ngữ câu đố, Nxb Văn hóa dân tộc, 2006.
4. Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Hải Yến, Hoàng Lan Anh, Hỏi đáp về trò chơi dân gian Việt Nam, Nxb Quân đội nhân dân, 2009.
5. Thùy Trang, Văn hóa làng xã tín ngưỡng, tục lễ và hội làng, Nxb Thời đại, 2009.
6. Nguyễn Quang Uẩn (chủ biên), Nguyễn Kế Hào, Phan Thị Hạnh Mai, Tâm lí học, Nxb Giáo dục, 2007.
CHÂU VĂN HUYNH, HIỀN ANH