Hát sắc bùa của người Mường xứ Thanh hàm chứa giá trị tín ngưỡng, tâm linh gắn với khát vọng cầu mùa, cầu bình an, cầu phúc lộc tài trong năm mới. Hát sắc bùa là một di sản văn hóa độc đáo cần được bảo tồn và phát huy giá trị, đặc biệt trong bối cảnh xã hội hiện nay. Bài viết phân tích một số đặc điểm của loại hình diễn xướng này của người Mường Thanh Hóa, từ đó đưa ra một số giải pháp nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của hát sắc bùa trong đời sống đương đại.
Đội hát sắc bùa đi chúc tết các gia đình ở huyện Ngọc Lặc - Ảnh: baothanhhoa.vn
1. Đặt vấn đề
Thanh Hóa có 11 huyện miền núi, là địa bàn cư trú của các dân tộc thiểu số: Thái, Mường, Mông, Dao, Khơ Mú, Thổ. Trong đó, dân tộc Thái và Mường chiếm số dân đông nhất. Người Mường ở Thanh Hóa hiện có 364.622 người, chiếm gần 59% các dân tộc thiểu số trong tỉnh, sống tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy và Như Thanh… Từ lâu, đồng bào Mường đã định canh, định cư ở các vùng núi thấp, nơi có nhiều đất sản xuất và gần đường giao thông thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp, làm ăn, buôn bán. Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, người Mường đã tạo nên một đời sống văn hóa phong phú, đầy bản sắc, thể hiện tư duy nhận thức, ứng xử linh hoạt với môi trường tự nhiên và xã hội thể hiện qua hệ thống di sản văn hóa phong phú. Trong đó, hát sắc bùa là loại hình diễn xướng dân gian độc đáo, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa của người Mường.
Trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã rất nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung và diễn xướng dân gian nói riêng. Nhiều chương trình, đề án phát triển, bảo tồn di sản văn hóa, đặc biệt văn hóa của cộng đồng dân tộc miền núi Thanh Hóa đã được ban hành (Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030”). Nhiều loại hình diễn xướng dân gian tiêu biểu của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được khôi phục, “tái sinh” trong đó, các trò diễn tiêu biểu như trò diễn Pôồn pôông, xường Dao Duyên, Kin chiêng Boọc May của người Thái và hát sắc bùa của người Mường đã được Bộ VHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội, quá trình tiếp biến, giao lưu văn hóa làm biến đổi các yếu tố văn hóa truyền thống; hát sắc bùa của người Mường cũng đang đứng trước nguy cơ bị mai một, lãng quên... Từ thực trạng trên cho thấy, cần nghiên cứu khẳng định được đặc điểm độc đáo của diễn xướng hát sắc bùa người Mường Thanh Hóa, từ đó, xây dựng các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy loại hình diễn xướng này trong đời sống đương đại, đặc biệt gắn với quá trình phát triển du lịch ở các địa phương miền núi Thanh Hóa.
2. Một số đặc điểm loại hình diễn xướng hát sắc bùa của người Mường Thanh Hóa
Về lịch sử hình thành, nghi lễ của hoạt động diễn xướng
Hát sắc bùa chúc Tết của người Mường Thanh Hóa vốn có từ rất lâu trong đời sống của người dân là hình thức dân ca nghi lễ, hát chúc mừng năm mới phổ biến, thể hiện những khát vọng hạnh phúc, bình yên của con người trước thềm năm mới. Đây là hình thức diễn xướng tổng hợp, kết hợp cả nghệ thuật hát, múa và diễn xướng sân khấu sơ khai, có hình thức cử hành nghi lễ phù hợp với trình độ tư duy và cảm thụ nghệ thuật của cư dân nông nghiệp. Hát sắc bùa mang ý nghĩa chúc tụng với lễ nghi nông nghiệp gắn với yếu tố tâm linh, cầu cho năm mới an lành, mùa màng cây cối tốt tươi, “người yên, vật thịnh”, trăm nghề tấn phát, bình an gia đạo trong dịp Tết Nguyên đán. Theo truyền thống, một cuộc hát sắc bùa của người Mường xứ Thanh thường có 2 phần: phần đầu có tính chất nghi lễ - phong tục, tiếp đến là phần diễn xướng cồng chiêng và hát chúc. Phường bùa - tên gọi của tổ chức những người hát sắc bùa, thường có từ 12 người trở lên, đều là những người biết đánh cồng chiêng và biết hát những bài chúc. Hằng năm, cứ đến khoảng ngày 20 tháng Chạp, phường bùa trong các bản Mường sẽ chuẩn bị luyện tập, thống nhất chọn ngày khởi hành của phường. Sau thời khắc giao thừa, cả phường theo hướng dẫn của bùa cái (trùm phường, trưởng phường) đi đến các nhà trong bản làng để hát chúc Tết, với mục đích nhằm chúc tụng đầu xuân hoặc chúc mừng các thành quả mà gia chủ đã đạt được trong năm cũ.
Nghi lễ xuất hành của phường bùa thể hiện tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt trong đời sống văn hóa của người Mường. Sáng sớm ngày phường xuất hành, tại gia đình của trưởng phường sẽ chuẩn bị một mâm cơm cúng và một mâm cơm đầu xuân. Trưởng phường thực hiện nghi lễ khấn nổ cồng (gọi hồn cồng), sau đó sẽ cùng thành viên trong phường thử đánh vài tiếng cồng, thử giọng hát xường khoát rác (hát chúc), khi mọi việc đều thuận lợi, cả phường sẽ dùng chung bữa cơm đầu xuân để chuẩn bị lên đường, đi chúc mừng năm mới các gia đình trong bản.
Dấu ấn sâu sắc của tín ngưỡng vạn vật hữu linh được thể hiện qua nghi lễ khấn hồn cồng chiêng được phường bùa thực hiện cả trước khi khởi hành đi chúc Tết và sau khi quay về nhà. Bài khấn được cái bùa thực hiện 2 lần, với nội dung tương tự nhau một mặt thể hiện lòng tôn trọng, thành kính với thần linh một mặt hàm chứa tâm lý muốn được thần linh che chở, phù trì cho may mắn, sức khỏe của người dân nông nghiệp: Hôm nay ngày này/ là ngày đầu xuân năm mới…/ Nhưng phường chúng con không giám đi trước bước lên/ có đĩa trầu của sang/ đĩa cau của trọng/ còn có mâm cơm cùng chén rượu thơm/ dâng lên nổ lên nơng/ lên bàn thờ cao cao/ mời nổ chiêng ăn trước mà bóng/ mời nổ chiêng ăn trước mà bênh/ để cho phường chúng con đi lên về xuống/ đi cho lành ngõ/ về cho lành đường/ để tiếng cồng tiếng chiêng Sắc bùa/ ngân xa khắp Mường.
Về nhạc cụ, nghệ thuật trình diễn, hòa tấu
Nghệ thuật biểu diễn hát sắc bùa bao gồm nghệ thuật đánh cồng chiêng và hát xướng khoát rác (xường chúc); tuy hình thức và nội dung lời hát như một khuôn mẫu có sẵn nhưng sự hấp dẫn của mỗi phường lại do tài nghệ của cái bùa (phường trưởng) và các nghệ nhân trong phường tạo nên. Quy trình hát sắc bùa thì mỗi nhà phường đến đều giống nhau, nhưng âm điệu của cồng, chiêng, nội dung câu hát, ứng tác lời ca, ứng khẩu với những câu chúc tụng ngày xuân lại phù hợp với hoàn cảnh mỗi gia đình. Điều này thể hiện tư duy, trí tuệ linh hoạt đồng thời cũng đầy trải nghiệm, uyên bác và thông tuệ của những nghệ nhân dân gian trong phường bùa.
Về nhạc cụ, hát sắc bùa sử dụng cồng chiêng là nhạc cụ chính trong mỗi cuộc hát. Tiếng cồng trong hát sắc bùa thể hiện nghệ thuật phối hợp nhuần nhuyễn, điêu luyện của các cá nhân trong phường bùa, đặc biệt là sự tài hoa của người đội trưởng (trưởng phường). Mỗi phường bùa của người Mường xứ Thanh khi biểu diễn không hạn chế số lượng cồng, nhưng ít nhất phải đủ 12 cồng. Trong dàn cồng 12 cái, cồng cái là chiếc có kích thước nhỏ nhất nhưng lại có âm thanh cao nhất, vang xa nhất, đóng vai trò “quản ca” cho những cồng còn lại. Những chiếc cồng thường được đánh số từ 1-12 theo sự tăng dần của kích thước. Chiếc cồng thứ 12 là chiếc cồng có kích thước lớn nhất, tiếng trầm nhất, thường được gọi bằng cái tên khác là “khầm”. Trong phường bùa sẽ có 3 người đảm nhiệm đánh 3 chiếc cồng nhỏ nhất, chính là cồng cái, đều là những người có uy tín và kinh nghiệm, họ sẽ gõ cồng theo làn điệu để 9 người còn lại cầm 9 chiếc cồng lớn nhất gõ vang theo. Thứ tự di chuyển trên đường của phường bùa cũng có những quy định nghiêm ngặt, thường cái bùa sẽ là người đi đầu, sau đó là đoàn cồng nhịp (cồng choóc noóc) đi trước, theo sau là đoàn cồng khầm (cồng đệm).
Tùy nghệ thuật trình diễn (khả năng diễn tấu) và thẩm âm của từng vùng Mường mà giai điệu của hát sắc bùa khác nhau. Người Mường quan niệm phường chúc tới nhà thì càng nhiều cồng “khầm” là phường đại, tiếng “khầm” càng to thì niềm vui càng lớn, hạnh phúc càng đầy, “dưới sân lắm trâu, nhiều bò” “trên nhà nhiều cơm, nhiều lúa, nhiều ngô khoai, sắn…”. Dưới sự dẫn dắt của cái bùa, đội cồng nhịp đánh những nhịp rộn ràng đầu tiên, hết nhịp thì cồng khầm mới được vang theo, mỗi lần trình tấu cồng phải đủ 3 nhịp và chia theo các làn điệu riêng: làn điệu cồng đi đường, làn điệu cồng xin mở cửa, làn điệu cồng chúc (trong sân, dưới chân cầu thang), làn điệu cồng chào về. Bằng sự phối hợp tài tình, linh hoạt và uyển chuyển, mỗi phường bùa lại sáng tạo nên làn điệu âm thanh mới mẻ, không phường nào lẫn phường nào và cũng không lặp lại giữa các gia đình mà phường tới.
Về làn điệu hát xướng khoát rác (xường chúc)
Tiếp cận với những tài liệu sưu tầm của nghệ nhân Phạm Vũ Vượng ghi chép và tổng hợp, chúng tôi nhận thấy, nội dung chủ yếu của các bài hát chúc năm mới trong tục hát sắc bùa người Mường thể hiện đầy đủ những ước mơ, khát vọng của cộng đồng dân cư gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp. Suốt những làn điệu hát xin mở cổng, hát mừng cửa, mừng sân, hát khen sân, khen vườn, khen nhà cho đến hát chúc làm mùa, hát chúc sinh con, sinh cháu đều sử dụng lối ngôn ngữ giản dị, gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc. Nội dung hát chúc xoay quanh những mơ ước của người dân về mùa màng bội thu: Chúc nhà ông/ trồng được mạch vó/ làm lọ gặp được nguồn rồng/ cồng ngõ không thú giữ vào/ ngoài rào không có ma quỷ tới/ …lúa tốt như rừng cỏ gianh/ Lúa xanh như rừng cỏ lau, bông lúa to như chùm quả vả…; cuộc sống ấm no, sinh con đẻ cái đầy nhà: Chúc ông được giàu sang/ mọi đường tốt đẹp/ sinh được mười con trai/ mười hai con gái/ con trai đi ủng/ con gái đi hài. Độc đáo nhất ở đây là khả năng ứng đối của chủ và khách, là màn hát đối đáp của phường bùa và chủ nhà. Tất cả đều đến từ sự ngẫu hứng trên nền tảng của dân ca Mường truyền thống và thực tế bối cảnh tại nơi xảy ra cuộc chúc mừng năm mới.
3. Giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của hát sắc bùa trong đời sống đương đại
Để bảo tồn, gìn giữ diễn xướng dân gian hát sắc bùa của người Mường Thanh Hóa, phát huy giá trị của loại hình diễn xướng độc đáo này vào đời sống xã hội với mục tiêu “biến di sản thành tài sản”, thành động lực phát triển kinh tế, xã hội bền vững, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tăng cường công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản hát sắc bùa
Nâng cao vai trò quản lý, định hướng của Nhà nước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân, nhất là đồng bào người Mường tham gia bảo vệ, tập luyện diễn xướng hát sắc bùa, gắn hoạt động bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc với công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Đầu tư xây dựng nhà văn hóa dân tộc tại các địa phương, nơi có đồng bào người Mường sinh sống làm địa điểm sinh hoạt văn hóa tập trung cộng đồng. Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật hiện có như: câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm văn nghệ để người dân có cơ hội tập luyện, biểu diễn cùng nhau, từ đó nhân lên tình yêu, lòng tự hào, trách nhiệm trong việc bảo tồn gìn giữ diễn xướng dân gian của dân tộc mình.
Xây dựng và thực hiện các chính sách tôn vinh, đãi ngộ, khen thưởng, đề xuất Nhà nước phong tặng các danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, cho những người đã có cống hiến trong sưu tầm, bảo tồn, truyền dạy diễn xướng dân gian. Có cơ chế đặc thù để tuyển chọn những tài năng nghệ thuật dân gian để đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nối gìn giữ và phát triển nghệ thuật diễn xướng dân gian.
Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý, bảo tồn và phát huy nghệ thuật diễn xướng dân gian từ cấp thôn, bản, xã, huyện và ở cấp tỉnh.
Thứ hai, nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình diễn xướng hát sắc bùa
Tăng cường giáo dục về truyền thống văn hóa, lịch sử cho đồng bào thiểu số các dân tộc miền núi Thanh Hóa, nhằm nâng cao hiểu biết và ý thức trân trọng các giá trị văn hóa dân tộc. Phát huy vai trò của các nghệ nhân, những người già làng, trưởng bản - những chủ nhân nắm giữ nghệ thuật trình diễn độc đáo của diễn xướng hát sắc bùa. Khuyến khích nghệ nhân tham gia tích cực vào quá trình dạy và truyền lại các kinh nghiệm cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền, động viên thế hệ người Mường trẻ nâng cao ý thức trách nhiệm của mình trong việc tiếp cận, học hỏi, trình diễn hát sắc bùa.
Thay đổi phương phức tuyên truyền, đưa diễn xướng dân gian đến gần hơn với công chúng trẻ tuổi trong các trường học các cấp, giúp cho thế hệ trẻ nhận thức và yêu thích các giá trị văn hóa dân tộc, trong đó có nghệ thuật diễn xướng dân gian. Cần đặc biệt quan tâm tới việc giáo dục nghệ thuật truyền thống kết hợp với giáo dục lịch sử, phong tục tập quán, lễ tục, lễ hội; làm sáng rõ ý nghĩa các điển tích, điển cố trong diễn xướng để thế hệ trẻ dễ hiểu, dễ tiếp nhận.
Đẩy mạnh truyền thông trên các phương tiện truyền thông đại chúng của tỉnh và địa phương; xây dựng và đa dạng hóa nội dung, chuyên mục về di sản văn hóa, trong đó phổ cập các giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc Mường. Có thể phát huy việc phổ biến hình thức diễn xướng hát sắc bùa tại các kênh radio, truyền hình… đặc biệt là ở các kênh tiếng dân tộc. Lập các kế hoạch triển khai công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng dân tộc thiểu số trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội (Zalo, Facebook, YouTube...); các hình thức tuyên truyền, cổ động trực quan (khẩu hiệu, pano...); các buổi nói chuyện chuyên đề; các chương trình biểu diễn nghệ thuật phục vụ quần chúng.
Thứ ba, xây dựng hát sắc bùa trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo gắn với loại hình du lịch cộng đồng
Để xây dựng hát sắc bùa trở thành sản phẩm du lịch cần xây dựng mô hình sinh hoạt văn hóa và tạo lập môi trường diễn xướng cho hát sắc bùa, đặc biệt là tại các bản Mường đang có tổ chức hoạt động du lịch. Đưa hát sắc bùa trở thành một hoạt động biểu diễn văn nghệ, được sân khấu hóa nhằm phục vụ du khách gắn với các lễ hội mùa xuân của người Mường. Cần xây dựng tại các thôn, bản của người Mường những tổ đội văn hóa, văn nghệ truyền thống hoạt động thường xuyên và có chất lượng; các tổ đội tổ chức bằng hình thức câu lạc bộ, hoạt động tự nguyện dưới sự định hướng, dẫn dắt của chính quyền địa phương. Chính quyền cũng cần đầu tư về vốn, về trang phục, về hoạt động đào tạo đồng thời cũng có sự kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, các homestay, điểm lưu trú khác… để các tổ đội văn nghệ tham gia biểu diễn phục vụ du lịch cộng đồng.
Tổ chức mở các lớp đào tạo, truyền dạy hát sắc bùa đến thế hệ trẻ tại địa phương. Trong hoạt động đào tạo cần có những chính sách cụ thể thống nhất mục tiêu phát triển loại hình diễn xướng này với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ở những bản Mường có mục tiêu xây dựng diễn xướng hát sắc bùa trở thành sản phẩm du lịch, ngoài đào tạo để lưu giữ loại hình di sản này còn cần đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân.
Thứ tư, chú trọng công tác sưu tầm, hệ thống hóa tiến tới số hóa các tư liệu về diễn xướng hát sắc bùa
Sưu tầm và truyền dạy được xem là giải pháp căn bản trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa hiện nay. Đối với công tác sưu tầm trước hết cần ưu tiên công tác điền dã dân tộc học, thực hiện kỹ thuật ghi chép, thu âm, quay phim, chụp ảnh nghệ thuật trình diễn sắc bùa truyền thống; từ đó làm cơ sở xây dựng bộ dữ liệu phục vụ lưu giữ lâu dài, tra cứu, giới thiệu, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vào các mục đích khác nhau. Bên cạnh sưu tầm, cần kết hợp với truyền dạy diễn xướng hát sắc bùa ngay trong các không gian văn hóa làng bản Mường cho thế hệ trẻ nhằm tăng hiệu quả của công tác bảo tồn di sản.
Từ những tư liệu sưu tầm được, cần ứng dụng công nghệ số hóa các tư liệu về di sản hát sắc bùa thông qua các băng hình, băng ghi âm; đặc biệt đưa di sản lên môi trường số, các kênh truyền thông cũng như các nền tảng trực tuyến như trang web, Facebook, YouTube... nhằm tạo cơ hội kết nối mạnh mẽ, giúp mọi tầng lớp khán giả dễ dàng tiếp cận với các giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống đồng thời mở ra cơ hội quảng bá mạnh mẽ với thế giới những tinh hoa nghệ thuật dân gian Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
4. Kết luận
Hát sắc bùa là một loại hình sinh hoạt văn nghệ dân gian mang đậm dấu ấn của văn hóa nông nghiệp, có giá trị sâu sắc trong đời sống tinh thần của người Mường Thanh Hóa. Để hát sắc bùa phát huy giá trị trong đời sống đương đại cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ tăng cường công tác quản lý nhà nước trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; nâng cao nhận thức và đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của loại hình diễn xướng; xây dựng hát sắc bùa trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo gắn với loại hình du lịch cộng đồng; chú trọng công tác sưu tầm, hệ thống hóa tiến tới số hóa các tư liệu về diễn xướng hát sắc bùa… Trong đó, giải pháp xây dựng hát sắc bùa trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng là một trong những nhiệm vụ cần được chính quyền các địa phương đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh phát triển du lịch cộng đồng đang là thế mạnh và là nhiệm vụ ưu tiên thực hiện tại các địa phương miền núi Thanh Hóa.
__________________
Tài liệu tham khảo
1. Cao Sơn Hải, Văn hóa dân gian Mường Thanh Hóa (Tuyển tập sưu tầm - biên dịch - khảo cứu), Nxb Thanh Hóa, Thanh Hóa, 2017.
2. Ngô Đức Thịnh, Những dạng thức của văn hóa Việt Nam, trong Việt Nam, đất nước và con người, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006.
3. Ngô Đức Thịnh, Một số vấn đề phương pháp luận nghiên cứu văn hóa cho phát triển, trong Văn hóa, văn hóa tộc người, văn hóa Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2006.
4. Ngô Đức Thịnh, Frank Proschan chủ biên, Một số thuật ngữ đương đại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2005.
TS NGUYỄN THỊ VIỆT HƯNG
Nguồn: Tạp chí VHNT số 590, tháng 12-2024