Tác động của đô thị hóa với công tác quản lý di tích lịch sử - văn hóa ở huyện Đông Anh, Hà Nội

Đông Anh là huyện ngoại thành của Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa. Tương lai, huyện sẽ trở thành một trong những không gian trọng yếu có vai trò kết nối giao thông khu trung tâm Thủ đô với cửa ngõ hàng không quốc tế, gắn kết khu vực đô thị hai bên sông Hồng. Theo quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đông Anh sẽ trở thành khu đô thị xanh, hiện đại, kiểu mẫu, phía Bắc sông Hồng, trung tâm tài chính, văn hóa lớn của Hà Nội và cả nước. Trong quá trình đô thị hóa, vấn đề về quản lý di tích lịch sử - văn hóa đang nảy sinh những vướng mắc, bất cập trong quản lý, tạo nên những áp lực mới đối với công tác quản lý cũng như việc bảo vệ và phát huy các giá trị di tích lịch sử - văn hóa tại vùng đất đang chuyển mình thành khu đô thị trung tâm của Thủ đô Hà Nội.

Chùa Phương Trạch được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn xã hội hóa - Ảnh: Tác giả cung cấp

1. Kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với 200 di tích

Việc kiểm kê di tích không chỉ tập trung vào di tích có giá trị mà kiểm kê tổng thể tất cả các loại hình di tích có trên địa bàn, ngoài đình, đền, chùa còn có nhà thờ họ, điện, am, miếu, lăng, di tích cách mạng kháng chiến… từ đó các cơ quan quản lý có một cái nhìn tổng thể về toàn bộ hệ thống di tích có trên địa bàn, các di tích nằm trong danh mục kiểm kê được phân loại, xác định theo đúng tiêu chí. Đối với kiểm kê hiện vật, để xác định giá trị hiện vật, bảo vệ và phát huy giá trị hiện vật trong di tích, cơ quan quản lý đã thực hiện việc kiểm kê sâu đối với hiện vật, không chỉ đếm số lượng còn tiến hành mô tả hiện vật, xác định niên đại, nguồn gốc, giá trị của hiện vật, đó là nguồn dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác nghiên cứu cũng như đề xuất giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích và xác định được đâu là hiện vật có giá trị cần bảo tồn, gìn giữ. Tính đến nay, huyện Đông Anh đã tiến hành kiểm kê, lập hồ sơ khoa học đối với hiện vật đồ thờ tự tại 200 di tích lịch sử - văn hóa.

Do tiến hành tổng kiểm kê toàn bộ di tích trên địa bàn nên một số nơi, cứ có bao nhiêu di tích xác định được loại hình đều đưa vào danh mục kiểm kê, kể cả di tích đó vốn chỉ là nhà thờ của một dòng họ bình thường trong thôn, hoặc có khi là những công trình mới được xây dựng theo hình thức trung tâm văn hóa tâm linh khi đưa vào kiểm kê cũng coi đó là đình, chùa, nhà thờ... thành những di tích có giá trị. Một số nơi, di tích có giá trị lại không muốn đưa vào danh mục kiểm kê di tích vì như vậy sẽ chịu sự ràng buộc của nhiều quy định, di tích không thể tự ý cải tạo, sửa chữa, đưa hiện vật vào thờ tự do như trước đây, xu hướng này chủ yếu xuất hiện ở các cơ sở tôn giáo.

Đối với kiểm kê hiện vật: khi kiểm kê theo hướng lập hồ sơ khoa học cho hiện vật, đồ thờ tự, xác định được giá trị hiện vật, vô hình trung trở thành nguồn cung cấp thông tin cho việc trộm cắp cổ vật và đồ thờ tự có giá trị nếu hồ sơ không được bảo quản cẩn thận. Để bảo vệ cổ vật, đồ thờ tự, trong di tích bắt đầu xuất hiện những hiện vật mới, hiện đại và di tích trở nên kiên cố hóa. Bên cạnh đó, cũng phát sinh cả vấn đề mới đó là có bao nhiêu hiện vật trong di tích thì yêu cầu kiểm kê hết không bỏ sót hiện vật nào kể cả lọ hoa, đèn trang trí… là những đồ vật thông dụng không có nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học.

2. Xu hướng mở rộng diện tích đất di tích ngoài diện tích đã khoanh vùng

Từ năm 1962-2012 toàn huyện Đông Anh có 122 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và thành phố, nhưng từ năm 2013-2019, huyện chỉ có 20 di tích xếp hạng cấp quốc gia và thành phố. Điều đó cho thấy, số lượng di tích xếp hạng ngày càng giảm, nguyên nhân là do các di tích có giá trị và đủ điều kiện đã được xếp hạng nhiều trong giai đoạn trước, hiện còn lại ít di tích có đủ điều kiện để xếp hạng. Ngoài ra, do tác động của đô thị hóa, nhiều di tích đã mở rộng không gian di tích, xây dựng, tôn tạo nhiều hạng mục phụ trợ, hạ tầng kỹ thuật, vì nếu di tích đã xếp hạng thì quy trình thực hiện tu bổ mất nhiều thời gian, thủ tục rườm rà, hơn thế còn vướng mắc, khó khăn do cơ chế chính sách trong việc thực hiện tu bổ bằng nguồn xã hội hóa, đó là nguyên nhân nhiều di tích không muốn xếp hạng dù có đủ điều kiện. Cũng do tác động của đô thị hóa, nhiều di tích được xây dựng mới, kiến trúc mang phong cách thời hiện đại nhiều hơn yếu tố truyền thống, các hiện vật, tượng thờ, đồ thờ tự được đặt làm mới, nên dù có muốn xếp hạng cũng không đủ điều kiện để xếp hạng di tích. Đối với các di tích đã xếp hạng hay chưa xếp hạng đều xuất hiện xu hướng mở rộng diện tích đất ngoài diện tích đã được khoanh vùng hoặc đã được xác định là đất công trình tôn giáo, tín ngưỡng, việc mở rộng chủ yếu xuất hiện ở các di tích là chùa hoặc là cơ sở tôn giáo.

3. 10 năm: tu bổ, tôn tạo di tích hơn 660 tỷ đồng

Di tích tồn tại qua nhiều giai đoạn lịch sử, có tuổi đời hàng trăm năm nên nhiều hạng mục, cấu kiện gỗ có nguy cơ hỏng, xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo và nguồn kinh phí lớn để thực hiện nhằm bảo tồn những yếu tố gốc. Đô thị hóa góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu, tăng trưởng kinh tế, tạo nguồn lực lớn để tập trung đầu tư tu bổ di tích; đời sống vật chất của nhân dân nâng cao, người dân chú trọng nhiều hơn đến đời sống tinh thần, tự nguyện công đức đóng góp tiền của, sức lực trong tu bổ, tôn tạo các công trình tâm linh. Từ năm 2013-2023 có 155 di tích được tu bổ, tôn tạo với tổng kinh phí 660.044.908.000 đồng, trong đó có 98.738.299.000 đồng là nguồn xã hội hóa do các tập thể, cá nhân có thiện tâm. Có di tích được tu bổ, tôn tạo 100% bằng nguồn xã hội hóa như: chùa Phương Trạch, đình Tó, đền Sái, đình làng Chài… Nhiều di tích xuống cấp nghiêm trọng được tu sửa cấp thiết bằng nguồn chương trình mục tiêu quốc gia nhằm kịp thời ngăn chặn sự xuống cấp và bảo tồn kiến trúc, cấu kiện gỗ là yếu tố gốc của di tích như: đình Nhạn Tái, đình Xuân Canh… Công tác tu bổ, tôn tạo di tích được chú trọng quan tâm, đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc thu hút khách tham quan đến với di tích, tìm hiểu về giá trị di tích. Huyện Đông Anh hiện đang tập trung lập quy hoạch điểm dân cư nông thôn, cùng với đó, các di tích lịch sử - văn hóa nằm trong danh mục kiểm kê của thành phố cũng đang được huyện cho triển khai lập quy hoạch tu bổ, tôn tạo tổng thể góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, phù hợp với điều kiện kinh phí tu bổ từng giai đoạn, khắc phục được việc chắp vá, thiếu đồng bộ tại di tích.

Vốn di tích đã có nguy cơ xuống cấp do thời gian, khí hậu khắc nghiệt, ô nhiễm môi trường, tác động của đô thị hóa, các công trình xây dựng… đã tác động và đẩy nhanh quá trình xuống cấp của di tích. Hàng loạt di tích có hệ thống sân nền, cổng, vườn, tường rào đều thấp hơn so với hệ thống đường dân sinh và hạ tầng kỹ thuật sau khi cải tạo, nâng cấp khu vực xung quanh di tích, khiến cho di tích bị ngập lụt khi mưa bão và có nơi bị nghiêng, nứt, vỡ, xuống cấp ngày càng cao. Bên cạnh đó, khi quy hoạch tổng thể di tích để thực hiện tu bổ, tôn tạo, hầu hết các di tích đều bổ sung nhiều các hạng mục phụ trợ trong khuôn viên di tích nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, nhưng điều đó đã làm thay đổi không gian, bố cục gốc của di tích; di tích sau tu bổ trở nên hiện đại hơn, được bao bọc xung quanh bằng nhà cao tầng, đường bê tông, các hạng mục phụ trợ tôn tạo mới khiến cho di tích mất đi vẻ cổ kính, mất “không gian thiêng” vốn có.

Ngoài ra, do tác động của đô thị hóa, đời sống vật chất tăng cao, việc huy động nguồn xã hội hóa từ các tập thể, cá nhân nhiều hơn, dẫn đến việc Ban quản lý di tích tự ý thực hiện tu bổ, tôn tạo hoặc đưa đồ thờ tự mới, sơn, sửa, làm mới các hiện vật trong di tích nhằm tiếp cận nhanh với nguồn kinh phí xã hội hóa, khiến cho nhiều hiện vật không phù hợp với truyền thống.

4. Kiểm tra, xử lý vi phạm tại di tích rất khó khăn, phức tạp

Tại huyện Đông Anh, việc di tích bị xâm chiếm hầu như không có, nhưng công tác kiểm tra, xử lý vi phạm tại di tích lại rất khó khăn và phức tạp.

Thứ nhất, do quá trình đô thị hóa, tài nguyên đất tại Đông Anh được khai thác, phát huy giá trị tạo nguồn lực cho đầu tư, xây dựng đô thị; nhiều di tích lấn chiếm đất công ích, mua, trao đổi, thuê mượn đất ruộng canh tác của các hộ dân để mở rộng diện tích khuôn viên khu di tích, đa số là các cơ sở tôn giáo chưa xếp hạng, khi mua, trao đổi đất mở rộng thêm thuộc sở hữu cá nhân đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại các vị trí mở rộng, các di tích xây dựng thêm các hạng mục phụ trợ hoặc chỉ cải tạo thành sân, vườn, trồng cây, hoa... tạo cảnh quan không gian rộng, thoáng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân và được nhân dân đồng thuận. Áp dụng theo các căn cứ thuộc lĩnh vực văn hóa để xử lý thì chưa đủ căn cứ bởi di tích không bị xâm chiếm, không có sự tác động gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến di tích gốc. Áp dụng theo các căn cứ thuộc lĩnh vực xây dựng, quản lý đô thị thì việc xây dựng các hạng mục phụ trợ trong cơ sở tín ngưỡng tôn giáo mà chưa xếp hạng thuộc nội dung được miễn cấp phép. Hơn thế, việc mở rộng di tích được đại bộ phận dân cư ủng hộ, các nhà quản lý không thể xử lý vi phạm khi không có căn cứ pháp lý, càng không thể đứng trên quan điểm đối lập, tạo mâu thuẫn với quần chúng nhân dân. Việc đưa ra giải pháp giải quyết hài hòa và đúng quy định đối với các vi phạm này hiện còn nhiều khó khăn, bất cập.

Thứ hai, đối với di tích thực hiện tu bổ bằng nguồn xã hội hóa, người dân và chính quyền địa phương vất vả trong huy động được nguồn kinh phí xã hội hóa nên đều mong muốn triển khai tu bổ, tôn tạo sớm công trình nhằm ngăn chặn sự xuống cấp của di tích, đồng thời cũng tận dụng kịp thời nguồn kinh phí xã hội hóa, trong khi quy trình thủ tục để thực hiện tu bổ bằng nguồn xã hội hóa chưa có quy định riêng, vẫn áp dụng theo quy trình tu bổ bằng nguồn ngân sách nên dẫn đến còn nhiều bất cập, khó khăn, kéo dài, có công trình tu bổ từ khi bắt đầu đề xuất, đến khi có văn bản thỏa thuận của cơ quan chuyên môn là khoảng 3 năm; bên cạnh đó, quy định về chủ đầu tư khi tu bổ bằng nguồn xã hội hóa còn chưa rõ ràng, giữa lý thuyết và thực tế còn xa vời, gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, gây khó khăn trong việc kêu gọi thu hút nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp.

Thứ ba, do cuộc sống của người dân được nâng cao, họ có xu hướng đến với tâm linh nhiều hơn, xuất hiện nhiều hiện tượng cá nhân, tập thể, các hội đồng niên, đồng ngũ, đồng môn… công đức, cung tiến các đồ thờ tự, tượng Phật vào di tích mà không có ý kiến chấp thuận của cơ quan chuyên môn. Khi sự việc được phát hiện thì hầu như là sự đã rồi, đối với các hiện vật, đồ thờ tự như: hoành phi, câu đối, ngai thờ, cửa võng, tượng phật được đặt vào di tích thờ cúng, không đơn giản để tháo dỡ các hiện vật đưa ra ngoài di tích, đặc biệt là tượng thờ. Ngay cả hiện vật lạ vô tình được đưa vào di tích như: sư tử đá, cây đèn đá Nhật Bản hay tượng Quan âm bạch y đứng, đa số người dân và ban quản lý di tích đồng thuận đưa ra khỏi di tích nhưng cả cơ quan quản lý và người dân đều lúng túng bởi không biết đưa hiện vật đi đâu và xử lý thế nào.

5. Phát huy giá trị di tích: những khoảng cách còn lại

Công tác phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn huyện Đông Anh luôn được chú trọng quan tâm góp phần giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, khoa học, phục vụ quần chúng nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội; sử dụng di tích như một nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng dân cư về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trước những tác động của đô thị hóa, những tác động của đô thị hóa thể hiện ở cả hai mặt tích cực và tiêu cực.

Trước tiên, có thể thấy nhận thức của cộng đồng dân cư về vai trò, ý nghĩa, giá trị của di tích lịch sử - văn hóa ngày càng được nâng cao. Ngày càng nhiều tập thể, cá nhân quan tâm đến di tích trên nhiều phương diện từ: đóng góp tu bổ, tôn tạo cảnh quan; tham gia các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, trải nghiệm, giáo dục di sản; tham quan, tìm hiểu giá trị, ý nghĩa của di tích; lượng khách tham quan đến các di tích ngày càng đông hơn không chỉ vào các dịp lễ hội truyền thống; nhiều di tích đã phát huy giá trị tích cực, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan. Việc giới thiệu, quảng bá giá trị di tích được đẩy mạnh bằng nhiều nội dung, hoạt động phong phú, đa dạng như: phát hành sách chuyên đề giới thiệu về di tích, lễ hội tiêu biểu huyện Đông Anh; giới thiệu các di tích tiêu biểu trên bản tin nội bộ phục vụ sinh hoạt chi bộ Đảng thường kỳ; các bài viết giới thiệu về giá trị của di tích được đăng tải thường xuyên trên hệ thống truyền thanh trong thời gian diễn ra lễ hội tại di tích; xây dựng chuyên mục giới thiệu di tích trên hệ thống đài truyền thanh huyện và cơ sở. Bên cạnh đó, do tác động của đô thị hóa nên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, bởi vậy, việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa được đẩy mạnh, người dân có thêm nhiều thông tin, cập nhật kịp thời các nội dung liên quan đến di tích, từ đó cộng đồng dân cư hiểu hơn về giá trị của di tích mà họ đang lưu giữ, tích cực tham gia vào hoạt động quản lý đối với di tích.

Mặc dù nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng dân cư về ý nghĩa, giá trị, vai trò của di tích ngày càng nâng cao nhưng chưa thật sự sâu sắc, toàn diện. Vẫn còn lúng túng trong cách xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; có lúc, có nơi vẫn còn tồn tại xu hướng thương mại hóa di tích, đặt mục tiêu phát triển kinh tế tại di tích cao hơn các mục tiêu về bảo vệ di tích, thậm chí có những dự án phát triển kinh tế triển khai thực hiện ngay cạnh di tích nhưng không đề xuất các biện pháp nào để bảo vệ di tích như trường hợp xảy ra tại đền Sái, đình Ngọc Chi, đình Đông Trù… Đa số các di tích trên địa bàn huyện đều chưa được khoanh vùng bảo vệ di tích, việc khoanh vùng chỉ được thực hiện đối với các di tích đã xếp hạng, nên nhiều di tích lấn ra đất công, mở rộng khuôn viên, diện tích sử dụng không đúng quy định. Công tác xã hội hóa các hoạt động phát huy giá trị di tích còn thiếu định hướng, thiếu cơ chế, chính sách để khuyến khích, kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Các nguồn lực đó chưa có sự quản lý của cơ quan nhà nước nên không được định hướng sử dụng có hiệu quả. Việc đầu tư tu bổ di tích không đồng bộ nên không phát huy được hiệu quả. Việc tổ chức giới thiệu, khai thác thông tin tại di tích còn đơn điệu, nhàm chán, chưa kết hợp tốt giữa khai thác giá trị vật thể với giá trị phi vật thể, chưa áp dụng được công nghệ thông tin trong quảng bá giá trị di tích trên các trang mạng xã hội. Hoạt động tổ chức giới thiệu tại di tích chưa được làm khoa học, chặt chẽ, chưa kết hợp công nghệ thông tin trong tuyên truyền quảng bá. Các trang thông tin điện tử từ huyện đến xã chưa đi vào chiều sâu, chưa xây dựng được các mục chuyên sâu giới thiệu về di tích và giá trị của di tích mà chủ yếu là cập nhật các tin tức về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Do số lượng dân nhập cư vào huyện khá lớn, tập trung ở các khu công nghiệp, nên đa số dân nhập cư không quan tâm đến bảo tồn, tu bổ, tôn tạo di tích hay phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, cũng như xây dựng đời sống văn hóa tại đây. Việc nâng cao nhận thức và tuyên truyền về giá trị di tích lịch sử - văn hóa cho các đối tượng này chưa được quan tâm, thực hiện, điều này ảnh hưởng không nhỏ tới việc gìn giữ, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa trong tương lai.

Những tác động tích cực và tiêu cực từ đô thị hóa đến quản lý di tích lịch sử - văn hóa tại huyện Đông Anh đòi hỏi các nhà quản lý, cộng đồng dân cư cần có sự phối hợp chặt chẽ, đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý di tích lịch sử - văn hóa dưới tác động của quá trình đô thị hóa.

__________________

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Thị Thu Hương, Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bảo tồn di sản văn hóa tại các vùng đang trong quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa ở đồng bằng sông Hồng, Nxb Lao động, Hà Nội, 2016.

2. UBND huyện Đông Anh, Báo cáo kết quả đầu tư xây dựng huyện Đông Anh thành quận, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2022.

3. Huyện ủy Đông Anh, Văn kiện đại hội đại biểu đảng bộ huyện Đông Anh lần thứ XXVIII, XXIX, Tài liệu lưu hành nội bộ, 2015, 2020.

4. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Đề án phát triển văn hóa - thể thao trên địa bàn huyện Đông Anh giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, Đông Anh.

5. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh, Báo cáo tổng kết công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện Đông Anh hằng năm, Tài liệu lưu hành nội bộ.

6. Khảo sát điền dã thực tế trên địa bàn 23 xã thuộc huyện Đông Anh.

NGUYỄN THỊ MỸ LINH

Nguồn: Tạp chí VHNT số 536, tháng 6-2023

;