Múa hát Lải Lèn và hát Trống quân được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Múa hát Lải Lèn (xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) và hát Trống quân Liêm Thuận (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia theo Quyết định số 3411/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 3408/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ VHTTDL ký. Như vậy, Hà Nam hiện có 14 di sản văn hóa phi vật thể được ghi tên vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Múa hát Lải Lèn

Hát múa Lải Lèn (hay còn gọi là Lả Lê) là điệu múa hát cổ được thực hiện trong nghi lễ tế thần vào dịp lễ hội, đầu Xuân năm mới tại đình làng Nội Chuối (nay là thôn Nội Đọ - được sáp nhập từ thôn Nội Chuối với thôn Đọ), xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Từ năm 1949, do mất hẳn không gian hành lễ (đình làng bị bom của thực dân Pháp phá hủy cùng thần phả, sắc phong và về sau chịu nhiều tác động của biến cố lịch sử khác), múa hát Lải Lèn không được duy trì một thời gian dài. Năm 2003, khi đình làng được hoàn thành xây dựng trên nền đình cũ, múa hát Lải Lèn dần được khôi phục lại.

Tương truyền, xưa dòng Long Xuyên nối sông Châu với sông Hồng chảy qua địa phận 3 làng: Đọ, Yên Trạch và Nội Chuối (thuộc xã Bắc Lý). Một sáng, người dân thấy một hòm gỗ to trôi trên sông Long Xuyên, đến khúc sông qua làng Nội Chuối thì hòm gỗ dạt vào bờ. Khi vớt hòm lên, mở ra thì thấy trong hòm có một quyển sách chữ Nho, cùng hình nhân 12 cung nữ và 8 chàng hầu vua. Trong cuốn sách ấy có dạy múa hát Lải Lèn.

Xưa kia, chỉ có các cô gái đồng trinh, người làng, tuổi từ 15 đến khoảng 18 mới được học hát múa và tham gia lễ tế Thánh tại đình làng. Đội hình múa hát Lải Lèn gồm 12 nàng Lải, cùng với 8 chàng trai chưa vợ, to khỏe, vạm vỡ đóng vai hầu vua, đứng làm hai hàng bên thuyền rồng, quay mặt vào điện thờ, đứng hầu. Trước khi vào tế vài ngày, 12 nàng Lải được miễn công việc đồng áng, chăn nuôi, giữ người luôn sạch sẽ để luyện tập múa hát. Liên tục trong ba ngày Tết, các nàng Lải múa hát tế Thánh tại đình làng.

Lải Lèn có khoảng 30 điệu nhưng hiện nay các thành viên trong CLB của xã Bắc Ly mới sưu tầm, tập hát múa thành thạo được khoảng 15 điệu. Khác xưa, giờ các thành viên trong CLB chỉ hát múa biểu diễn trong lễ tế thần tại đình làng duy nhất vào ngày 20 tháng Giêng - ngày hội làng. Về nội dung, múa hát Lải Lèn có điệu diễn tả cảnh đón mừng nhà vua với những nghi thức cung đình; cảnh trận mạc xưa với các điệu bắn cung, cưỡi ngựa, múa kiếm; cảnh tiễn biệt người đi, kẻ ở trong thời chiến tranh; cảnh đoàn quân chiến thắng trở về; cảnh mở hội khao quân…

Hát Trống quân Liêm Thuận

Làng Chảy, làng Sông (xã Liêm Thuận, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) xưa có tục hát Trống quân trên cạn và trên mặt nước. Lời hát Trống quân làng Chảy vang lên trong mùa vào cuộc hát của hai làng là dịp con nước tháng Tám lên: “Tháng Tám anh đi chơi xuân/ Thấy làng mở hội Trống quân anh vào”.

Có khi người cùng làng hát đối với nhau, nhưng thường thì người làng Sông hát với người làng Chảy. Hai làng quanh năm trũng nước, địa hình xóm làng phân cách do nhiều ao chuôm. Vì vậy, người ta chia hai bên hát, đối mặt nhau ở hai bờ ao, khi gõ nhịp và hát, âm thanh rung mặt nước, hấp dẫn lạ kỳ. Cũng do vùng đồng chiêm trũng, về mùa nước, người dân nơi đây phải đi thuyền bằng sào, nên nhu cầu giao tiếp trên mặt nước là rất quan trọng, sau này người ta đã đem cái trống quân trên cạn xuống thuyền.

Vẫn cách thức làm trống quân như trên cạn nhưng trên cạn thì phải làm hố, còn xuống nước thì cái hố được thay bằng cái vại sành, đem đặt giữa lòng thuyền. Trên miệng vại cũng được đặt một tấm gỗ mỏng. Chính giữa tấm gỗ có néo một thanh tre già hay một thanh gỗ vào một sợi dây căng (chất liệu bằng da trâu, bằng tơ hoặc bằng dây thép) được buộc chặt từ mũi thuyền đến lái (nếu là thuyền nhỏ), buộc vào hai mạn thuyền (nếu là thuyền lớn). Khi gõ dùi trống vào sợi dây căng, thì ở vại sẽ phát ra âm thanh “thình/thì/thình” nhưng nghe vang, rền, nảy hơn từ hố đào trên cạn, bởi chất liệu sành và có sự cộng hưởng âm của mặt nước. Có những cuộc hát giao duyên thâu đêm suốt sáng vào dịp tháng Tám, mà về làng Chảy người ta vẫn được nghe các bậc “cổ lai hy” kể lại.

Có giả thuyết cho rằng, hát Trống quân có từ thời nhà Đinh, do Ưu bà Phạm Thị Trân (bà tổ hát Chèo) sáng tạo rồi đem vào dạy hát trong binh lính. Đa số giả thuyết khẳng định: Trống quân có nguồn gốc thời nhà Trần, cũng được phổ biến trong quân đội. Có thuyết nói thời Tây Sơn - Nguyễn Huệ, Quang Trung lệnh cho những người lính áo vải, cờ đào hát để luyện quân, nhằm tăng sĩ khí và tinh thần lạc quan lúc xa nhà. Cũng có thuyết cho rằng, trống quân là đọc chệch của từ “trung quân”, là một nghi thức hát giữa (trung) quân đội, hoặc đọc chệch từ “tống quân” - một nghi thức để tiễn biệt (tống) một vị quan chức sở tại nhậm chức mới, chuyển đi từ nơi khác.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 558, tháng 1-2024

;