Một số giải pháp phát huy giá trị văn hóa của lễ hội ở Ninh Bình hiện nay

Khúc hát dòng Sào Khê - Ảnh: Ninh Mạnh Thắng

Ninh Bình là vùng đất in dấu sự sống của con người từ thời tiền sử, có địa hình đa dạng, nằm ở vị trí giao thoa giữa nhiều vùng địa chất và văn hóa. Điều kiện tự nhiên và lịch sử xã hội đã cho Ninh Bình có cơ hội sở hữu một khối lượng di sản văn hóa phong phú và đa dạng.

Hiện nay, Ninh Bình có gần 450 di sản văn hóa phi vật thể thuộc đủ các loại hình cùng 1.821 di tích trong đó có 1 Di sản Văn hóa và thiên nhiên thế giới; 3 di tích quốc gia đặc biệt; 388 di tích cấp quốc gia, cấp tỉnh; 5 bảo vật quốc gia có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật (1). Trong đó, lễ hội của Ninh Bình là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức với nghi lễ truyền thống vừa độc đáo, vừa phong phú, phản ánh đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư. Lễ hội là dịp để mọi người hướng về cội nguồn, thể hiện sự gắn kết cộng đồng, đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp dân cư. Thông qua lễ hội, nhiều yếu tố văn hóa được bảo lưu và trao truyền từ đời này sang đời khác.

Theo số liệu kiểm kê năm 2012 của Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Ninh Bình, có 260 lễ hội diễn ra trong năm (một số ít lễ hội diễn ra theo định kỳ 3 năm/ lần hoặc 5 năm/ lần). Lễ hội được tổ chức khắp nơi trong tỉnh, nhưng chủ yếu được lưu truyền ở vùng nông thôn, những nơi có nhiều di tích. Các địa phương có nhiều lễ hội là Gia Viễn: 69, Kim Sơn: 52, Yên Mô: 45, Nho Quan: 36, Hoa Lư: 23, Yên Khánh: 16, thành phố Tam Điệp: 11, thành phố Ninh Bình: 8.

Ninh Bình là địa bàn cư trú chủ yếu của dân tộc Kinh và dân tộc Mường nên trong tổng số lễ hội ở Ninh Bình có 257 lễ hội của dân tộc Kinh (chiếm 98,85%), số lễ hội của dân tộc Mường chỉ có 3 lễ hội (chiếm 1,15%). Thời gian tổ chức các lễ hội diễn ra cả bốn mùa trong năm, nhưng tập trung nhiều nhất vào mùa Xuân gồm 147 lễ hội, các thời điểm khác diễn ra ít hơn. Địa điểm tổ chức các lễ hội chủ yếu gắn với di tích (đình, đền, chùa…) gồm 251 lễ hội (chiếm 96,54%); số ít diễn ra ở những địa điểm công cộng khác như sân vận động, nhà văn hóa… (2). Với số lượng lễ hội tương đối lớn, nhưng lễ hội ở Ninh Bình chủ yếu được tổ chức ở cấp xã, quy mô nhỏ, diễn ra trong thời gian ngắn.

Những năm qua, nhiều lễ hội truyền thống của Ninh Bình đã được phục dựng và duy trì tổ chức. Trong các lễ hội, nghi thức phần lễ được thực hiện trang nghiêm, thành kính, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương. Phần hội có sự kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao dân gian truyền thống và hiện đại, với sự đa dạng, phong phú về loại hình hoạt động, gắn với đặc trưng vùng miền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, khơi dậy lòng yêu quê hương, đất nước, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tinh thần đoàn kết, gắn bó cộng đồng, góp phần bảo lưu nhiều sinh hoạt văn hóa cổ truyền. Đặc biệt, để phát triển du lịch, Ninh Bình đang tập trung đẩy mạnh khai thác các chương trình du lịch lễ hội lớn ở cấp tỉnh và huyện, như: lễ hội cố đô Hoa Lư, lễ hội chùa Bái Đình, lễ hội đền Thái Vi, lễ hội đền Đức Thánh Nguyễn, lễ hội Thung Lau… Tỉnh cũng chú trọng đến việc quảng bá các lễ hội du lịch, đồng thời tổ chức thêm các sự kiện nhân dịp đặc biệt, góp phần thu hút khách du lịch như: năm 2018 kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023); năm 2023 kỷ niệm 1055 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2023)… Đây được coi là những điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình, thu hút lượng khách lớn, góp phần nâng cao đời sống cộng đồng và phát triển kinh tế địa phương, đưa du lịch Ninh Bình có tên trong bản đồ du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, các chương trình du lịch thường kéo dài trung bình từ 1-2 ngày, chưa thực sự đưa các hoạt động trải nghiệm văn hóa vào trong hoạt động du lịch, chưa khai thác được hết các giá trị độc đáo của các di sản văn hóa tại địa phương. Bên cạnh đó, việc đua nhau phục dựng và tổ chức lễ hội làm cho nhiều lễ hội còn nặng hình thức mất dần giá trị văn hóa truyền thống, các dịch vụ ăn uống gây mất vệ sinh môi trường ảnh hưởng đến cảnh quan di tích…

Lễ hội là sự kế tục, phát huy những tinh hoa giá trị văn hóa, mang ý nghĩa lịch sử văn hóa và nhân văn sâu sắc. Việc khôi phục lại những lễ hội truyền thống của nhân dân là dựa trên chính sách phục hồi những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, tôn trọng tự do tín ngưỡng, quan tâm nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân. Bởi vậy, để giá trị văn hóa của lễ hội ở Ninh Bình được phát huy, cần tập trung vào các giải pháp sau:

Phát huy lễ hội phục vụ sinh hoạt văn hóa của cộng đồng

Lễ hội truyền thống ở Ninh Bình phản ánh sự thích nghi, lối ứng xử của cộng đồng cư dân đối với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Nó tồn tại như một hoạt động văn hóa cần thiết góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tăng tình đoàn kết cộng đồng, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở địa phương; giúp người dân ý thức về truyền thống dân tộc, coi đó là di sản văn hóa có giá trị cần bảo tồn. Tham gia lễ hội, người dân cùng nhau thực hiện nghi lễ thể hiện sự ngưỡng mộ, tôn vinh, lòng thành kính đối với các bậc thánh, thần, các vị tiền nhân, cầu mong sự chở che, bảo vệ cho cộng đồng. Những nghi lễ trong lễ hội như: rước sắc, rước nước, rước kiệu, rước bóng, tế nữ quan, tế nam quan, múa cờ lau, múa lân, múa rồng, chọi gà, tổ tôm… thu hút sự tham gia hưởng ứng của cả cộng đồng, tạo nên sự cộng cảm giữa các thành viên, là sợi dây nối con người với quá khứ và hiện tại để bảo lưu các giá trị văn hóa của cộng đồng. Do đó, Ninh Bình cần tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo tồn và phát huy lễ hội trong sinh hoạt cộng đồng. Bên cạnh đó, cần có chính sách quan tâm hỗ trợ kinh phí ngân sách nhà nước để chọn lựa, phục hồi và tổ chức một số lễ hội có giá trị văn hóa mang đặc trưng của Ninh Bình thu hút khách du lịch, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.

Phát huy lễ hội phục vụ phát triển du lịch

Lễ hội cổ truyền có vai trò rất quan trọng trong phát triển du lịch, góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa của địa phương, là một trong những yếu tố tạo nên những sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn đối với du khách. Ninh Bình đã tập trung quy hoạch bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị của các di tích lịch sử văn hóa như: lập hồ sơ khoa học đề nghị và đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội Trường Yên (2014), nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân (2019); năm 2020-2021, lập hồ sơ khoa học “Nghệ thuật hát Xẩm ở Ninh Bình”, Lễ hội làng Bình Hải, (huyện Yên Mô), Nghề Cói Kim Sơn, Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê (Yên Mô) trình Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia… Những hoạt động trên là cơ sở để bảo tồn di tích, phục hồi, duy trì và phát huy các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong đó có lễ hội. Bên cạnh đó, Ninh Bình còn triển khai nhiều chủ đề du lịch tìm hiểu về lịch sử văn hóa Ninh Bình thông qua các sản phẩm du lịch mới mang tính giáo dục cao, đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư và phát triển du lịch bền vững, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các điểm di tích trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, đầu năm 2023 với việc đưa tour trải nghiệm “Tìm về cội nguồn” được tổ chức đúng vào dịp Lễ hội Thung Lau - Động Hoa Lư (xã Gia Hưng, huyện Gia Viễn) đã góp phần tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện lòng thành kính, sự tri ân sâu sắc tới các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân đã có công lập quốc trong hành trình phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Việc tổ chức các lễ hội gắn với phát triển du lịch ở Ninh Bình không chỉ là cơ hội để đoàn kết cộng đồng, giáo dục lịch sử mà đó còn là cơ hội để phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh về vùng đất cố đô lịch sử đến bạn bè muôn phương. Thông qua các hoạt động lễ hội, các sinh hoạt văn hóa của cộng đồng được tái hiện để giới thiệu tới khách du lịch; các sản phẩm địa phương được đưa vào phục vụ nhu cầu của khách tham quan lễ hội.

Phát huy lễ hội phục vụ giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ

Lễ hội được xem như là một môi trường tốt để giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần xây dựng đời sống tâm hồn phong phú cho những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước. Qua hoạt động của lễ hội, sự tích của các vị thần, thánh, các bậc tiền nhân nhắc nhở cho thế hệ trẻ về cội nguồn của cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”, giáo dục con người về lòng biết ơn, về lối sống có nghĩa có tình, hướng con người đến những điều tốt đẹp, lẽ thiên lương để từ đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc.

Việc thế hệ trẻ tham gia vào các nghi lễ, trò diễn, trò chơi… chính là thực hiện việc tiếp nối, trao truyền văn hóa của thế hệ trước cho thế hệ sau, bảo lưu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tâm linh trong đời sống cộng đồng.

Phát triển du lịch trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống là hướng đi có tính chiến lược của rất nhiều địa phương trong những năm gần đây. Đối với Ninh Bình, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống trong giai đoạn hiện nay được xem như là nền tảng, là nguồn lực góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của Ninh Bình phát triển để đến năm 2030 ngành Du lịch Ninh Bình cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến “An toàn - Thân thiện - Chất lượng - Hấp dẫn”.

____________________

1. UBND tỉnh Ninh Bình - Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới, Nxb Hồng Đức, 2022, tr.611.

2. Nguyễn Mạnh Cường, Nguyễn Quang Hải, Vũ Diệu Trung, Di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu tỉnh Ninh Bình, Nxb Lao động, 2018, tr.218.

Tài liệu tham khảo

1. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, Ninh Bình đẩy mạnh công tác quản lý, bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên, góp phần phát triển du lịch bền vững, 2013.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Bình, Phát triển bền vững du lịch Ninh Bình, 2013.

3. Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, Thống kê lễ hội Việt Nam, tập 1, Hà Nội, 2008.

4. Cục Văn hóa cơ sở, Bộ VHTTDL, Thống kê lễ hội Việt Nam, tập 2, Hà Nội, 2008.

5. Cục thống kê Ninh Bình, Ninh Bình 50 năm xây dựng và phát triển (1955-2004), Nxb Thống kê, 2005.

6. Dương Văn Sáu, Lễ hội Việt Nam trong sự phát triển du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, 2004.

7. Lã Đăng Bật, Đất và người Ninh Bình, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2011.

8. Lã Đăng Bật, Di tích danh thắng Ninh Bình, Nxb Thế giới, 2021.

9. Lê Hồng Lý (chủ biên), Nguyễn Thị Hương Liên, Lễ hội lịch sử ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Nxb Văn hóa dân tộc, 2021.

10. Ngô Đức Thịnh, Về tín ngưỡng lễ hội cổ truyền, Nxb Văn hóa - Thông tin, 2007.

11. Sở Văn hóa - Thể thao Ninh Bình, Báo cáo công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bản tỉnh Ninh Bình năm 2022.

12. Tỉnh ủy Ninh Bình - Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Địa chí Ninh Bình, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, 2010.

13.Tỉnh ủy NinhBình - Đại học Quốc gia Hà Nội, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Văn hóa và con người Ninh Bình trong phát triển bền vững, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2017.

14. Trương Đình Tưởng, Địa chí văn hóa dân gian Ninh Bình, Nxb Thế giới, 2004.

15. Viện Văn hóa dân gian, Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học xã hội, 1992.

Ths ĐỖ THỊ HỒNG THU

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;