Trò chơi dân gian Chăm có kết hợp với câu nói, hát, đồng dao là trò chơi vừa chơi, vừa hát hoặc nói theo, nội dung hát và nói phản ánh hiện tượng nào đó trong làng vừa mới xảy ra hay ở làng khác du nhập vào rồi sửa đổi cho phù hợp với cách chơi của làng mình.
Blaop (nhảy cò chẹp)
Người chơi tung chàm vào từng ô theo thứ tự từ ô 7 đến ô 1, mỗi lần tung, người chơi phải nhảy cò một chân gọi là “nyéng”, ô đơn nhảy cò một chân, ô đôi 3 - 4, 6 -7 đứng chụm hai chân vào hai ô, gọi là “blaop”. Khi nhảy về nếu chạm ở ô 7 (ô thảy đầu tiên) thì đứng một chân ở ô 6 để nhặt chàm, chàm ở 6 thì đứng ở ô 5, chàm ở 5 thì đứng hai chân vào ô 3 - 4 để nhặt chàm… và tiếp tục nhảy về.
Trong lúc chơi, nếu bạn nào bị chạm vào vạch là mất lượt, khi nhảy trở về không được giẫm chân vào ô có chàm, chỉ đứng ở ô cao hơn hoặc bằng nó để nhặt lấy chàm rồi mới được nhảy vào ô đó.
Khi tung chàm lên đến ô 1 thì người chơi được lên cung trăng (ô 0), sau đó thực hiện lần lượt chàm vào cung trăng. Vẫn đi bình thường như các lượt khác, nhưng để nhặt chàm buột phải chéo tay ra sau lưng để nhặt chàm nhảy về an toàn là thắng. Sau đó, tung chàm vào được ô nào thì sở hữu ô đó, ô này được quyền nhảy vào đứng hai chân, đối phương không được quyền nhảy vào đó. Cuối cùng, người nào sở hữu nhiều ô nhất là thắng cuộc. Trong các lượt thảy chàm, nếu chạm vào vạch, nhầm ô hay ra ngoài sẽ bị mất lượt.
Crong takai (gác chân)
Những người chơi thực hiện “oẳn tù tì” để tìm ra hai người thua, hai người này ngồi bệt xuống đất đối mặt với nhau. Lần lượt, gác bàn chân cho người chơi nhảy qua, các em vừa nhảy vừa hô: Ong nao tapa (ông đi qua), Muk nao galac (bà đi lại)… Khi nào đã chồng đủ bốn chân, người chơi nhảy qua an toàn thì được quyền chơi tiếp ván khác và nhảy cho đến khi chạm chân thì mất lượt, phải ngồi vào thay thế. Để giành toàn thắng, người chơi phải thực hiện nhảy qua phần thách đố như: gác thêm hai tay hoặc hai tay xòe, nếu nhảy qua an toàn thì cứu được một số người của đội mình sống lại để vào chơi tiếp sang một động tác khác. Hai người thua ngồi dang hai chân thẳng ra, hai mũi chân chạm vào nhau như cố tạo độ dài tối đa để gây khó khăn cho người nhảy. Những người chơi chọn ra người nhảy tốt nhất để nhảy bước ngoài, người còn lại nhảy bước trong. Người nhảy bước ngoài thực hiện trước (tức nhảy từ mũi chân bên này qua mũi chân bên kia) vừa nhảy vừa hô: Tha jién (một tiền), những người còn lại nhảy bước trong (tức nhảy một nhịp vào trong rồi nhảy ra ngoài), vừa nhảy vừa hô: tha jién mâtâh (một tiền nưỡi); lần lượt đến dua jién (hai tiền), dua jién mâtâh (hai tiền nưỡi)… rồi đến tha pluh dua jién (mười hai tiền). Sau đó, chọn ra một người đại diện để thực hiện nhảy qua phần thách đố tiếp theo, bằng cách đưa bàn chân thẳng lên ngang lỗ rún của người nhảy và giữ cố định để nhảy qua, vừa nhảy vừa hô: Pala phun caraih (trồng cây sen). Nếu nhảy qua an toàn là thắng cuộc, ngược lại bị chạm vào chân là thua mất lượt, sau đó đổi vai trò cho nhau để chơi tiếp ván khác.
Lang takai (duỗi chân)
Bắt đầu chơi, các em duỗi dài hai chân ra trước mặt cùng hát bài đồng dao. Một người ngồi giữa để điều khiển, lấy tay đập vào từng bàn chân theo nhịp từng từ trong bài hát, đến câu cuối cùng của bài mâk hu takai ni (bắt được chân này), rơi đúng vào chân bạn nào thì kéo lên nhanh. Các em chơi cho đến khi nào bắt hết chân bạn chơi là kết thúc.
Padang kaya (đoán vật)
Trước tiên là “oẳn tù tì” hoặc rút thăm, thông thường người thắng sẽ làm người đố, người thua còn lại làm người đoán. Bắt đầu chơi, các em ngồi thành vòng tròn hoặc có khi người đố ngồi đối diện những người đoán. Người đố cầm viên sỏi và đưa hai tay ra trước mặt cho những người đoán xem để kiểm tra. Sau đó rút hai tay ra sau lưng rồi giấu viên sỏi trong lòng một bàn tay. Kế tiếp người đố đưa hai tay ra trước mặt rồi xoay tạo nhiều vòng, khi dừng lại với tư thế tay trên và tay dưới, đồng thời hô đố: Wil wil gai angaok gai ala ? (tròn tròn, gậy trên hay gậy dưới?). Người đoán trả lời chỉ vào một trong hai tay nào đó có viên sỏi, đoán đúng là thắng vào thay người đố, nếu đoán sai bị phạt bằng cách búng tai, gõ đầu gối hay vui hơn là quệt than vào mặt.
Pok jaong (bập bênh)
Đây là trò chơi người lớn cùng chơi đùa với trẻ con. Người lớn đặt trẻ con ngồi lên mu hai bàn chân của mình trong tư thế nằm ngửa và co đầu gối lên, hai người nắm lấy tay nhau. Sau đó người lớn cử động đầu gối để nâng trẻ lên rồi hạ xuống, lúc nhanh lúc chậm để làm cho trẻ vui cười thỏa thích, người lớn vừa nâng vừa hát:
Pok jaong (đưa lên)
Ndaong ndak (hạ xuống)
Tadak mâhlei (bắn bông)
Lithei huak (cơm ăn)
Aia mânyum (nước uống)
Tum radaih (bánh xe)
Tataih yang bilan (quầng trăng)
Ikan di kraong (cá ở sông)
Rimaong di glai (hổ ở rừng)
Tapai dalem danuen (thỏ trong ổ)
Angin barak yuk mai (gió Bắc thổi về)
Padai tathak abih (lúa chín đầy đồng)
Pok jaong ka samar (bập bênh cho nhanh)
Ba gep nao ndih (đưa nhau đi ngủ)…
Suerga, Nuraka (thiên đàng, địa ngục)
Trước tiên, cử ra hai em làm quản trò đứng đối diện nhau và giơ cao tay làm cổng, những em còn lại nối đuôi nhau thành một đoàn, em đi sau tay nắm lấy vạt áo em đi trước rồi lần lượt chui qua cổng, khi chui qua hết thì trở lại chui tiếp, các em vừa chơi vừa hát theo:
Suerga, Nuraka daok dua gah drei (thiên đàng địa ngục ở hai bên)
Urang halei jak tagoh jalan Suerga (ai khôn thì lên thiên đàng)
Urang halei gila trun jalan Nuraka (ai khờ thì xuống địa ngục)
Khi hát hết bài là lúc hai em làm cổng hạ nhanh tay xuống để chặn, người nào bị chặn lại là thua, loại ra khỏi vòng chơi. Một lần chặn có khi bắt được một hoặc nhiều người, cũng có khi không chặn được người nào. Trò chơi sẽ kết thúc khi chặn được hết những người chơi, sau đó cử hai người khác ra đứng giơ tay làm cổng để chơi tiếp.
Thuộc nhóm trò chơi dân gian Chăm có kết hợp với câu nói, hát, đồng dao còn có trò: Kalang pah anâk ciép (diều hâu bắt gà con), Palaong patau (hất viên sỏi), Kuk dep (trốn tìm), Cakac mun dunya (moi đất trần gian)…
CHÂU VĂN HUYNH, HIỀN ANH