Hầu hết các dân tộc trên thế giới đều đón tết với bầu không khí náo nhiệt, sôi động, ấy vậy mà ở đảo Bali, Indonesia lại đón tết cổ truyền Nyepi trong một không khí hoàn toàn tĩnh mịch, yên lặng đến nỗi nghe thấy từng con sóng vỗ, gió thổi từ biển, những con côn trùng đang rỉ ran trên vòm lá nảy lộc đầu xuân.
Tết Bali thường diễn ra vào tháng ba hàng năm, kéo dài trong một tuần theo lịch Saka. Năm mới (Isakawarsa) diễn ra vào ngày lễ thứ ba với việc toàn dân đều ở trong nhà, tắt đèn, đóng cửa. Đường phố vắng tanh do không có bóng người, xe cộ, khiến nó trở thành một ngày tết lạ kỳ nhất châu Á. Nói vậy, song không phải tết Bali không vui vẻ, mà ngược lại rất vui nhộn, do trước và sau ngày Nyepi đều có các hoạt động vui chơi, tâm linh đặc sắc, đậm màu nhiệt đới như: lễ cúng tế, rước tượng, tắm rửa ngoài biển, tranh giành đồ lễ, đạp lửa té nước, kéo co… Người dân nơi đây tin rằng đầu xuân, diêm vương sẽ cho ma quỷ đến trêu chọc, phá hoại làng xóm. Chúng sẽ hiện hình hoặc nhập vào kẻ xấu. Vì thế, mọi người đều quét dọn nhà cửa thật sạch, hóa trang, giữ cho tâm hồn trong sáng, tránh làm những việc khiến ma quỷ chú ý trước thềm năm mới. Người dân thường đổ ra biển cầu cúng, chế tạo các hình nộm quỷ quái, sau đó đem đốt hoặc làm huyên náo, xua đuổi bọn quỷ ra khỏi nhà.
Trước ngày tết ba hôm, người dân ở các vùng biển Pura Segara đã mặc các trang phục truyền thống màu trắng, đầu đội giỏ hoa quả rực rỡ, nô nức đi trảy hội tại đền Pura Desa, làm lễ tắm tượng để cầu xin thượng đế Sanghyang Widi Wasa tẩy sạch mọi thứ dơ bẩn trong vũ trụ, lòng người. Sự kiện chính của ngày hội là mọi người cùng rước kiệu thần ra sông, biển lấy nước trường sinh tắm tượng, gột rửa các vật thờ. Lễ phẩm sau đó được quẳng xuống biển như gửi hết tình cảm cùng những mong ước của người dân đến thần thánh. Người xem nhân dịp này tranh giành nhau đồ lễ như một biểu tượng của tài lộc, may mắn. Dường như ai cũng ướt sũng song đều hân hoan, vui vẻ cùng rước tượng trở về đền. Từ sáng sớm, nhiều người đổ ra bãi biển, hướng về phía mặt trời mọc, cầu nguyện mọi điều tai ách, xấu xa, u buồn sẽ tan biến, bản thân lấy lại được sức mạnh, sự tự tin, tinh tế từ biển, sự cân bằng trí lực từ trời đất.
Trước ngày Nyepi một hôm cũng có lễ hiến tế Caru, rước hình nhân quỷ Tawur Kesanga. Vào giữa trưa, mỗi nhà sửa soạn một mâm cỗ thịnh soạn có thịt gà, vịt hoặc dê, chó, lợn, bò cùng các loại hoa quả tươi ngon để cúng tế trước cổng. Vừa cúng, gia chủ vừa khấn mabyakala prayascita cầu xin thần linh phù hộ. Đến xế chiều thì già trẻ, lớn bé cùng cầm đuốc, xoong nồi, chiêng trống, mõ tre đi quanh nhà khua gõ inh ỏi, làm lễ Pengrupukan, kéo những hình nộm quỷ khổng lồ Ogoh-Ogoh tượng trưng cho cái ác ra khỏi nhà và làng. Sau đó, họ đốt những hình nộm nhằm tiêu trừ tai kiếp để cuộc sống tươi đẹp, trong lành hơn.
Việc làm hình nộm rất công phu, thường kéo dài cả tháng trước tết. Tùy sự tưởng tượng của mỗi nơi, mỗi nghệ nhân làm tượng mà các con quỷ được khắc họa khác nhau. Song chúng đều rất to, thường cao 7 - 8 mét, với nhiều đặc điểm dữ tợn như: mắt lồi, răng nanh, móng vuốt, nhiều tay chân, lông lá, hình thù kỳ dị. Vì khá nặng nên chúng được đỡ trên các cáng tre, cần nhiều thanh niên lực lưỡng mới kéo được. Đi sau mỗi đám rước là dàn nhạc bát âm, ngũ âm xua đuổi chúng. Mỗi làng đều làm ít nhất một vài con quỷ, có những địa phương như: Ubud, Kuta, Sanur, Denpasar… còn tổ chức thi làm hình nộm. Khoảng 5, 6 giờ chiều cho đến nửa đêm, tất cả các hình này đều được đốt sạch trong lễ Ngrupuk nhằm ăn mừng hòn đảo đã sạch hắc tính. Ngoài đốt hình nộm, mọi người còn biểu diễn các màn chạy, nhảy trên lửa, đá than nóng, hơ lửa hoặc đánh vào người bằng roi lửa với ý nghĩa tẩy trần.
Tết Bali chính thức được bắt đầu vào ngày Nyepi sau khi đuổi quỷ. Không khí vì vậy hết sức thanh bình. Về từ nguyên, Nyepi có nghĩa là tĩnh mịch. Cả hòn đảo yên tĩnh như một hoang địa, không đèn, không nến, không có tiếng động. Không ai làm việc gì mà đều tuân theo bốn điều cấm kỵ gọi là Catur Brata Penyepian, gồm: cấm lửa, cấm việc, cấm chơi và cấm đi. Ngoài ra, còn cấm ăn uống, nói chuyện, gây ồn ào. Với mục đích để tất cả có thể kiểm soát ngũ quan, bản ngã bằng trí tuệ, sự khôn ngoan, giữ cho năm mới an lành. Thiên nhiên cũng được nghỉ ngơi, cân bằng sau cả một năm dài xáo động.
Sau ngày Nyepi là ngày Ngemak Geni, đây là dịp mọi hoạt động trở lại bình thường. Mọi người đến nhà nhau chúc Tết, cùng hướng tới một năm mới với nhiều niềm vui. Gia chủ thường cầm sẵn trên tay các khay bánh kẹo mời khách. Sau đó, họ rủ nhau đi lễ, đọc kinh Sloka, Kekidung, Kekawi, tham gia lễ hội té nước, kéo co và ôm hôn với ý nghĩa phồn thực đem lại chiến thắng, hạnh phúc, tình yêu. Cuối cùng, muôn nhà đều cầu kinh Darma Canthi tại gia đình, đền đài, khép lại tuần lễ thiêng liêng.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 380, tháng 2-2016
Tác giả : CHU MẠNH CƯỜNG