Nằm ở phía Tây Âu, Hà Lan thường được biết đến là xứ sở của loài hoa tulip, quê hương của những chiếc cối xay gió. Nhưng trước đây, nhiều vùng đất Hà Lan bị bùn đất bao phủ. Cả phía Tây và phía Bắc nước này đều giáp với biển Bắc. Khoảng một phần tư diện tích đất liền nơi đây thấp hơn so với mực nước biển.Địa thế đó khiến hầu hết đất trồng ở Hà Lan tích nước, lầy lội. Các sông hồ luôn đóng băng vào mùa đông khiến cho việc trồng trọt trở nên khó khăn. Khắc phục sự khó khăn đó, người Hà Lan đã sáng tạo một loại guốc đặc biệt, giúp họ có thể đi trên những con đường đặc quánh bùn.
Những đôi guốc gỗ là một bộ phận quan trọng, góp phần tạo nên trang phục truyền thống của người Hà Lan. Theo nhiều tài liệu, guốc gỗ xuất hiện ít nhất cách đây 800 năm. Một số hình ảnh minh họa, các bức tranh cổ được tìm thấy tại vùng than bùn thuộc thành phố Amsterdam và Rotterdam vào năm 1230, 1280đã cung cấp thêm bằng chứng về lịch sử của guốc gỗ Hà Lan.
Làm một đôi guốc gỗ tưởng chừng đơn giản nhưng thực tế lại rất khó khăn. Để tạo ra một đôi guốc đi lại thoải mái, vừa vặn với đôi chân, hữu ích với cuộc sống, giá thành rẻ, mà chỉ làm từ hai miếng gỗ là một thách thức lớn đối với người thợ. Họ sử dụng hai miếng gỗ, khoét rộng miệng, tạo thành đôi guốc với đế chắc chắn. Mũi guốc vểnh lên như hình chiếc thuyền. Trong lòng guốc, người Hà Lan thường đệm thêm rơm để đi cho êm, ấm chân vào mùa đông. Phổ biến nhất là những đôi guốc được sơn màu da cam truyền thống và trang trí hình chú sư tử Hà Lan hay màu quốc kỳ: đỏ, trắng, xanh da trời. Khi đi đôi guốc này vào mùa đông sẽ thấy ấm, mùa hè sẽ thấy mát và không sợ dính nước hay bị vật sắc nhọn đâm vào chân. Những người lao động, đặc biệt là nông dân và ngư dân thường đi guốc gỗ đi làm.Trẻ em cũng đi guốc gỗ đi học.
Làng nghề guốc gỗ đầu tiên ở Hà Lan được hình thành từ những năm 1570. Trước đây, guốc gỗ tuy được làm bằng tay nhưng rất khéo léo. Mỗi đôi đều phảicân đối, tương xứng. Đôi guốc được xử lý ít nhất 25 lần trong suốt quá trình sản xuất.Để biến một khúc gỗ thô thành một chiếc guốc trang trí bắt mắt, quá trình này kéo dài đến tận một tháng.Đến đầu TK XX, máy móc sản xuất guốc gỗ bắt đầu xuất hiện ở Hà Lan. Các sản phẩm ra đời ngày càng đa dạng, giá thành rẻ hơn.Ngày nay, các khâu đẽo, gọt đều sử dụng bằng máy móc.Khi sử dụng mô hình kỹ thuật, các bộ phận bên trong đôi guốc chỉ cần khoảng 2 phút là hoàn thiện xong. Sở hữu những cánh rừng bạch dương bạt ngàn với chất gỗ tốt, người thợ đã sản xuất ra những đôi guốc gỗ mộc mạc, đơn sơ nhưnghữu ích với người dân trong cuộc sống hàng ngày.
Guốc gỗ gắn bó với đời sống của người nông dân Hà Lan, trở thành nét đặc trưng văn hóa của quốc gia này. Đôi guốc gỗ không thể thiếu trong điệu nhảy truyền thống Klompendanskunt tại các lễ hội Hà Lan. Đôi guốc dùng để nhảy thường được đóng bởi gỗ tần bì, màu sắc trang trí bắt mắt, nhẹ hơn bình thường. Các vũ công tạo ra điệu nhảy vui nhộn bằng cách gõ mũi và đế guốc xuống sàn gỗ. Guốc phát ra những âm thanh vui tai, tạo nhịp cho điệu nhảy.
Ở Hà Lan, guốc gỗ còn là vật đính ước, trở thành một phong tục truyền thống trong lễ cưới. Khi đính hôn, người chồng sắp cưới thường làm một đôi guốc gỗ thanh lịch dành tặng vợ sắp cưới. Bởi thời xưa, bàn chân được quan niệm như một biểu tượng của sự khiêu gợi, quyến rũ. Trao tặng những đôi guốc cưới đã trở thành một phong tục đẹp lâu đời của đất nước Hà Lan. Những họa tiết tinh tế trên guốc như thể hiện niềm tin, sự hy vọng, tình yêu thủy chung của đôi uyên ương. Một họa tiết điển hình thường bắt gặp ở mỗi đôi guốc chính là hai trái tim gắn chặt nhau, kết hợp với chiếc nơ Thổ Nhĩ Kỳ như biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Từ những ngày đầu khi lễ đính hôn được thông báo, cô dâu đã có thể đi đôi guốc như một dấu hiệu để tất cả mọi người biết cô ấy sắp cưới. Cô gái có thể tiếp tục đi đôi guốc ấy khi đã trở thành vợ nhưng thường họ sẽ trưng bày đôi guốc ở vị trí trang trọng nhất trong nhà như một sự hãnh diện, tự hào. Đặc biệt, có đám cưới, chủ nhà còn tặng guốc cho cả những vị khách đến dự.
Guốc gỗ trở nên khá phổ biến, mỗi vùng lại có những kiểu dáng đặc biệt, mang nét đặc trưng riêng.Tại những buổi họp chợ gia súc, mọi người từ nhiều vùng khác nhau tụ họp về đây. Khi nhìn vào mỗi đôi guốc, có thể biết được họ đến từ vùng nào.Những người phụ nữ đến từ đảo Marken thì thích trang trí nhiều màu sắc lên guốc như: vẽ hoa hồng đỏ xen với những chiếc là vàng, lá xanh trên nền đen. Thỉnh thoảng, nếu muốn đánh dấu guốc của mình, họ có thể sơn màu tối và viết tên bằng màu trắng lên đôi guốc. Người dân Hà Lancòn đi những đôi guốc gỗ trang trí lộng lẫy khi đi nhà thờ vào chủ nhật hoặc những ngày lễ đặc biệt.
Vào thế chiến thứ II, gỗ trở nên khan hiếm.Vì vậy, guốc gỗ Hà Lan đột nhiên biến mất trên thị trường. Không còn những xưởng sản xuất guốc và hiếm thấy người nào còn đi guốc gỗ. Giày da bắt đầu được xem là sản phẩm thay thế, phổ biến ngày càng nhiều.Sau đó không lâu, guốc gỗ trở lại với tên gọi mới là: swedish, kiểu dáng đế gỗ nhưng phần trên được làm bằng da. Swedish nhanh chóng được ưa chuộng và trở nên thời thượng, đặc biệt là dành cho phái nữ. Giữa năm 1940 và 1945, guốc gỗ được thay đổi tại hầu hết các nhà máy chế biến gỗ, nổi tiếng nhất là nhà máy Bruynzeel ở Zaandam. Lúc đầu, chỉ có đế guốc được làm bằng gỗ còn quai guốc được làm bằng da và ghim chặt vào thành đế. Dần dần, để bảo vệ đôi chân khỏi mùa đông băng giá, người dân Hà Lan đã thay thế hoàn toàn quai da bằng gỗ.
Guốc gỗ đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Hà Lan nên không có gì ngạc nhiên khi từ klompen (guốc gỗ) dần đi vào lời ăn tiếng nói của người dân nơi đây. Khi nói “thấy cái gì đó trên chiếc guốcgỗ” có nghĩa: “điều gì đó thực sự hiển nhiên”; “treo đôi guốc gỗ lên cây liễu” có nghĩa: “dừng làm một việc gì đó”.
Ngày nay, mặc dù ngành công nghiệp da giày ở Hà Lan đã phát triển song nhiều người nông dân và ngư dân vẫn giữ thói quen đi guốc gỗ. Ở đâu tại Hà Lancũng có thể bắt gặp hình ảnh guốc gỗ, có thể ở trong vườn, trước cửa hay treo trên tường nhà. Trong các gia đình Hà Lan vẫn luôn có chỗ dành riêng cho đôi guốc gỗ. Ngay cả tại lễ hội đua thuyền, người dân cũng thiết kế những chiếc thuyền giống hình chiếc guốc.Mỗi lần đến thăm đất nước Hà Lan, du khách đều có thể tìm mua những đôi guốc gỗ làm kỷ niệm với nhiều kích cỡ khác nhau, từ những đôi guốc mini để làm móc treo chìa khóa đến những đôi guốc khổng lồ để trưng bày. Guốc gỗ đã trở thành biểu tượng của Hà Lan, là nét đẹp văn hóa của riêng xứ sở hoa tulip.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 378, tháng 12-2015
Tác giả : NGUYỄN LIÊN HƯƠNG