Giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể - Bài cuối: Giải pháp nào để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa bền vững trong giai đoạn hiện nay?

Cùng với 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh còn rất nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác cần được bảo tồn, phát huy trong giai đoạn hiện nay. Giải pháp nào để gìn giữ và phát triển di sản văn hóa trong cộng đồng theo hướng bền vững, đồng thời góp phần phát triển kinh tế đất nước, dưới đây là ghi chép của phóng viên về những ý kiến đóng góp của một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa.

Các nghệ nhân biểu diễn Ca trù

PGS, TS Bùi Hoài Sơn: Từ ý thức về trách nhiệm gắn với quyền lợi, chủ thể văn hóa sẽ giữ gìn, di sản phát triển bền vững

Việc thực hiện hồ sơ để UNESCO ghi danh các hạng mục của công ước 2003, Việt Nam đã thu được khá nhiều thành công, đó là chúng ta đã huy động được sự quan tâm của các cơ quan nhà nước trong việc hỗ trợ cộng đồng địa phương để tôn vinh những di sản văn hóa. Đặc biệt hơn nữa, Việt Nam đã phát huy được vai trò chủ động tích cực của cộng đồng ở địa phương, những người chủ sở hữu của các di sản để họ không chỉ là thực hiện tinh thần của hồ sơ, mà còn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản của mình. Điều này vô cùng quan trọng, bởi vì công ước 2003 luôn nhấn mạnh, cộng đồng các địa phương - chủ sở hữu các di sản chính là những người đóng vai trò quan trọng nhất trong việc giữ gìn sức sống của các di sản.

Thông qua quá trình Việt Nam ghi danh các di sản, chúng ta đã huy động được sự quan tâm của cộng đồng các địa phương, quan tâm đến chính di sản của mình, để từ đó họ ý thức rõ hơn về nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi của họ đối với di sản. Từ ý thức trách nhiệm và quyền lợi, chủ thể sở hữu di sản văn hóa sẽ giữ gìn, phát triển di sản văn hóa bền vững. Chúng ta đã có những ví dụ hay, các bài học tốt, trở thành trường hợp tiêu biểu để UNESCO có thể giới thiệu đến toàn thế giới. Ví dụ như đối với di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, với việc tổ chức thường xuyên các liên hoan cồng chiêng Tây Nguyên ở các tỉnh, đã giúp cho nạn “chảy máu cồng chiêng” được ngăn chặn, thậm chí giờ đây sức sống của văn hóa cồng chiêng đã trở nên tốt đẹp hơn. Từ những chất liệu truyền thống, từ những giá trị của văn hóa phi vật thể, chúng ta có thể tạo ra những sản phẩm mới phục vụ cho việc phát triển công nghiệp văn hóa, từ đó kích thích sự phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Qua đó cho thấy, Đảng và Nhà nước đã đi theo tinh thần của Công ước 2003 và đưa tinh thần đó thấm sâu vào trong xã hội, tạo ra động lực mới cho sự phát triển văn hóa cũng như sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

PGS,TS Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL): Di sản văn hóa là tài nguyên chiến lược cho phát triển du lịch bền vững, một ngành kinh tế mũi nhọn trong phát triển công nghiệp văn hóa

Để phát huy vai trò của di sản gắn với phát triển du lịch, đồng thời bảo vệ, phát huy di sản một cách bền vững, có 3 vấn đề cần quan tâm, đó là: (1) Bảo vệ môi trường, đại dương, thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Phát triển bền vững, xóa đói giảm nghèo, ngăn chặn xung đột sắc tộc, tôn giáo và khủng bố; (3) Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa và di sản thiên nhiên thế giới, bảo vệ cộng đồng và quyền văn hóa của cộng đồng.

Để giải quyết những vấn đề này cần: Thứ nhất, thực hiện những cam kết quốc gia trong việc bảo vệ các di sản văn hóa, cũng như hợp tác hỗ trợ về mặt trí tuệ, kỹ thuật, nguồn lực cho các nước trong việc bảo vệ di sản văn hóa theo đúng Hướng dẫn thực hành Công ước của UNESCO về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên; Thứ hai, kiến tạo cơ chế chính sách của quốc gia để huy động các nguồn lực xã hội - nguồn lực các bên có liên quan cho các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa theo hướng bảo tồn di sản trong cộng đồng, dựa hẳn vào cộng đồng và vì cộng đồng; Thứ ba, thực hiện chủ trương của UNESCO về phát triển bao trùm, theo hướng lồng ghép quan điểm phát triển bền vững vào các Công ước 1972 và 2003 trên 3 nguyên tắc cơ bản: (1) quyền con người và quyền văn hóa; (2) công bằng; (3) tính bền vững với tầm nhìn dài hạn.

TS Trần Hữu Sơn: Di sản muốn sống được thì phải có môi trường để các nghệ nhân thực hành và trình diễn

Hiện nay, công tác bảo tồn di sản văn hóa đã ngày càng lan tỏa rộng rãi, tuy nhiên vẫn còn nhiều khoảng trống. Vì thế các cấp, các ngành cần quan tâm hơn nữa về chiều sâu trong vấn đề bảo tồn. Ví dụ như với di sản hát Then, chúng ta không chỉ bảo tồn hát Then, mà cần phải bảo tồn cái hồn, cái gốc, đặc biệt là tín ngưỡng của người Tày, Nùng, Thái…

Bên cạnh đó, tất cả các di sản muốn sống được thì phải có môi trường cho di sản, trong đó, không gian để các nghệ nhân, nhân dân thực hành và trình diễn là hết sức cần thiết. Vì, không bảo tồn được môi trường thì không có di sản. Đó là bài học rất quý báu mà chúng ta cần phải quan tâm và phát huy, trong khi rất nhiều nơi chưa chú trọng vấn này.

Du khách thích thú với nét văn hóa Gói bánh chưng, giã bánh giầy của Phú Thọ

TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Việt Nam: Mỗi loại hình di sản sẽ có cách bảo tồn khác nhau

Bên cạnh các di sản đã được UNESCO ghi danh thì vẫn còn có những di sản cần được Nhà nước quan tâm hơn nữa và cần được bảo vệ khẩn cấp. Đặc biệt, Nhà nước cần phải có chính sách rõ ràng, mạnh mẽ để nhận diện ra di sản nào cần cấp bách bảo vệ, vì nếu không quan tâm kịp thời, để thời gian kéo dài sẽ bị mai một và không có khả năng phục hồi. Ví dụ như tranh Hàng Trống của Hà Nội, hiện nay chỉ còn một nghệ nhân duy nhất còn sáng tác được tranh. Hay các di sản của các dân tộc thiểu số, họ không có điều kiện để bảo vệ vì bối cảnh của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm cho họ hòa nhập với cuộc sống của người Kinh, họ bỏ dần những phong tục, tập quán của họ…

Công ước 2003 của UNESCO và Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã có nhận thức rất rõ ràng về di sản văn hóa phi vật thể, về tầm quan trọng của nó đối với đời sống con người, xã hội và đối với sự phát triển kinh tế một cách bền vững. Chúng ta đã có nhiều chính sách và thành tựu, nhưng cũng còn rất nhiều việc cần phải làm để bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bền vững. Đó là: mỗi loại hình sẽ có cách bảo tồn khác nhau, đối với những di sản cần phải bảo vệ khẩn cấp thì phải nhanh chóng tư liệu hóa những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật mà các nghệ nhân đang nắm giữ để sau này khi phục hồi sẽ có cơ sở rõ ràng; cần phải đào tạo ngay đội ngũ kế cận; phải truyền nghề và tìm đầu ra cho các sản phẩm các di sản thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống, tìm công chúng cho các di sản thuộc loại hình trình diễn…

NGỌC BÍCH thực hiện - Ảnh: NGÔ HUYỀN

 

 

;