Bảo tồn và phát huy giá trị trò chơi dân gian của đồng bào Chăm (Ninh Thuận) - Bài 2: Một số trò chơi dân gian có tính chất thi tài năng

Trò chơi có nội dung mang tính chất thi tài năng, đòi hỏi người chơi phải có khả năng tốt để giành phần thắng từ đối phương. Thể loại này nhằm để luyện cho trẻ về khả năng khéo léo, mẫn cảm, sức khỏe, ý chí và trí tuệ.

Banuh kubaw (chọi trâu)

 

Trò chơi này cần từ hai người trở lên, nhằm luyện sự khéo léo, nhanh nhẹn và sức chịu đựng tốt cho trẻ. Người chơi ngồi đan chân vào nhau, hai đầu gối nhô ra ngoài làm sừng trâu gọi là: “Také kubaw”. Dùng hai tay nâng người lên để di chuyển, sau đó dùng hai sừng tấn công trực tiếp vào đối phương. Hai bên giằng co tìm sơ hở của đối phương khóa sừng kẹp cứng, không tháo ra được hoặc để chân tuột ra là thua cuộc.

Buh abaoh (bỏ vật kín)

Trò chơi này nhằm luyện kỹ năng phán đoán. Cần chọn ra một người điều khiển. Sau đó, thực hiện “tuk tangin” (chấm ngón tay) để tìm ra người thua, ai bị bắt được là thua, làm người đoán.

Bắt đầu chơi, người thua úp mặt vào đùi của người điều khiển, người điều khiển dùng tay bịt kín mắt người thua để không nhìn thấy bạn chơi. Người chơi còn lại ngồi xếp bằng thành hàng dọc đối diện với người điều khiển, nắm hai tay đặt sau lưng. Một bạn trong nhóm chơi, cầm viên sỏi bỏ kín vào tay một bạn chơi nào đó tùy ý rồi về lại vị trí. Xong, người điều khiển cho người thua lên đoán, đoán sai là thua, đoán đúng là thắng và người đang giữ viên sỏi sẽ thua lên làm người đoán rồi chơi tiếp.

Caoh abaoh ciét (chọi trái cối xay)

Dụng cụ để chơi là: abaoh ciét, có nơi gọi là abaoh kape (trái cối xây/giằng xay), đây là loại cây thuốc nam có trái quanh năm. Trước tiên, các em đi tìm hái trái cây cối xay và chọn những trái có cổ to, chắc và khỏe, chuẩn bị càng nhiều càng tốt. Bắt đầu chơi, lấy hai trái cối xây móc chéo cổ với nhau rồi giật mạnh, trái người nào bị đứt là thua, trái nào thắng tiếp tục đấu với trái khác trong nhóm bạn chơi.

Ginraong ariéng (càng cua)

Chỉ cần một sân chơi nhỏ, thoáng mát là có thể chơi được. Trò chơi đòi hỏi người chơi phải khéo léo, nhanh nhẹn và phản xạ tốt. Bắt đầu chơi, người chơi ngoéo các ngón tay lên nhau, từ ngón giữa đến ngón út, rồi dùng ngón trỏ và ngón cái làm chiếc càng cua để cắn đối phương. Khi có hiệu lệnh của người điều khiển thì người chơi dùng càng “tấn công” trực tiếp vào đối phương, hai bên đối đầu nhau, có khi tấn công vào mặt người chơi để cho cuộc chơi thêm phần hấp dẫn. Trong lúc “gây chiến”, phải cố gắng giữ chắc những ngón tay làm càng, nếu để bị đối phương tấn công mạnh tay không giữ chắc chiếc càng, để cho chiếc càng bị tuột ra là phải chấp nhận thua cuộc. Trò chơi thường đấu trong ba hiệp, ai giành được hai càng thì người đó chiến thắng.

Kandiip patau (gắp đá)

Trước tiên, mỗi em góp những viên đá số lượng ngang nhau, sau đó “oẳn tù tì” để giành quyền chơi trước. Người chơi nắm hết viên đá rồi thả xuống đất, cố gắng làm sao cho viên đá càng giãn rộng ra càng tốt. Theo quy định chỉ chơi bằng một tay nên người chơi hay dùng tay thuận là chủ yếu. Người chơi dùng ngón trỏ và ngón cái gắp từng viên đá hất lên mu bàn tay. Khi gắp viên đá tiếp theo thì đồng thời hất viên đá trên mu bàn tay rơi xuống đất, những viên đá hất xuống sẽ thuộc về mình. Trong lúc gắp viên đá, người chơi phải thật khéo léo và cố gắng không để viên đá trên mu bàn tay rơi xuống đất trước hoặc khi gắp viên đá để ngón tay chạm vào viên đá khác thì thua và mất lượt. Ván chơi kết thúc sau khi tất cả các viên đá đã được gắp hết, ai gắp được nhiều thì người đó chiến thắng. Người thua phải đổi lấy viên đá bằng cái búng trán, búng tai, số lần phạt tương ứng với viên đá đã thua.

Pabaoh (đấu vật)

Trò chơi này dành cho cả bạn trai và bạn gái, nhưng thường các bạn trai ưa thích hơn. Cách chơi Pabaoh rất đa dạng có nhiều cách chơi khác nhau:

Cách 1: Pabaoh kuer (vật ôm) (1): Trước tiên, cử ra một người điều khiển trận đấu. Hai người, một tay ôm ngang qua sau lưng, tay kia nắm vào cùi chỏ của đối phương. Khi có hiệu lệnh của người điều khiển thì hai người dùng sức và kỹ thuật để vật ngã đối thủ, người nào bị vật ngã xuống đất là thua, trò chơi thường thực hiện trong ba hiệp để phân thắng bại, người nào thắng hai hiệp là thắng cuộc. 

Cách 2: Pabaoh tangin (vật tay): Chỉ cần một sân nhỏ, bằng phẳng, trên mặt bàn, chiếc ghế đẩu hay nền nhà... là có thể chơi được. Bắt đầu chơi, hai người đặt cùi chỏ trên mặt sân, hai cổ tay bắt chéo nhau. Khi có hiệu lệnh của người điều khiển thì dồn hết sức lực để kéo tay đối thủ ngã xuống chạm mặt sân là chiến thắng.

Cách 3: Pabaoh takai (vật chân): Chỉ cần một sân chơi nhỏ, bằng phẳng và thoáng mát. Bắt đầu chơi, hai người chơi ngồi đối mặt nhau, hai chân đặt chéo qua lại (hình chữ x), đầu gối thẳng, chân phải hay trái do hai người thỏa thuận. Khi có hiệu lệnh của người điều khiển là dùng hết sức lực để vật và đè chân đối phương chạm vào sân chơi là thắng.

Pablei hamu (bán ruộng)

Trò chơi này thường được các em gái ưa thích hơn, nhằm để giải trí và rèn luyện tính toán cho trẻ. Cần vẽ một hình chữ nhật, chia đều thành 10 ô vuông gọi là: “laok hamu” (đám ruộng), còn hai đầu vẽ hình bán nguyệt gọi là: “akaok aia” (đầu nguồn), sau đó đặt vào một viên đá bằng nắm tay có hình dáng và màu sắc khác nhau để dễ phân biệt cho mỗi bên. Mỗi bên còn sở hữu 5 ô nhỏ và mỗi ô đặt vào 5 viên sỏi, sau khi “oẳn tù tì” người thắng được quyền chơi trước.

Trước tiên, người chơi bốc 5 viên sỏi bất cứ ô nào trong 5 ô của mình, rồi rải vào mỗi ô 1 viên, theo chiều nào tùy vào người chơi tính toán (người chơi luôn nhẩm tính xem đi chiều nào cho có lợi nhất). Mỗi người chỉ được quyền đi một lượt và chỉ đi theo một chiều. Khi rải hết viên sỏi trên tay đến ô nào, thì bốc những viên sỏi của ô kế tiếp để rải, nếu ô kế tiếp là ô đầu nguồn thì dừng lại, nhường quyền chơi cho đối phương. Còn rải đến viên cuối cùng, mà ô kế bên là ô trống và ô bên cạnh ô trống có viên sỏi, thì đập tay xuống ô trống và được quyền ăn những viên sỏi trong ô kề ô trống đó.

Sau khi ăn xong, nếu ô kế tiếp ô vừa ăn là ô trống và ô bên cạnh ô trống có viên sỏi, kể cả ô đầu nguồn thì vẫn được quyền ăn tiếp. Cứ như thế, có khi ăn được 5-6 ô cùng một lúc, nếu người chơi tính toán giỏi. Trường hợp đến lượt mình, mà 5 ô đám ruộng sở hữu không có viên sỏi để rải thì buộc lấy viên sỏi của mình vừa ăn rải đều mỗi ô 1 viên để được tiếp tục đi. Nếu không đủ viên sỏi để rải thì buộc phải vay của đối phương và phải trả lại khi tính điểm. Cuộc chơi sẽ kết thúc khi toàn bộ viên sỏi và hai viên đá đầu nguồn đã bị ăn hết. Trường hợp hai viên đá đầu nguồn đã bị ăn hết, viên sỏi còn trên đám ruộng ở bên nào thì coi như thuộc về người chơi bên ấy.

Ván chơi khác tiếp theo, trường hợp đầu nguồn bị thua, thì phải bán một đám ruộng cho đối phương để đổi lấy đầu nguồn. Khi chơi, những viên sỏi rải vào trong ruộng đã bán là của người mua và không được bốc rải đi. Cuối cùng, nếu thắng thì mình sẽ chuộc lại ruộng, còn không lại bán tiếp đám ruộng khác cho đến khi nào bán hết đám ruộng là thua hết (trắng tay) (2).

Ngoài ra, thuộc nhóm trò chơi dân gian Chăm Ninh Thuận có tính chất thi tài năng, còn phải kể đến các trò chơi như: Payiéng abaoh radaih (quay bánh xe) Ratung tabiak cam (kéo ra vòng), Klep duah (chọc que tìm), Cakac mun dunya (moi đất trần gian), Crong takai (gác chân), Kalang pah anâk ciép (diều hâu bắt gà con), Kuk dep (trốn tìm Mâthuh gep (đánh trận giả) Chait talei (nhảy dây), Dung bira (đu vai), Caoh chaon (hất qua đầu)…

                                     

1. Pabaoh kuer (vật ôm) cho đến nay, nội dung chơi vẫn còn giữ nguyên, thường chơi trong dịp lễ hội thanh minh “talaih” của người Chăm Bàni tại làng Văn Lâm.

2. Pablei hamu (bán ruộng) hình vẽ cũng có biến thể nếu chơi thêm 3, 4 người thì hình vẽ phải tương ứng (chơi 3 người vẽ hình tam giác cân, chơi 4 người vẽ hình vuông).

 

CHÂU VĂN HUYNH, HIỀN ANH

;