MỘT CÁCH TIẾP CẬN MỚI VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI VĂN HÓA

Có thể nói, văn hóa là nơi thể hiện rõ nhất tinh thần và bản sắc dân tộc, đồng thời là nơi thể hiện ý thức và phương pháp tiếp nhận những giá trị của các dân tộc khác theo quan điểm cùng tham gia, cùng chia sẻ. Từ góc độ quản lý nhà nước về văn hóa, có thể đưa ra một định nghĩa về văn hóa như sau: văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn. Sản phẩm văn hóa thể hiện mối quan hệ tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Sự tác động đến văn hóa cũng tức là tác động đến con người cùng với môi trường sống của con người.

Định nghĩa trên là sự khẳng định văn hóa trên một số phương diện: phương diện vật chất: được thể hiện ở các dạng thức văn hóa mang tính thực thể, tri giác được, định lượng được, giá trị các sản phẩm văn hóa do đó có thể quy đổi bằng những giá trị vật chất đơn thuần; phương diện tinh thần: là những giá trị định tính, không tri giác được, chứa đựng những giá trị có tầm ảnh hưởng, tác động đến tư tưởng, tâm lý, tình cảm và nhận thức của con người.

Văn hóa thể hiện mối quan hệ tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội vì: văn hóa là sản phẩm do con người sáng tạo ra, là tấm gương phản ánh chính cuộc sống con người. Một xã hội phát triển gắn với một nền văn hóa phát triển; văn hóa là sản phẩm tất yếu của điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội, môi trường tự nhiên và điều kiện xã hội thế nào sẽ hình thành những giá trị văn hóa thế ấy. Theo đó những yếu tố văn hóa truyền thống cũng chỉ có thể tồn tại được trong những điều kiện tương thích. Sự thay đổi hoặc phá vỡ môi trường tự nhiên và xã hội cũng tức là làm thay đổi hoặc thậm chí triệt tiêu các yếu tố văn hóa vốn có; ngược lại, văn hóa cũng là yếu tố có tác động mạnh mẽ đến môi trường tự nhiên và xã hội. Những giá trị và chuẩn mực văn hóa trong quá trình biến đổi và phát triển sẽ quy định và chi phối lối sống, hành vi ứng xử và thái độ của con người, theo đó, sẽ tạo nên những thay đổi trong tự nhiên và xã hội. Nhà nước có nhiệm vụ vừa đảm bảo giữ gìn những giá trị văn hóa tinh thần gắn liền với việc khai thác giá trị thương mại, vừa phải chú trọng xây dựng, bảo vệ và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống gắn liền với phát huy vai trò của văn hóa trong sự phát triển.

Khái niệm quản lý nhà nước về văn hóa

Từ những phân tích trên có thể đưa ra định nghĩa: quản lý nhà nước về văn hóa là việc thông qua những giải pháp về pháp luật, thể chế, chính sách, kế hoạch... của nhà nước để quản lý các giá trị vật chất và tinh thần; quản lý những hoạt động văn hóa tạo thành các giá trị văn hóa mới và quản lý con người, nhằm đưa văn hóa phát triển đúng hướng theo đường lối, chủ trương của Đảng, mặt khác đảm bảo cho quyền tự do dân chủ trong hoạt động và sáng tạo văn hóa, xác lập vai trò, vị trí của văn hóa trong sự phát triển của dân tộc.

Từ định nghĩa này có thể thấy: quản lý nhà nước về văn hóa là nhà nước thực hiện quản lý văn hóa bằng các phương thức quản lý như pháp luật, thể chế, chính sách, kế hoạch...; quản lý cả những giá trị văn hóa ở dạng vật chất và tinh thần, giá trị vật thể và phi vật thể; quản lý các hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa khác nhau nhằm giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc đồng thời tạo ra những giá trị văn hóa mới tiên tiến, phù hợp với xu thế; quản lý con người, bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công vụ trong lĩnh vực văn hóa, tầng lớp các văn nghệ sĩ sáng tạo và tham gia hoạt động văn hóa, tầng lớp công chúng hưởng thụ sản phẩm văn hóa. Đảm bảo quyền tự do dân chủ trong khuôn khổ pháp luật đối với hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật; phát huy vai trò của văn hóa trong sự phát triển của nền kinh tế xã hội, từ đó xác lập vị trí văn hóa trong quá trình đi lên của dân tộc. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, nhà nước phải sử dụng một hệ thống chính sách, công cụ để điều hành nền kinh tế nhằm phát huy những mặt tích cực của nền kinh tế thị trường và hạn chế những mặt tiêu cực của nó giúp cho nền kinh tế phát triển với tốc độ ngày càng cao. Kết hợp tăng trưởng kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Kinh tế thị trường không tự nó quyết định bản chất của chế độ xã hội, mà chỉ có chế độ xã hội quyết định bản chất của thị trường. Các chế độ xã hội khác nhau có thể sử dụng kinh tế thị trường để thực hiện các lý tưởng và mục tiêu xã hội đặt ra cho mình. Về phương diện này, vai trò của quản lý văn hóa có ý nghĩa quyết định đối với định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển của thị trường.

Cuộc đấu tranh vì sự phát triển của nền văn hóa chứa đựng những giá trị tích cực với những yếu tố phản văn hóa bao giờ cũng rất quyết liệt. Bất cứ sự biến đổi của điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội nào cũng đều tác động sâu sắc đến văn hóa. Chính vì vậy, việc tiếp nhận và áp dụng những cái mới phải được chuẩn bị cả về mặt văn hóa. Mọi hình thức cưỡng chế về văn hóa là sai lầm, cần phải lên án. Muốn phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đưa các nhân tố văn hóa thấm sâu vào lĩnh vực kinh tế, kinh doanh, để kinh tế và kinh doanh ở nước ta có những bước phát triển bền vững, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa cần phải có những chính sách và giải pháp đúng đắn từ phía quản lí nhà nước cùng với sự nỗ lực chung của toàn xã hội, đặc biệt là của giới doanh nhân, giới hoạt động văn hóa và khoa học công nghệ nước ta. Một trong những quan tâm hàng đầu khi hoạch định các chính sách và giải pháp, đó là có được quan điểm đúng đắn về xây dựng một nền văn hóa tương ứng, hướng tới những giá trị nhân văn hiện đại chung toàn nhân loại, song vẫn đảm bảo giữ gìn, phát huy những nhân tố tích cực trong văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Quản lý nhà nước về văn hóa trong giai đoạn hiện nay là sự kết tinh của truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc, những nhân tố tiến bộ của thời đại và nền văn minh nhân loại. Dù thế nào đi nữa, cũng như văn hóa dân tộc nói chung, hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa phải được phát triển đảm bảo tính dân tộc về hình thức, xã hội chủ nghĩa về nội dung, thể hiện sự trao đổi các giá trị vật chất và tinh thần giữa các dân tộc trên thế giới. Quản lý văn hóa có vai trò to lớn trong việc tác động tích cực tới xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một khi nó được xây dựng và hoàn thiện sẽ đảm bảo những yêu cầu nhất định về xây dựng, thực hiện đạo đức cách mạng văn hóa công sở, kiến tạo và phát huy vai trò của triết lý kinh doanh mới. Quản lý văn hóa là một hiện tượng vật chất, tinh thần phức tạp, nhiều tầng nấc, bao gồm những mặt vật chất và tinh thần trong đời sống, hoạt động, hành vi của tổ chức đối với các chủ thể của môi trường xung quanh và với chính những thành viên của mình, nó cần phải hài hòa và tổng hợp với các nhân tố có tính văn hóa cao, góp phần đắc lực vào phát triển xã hội và con người.

Đặc điểm quản lý nhà nước về văn hóa ở Việt Nam

Văn hóa là một lĩnh vực chứa đựng nhiều nét riêng biệt, việc quản lý nhà nước về văn hóa cũng có những nét khu biệt thể hiện trên một số đặc điểm:

Văn hóa Việt Nam là một bộ phận cấu thành nên tổ chức bộ máy xã hội, chịu sự chi phối của hệ thống tư tưởng, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, do đó quản lý nhà nước về văn hóa không vượt ra ngoài khuôn khổ chính trị và pháp lý đó.

Quản lý nhà nước về văn hóa là quản lý một lĩnh vực nhạy cảm, dễ gây ngoại ứng (do văn hóa chứa đựng những yếu tố tư tưởng, tâm lý, tình cảm), đặc biệt trong bối cảnh của Việt Nam hiện nay. Vì thế, bên cạnh các biện pháp quản lý thông thường, phải có các biện pháp mang tính đặc thù gắn với từng đối tượng khác nhau.

Quản lý nhà nước về văn hóa ở Việt Nam là quản lý một lĩnh vực đa dạng, phong phú và hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhưng cũng dễ nảy sinh nhiều yếu tố phức tạp, đòi hỏi bên cạnh sự tham gia quản lý của ngành chủ quản còn phải có sự tham gia của các tổ chức chính trị, các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Vì vậy, việc huy động sự tham gia tổng thể các nguồn lực trong xã hội phải gắn liền với phương thức quản lý nhà nước về văn hóa.

Văn hóa là lĩnh vực của nhiều cặp phạm trù. Trong bản thân các cặp phạm trù đó có nảy sinh những mâu thuẫn. Mặt khác, giữa cặp phạm trù này với cặp phạm trù khác cũng nảy sinh mâu thuẫn. Ví dụ như mâu thuẫn giữa nhu cầu hưởng thụ văn hóa với khả năng đáp ứng của các hoạt động và sáng tạo văn hóa; mâu thuẫn giữa việc đảm bảo tính dân chủ trong hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật với khuôn khổ của pháp luật; mâu thuẫn giữa nhiệm vụ giữ gìn văn hóa truyền thống và sự tiếp nhận những giá trị văn hóa mới. Vì vậy, quản lý nhà nước về văn hóa đòi hỏi phải giải quyết các mâu thuẫn đó một cách hài hòa, hợp lý và hiệu quả.

Về phương diện nào đó, việc quản lý nhà nước về văn hóa trong môi trường hành chính ở Việt Nam gặp phải không ít khó khăn khi trình độ phát triển kinh tế xã hội còn thấp, những ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến còn nặng nề, mặc dù không thể phủ nhận sức sống văn hóa Việt Nam rất bền bỉ ngay cả khi có sự giao lưu, tiếp xúc và đụng độ với văn hóa ngoại sinh.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 399, tháng 9 - 2017

Tác giả : NGUYỄN THỊ HƯỜNG

;