Tính nghệ thuật trong sản phẩm đậu bạc Định Công

Hà Nội vốn được biết tới là nơi quy tụ nhiều ngành thủ công truyền thống với những “làng nghề, phố nghề Thăng Long”- nơi nét văn hóa làng nghề tụ hợp. Trong số đó phải kể tới làng nghề kim hoàn Định Công (quận Hoàng Mai, Hà Nội) nổi tiếng về kỹ thuật đậu - tương truyền do ba tổ nghề là Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền truyền lại cho dân làng từ TK VI sau công nguyên. Cho tới tận ngày nay, kỹ thuật đậu đã trải qua bao thăng trầm trong quá trình phát triển, nhưng những sản phẩm tinh xảo được tạo thành từ những sợi chỉ vàng, bạc vẫn níu giữ ánh nhìn và sự ngưỡng mộ của du khách trong và ngoài nước.

Đĩa treo lưu niệm - Ảnh: Hương Ly

Vốn nằm trong kỹ thuật kim hoàn gồm “trơn, đấu, đậu, chạm”, kỹ thuật đậu bắt đầu xuất hiện hình thức sơ khai được ghi nhận từ thời Cổ đại tại Ai Cập. Trong suốt chiều dài lịch sử, kỹ thuật đậu ngày càng được phát tán rộng rãi thông qua quá trình buôn bán và chiến tranh xâm lược, đồng thời phát triển ngày càng tinh xảo. Hòa trong dòng chảy đó, kỹ thuật đậu đã được ba tổ nghề vốn là người dân làng Định Công học được rồi truyền lại cho dân làng vào TK VI và phát triển dần thành một nhánh riêng của kim hoàn với những đặc điểm, đặc trưng riêng.

Từ thời Phong kiến đến năm 1945, kỹ thuật đậu vẫn tiếp tục tồn tại và phát triển ngày càng trở nên tinh xảo. Sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu thời kỳ này thường được thể hiện ở các món đồ trang sức như vòng tay, nhẫn, trâm cài… hay những hình rồng phượng bay bổng uy nghiêm trên trang phục, mũ miện của vua chúa, sau này là các quý tộc Pháp trong thời kỳ Pháp xâm lược. Chất liệu của sản phẩm kỹ thuật đậu thời kỳ này chủ yếu là vàng, chất liệu bạc không nhiều. Cùng với xu hướng trang sức thời kỳ phong kiến sử dụng ngọc và đá quý, sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu cũng dần kết hợp với các chất liệu này. Phom dáng sản phẩm cho thấy việc sử dụng hình hoa lá thiên nhiên, động vật một cách trung thành với hiện thực được ưa chuộng.

Từ năm 1945 đến nay, trải qua những thăng trầm do chiến tranh và sự biến động của thị trường cũng như sự thay đổi của chính sách, trang sức sử dụng kỹ thuật đậu dù không còn được ưa chuộng như trước nhưng vẫn được thiết kế và sản xuất, phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu ra nước ngoài. Bên cạnh các sản phẩm trang sức, sản phẩm mỹ nghệ sử dụng kỹ thuật đậu cũng được ưa chuộng với tạo hình về hình học, hình người, hình động vật, hình đồ dùng sinh hoạt, công trình kiến trúc… được cách điệu. Hiện nay, còn xuất hiện dòng tranh mỹ nghệ sử dụng kỹ thuật đậu làm quà tặng thể hiện sự sáng tạo của các nghệ nhân. Do sự thay đổi về giá thành chất liệu, các sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu hiện nay được sử dụng kim loại bạc là chủ yếu, còn kim loại đồng, kim loại vàng chỉ được sử dụng khi có yêu cầu của người sử dụng. Đó là lý do nói tới sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu hiện nay tại Việt Nam, thường người dân chỉ biết tới đậu bạc Định Công. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, xu hướng sử dụng các chất liệu khác kết hợp cùng bạc trong sản phẩm trang sức đậu bạc như ngọc trai, vỏ bào ngư, vỏ trai, đá quý, đá màu công nghiệp cũng ngày càng được khách hàng ưa chuộng. Một số sản phẩm còn được xi vàng bên cạnh màu bạc trắng tạo thêm sự phong phú về màu sắc cho sản phẩm. Bên cạnh đó, xu hướng tạo khối sản phẩm cũng được chú ý. Các sản phẩm trang sức sử dụng kỹ thuật đậu thay vì nằm trên mặt phẳng hoặc được hàn gắn nhiều bộ phận thành khối hình cầu, giờ đây được tạo hình với khung ngoài có độ uốn vặn chuyển động liên tục tạo khối, họa tiết bên trong thưa thoáng tạo sự đơn giản, khỏe khoắn. Một cách thức khác của tạo khối sản phẩm là hàn gắn nhiều phần của sản phẩm thành khối từ 2-3 lớp trở lên. Đồng thời, xu hướng giả cổ cũng là hướng phát triển được các nghệ nhân thực hiện bằng việc phục dựng lại vẻ đẹp của những hình dáng, họa tiết sản phẩm các thời kỳ trước. Dựa trên kiến thức của mình, các nghệ nhân có thể mô phỏng hoặc cách điệu sản phẩm mang đặc trưng của các nền nghệ thuật trong quá khứ, thường là trang sức đậu bạc phục vụ cung đình. Một điểm thay đổi nữa của sản phẩm trang sức đậu bạc trong thời gian gần đây chính ở việc người sử dụng thay vì dùng các sản phẩm đơn chiếc đã sử dụng cả bộ sản phẩm với kiểu hình, ý tưởng, trang trí tương đồng nhau và mở rộng thêm cả môi trường sử dụng. Nếu trước đây, trang sức sử dụng kỹ thuật đậu thường là sản phẩm đơn, phục vụ đời sống thường ngày như dây chuyền, khuyên tai, vòng tay, nhẫn, cài áo... thì hiện nay đã phát triển thành các bộ trang sức đậu bạc, thường là bộ trang sức dùng trong sinh hoạt thường ngày, và một số ít là các bộ trang sức dùng trong các buổi dạ tiệc, cưới hay vương miện nhỏ, với số lượng từ 2-3 sản phẩm trong cùng một bộ.

Ghim cài áo - Ảnh: Hương Ly

Điểm khác biệt của kỹ thuật đậu so với các kỹ thuật khác chính ở quy trình thực hiện và các họa tiết sử dụng. Kỹ thuật đậu hoàn toàn được thực hiện thủ công, áp dụng quy trình chế tác kim hoàn truyền thống, bao gồm: đúc bạc thành thỏi bằng cách nấu chảy, sau đó cán và kéo thành các sợi chỉ nhỏ. Có nhiều loại sợi chỉ trong kỹ thuật đậu, gồm chỉ khung, chỉ cành, chỉ cánh, chỉ se thô, chỉ se vừa, chỉ nghiễn, chỉ trơn. Trong đó, chỉ se vừa và chỉ se thô dùng để uốn họa tiết, được làm từ bạc nguyên chất. Chỉ se vừa được kéo mảnh như sợi tóc tới 0,28mm, chỉ se thô lớn hơn một chút so với chỉ se vừa. Còn lại, các loại chỉ cánh, chỉ cành, chỉ khung đều được pha thêm một lượng nhỏ các chất khác vào bạc nguyên chất, thường gồm 5% đồng đỏ và 95% bạc, nhằm tăng độ cứng và làm khung ngoài họa tiết tùy theo độ lớn của từng loại chỉ. Chỉ nghiễn hiện không còn được sử dụng. Đối với chỉ se, do sợi bạc sau khi se sẽ có độ dày lớn hơn so với yêu cầu ban đầu và có khối nổi. Bởi vậy, người thợ kim hoàn sẽ cán dẹp lần nữa sợi bạc se để có độ dày theo ý muốn và làm xuất hiện các điểm cát sần.

Nghệ thuật đậu không chỉ được thể hiện ở chất liệu, chủ đề sáng tác mà còn được thể hiện trong họa tiết trang trí với các dạng họa tiết chính như họa tiết guột, họa tiết sòi và các biến thể của hai dạng họa tiết này được tạo thành từ những sợi chỉ bạc được cán, tết, uốn sợi bạc.

Họa tiết guột thường là sợi chỉ se được cuốn thành một vòng tròn ban đầu và tiếp tục được xoắn thành hai hoặc vài vòng liên tục từ vòng tròn đã có, được dùng nhằm mục đích xen vào các khoảng trống giữa các họa tiết hoặc tăng khoảng thưa thoáng của sản phẩm, tạo điểm nghỉ mắt giữa các mảng họa tiết dày đặc.

Guột lá: người thợ cuốn tròn họa tiết từ tâm, sau khi đã tạo ra sòi hình tròn sẽ thả lỏng cuốn. Sau đó bóp họa tiết dẹt lại và thuôn về hai đầu theo trục thẳng. Guột lá là dạng họa tiết có nhiều biến thể nhất trong các họa tiết của đậu bạc Định Công.

Với họa tiết sòi có ba dạng chính như sòi đơn, sòi hình tròn, sòi hình mắt (sòi elip). Sòi đơn: gần giống với guột, sòi đơn là các dạng họa tiết có số vòng cuốn ít, thường trong khoảng từ 1 tới vài vòng cuốn. Trong sòi đơn có nhiều loại: sòi tim, sòi chữ S, sòi ấu, sòi số 9… Sòi hình tròn: người thợ kim hoàn dùng sợi chỉ se vừa cuốn tròn thật chặt tay từ tâm họa tiết. Đây là dạng họa tiết cơ bản nhất, từ đó thực hiện các dạng họa tiết khác. Sòi hình tròn cũng là họa tiết thường được sử dụng nhiều nhất, được biến thể từ hoa văn hình xoáy ốc của dân tộc Việt. Sòi hình mắt (sòi hình elip): sau khi cuốn tròn họa tiết, người thợ kim hoàn bóp giữa thân nhằm kéo dài họa tiết để tạo sòi hình mắt, sao cho hai đầu họa tiết vẫn giữ được đường cong tròn.

Sau khi hoàn thiện, họa tiết sẽ được quết một lớp mỏng vẩy hàn (1) trên bề mặt và dùng lửa đèn khò hàn họa tiết. Bên cạnh việc chăm chút cho họa tiết, người thợ sau khi dựng khung sản phẩm sẽ hàn ghép các họa tiết nhỏ vào khung trên cùng mặt phẳng. Tùy độ dày mỏng, vị trí của từng chi tiết, người thợ kim hoàn điều chỉnh độ nóng của mỏ hàn, độ lớn của lưỡi lửa nhằm tránh tình trạng bạc co rúm hoặc chảy tràn vào nhau làm hỏng sản phẩm. Sau khi hàn hoàn thiện, nếu sản phẩm cần độ cong, người thợ kim hoàn sẽ đặt sản phẩm lên bề mặt lõm và gõ nhẹ dần dần để sản phẩm có độ cong thích hợp. Sau đó, người thợ kim hoàn tiếp tục giũa trau chuốt lại sản phẩm, làm sạch, có thể gắn đá và đánh bóng hoàn thiện sản phẩm.

Cầm trên tay sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu của làng nghề Định Công, người sử dụng hoàn toàn có thể cảm nhận được sự tinh xảo và tính cần cù, cẩn thận, đòi hỏi sự kiên nhẫn cùng hàng giờ tập trung thực hiện, sự chăm chút trong từng sản phẩm của các nghệ nhân làng nghề. Nét đặc trưng của những sản phẩm đậu bạc Định Công là sự thanh mảnh, trang trí khắp bề mặt mà vẫn gợi cảm giác thưa thoáng, mang vẻ đẹp thanh thoát, nhẹ nhàng, lịch lãm. Màu trắng sáng của kim loại bạc mang tới vẻ đẹp sang trọng. Đặc biệt, vẻ đẹp của sự đối lập giữa “cát” sần, trắng đục của họa tiết với chỉ trơn xung quanh trơn, nhẵn, sáng bóng càng tạo nên sự thu hút cho sản phẩm. Bằng cách se chỉ rồi cán tạo các điểm sần trên sợi họa tiết khiến thay đổi khả năng phản xạ ánh sáng của sợi tạo ra vẻ lung linh, mờ ảo, càng làm tăng thêm chiều sâu cho chất liệu kim loại bạc trên cùng một sản phẩm sử dụng kỹ thuật đậu. Cách thức trang trí và tạo hình sản phẩm đậu bạc Định Công chủ yếu theo nguyên lý môđun với các họa tiết và khung hình liên tục được lặp lại trong cùng một sản phẩm. Ngoài ra, không thể không nhắc tới quan niệm dân gian: kim loại bạc có tính “kỵ gió”, kháng khuẩn, bảo vệ sức khỏe người sử dụng. Bởi vậy, sản phẩm của làng nghề Định Công thu hút được khách hàng cả trong và ngoài nước, đặc biệt trong giai đoạn trước đổi mới 1986.

 Tuy nhiên, từ đó đến nay, do cả lý do chủ quan và khách quan như vấn đề về đào tạo nghề, mẫu mã sản phẩm, về vốn, về định hướng mở rộng thị trường, kiểm định sản phẩm… khiến sản phẩm làng nghề Định Công đang dần đánh mất sự chú ý của khách hàng. Có thể thấy việc đào tạo ra một người thợ lành nghề đã khó, mà việc đào tạo một thợ kim hoàn chuyên về đậu bạc lại càng khó hơn do vấn đề kinh phí đào tạo, mức lương và nhu cầu sử dụng lao động trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm đậu bạc khá ít. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm ít thay đổi, dù trong trang sức hay đồ mỹ nghệ, đều khiến khách hàng ít lựa chọn, khó cạnh tranh với các sản phẩm trang sức - mỹ nghệ bạc khác ngay trên thị trường trong nước. Tình trạng thiếu vốn, thiếu định hướng khiến các xưởng sản xuất loay hoay đi tìm thị trường cho mình càng khiến nghề đậu bạc hiện nay chỉ còn giá trị gìn giữ, lưu truyền quy trình kỹ thuật thay vì phát triển. Bên cạnh đó, do đặc tính của bạc dễ bị oxy hóa gây tình trạng xỉn màu mà sản phẩm đậu bạc phải thực hiện trên bạc nguyên chất nên độ cứng kém, dễ biến dạng nếu bị va đập, giá thành đắt và khó sản xuất hàng loạt. Chính điều này đang dần dẫn tới sự mai một của làng nghề.

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, với sự nỗ lực của các nghệ nhân làng nghề Định Công và sự chú trọng của các ban ngành liên quan, kỹ thuật đậu của làng nghề Định Công đang dần được phổ biến rộng rãi hơn thay vì chỉ lưu truyền trong các thế hệ của gia đình và nghệ thuật đậu Định Công cũng dần được người sử dụng lưu tâm, dù vẫn chưa đủ để phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn tạo ra hy vọng về làng nghề đậu bạc Định Công phát triển thịnh vượng một lần nữa trong tương lai.

_____________________

1. Vẩy hàn: hỗn hợp các chất được trộn lẫn nhằm nung chảy bằng mỏ hàn trước khi kim loại được hàn nóng chảy và dính các điểm hở của sản phẩm trang sức với nhau mà màu sắc trên kim loại tương ứng. Hiện nay, tỷ lệ pha các kim loại trong vẩy hàn là bí mật gia truyền tại làng nghề Định Công.

NGUYỄN HƯƠNG LY

Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022

;